Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

TUẦN 6/52. ĐUỐC SÁNG


Hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian. 
(Phi-líp 2:15)

Để anh em sống trong sạch tinh khiết như con cái toàn hảo của Đức Chúa Trời giữa thế giới gian ác băng hoại, đề cao Đạo sống, chiếu rọi như các vì sao sáng giữa bầu trời tối tăm. 
(Phi-líp 2:15 - BHĐ) 

Nếu được phép chọn một trong ba vật dụng dưới đây, bạn chọn vật dụng nào?

(1) Kèn. (2) Bình gốm. (3) Đuốc.

Bạn muốn có cả ba vật dụng không? Bạn dùng những vật dụng đó để làm gì?

1. Đuốc là vật dụng soi sáng. (Quan Xét 7)

Kèn, bình gốm và đuốc là những vật dụng thông thường trong thời Cựu Ước. Ai cũng có thể thổi kèn làm vang lên tiếng kèn thật lớn. Người ta dùng bình gốm để đựng nước uống, đựng dầu ăn… Còn đập vỡ bình là việc quá dễ; đốt đuốc để soi sáng trong đêm tối là chuyện đương nhiên cần thiết.

Ai trong chúng ta cũng biết chuyện ông Ghê-đê-ôn cùng ba trăm người hiệp lại để đánh đuổi quân Ma-đi-an như thế nào. Các Quan Xét 7:16-20 ghi như sau:

16 Ông chia quân làm ba đội, mỗi đội một trăm. Mỗi người nhận được một cây kèn, một cái bình, trong bình có một cây đuốc. 17 Ông dặn họ: "Khi đến ngoài đồn địch, anh em làm theo những điều tôi làm. 18 Khi tôi và những người đồng đội thổi kèn, anh em ở quanh đồn cũng thổi kèn thét lên, rồi thét: "Vì Chúa Hằng Hữu và vì Ghê-đê-ôn!"

19,20 Vào nửa đêm (đầu phiên canh thứ hai), Ghê-đê-ôn dẫn một trăm chiến sĩ trong đội mình lẻn đến bên ngoài đồn địch. Ngay lúc lính canh vừa đổi phiên, kèn thổi lên, bình vỡ sổn soảng. Cả ba đội quân I-sơ-ra-ên đồng loạt thổi kèn đồng, đập vỡ bình đất. Mỗi người tay trái cầm đuốc, tay mặt cầm kèn thổi vang trời. Họ đồng thanh la hét: "Lưỡi kiếm của Chúa Hằng Hữu và Ghê-đê-ôn!" (Quan Xét 7:16-20)

Tuy kèn, bình và đuốc là những vật dụng thông thường, ai cũng có thể sở hữu và biết cách sử dụng. Nhưng căn cứ vào tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì ai xứng đáng được trang bị và được sử dụng những vật dụng thông thường này?

Kinh Thánh cho chúng ta biết cả dân sự thức dậy sớm cùng đi với ông Ghê-đê-ôn, đến bên suối Ha-rốt và đóng trại tại đó. Dân sự lúc đó là những chiến sĩ thuộc chi phái Ma-na-se, chi phái A-se, chi phái Sa-bu-lôn và chi phái Nép-ta-li (Quan Xét 6:35). Có phải tất cả những người này sẽ được trang bị và  kèn, bình và đuốc để sử dụng không?

Đức Chúa Trời nhận định rằng: “Quân ngươi đông quá” nghĩa là không phải tất cả những người tình nguyện đi theo ông Ghê-đê-ôn, không phải cứ thức dậy sớm, đi đến một nơi, tập họp lại, chuẩn bị sẵn sàng là được ở trong đạo binh của Chúa. Vì sao? Vì trong đạo binh ba mươi hai ngàn người có đến hai mươi hai ngàn người không xứng đáng đứng trong hàng ngũ. Trong đạo binh đông đảo ba mươi hai ngàn người có đến hai mươi hai ngàn người ‘lo ngại, sợ sệt’. Chúa bảo ông Ghê-đê-ôn nói với mọi người: “Ai lo ngại, sợ sệt, thì cứ về nhà!”  Hai mươi hai ngàn người lo ngại, sợ sệt rời khỏi đạo binh và trở về nhà, chỉ còn mười ngàn người ở lại. Lo ngại, sợ sệt không thể ở trong đạo binh của Chúa. Những người đó tự động rút lui.

Khi đạo binh chỉ còn mười ngàn người không lo ngại, không sợ sệt, Chúa vẫn nhận xét: “Hãy còn nhiều quân quá.” Rồi Ngài thử họ và chọn một số người cùng đi với ông Ghê-đê-ôn. Qua thử nghiệm Chúa chỉ chọn 300 người. Được Chúa thử nghiệm và chọn lựa mới có thể ở trong đạo binh của Chúa.

Như vậy những người này hội đủ hai điều kiện:

(1)Không lo ngại, sợ sệt.

(2)Được Chúa thử và chọn

để đi với ông Ghê-đê-ôn. Họ xứng đáng đứng trong hàng ngũ chiến đấu và xứng đáng để sử dụng kèn, bình và đuốc.

Chúng ta nghĩ như thế nào về hai điều kiện trên đây? Phải chăng bạn muốn phục vụ Đức Chúa Trời? Phải chăng bạn muốn gia nhập nhóm 301? Phải chăng bạn muốn được trang bị kèn, bình và đuốc?

Bạn có lo ngại, sợ sệt không? Bình thường ai cũng quả quyết: “Tôi đâu có sợ!” Nhưng khi gặp chuyện thì lo ngại, sợ sệt. Từ thời ông Môi-se, đến ông Giô-suê, đến Các Quan Xét, khi tuyển dân phải đối diện với kẻ thù, Chúa luôn luôn khuyên giục: "Hãy vững lòng bền chí."

Người lo ngại, sợ sệt khi nhận được kèn, bình và đuốc sẽ càng lo càng sợ, và có thể sẽ bỏ chạy trước khi ra trận. Vì họ băn khoăn lo nghĩ: Chỉ có ba vật dụng tầm thường như thế này thì làm sao chiến đấu?

Khi ra trận, người lo ngại, sợ sệt khó mà thổi kèn cho lớn tiếng, cho hùng dũng. Nếu thổi được thì cũng chỉ phát ra âm thanh yếu ớt, ngắn ngủn rồi im bặt.

Người lo ngại, sợ sệt cũng khó mà đập bể bình một cách dứt khoát. Anh ta có thể làm bể bình vì quá hoang mang sợ hãi mà thôi.

Người lo ngại, sợ sệt sẽ không dám đốt đuốc, không dám giơ cao đuốc, lại càng không dám hô to: "Vì Chúa Hằng Hữu...", "Lưỡi kiếm của Chúa Hằng Hữu!" vì anh ta thấy mình chẳng có khí giới hiện đại nào ngoài mấy vật dụng tầm thường.

Người lo ngại, sợ sệt sẽ khó vững tâm đứng tại vị trí mình với những vật dụng tầm thường. Trái lại, có thể lắm anh ta sẽ bỏ vị trí, bỏ nhiệm vụ mà chạy trốn.

Có thể lắm bạn được Chúa thử nghiệm và chọn lựa để làm việc với một người lãnh đạo nào đó. Bạn nghĩ sao? Chúa phán với ông Ghê-đê-ôn: “Hễ người nào ta phán với ngươi rằng: ‘Nó khá đi với ngươi,’ thì nó sẽ đi theo ngươi; còn người nào ta phán cùng ngươi rằng: ‘Nó chớ đi với ngươi,’ thì người đó không đi.” (Quan Xét 7:4 - BTT)

Điểm lý thú trong chuyện này là Chúa không nói trực tiếp với đương sự, nhưng Chúa nói với người lãnh đạo là Ngài chọn đương sự. Có thể lắm, Chúa cũng chọn bạn theo cách này.

Có thể bạn được gọi đứng chung với một nhóm để gây dựng và phát triển Hội thánh, để đi đánh lưới người, để hàn gắn những nỗi đau thương trên thế giới, để thực hiện một số công tác cụ thể cho Đức Chúa Trời. Mong sao bạn không cảm thấy lo ngại, sợ sệt. Ước mong là bạn nhận lời đứng với một ai đó khi người đó nói: “Chúa chọn bạn, Chúa chọn bạn cùng với tôi.”

Những người không lo ngại, sợ sệt, những người được Chúa chọn thì được ở trong đội 301 của ông Ghê-đê-ôn. Đây là những người được nhận kèn, bình và đuốc.

Kèn, bình đất và đuốc là những vật dụng thông thường, nhưng đối với ba trăm người cùng đi với ông Ghê-đê-ôn thì kèn, bình đất và đuốc lại trở thành những vũ khí lạ lùng. Có ai trong chúng ta đang mong và đang chờ đợi được trang bị cách phi thường không? Chỉ trang bị với những thứ thông thường thôi: một cây kèn, một bình gốm và một cây đuốc.

Thử ôn lại câu chuyện giữa Đức Chúa Trời và ông Ghê-đê-ôn: 14 Nhưng Chúa Hằng Hữu quay lại, bảo ông: “Hãy dùng năng lực người đang có để giải thoát I-sơ-ra-ên khỏi tay người Ma-đi-an! Chính ta sai bảo ngươi!” 15 Ghê-đê-ôn đáp: “Lạy Chúa, làm sao tôi giải thoát I-sơ-ra-ên được? Gia đình tôi hèn mọn nhất đại tộc Ma-na-se, còn tôi là người nhỏ nhất trong nhà." 16 Chúa Hằng Hữu dạy: "Nhưng vì ta ở với ngươi. Nên ngươi sẽ đánh cả dân tộc Ma-đi-an như đánh một người vậy."
   (Quan Xét 6:14-16 - BHĐ)

Chúa phán: "Hãy dùng năng lực ngươi đang có... Chính ta sai bảo ngươi!" Còn ông Ghê-đê-ôn thì nói: "Lạy Chúa, làm sao được?", "Gia đình tôi hèn mọn nhất... Còn tôi là người nhỏ nhất..." Nhưng Chúa bảo: “Ta ở với ngươi.”

Khi đã tin cậy nơi Chúa, ông Ghê-đê-ôn cùng 300 người, dù nghèo hơn hết, nhỏ hơn hết,  nhưng họ dùng năng lực họ đang có để thổi kèn, để đập vỡ bình. Với năng lực đang có, mỗi người một tay cầm đuốc, một tay cầm kèn mà thổi. Với năng lực đang có họ cùng hô lớn tiếng: “Vì Chúa Hằng Hữu và vì Ghê-đê-ôn!”, “Lưỡi kiếm của Chúa Hằng Hữu và Ghê-đê-ôn!”

Giờ đây chúng ta có thể trả lời câu hỏi: Ai là người có thể sử dụng những vật dụng thông thường này? Ai có thể thổi kèn, đập vỡ bình đất, giơ cao cây đuốc, và hô: Lưỡi kiếm của Chúa Hằng Hữu và của một con người nào đó?

(1)Đó là những người không lo ngại, sợ sệt.

(2)là những người được chọn để đứng chung với nhau.

(3)là những người dám tin cậy nơi Chúa, dùng năng lực mình đang có để làm những việc đơn giản nhất.

Đức Chúa Trời cần sự vâng lời của những người ở trong nhóm 301 ít oi, những người mà Chúa biết và chọn. Vâng lời thổi kèn, vâng lời đập vỡ bình đất. Vâng lời đốt và giơ cao ngọn đuốc, vâng lời nói: Lưỡi kiếm của Chúa Hằng Hữu và của người mà Ngài đã chọn.

Khi con người không lo ngại, không sợ sệt, khi con người biết mình được chọn, khi con người vâng lời làm những việc rất thông thường, vâng lời một lần, hai lần, ba lần, bốn lần... vâng lời cách trọn vẹn thì những việc tưởng chừng thông thường đó sẽ trở thành những việc phi thường. Lúc đó phép lạ sẽ xảy ra.



Làm sao đuốc có thể sáng được nếu chưa thổi kèn, nếu chưa đập vỡ bình? Khi tiếng kèn vang lên, khi bình đất bị đập bể thì đuốc cháy rực trong đêm tối nơi tay những con người được chọn. Khi đuốc rực sáng nơi tay thì tiếng kèn mới có thể tiếp tục vang lừng.

Và làm sao có thể cứ tiếp tục thổi kèn, tiếp tục giơ cao cây đuốc cháy bừng bừng nếu không nói: “Vì Chúa Hằng Hữu và vì Ghê-đê-ôn”, “Lưỡi kiếm của Chúa Hằng Hữu và Ghê-đê-ôn.”

Còn sợ hãi run rẩy không dám bày tỏ mình là con của Chúa, không dám nói Phúc Âm thì làm sao đuốc sáng được? Nói về Chúa trong tinh thần tim đập chân run, e dè sợ sệt thì làm sao đuốc sáng được? Không chịu đứng chung với ai cả, không chịu ở trong một nhóm nào cả thì làm sao liên kết năng lực được?

Chưa xác định phía nào có ánh sáng thì làm sao người ta nhìn thấy ánh sáng? Âm thanh phải vang ra trước, tai nghe âm thanh rồi mắt mới nhìn thấy ánh sáng. Một số thợ săn dùng âm thanh dụ con mồi. Âm thanh từ tiếng kèn của bạn, từ đời sống tan vỡ của bạn có phù hợp với ánh sáng Phúc Âm không? Phải chăng bạn nói: “Hãy nghe tiếng tôi nói nhưng đừng nhìn vào ánh sáng toả ra từ đời sống tôi”. Câu nói đó cũng chẳng khác chi câu nói: “Hãy nghe tôi nói nhưng đừng nhìn việc tôi làm.”

Đuốc đang ở trong bình. Không chịu đập bể bình thì làm sao đuốc cháy sáng đây? Cái bình có thể để cho đuốc cháy sáng mà cũng có thể dập tắt đuốc. Khi bình bị bể ra thì đuốc mới sáng, nhưng nếu bình không chịu bể ra thì đuốc không cháy sáng được. Cần hy sinh đập bể cái bình để có thể giơ cao ánh đuốc. Bạn không sợ hãi, nhưng nếu bạn chẳng chịu hy sinh đời sống của mình thì đuốc không sáng và chẳng giơ cao đuốc được. Người ta thường nói đến những tấm lòng tan vỡ, những cuộc đời đầy thương tích cho ánh sáng được bùng cháy và toả soi. Nhưng người ta cũng nói đến những đời sống như cái bình, cái đấu ngăn trở ánh sáng Phúc Âm. Hãy nhớ, bình chưa bể thì đuốc chưa thể sáng, bình chưa bể sẽ gây trở ngại cho ánh đuốc.

Rồi bạn muốn người ta nghe âm thanh, được thấy ánh sáng vì cớ gì? Vì bạn hoặc vì Đức Chúa Trời? Vì danh tiếng của bạn hoặc vì danh của Đức Chúa Trời?

2. Đuốc phá hoại

Nếu bậc tiền bối Ghê-đê-ôn cùng với 300 người họp thành một đội 301, thì kẻ hậu sinh là chàng Sam-sôn, không cùng với con người mà cùng với thú  rừng, chàng Sam-sôn với 300 con chó rừng họp thành một đội 301. Các Quan Xét 15:4-5 chép: Vậy, Sam-sôn đi bắt ba trăm con chó rừng, cũng lấy những đuốc, rồi cột đuôi mỗi hai con lại, và cột đuốc giữa hai đuôi. Người đốt đuốc, thả chó rừng vào trong lúa mì của dân Phi-li-tin. Như vậy người đốt lúa mì đã bó cùng lúa mì chưa gặt, và các vườn ô-li-ve.



Người hùng (Ram-bô hoặc Super-man) Sam-sôn dùng đuốc như một loại vũ khí có sức tàn phá lớn để phá hoại tài sản của kẻ thù. Công thức của chàng là:
150 x (Hai chó rừng + Một cây đuốc cháy) = Tàn phá
Trong vụ này, đuốc không soi sáng, nhưng gây cháy và làm thiệt hại, nhất là khi đuốc kết hợp với dã man tàn nhẫn thì sức tàn phá càng ghê gớm.

Người hùng Sam-sôn chẳng những không lo ngại, không sợ sệt mà là một người rất can đảm và rất liều lĩnh. Chàng Sam-sôn cũng là người được Chúa chọn một cách rất đặt biệt. Chàng cũng có sức mạnh hơn người. Chàng không cần 300 người cùng làm việc với chàng. Chàng thích làm người hùng cô đơn. Chỉ cần 300 con chó rừng với chàng là 301. Không rõ chàng tốn bao nhiêu thời gian để tìm và bắt 300 con chó rừng. Chàng bắt buộc chúng phải hợp tác với chàng bằng cách cột đuôi chúng lại với nhau. Có thể nói Sam-sôn là người thành công lớn trong việc lập nhóm tế bào. Và chàng bắt 150 nhóm nhỏ đó phải hy sinh cho ý đồ của mình. Khi chàng đốt đuốc lên, chẳng những không thấy phép lạ đâu cả mà chỉ thấy một vùng rực lửa, toàn là sự tàn phá nghiêm trọng.

Chàng Sam-sôn không muốn thổi kèn, không muốn đập vỡ  bình, không muốn một tay cầm kèn, một tay cầm đuốc, không muốn nói: “Vì Chúa Hằng Hữu...” hoặc: “Lưỡi kiếm của Chúa Hằng Hữu...” Sam-sôn làm việc vì mình, vì ý muốn của mình, vì danh tiếng của mình, vì sự thù hận của lòng mình, vì mối tình của mình chứ không phải vì Chúa hoặc vì dân của Ngài.

Bạn đừng lấy đuốc là thứ lẽ ra dùng để soi sáng mà cột vào đuôi chó rừng. Biết bao nhiêu cây đuốc lẽ ra phải được đưa cao và soi sáng trong nơi tối tăm lại trở thành những cây đuốc bị kéo lê trên đất và chỉ gây thiệt hại. Đừng hạ thấp ánh sáng Phúc Âm đẹp đẽ, thuộc linh, thánh thiện để sử dụng cho những mục đích tầm thường. Biết bao người đã dùng đuốc Phúc Âm cho những mục đích sai lầm.

Bạn cũng đừng lập nhóm tế bào theo kiểu Sam-sôn. Tinh thần Ram-bô của Sam-sôn không thể làm cho đuốc sáng, không thể đưa cao đuốc lên được.

3. Đuốc được đánh giá

Trong Giăng 5:35 Chúa Giê-xu nói về ông Giăng Báp-tít: “Giăng là đuốc đã thắp và sáng.”

           (1)Giăng là đuốc,
           (2)Giăng là đuốc đã thắp,
      và (3)Giăng là đuốc đã thắp và sáng.

Trong Ma-thi-ơ 5:14,15,16 Chúa Giê-xu cũng nói về chúng ta như vậy.

          (1)Anh em là ánh sáng của trần gian (Câu 14)
          (2)Anh em đã được thắp:
             "Không ai thắp đèn rồi đặt dưới cái đấu"              (Câu 15)
    và (3) "Ánh sáng anh em phải toả soi như vậy
               trước mặt người đời" (Câu 16)

-Chúa Giê-xu nói ông Giăng Báp-tít là cây đuốc. Mỗi người chúng ta cũng là cây kèn, cái bình và cây đuốc. Đó là đời sống của mỗi người Cơ Đốc. "Anh em là ánh sáng của trần gian."

-Chúa Giê-xu nói ông Giăng Báp-tít là cây đuốc đã thắp. Như thế tức là tiếng của người kêu gọi trong sa mạc đã vang lên. Sứ điệp của Chúa được bày tỏ qua đời sống của ông Giăng

-Chúa Giê-xu nói ông Giăng Báp-tít là cây đuốc đã thắp và sáng. Chúa đánh giá đời sống của ông Giăng.

(1)Như một cây đuốc đang liên tục cháy sáng.

(2)Là cây đuốc được đưa cao. Bất cứ điều gì từ bản thân, từ con người, từ hoàn cảnh cũng không thể ngăn trở ánh sáng từ cây đuốc.

(3)Đó là một cây đuốc có giá trị, cháy sáng cho đến khi hoàn tất công tác.

Xuân Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét