Thiếu
niên Giô-sép ở trong hố nước một thời gian ngắn, nhưng ở trong thế giới Ai Cập
một thời gian dài. Chẳng ai muốn bị quăng xuống hố, cũng chẳng ai muốn xa gia
đình lẫn xa cuộc sống quen thuộc rồi sống trong thân phận nô lệ.
Về sau,
khi gặp lại các anh, ba lần Giô-sép nhắc đến “Đức Chúa Trời”, hai lần Giô-sép
nói: “Đức Chúa Trời sai tôi đến
đây trước các anh...” (Sáng Thế Ký 45:5, 7) Các anh bán tôi, nhưng thật ra Đức Chúa Trời sai
tôi.
Suốt thời
gian dài kiên trì sống trong vô vọng nơi đất khách quê người, thiếu niên
Giô-sép đã làm mọi việc với khả năng Chúa ban cho trong thân phận làm nô lệ,
thuộc thành phần thấp hèn nhất trong xã hội. Chúng ta không thể xác định
Giô-sép là người đầy tớ được Chủ (Đức Chúa Trời) giao cho mấy ta-lâng. Một
ta-lâng, hai ta-lâng, hoặc năm ta-lâng? Thoạt đầu, có thể thiếu niên Giô-sép được
giao một ta-lâng, sau đó khi ta-lâng này đã sinh lợi, cậu nhận được những
ta-lâng khác.
Ta-lâng
Chúa cho Giô-sép là ta-lâng nào? Khởi đầu, khi làm nô lệ cậu có “ta-lâng làm việc”,
cụ thể là lao động chân tay. Thiếu niên Giô-sép không dùng ta-lâng Chủ giao cho
để đi thi “Got Talent”, phân tài cao thấp với người khác, hoặc để khẳng định
chính mình. Trái lại, thiếu niên Giô-sép dùng khả năng Chúa ban cho để siêng
năng làm việc, làm những việc lớn lao hoặc nhỏ nhặt, sạch sẽ hoặc dơ bẩn do ông
chủ Phô-ti-pha giao.
Nô lệ
Giô-sép, quản gia Giô-sép, tù nhân Giô-sép trong mọi việc lớn nhỏ, dễ dàng hoặc
khó khăn, trong vai trò quản gia, quản lý là bài học cho các “Giô-sép” thời hiện
đại siêng năng chăm chỉ làm việc theo khả năng Chúa ban cho. Bài học cho giới
trẻ Cơ Đốc hiện đại là: Hễ làm
việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người
ta. (Cô-lô-se 3:23)
Kiên
trì, siêng năng làm việc, thậm chí phải làm những việc mình không thích là
thách thức cho giới trẻ hiện đại. Nhiều “Giô-sép” thời hiện đại chỉ thích làm
những việc họ thích như đi chơi, ăn uống, tụm năm tụm ba nói chuyện,... còn những
việc như quét nhà, lau nhà, dọn dẹp, đi chợ, nấu ăn,... là việc của “ô-sin”
(ông bà, cha mẹ, hoặc người thân trong nhà). Nhiều bạn trong giới trẻ ngày nay
trở thành những thanh thiếu niên lười biếng – lười làm việc, lười học tập, lười
hoạt động đóng góp cho xã hội mà họ đang sống.
Thiếu
niên Giô-sép kiên trì sống với khả năng Chúa ban cho nên nhận ra rằng các thành
quả mình đạt được là nhờ Đức Chúa Trời. Trong khi cậu làm việc chẳng phải chỉ
có nô lệ Giô-sép với chủ Phô-ti-pha, hoặc nô lệ Giô-sép với công việc mà còn có
thiếu niên Giô-sép với Đức Chúa Trời; có Đức Chúa Trời hiện diện và chăm sóc cậu
lẫn giúp đỡ cậu làm việc. Thiếu niên Giô-sép siêng năng làm việc thì được Đức
Gia-vê phù hộ. (Sáng Thế Ký 39:2) đến nỗi chủ thấy Đức Gia-vê phù hộ chàng (Sáng Thế Ký 39:3). Người sống với khả năng
Chúa ban cho sẽ bày tỏ Chúa qua công việc của mình dù chỉ là những việc bình
thường. (Bốn lần cụm từ Đức Gia-vê phù hộ
được đề cập
trong Sáng Thế Ký 39.)
Chẳng
những Đức Chúa Trời ban cho thiếu niên Giô-sép khả năng để làm việc tại Ai Cập,
Ngài còn ban cho Giô-sép khả năng đắc thắng tội lỗi. Thành công, được tiến thân
trong xã hội Ai Cập có thể khiến bạn đồng lõa với người khác và phạm tội với họ.
Cần tâm niệm rằng bạn sống trong thế gian, làm việc trong thế gian nhưng không
“gian như thế”.
Thanh
thiếu nhi ngày nay phấn đấu giữa vòng “Ai Cập” nhưng thiếu lòng kính sợ Chúa. Sống
trong thế gian nhưng không nhờ cậy Chúa, không tin rằng Chúa ban cho khả năng đắc
thắng tội lỗi. Các “Giô-sép” thời hiện đại cần học nơi Giô-sép tinh thần cương
quyết không phạm tội:
(1) Giô-sép từ chối phạm tội.
(2) Giô-sép tuyên bố: “Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy mà
phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” (Sáng Thế Ký 39:10)
(3) Giô-sép tránh xa môi
trường cám dỗ: chạy trốn ra
ngoài. (Sáng Thế Ký 39:12)
(4) Giô-sép trả giá khi
không chịu phạm tội: Bị vu oan, bị tù oan. (Sáng Thế Ký 39:13-20) Trong tất cả
những việc đó, Giô-sép là hình ảnh của người kính sợ Chúa, sống với khả năng đắc
thắng tội lỗi.
XuânThu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét