Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Ngày 30 tháng 9. GIÀU MÀ DẠI KHÔNG BẰNG NGHÈO MÀ KHÔN

28 11 Người giàu tự nghĩ mình là khôn ngoan,
                 Nhưng kẻ nghèo có sự thông sáng dò xét người.

          11 Kẻ giàu thường tự thấy mình khôn ngoan,
                 Nhưng người nghèo sáng dạ nhìn suốt thực hư.
                 (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn giới thiệu người giàu và người nghèo.

Người giàu trong câu Châm Ngôn này là người dại dột vì nhầm lẫn giữa giàu có với khôn ngoan. Người giàu này căn cứ vào sự giàu có của mình và nghĩ rằng mình khôn ngoan. Đây là người ỷ lại nơi của cải vật chất, khoe khoang về sự giàu có dư dật. (Thi Thiên 49:6) Người giàu tự cho mình là khôn ngoan quên rằng một người tự phụ cho mình là khôn còn tệ hại hơn một người đần độn. (Châm Ngôn 26:12)

Giàu sang có thể khiến người ta trở nên mù quáng và tự phụ, xem tiền bạc,  của cải là sức mạnh, là thành kiên cố (Châm Ngôn 10:15; 18:11), lấy giá trị vật chất làm nền tảng cho giá trị tinh thần. Người giàu có trong câu Châm Ngôn quên rằng dưới mắt Đức Chúa Trời, người giàu và kẻ nghèo chẳng khác gì nhau (Châm Ngôn 22:2) và sự khôn ngoan không căn cứ vào sự giàu có.

Người nghèo trong câu Châm Ngôn này là người có sự thông sáng, không phải vì nghèo mà thông sáng, cũng không phải tự nghĩ mình là thông sáng. Đây là sự khôn ngoan không mua được bằng tiền bạc mà là món quà Đức Chúa Trời ban cho. Sứ đồ Gia-cơ khuyên: Nếu anh em không hiểu biết đường lối Chúa, hãy cầu xin Ngài chỉ dẫn. Vì Ngài không quở trách những người cầu xin, nhưng luôn luôn sẵn sàng ban khôn ngoan dồi dào cho họ. (Gia-cơ 1:5) Sự thông sáng của người nghèo cũng đến từ sự giáo dục. Sửa dạy, nghiêm trị, giáo hoá,… (Châm Ngôn 19:18; 22:15) giúp con người nhận biết vấn đề, hiểu biết đúng sai.

Sự thông sáng khiến người nghèo không xét đoán theo bề ngoài (Giăng 7:24), nhưng nhìn thấy quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Ngài đã chọn những người bị thế gian khinh bỉ, coi là hèn hạ, không đáng kể, để san bằng mọi giá trị trong thế gian. (I Cô-rinh-tô 1:28) Đức Chúa Trời đã chọn người nghèo trong thế gian để làm cho họ giàu đức tin. (Gia-cơ 2:5)  

Nhà Truyền Đạo nhận định như sau: khôn và giàu đều tốt cả, vì nhờ khôn cũng như nhờ giàu ta tạo được mọi thứ cần dùng. Nhưng khôn hơn giàu, vì “khôn sống, mống chết”. (Truyền Đạo 7:11-12) Thế nên thà nghèo mà khôn ngoan còn hơn là giàu có mà ngu dại.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Ngày 29 tháng 9. LO HẠI NGƯỜI LẠI HẠI MÌNH

28 10 Kẻ nào làm cho người ngay thẳng lầm lạc trong đường xấu xa,
                 Chính kẻ đó sẽ sa vào hố của mình đã đào.
                 Nhưng người trọn vẹn được hưởng phần phước lành.

          10 Ai quyến rũ người lành làm ác.
                 Sẽ rơi vào bẫy chính mình đã giăng.
                 Còn người ngay lành vẫn hưởng phúc lạc.
                 (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn cảnh báo người khôn ngoan nhiều điều.

Người ngay thẳng có thể lầm lạc trong đường xấu xa, người lành có thể làm ác. Thế nên sứ đồ Phao-lô khuyên: Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã. (I Cô-rinh-tô 10:12) 

Người ngay thẳng (người lành) hay người công chính cần cảnh giác đối với kẻ chuyên đi quyến rũ, làm cho người ta lầm lạc. Kẻ đó là ai?

-Là bạn hữu xấu. Khốn thay cho kẻ chuốc rượu mời bạn hữu uống cạn bình cạn hũ, đến say khướt để nhìn họ trần truồng! (Ha-ba-cúc 2:15)

-Là người mà Chúa Giê-xu nói: “Còn ai cám dỗ một em nhỏ đã tin ta phạm tội.” (Ma-thi-ơ 18:6)

-Là các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đạo đức giả, chinh phục cho được một người cải đạo và làm cho người đó trở nên con của địa ngục. (Ma-thi-ơ 23:15)  

-Là Giê-sa-bên thời xưa quyến rũ vua A-háp. Không ai dám làm điều ác trước mắt Chúa như A-háp, vì bị vợ là Giê-sa-bên xúi giục. (I Các Vua 21:25) Ngày nay Chúa trách hội thánh đang dung túng cho Giê-sa-bên, kẻ tự xưng là nữ tiên tri, dạy dỗ và quyến rũ các tôi tớ ta phạm tội gian dâm và ăn của cúng thần tượng. (Khải Thị 2:20)

-Là Ba-la-am thời xưa quyến rũ người I-sơ-ra-ên thờ lạy thần tượng (Dân Số Ký 31:16) Ngày nay trong hội thánh vẫn còn những người theo đường lối của Ba-la-am, người đã dạy Ba-lác cách quyến rũ dân I-sơ-ra-ên phạm tội gian dâm và ăn của cúng thần tượng. (Khải Thị 2:14)

-Là giáo sư giả mạo và tiên tri tự nhận mà các sứ đồ (Công Vụ 20:28-30; II Phi-e-rơ 2) cảnh báo nếu người tin Chúa không cẩn thận sẽ từ bỏ chánh giáo mà theo tà giáo.

Kết cuộc của kẻ hại người khác là gì? Đúng như nhận xét của vua Sa-lô-môn. Người công chính tai qua nạn khỏi, đứa ác ôn hứng trọn hết rồi. (Châm Ngôn 11:8) Ai gài bẫy sẽ rơi vào bẫy. Ai lăn đá hại người, đá đè nát thân. (Châm Ngôn 26:27)

“Người trọn vẹn” là người không đào hố bẫy người khác, trái lại hướng dẫn người khác đi trong đường lối thánh khiết. “Người trọn vẹn” cũng là người không sa vào hố của kẻ ác, không rơi vào bẫy của kẻ quyến rũ. Cả hai đều được hưởng phước lành Chúa ban.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  


Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Ngày 28 tháng 9. LỜI CẦU NGUYỆN ĐÁNG GỚM GHIẾC

28 9 Người nào xây tai không khứng nghe luật pháp,
              Lời cầu nguyện người ấy cũng là một sự gớm ghiếc.

          9 Người coi thường luật lệ,
              Cầu nguyện Đức Chúa Trời không nghe.
              (Bản Hiện Đại)

“Luật pháp” do Đức Chúa Trời ban hành và “lời cầu nguyện” của con người được để cập trong câu Châm Ngôn này. Đức Chúa Trời phán với con người qua “luật pháp” của Ngài, qua các sứ giả, tiên tri, qua Kinh Thánh và qua chính Chúa Giê-xu. Con người có thể nghe và tuân thủ lời dạy của Ngài. Rồi con người có thể tương giao với Đức Chúa Trời qua lời nói của mình khi cầu nguyện hoặc dâng của lễ.

Thái độ của con người đối với luật pháp của Chúa ảnh hưởng đến lời cầu nguyện của họ. Nếu họ lắng nghe, tiếp nhận luật pháp của Chúa thì Ngài sẽ nhậm lời cầu nguyện của họ. Ngược lại, nếu họ không chịu nghe theo luật pháp của Chúa thì Ngài gớm ghiếc lời cầu nguyện của họ.

Vì sao lời cầu nguyện bị xem là “gớm ghiếc”? (1)Vì người cầu nguyện là “người xây tai không khứng nghe luật pháp”. Tế lễ kẻ ác là vật Chân Thần chán ghét. Lời người ngay cầu nguyện được Đức Chúa Trời hài lòng. (Châm Ngôn 15:9) (2)Vì lời cầu nguyện phát xuất từ tà tâm. Của lễ kẻ ác đã là điều đáng ghét, nếu có tà tâm thì càng ghê tởm đến đâu? (Châm Ngôn 21:27) Chính vì thế mà người cầu nguyện rà soát lòng mình và thưa với Chúa rằng: Nếu lòng tôi xu hướng về tội ác, Chúa hẳn không nhậm lời tôi. (Thi Thiên 66:18)

Người coi thường luật lệ Chúa là người từ chối lời dạy của Chúa. Dù ta kêu gọi, các ngươi vẫn từ nan. Ta đưa tay chờ đợi, cũng không ai quan tâm. Không ai để ý lời ta khuyên răn, hay chịu nghe ta quở trách. (Châm Ngôn 1:24, 25)

Người coi thường luật lệ Chúa là “người tội lỗi”. Người mù được Chúa Giê-xu chữa lành nói rằng: “Chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không nhậm lời những người tội lỗi, nhưng chỉ nhậm lời người kính sợ Ngài và làm theo ý muốn Ngài.” (Giăng 9:31)

Người coi thường luật lệ Chúa là người không chịu ăn năn. “Ta đã chán ngấy các sinh tế! Đừng đem lễ vật dâng cho ta nữa!... Ai bảo các ngươi đến dẫm chân trên các hành lang ta trong ngày thờ phượng mà lòng không chịu ăn năn?” (Ê-sai 1:11-12)

Người coi thường luật lệ Chúa là người không vâng lời Chúa. “Chúa có thích của lễ thiêu và lễ thù ân hơn sự vâng lời Ngài đâu?” (I Sa-mu-ên 16:22)

Cần thận trọng xét lại chính mình kẻo bạn vừa “coi thường luật lệ” Chúa vừa “cầu nguyện”.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)