Khởi điểm
của thiếu niên Giô-sép là niềm tin nơi Đức Chúa Trời và tấm lòng kính sợ Đức
Chúa Trời.
Kính sợ Đức Gia-vê,
ấy là khởi đầu sự khôn ngoan;
Sự nhìn biết Đấng
Thánh, đó là sự thông sáng.
(Châm Ngôn 9:10)
Đây là điều vô cùng quan trọng trong cuộc đời của người tin Chúa. Nhiều
người tin Chúa nhưng không kính sợ Chúa. Thiếu niên Giô-sép tin Chúa và kính sợ
Chúa. Trong thời gian làm nô lệ trong nhà Phô-ti-pha, từ tuổi thiếu niên bước vào tuổi thanh niên, Giô-sép luôn luôn kiên trì trong đức tin nơi
Chúa, kiên trì kính sợ Chúa, kiên trì làm việc với khả năng Chúa ban cho. Rồi
vì kiên trì trong nếp sống tránh xa tội lỗi, thanh niên Giô-sép bị tù oan và sống
chung với nhiều phạm nhân. Quan hầu rượu và quan hầu bánh của vua Ai Cập phạm tội khi quân (Sáng
Thế Ký 40:1) nên bị Pha-ra-ôn giam vào ngục, nơi thanh niên
Giô-sép đang thụ án cách oan ức.
Nhiều
năm về trước thiếu niên Giô-sép nhận được hai điềm chiêm bao. Nay, ở trong tù,
chàng chẳng được Đức Chúa Trời mách bảo qua chiêm bao gì cả. Oái oăm là Đức
Chúa Trời lại cho quan hầu rượu và quan hầu bánh của vua điềm chiêm bao. Người
kính sợ Chúa, sống theo luật lệ Chúa không được Chúa bày tỏ gì cả, còn người Ai
Cập không tin, không thờ Chúa lại nhận được điềm chiêm bao. Thế nhưng đó là ý
muốn của Chúa.
Thanh niên Giô-sép hỏi thăm quan hầu rượu và quan hầu bánh. Họ nói: “Chúng tôi thấy chiêm
bao nhưng không có ai giải thích cả.” (Sáng Thế Ký 40:8a) Đối
diện với nan đề của người khác, thanh niên Giô-sép không khoe khoang mình là
ai, chàng nói: “Việc giải chiêm bao chẳng
phải thuộc về Đức Chúa Trời sao? Xin hai vị cứ thuật lại chiêm bao ấy cho tôi
đi.” (Sáng Thế Ký 40:8b) Khi nói như thế Giô-sép biết rằng nếu không nhờ Đức Chúa Trời ban cho sự
khôn ngoan thì không thể giải thích chiêm bao của quan hầu rượu và quan hầu
bánh. Khi xin hai quan thuật lại chiêm bao cho mình, chàng tin rằng Đức Chúa Trời
sẽ ban cho mình sự khôn ngoan để giải thích ý nghĩa của chiêm bao.
Thanh niên Giô-sép chẳng những có sự khôn ngoan khi kính sợ Đức Chúa Trời, chàng còn xin Đấng Khôn Ngoan ban cho chàng sự khôn ngoan. Như nhà vua trẻ Sa-lô-môn thưa với Chúa: “Xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng.” (1Các Vua 3:9) Lời Chúa qua ông Gia-cơ khuyên thanh thiếu niên hiện đại nên khiêm tốn thú nhận mình thiếu sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời, nên cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan để có thể giúp đỡ, giải đáp những nan đề cho người xung quanh. Nếu người nào trong anh em thiếu khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban cho, vì Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không lời phiền trách. (Gia-cơ 1:5 – BTTHĐ)
Thanh
niên Giô-sép tin tưởng nơi ý nghĩa trong điềm chiêm bao của quan hầu rượu nên
chàng nhờ ông minh oan cho mình: “Xin
ông nhớ đến tôi, làm ơn tâu với Pha-ra-ôn về trường hợp của tôi.” (Sáng Thế Ký
40:14 – BTTHĐ) Thế nhưng khi mọi việc
xong xuôi, quan hầu rượu không
nhớ gì đến Giô-sép (Sáng Thế Ký 40:23 – BTTHĐ). Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng minh oan và
khôn ngoan; Ngài không quên Giô-sép. Theo chương trình và ý định của Ngài, hai
năm sau, chẳng những quan hầu rượu nhớ đến tù nhân Giô-sép để minh oan cho
chàng mà ông còn giới thiệu sự khôn ngoan của chàng cho minh quân của Ai Cập là
Pha-ra-ôn.
Khi
Pha-ra-ôn nói với tù nhân Giô-sép: “Trẫm có một giấc mộng mà không ai có thể giải thích được. Trẫm nghe
nói rằng ngươi chỉ cần nghe kể lại giấc mộng là có thể giải nghĩa được.” (Sáng
Thế Ký 41:15 – BTTHĐ) Một lần nữa thanh niên Giô-sép xác định: “Đó chẳng phải hạ thần mà là Đức Chúa Trời sẽ đem lời giải đáp an lành
cho bệ hạ.”
Người kính sợ Chúa, có mối tương giao tốt đẹp với Chúa và cầu xin sự khôn ngoan
của Đức Chúa Trời luôn luôn nói như vậy.
Thanh
niên Giô-sép thường xuyên sống với sự khôn ngoan do Chúa ban cho; nay chàng
cũng nhờ sự khôn ngoan Chúa ban cho để giải điềm chiêm bao của Pha-ra-ôn: “Đức
Chúa Trời đã báo cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm.” (Sáng Thế Ký
41:25 – BTTHĐ)
Trước mặt Pha-ra-ôn, bốn lần tù nhân Giô-sép nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của
Đức Chúa Trời là Đấng Khôn Ngoan liên quan đến điềm chiêm bao của vua: “Chẳng phải hạ thần mà là Đức Chúa Trời sẽ
đem lời giải đáp an lành cho bệ hạ. Đức Chúa Trời đã báo cho bệ hạ biết trước
những việc Ngài sẽ làm. Đức Chúa Trời đã cho bệ hạ thấy những việc Ngài sẽ làm.
Đức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài sẽ nhanh chóng thực hiện.”
(Sáng Thế Ký 41:16, 25, 28, 32)
Qua đời sống của mình, bằng lời nói của mình, thanh niên Giô-sép tôn
vinh Đức Chúa Trời nên Đức Chúa Trời dùng Pha-ra-ôn để tôn vinh chàng. Trước mặt
các triều thần, Pha-ra-ôn nói với tù nhân Giô-sép: “Vì Đức Chúa Trời bày tỏ
cho ngươi biết tất cả những việc này, nên chẳng còn ai khôn ngoan sáng suốt hơn
ngươi cả.” (Sáng Thế Ký 41:39 – BTTHĐ)
Khi trở thành nhân vật số hai tại Ai Cập, ông Giô-sép vận dụng khả năng
và sự khôn ngoan do Đức Chúa Trời ban cho để làm Xa-phơ-nát Pha-nê-ách
(Zaphenath paaneah: vị cứu tinh, người cầm giữ sự sống) cho dân Ai Cập và vô số
người trên thế giới cũng bị hạn hán, đói kém.
XuânThu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét