Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Tuần 5/52. ĐẤNG BIẾT RÕ TÔI. (Thi Thiên 139)




Từ ngữ chính trong Thi Thiên 139 là ‘biết’. Chúa biết. Đối tượng Chúa biết là ‘tôi’, một cá nhân. Đây là kinh nghiệm riêng tư của một cá nhân, vua Đa-vít. Chúa biết vua rất rõ. Nếu vua Đa-vít nói với bạn: “Này! Chúa biết ta rất rõ và Ngài cũng biết ngươi rất rõ đấy!” liệu bạn có lo sợ không? Vì đôi khi chúng ta chỉ để cho Chúa biết một số việc mà thôi và quyết tâm giấu giếm rất nhiều việc khác. Chúng ta sống như thể Chúa không có khả năng biết chúng ta. Thật ra Chúa biết rõ từng người rồi.

A. Đấng biết rõ tôi.

Vua Đa-vít mở đầu lời cầu nguyện với Đấng biết rõ vua như sau:
1 Hỡi Đức Gia-vê,
Ngài đã dò xét tôi và biết tôi.

1. Ai biết rõ tôi? Chẳng phải là con người, chẳng phải là anh em, bạn bè mà là một Đấng. Đấng biết rõ tôi là ai? Là Đức Gia-vê. (Khi nói đến Đức Chúa Trời – Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất tức là nói về Đấng rất quyền năng ở thiên đàng. Khi nói về Đức Chúa Trời với danh xưng  Đức Gia-vê là nói về Đấng rất gần gũi với con người – Đức Gia-vê là Đấng chăn giữ tôi) Vua Đa-vít dùng danh xưng Đức Gia-vê, ám chỉ Đấng biết rõ vua là Đấng rất gần gũi vua, yêu thương vua.



2. Đức Gia-vê biết tôi như thế nào?

-Vua Đa-vít nói: "Ngài đã dò xét tôi và biết tôi." Chẳng phải Chúa chỉ biết có tôi ở trần gian này, chẳng phải chỉ biết cách qua loa, chiếu lệ, hời hợt nhưng Ngài đã dò xét tôi.

Vì Chúa dò xét tôi cho nên Ngài biết tôi rất rõ. Đôi khi tôi nghĩ chỉ có tôi mới biết rõ chính mình. Nhưng giữa con người với nhau mới nói như vậy. Còn giữa tôi với Chúa thì khác, Chúa biết tôi rõ hơn tôi biết về chính mình. Đôi khi tôi nghĩ tôi biết mình rõ nhất, nhưng thật ra Chúa mới là Đấng biết tôi rõ nhất. Thí dụ: Tôi cho rằng tôi nắm trong tay vận mạng của đời mình, nhưng thật ra Chúa mới là Đấng biết rõ số các ngày đã định cho tôi. (Câu 16b) Khi thất vọng, ngã lòng tôi nghĩ không ai hay, chẳng ai biết tình trạng tuyệt vọng của tôi, chỉ một mình tôi với nỗi khổ mà thôi. Nhưng thật ra Chúa biết rất rõ tình trạng của tôi.

-Chúa biết tôi một cách tỉ mỉ, chính xác.

Chúa biết tất cả mỗi một sinh hoạt của tôi: Khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy, lúc tôi ngủ. Từ ngữ chỉ thời gian: ‘khi’, ‘lúc’ cho thấy trong thời điểm nào, bất cứ lúc nào Chúa cũng quan tâm đến và biết những sinh hoạt của tôi.

Thậm chí cả tư tưởng, ý nghĩ của tôi Chúa cũng biết. Con người cho rằng phải gặp nhau, tiếp xúc với nhau, bày tỏ bằng lời nói chữ viết thì mới biết ý tưởng của nhau. Còn đối với Chúa thì: Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi.



Rồi cả đường lối của tôi, những thói quen, nếp sống hằng ngày của tôi, điều tôi đang đeo đuổi, ước muốn của tôi… Chúa rất rõ, rất rành. Ngài quen biết các đường lối tôi (Câu 3b) Thậm chí cả những lời mà tôi chưa nói ra Chúa cũng biết rồi:

4 Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi,
Kìa, hỡi Đức Gia-vê, Ngài đã biết trọn hết rồi.
Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước.

Chúa biết phía sau của tôi tức là quá khứ của tôi, Chúa biết phía trước của tôi tức là tương lai của tôi. Những điều đã xảy đến cho tôi: Chúa biết. Những điều tôi đang đối diện: Chúa biết. Những điều sẽ xảy đến cho tôi: Chúa cũng biết rồi.

Những ý nghĩ của tôi đối với Chúa – cả tốt lẫn xấu, (nào là lên trời, nào là xuống Âm-phủ, hoặc là bay đi đến tận cùng trời cuối đất) Chúa cũng biết hết. Những suy tính của tôi (đi đâu, trốn ở đâu) Chúa cũng biết.

Thậm chí khi tôi tưởng sự tối tăm sẽ che khuất tôi, khi tội lỗi như bóng tối bao phủ tôi, tức là lúc tôi phạm tội, tôi xa cách Chúa, tôi không nhận biết Ngài thì Chúa cũng biết tôi.

11 Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi,
Ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối,
 12 Thì chính sự tối tăm 
không thể giấu chi khỏi Chúa.
Ban đêm soi sáng như ban ngày,
Và tối tăm cũng như ánh sáng cho Chúa.

3. Vì sao Chúa biết rõ tôi? Làm thế nào Chúa có thể biết rõ tôi?

-Chúa biết rõ tôi vì Ngài là Đấng toàn tri tức là  biết tất cả mọi sự. Ngài biết từng ý tưởng, từ nội tâm cho đến bên ngoài.

-Chúa biết rõ tôi vì Ngài là Đấng toàn tại tức là Ngài luôn ở với tôi dù tôi ở bất cứ nơi nào:

7 Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa?
Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?
8 Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó,
Ví bằng tôi nằm dưới Âm phủ,
kìa, Chúa cũng có ở đó.
9 Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông,
Bay qua ở tại cuối cùng biển,
10 Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi,
Tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi.


Ở bất cứ nơi nào cũng có sự hiện diện của Chúa. Ngài không bị giới hạn bởi nơi chốn (nơi này, nơi kia), bởi cự ly, bởi không gian và phương hướng (trời đất cách xa hoặc chân trời góc biển), bởi bóng tối hoặc bởi vận tốc của ánh sáng.

-Chúa biết rõ tôi vì Ngài đã tạo nên tôi, tôi là tác phẩm của Ngài:

13 Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi,
Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.
14 Tôi cảm tạ Chúa, 
vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng.
Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.
15 Khi tôi được dựng nên trong nơi kín,
Chịu nắn nên cách xảo tại nơi thấp của đất,
Thì các xương cốt tôi không giấu được Chúa.
16 Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi

Cơ thể của tôi, xương cốt của tôi, tâm thần của tôi, cảm xúc của tôi, phần vô hình của tôi tức là phần mắt trần không thể nhìn thấy, đều do Chúa tạo nên. Vì vậy Chúa biết rõ tôi.



-Chúa biết rõ tôi vì Ngài ấn định vận mạng cho cuộc đời của tôi:
        
Số các ngày đã định cho tôi,
Đã biên vào sổ Chúa
trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy.

-Chúa biết rõ tôi vì Ngài đang chăm sóc và bảo vệ tôi:  
       
5 Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước,
Đặt tay Chúa trên mình tôi...
 10 Tại đó tay Chú cũng sẽ dẫn dắt tôi,
Tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi.

-Chúa biết rõ tôi vì Ngài luôn nghĩ đến tôi, Ngài yêu thương tôi:

17 Hỡi Đức Chúa Trời, các tư tưởng Chúa
quí báu cho tôi thay!
Số các tư tưởng ấy thật lớn thay!

Chúa thật diệu kỳ! Chúa thật lạ lùng! Tư tưởng của Chúa thật lớn lao! Thế mà Ngài lại dành thời gian cho tôi, sự suy nghĩ của Ngài hướng về tôi và Ngài chăm nom tôi. Tôi thật kinh ngạc, sững sờ khi nghĩ về Chúa và về những điều Ngài dành cho tôi. Tư tưởng của Chúa thật quí báu cho tôi!

Chúa dò xét và biết rõ ý tưởng, đường lối, sinh hoạt lẫn mọi lời nói của tôi. Chúa bao phủ lấy tôi, can thiệp trực tiếp vào đời sống của tôi. Công việc của Chúa vượt xa hiểu biết của tôi. Chúa biết rõ tôi như vậy, còn tôi đối với Ngài như thế nào? Có nên trốn tránh xa lánh Ngài không? Hoặc có nên bằng lòng sống với Ngài không? Khi biết Đấng biết rõ mình là ai, khi biết Chúa biết mình như thế nào, vua Đa-vít không trốn tránh lánh xa. Vua quyết định sống với Đấng biết rõ mình. Vua Đa-vít rất khôn ngoan.

B. Sống với Đấng biết rõ tôi

1. Khi sống với Đấng biết rõ tôi thì tôi biết rõ chính mình  hơn. Khi đó chẳng những tôi biết mình là ai (tôi là tạo vật của Chúa), mà tôi còn biết giới hạn của mình, tầm cỡ bé nhỏ của mình. Đối với Chúa tôi nhận biết: Sự tri thức dường ấy, thật diệu kỳ quá cho tôi, cao đến nỗi tôi không với kịp! (Câu 6) Nếu so sự hiểu biết của tôi về Chúa với những điều Chúa biết về tôi thì rõ ràng tôi chỉ là một con người giới hạn trong thế giới vô hạn của Đức Chúa Trời.

17 Hỡi Đức Chúa Trời, các tư tưởng Chúa
quí báu cho tôi thay!
Số các tư tưởng ấy thật lớn thay!
18 Nếu tôi muốn đếm các tư tưởng ấy, 
thì nhiều hơn cát.

Sống với Đấng biết rõ tôi, tôi nhận biết sự ngắn ngủi, sự chóng qua của đời sống, các ngày Chúa ấn định cho tôi có giới hạn.



2. Khi sống với Đấng biết rõ tôi, tôi không bị mặc cảm dày vò. Trái lại, tôi vui nhận cơ thể và toàn bộ con người của tôi – vì chính Chúa đã tạo thành tôi. Trước kia, có thể tôi buồn rầu và mặc cảm về hình dáng của mình. Nay, khi sống với Đấng biết rõ tôi, tôi cảm tạ Ngài:

14 Tôi cảm tạ Chúa, 
vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng.
Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm.

Khi cảm tạ Chúa về cơ thể mà Ngài ban cho tôi thì tôi không còn mặc cảm nữa. Có thể bạn đang mặc cảm, đang chê bai cơ thể của mình rồi  bạn oán trách Chúa: Sao Chúa dựng nên con với cơ thể bị khiếm khuyết như thế này? Sao Chúa tạo thành con với gương mặt đầy dẫy khuyết điểm như vầy?… Oán trách như vậy là vì bạn chưa ý thức là Chúa biết rõ bạn. Bạn chưa sống với Ngài. Hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã dựng nên bạn. Hãy vui nhận cơ thể Chúa đã ban cho bạn.  

Một bài ca của thiếu nhi có nội dung như sau:

                               Nào có ai như em!

  1. Tìm đâu ra trên thế gian một em như em đây!
Tìm hoài không ra! Tìm hoài không thấy!
Tìm đâu ra trên thế gian một em như em đây!
Thiên Chúa quí mến em như mọi người.

  1. Còn ai tuy ốm yếu, cao, lùn hay to hay béo.
Ngài là tình yêu, và Ngài thương hết!
Dù em nay ốm yếu, cao, lùn hay to hay béo.
Thiên Chúa quí mến em như mọi người.

3. Khi sống với Đấng biết rõ tôi, tôi sống với lòng tin cậy Chúa. Về phần Chúa, Ngài biết rõ tôi đến tận chân tơ kẽ tóc. Dù biết tôi rõ như vậy, nhưng Ngài không ghét bỏ tôi. Ngược lại Ngài yêu thương tôi, Ngài tìm cách kéo tôi đến với Ngài. Thật lạ lùng!

Về phần tôi, tôi nhận biết là Chúa biết tôi. Nhưng nếu tôi không biết rõ Ngài là ai, tôi sẽ sợ hãi và trốn tránh lánh xa. Vì sao? Vì tôi là con người tội lỗi, xấu xa. Tôi chẳng khác gì ông A-đam, lo đi ẩn mình khi phạm tội vì tôi sợ Chúa. Tôi chẳng khác gì ông Giô-na tìm cách lánh xa Chúa khi tôi không chịu vâng theo ý Chúa. Nhưng khi tôi nhận biết là Chúa biết rõ tôi lẫn quan tâm yêu thương tôi thì tôi sẽ chạy đến với Ngài, tin cậy và kính thờ Ngài. Nội dung của Thi Thiên này cho thấy Chúa càng biết rõ vua Đa-vít thì vua càng tin cậy Ngài và càng sống gần gũi với Ngài.

4. Khi tôi tin cậy Đấng biết rõ tôi và sống với Ngài thì không có nghĩa là sẽ chẳng có ngang trái, nghịch cảnh, hoặc chống đối trong cuộc đời tôi. Nhưng điều quan trọng là khi rơi vào những tình cảnh đó thì tôi biết cách đối phó và giải quyết. Khi gặp nghịch cảnh, tôi biết hướng về Chúa, biết trình dâng những nan đề, những khó khăn lên cho Ngài.

Câu 19-22 cho thấy khi ông Đa-vít sống với Đấng biết rõ ông thì ông phải đối diện với kẻ ác, đối diện với người huyết (câu 19), với những người thù nghịch Chúa (câu 20), với những kẻ dấy nghịch Chúa (câu 21).

Vấn đề cần chú ý là khi tôi sống với Đấng biết rõ tôi thì kẻ thù nghịch của Chúa cũng là kẻ thù nghịch của tôi. Khi tôi sống với Đấng biết rõ tôi, tôi chứng kiến cảnh:

20 Chúng nó nói nghịch Chúa cách phớm phỉnh,
      Kẻ thù nghịch Chúa lấy danh Chúa 
mà làm chơi.
(Lời quỷ quyệt, họ nhắc đến Chúa,
Kẻ thù Ngài nói lời hư không. - BHĐ)

Đứng trước cảnh đó tôi có thái độ rất rõ ràng:

22 Tôi ghét chúng nó, thật là ghét,
Cầm chúng nó bằng kẻ thù nghịch tôi.
(Con ghét họ thậm tệ,
Họ thành kẻ thù của con - BHĐ)

Tôi đứng về phía của Chúa. Trước kia điều tôi thích có thể là điều Chúa ghét, còn điều tôi ghét lại là điều Chúa thích. Nhưng kể từ khi tôi sống với Đấng biết rõ tôi, điều Ngài ghét tôi cũng ghét và điều Ngài thích, tôi cũng thích. Thật là ‘tâm đầu ý hợp’! Kẻ thù nghịch của Chúa cũng là kẻ thù nghịch của tôi.

Đối diện với những kẻ đó, tôi sẽ làm gì? Chẳng phải tôi chỉ ghét điều ác, tôi còn làm hơn thế nữa. Tôi sẽ làm như vua Đa-vít đã làm. Vua Đa-vít đã làm ba điều để đối phó với kẻ ác và điều ác: (a)Hướng về Chúa. (b)Tin Chúa có quyền trên kẻ ác. (c)Lánh xa kẻ ác, điều ác.

(a)Khi sống với Đấng biết rõ tôi, tôi biết tôi sẽ gặp nhiều trở lực từ phía kẻ ác và điều ác. Có nhiều cách để chống lại kẻ ác và điều ác, nhưng tôi chọn cách hướng về Chúa, cầu nguyện với Ngài: Hỡi Đức Chúa Trời!... (Câu 19). Hỡi Đức Gia-vê,…(Câu 21) Lắm lúc tôi chỉ biết dàn trận đối phó với kẻ ác và điều ác nhưng quên không hướng về Đấng biết rõ tôi. Lắm lúc tôi tranh chiến chống kẻ thù, chống điều ác theo cách thức lẫn theo nỗ lực của tôi mà không theo cách thức tốt nhất, đó là cầu nguyện với Đấng biết rõ tôi. Cần trình dâng, giao phó nan đề tôi đang đối diện lên cho Chúa, xin Chúa xử trí.

(b)Khi sống với Đấng biết rõ tôi, tôi sẽ chờ đợi Chúa thể hiện quyền hành của Ngài đối với kẻ ác và điều ác. Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa ắt sẽ giết kẻ ác! Đó là việc của Chúa, quyền của Chúa, tôi không có quyền hành đó. Tôi chỉ biết tin rằng Ngài tể trị, phán xét và hành động.

(c)Khi sống với Đấng biết rõ tôi và khi tôi tin Ngài sẽ diệt kẻ ác ở thời điểm của Ngài, thì tôi cần làm gì? Tôi cần có thái độ rõ ràng và hành động dứt khoát đối với kẻ ác lẫn  điều ác..tức là không đồng tình, không bắt chước, không làm theo, không hòa đồng với kẻ ác lẫn điều ác; hơn nữa cần tránh xa kẻ ác và tránh xa điều ác

Khi tôi sống với Đấng biết rõ tôi thì kẻ ác và điều ác là thủ phạm và là nguyên nhân làm cho tôi không thuộc về Chúa, không giống như Chúa. Vì thế khi đối diện với kẻ ác và điều ác tôi phải có thái độ dứt khoát. Tôi không thể sống theo kiểu tin rằng mai sau Chúa sẽ xét xử kẻ ác, rồi tôi vẫn tiếp tục hòa đồng với kẻ ác, đồng lõa trong điều ác. Ngoài việc  tin Chúa xét xử kẻ ác, giải quyết diều ác, tôi cần có thái độ tích cực: Hỡi người huyết, hãy đi khỏi ta… (Câu 19b) Hãy đuổi ‘người huyết’ đi cho khuất mắt. Chúng ta thường nghe chuyện chim bay trên đầu và chim làm tổ nơi đầu của mình. Có thể để chim bay trên đầu nhưng đừng để nó làm tổ nơi đầu của chúng ta. Dầu vậy, nên có thái độ và hành động tích cực hơn, tức là đuổi chim đi cho khuất mắt. Nếu gớm ghiếc kẻ ác và ghét điều ác thì hãy loại bỏ điều ác và kẻ ác ra khỏi đời sống, xa chừng nào tốt chừng nấy.

5. Khi tôi sống với Đấng biết rõ tôi, chẳng phải tôi chỉ xin Chúa xét xử kẻ ác, chẳng phải chỉ loại bỏ điều ác, chẳng  phải chỉ ghét điều Chúa ghét mà tôi còn hướng về chính bản thân, xin Chúa tra xét chính tôi.

23 Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, 
và biết lòng tôi;
Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi;
24 Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng.



Chúa biết rõ tôi rồi. Nay xin Chúa tiếp tục tra xét tôi, xin xem thử tôi có lối ác nào. Làm sao tôi dám xin Chúa tra xét mình, xin Chúa thử mình? Làm sao tôi dám thưa với Chúa: Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng?

(a)Nếu tôi xin Chúa tra xét tấm lòng của tôi, tư tưởng của tôi thì tôi phải luôn giữ tấm lòng, giữ tâm trí cho hài lòng Chúa. Tôi phải luôn luôn thận trọng trong đường lối mình; chín chắn, nghiêm túc, thận trọng trong suy tư để Chúa là Đấng thương yêu tôi, ở cùng tôi không thất vọng và buồn lòng vì tôi.

(b)Nếu tôi xin Chúa tra xét tôi thì tôi phải tra xét mình trước tiên. Tôi tự tra xét, tự rà soát là điều tốt. Tuy nhiên, Chúa biết tôi rõ hơn tôi biết tôi. Tôi có thể sai lầm trong khi tự tra xét. Dù người khác tra xét tôi thì cũng có thể họ bỏ qua cho tôi vài lỗi lầm. Chỉ có Chúa tra xét tôi là chính xác nhất.

Vua Đa-vít có thói quen tra xét đời sống mình. Vua từng viết: 

Ai biết được các sự sai lầm mình?
Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết.
(Thi Thiên 19:12)

Như vậy, vua đã tra xét mình rồi.

Khi tự tra xét không nên tự nhận mình là người hoàn hảo. Cần xin Chúa tra xét để giúp chúng ta nhận ra những tội lỗi mà chúng ta không ngờ đã  vướng vào.

Nói cách khác, khi tôi sống với Đấng biết rõ tôi thì càng ngày tôi càng trở nên thánh khiết vì Chúa là Đấng thánh khiết. Theo thời gian tôi sẽ càng ngày càng trở nên giống như Ngài.

6. Khi sống với Đấng biết rõ tôi, tôi không tự mình quyết định cho cuộc đời mình. Nhưng tôi tin cậy Chúa, xin Chúa dẫn dắt.  
     
Xin dắt tôi vào con đường đời đời.

Sống với Đấng biết rõ tôi không phải là sống ngày một ngày hai, mà là cả cuộc đời. Tôi đang sống ở trần gian này nhưng con đường tôi đi là con đường đời đời. Con đường đó có giá trị ở trần gian này lẫn trong đời sau nữa. Tôi không nói với Chúa như sau: “Xin Chúa đợi con đi hết con đường đời này rồi Chúa cùng đi với con trong con đường đời sau”. Khi tôi sống với Đấng biết rõ tôi thì tôi đang đi trong con đường đời đời. Mắt trần không thể nhìn thấy con đường này vì đây là con đường của đức tin. Tôi biết rằng nếu Chúa không hướng dẫn thì tôi không thể tự mình đi trong con đường đời đời ở giữa trần gian này. Tôi cần xin Chúa nắm lấy tay tôi và dẫn tôi vào con đường đời đời.

Như vậy, đây là một cuộc hành trình của tôi với Chúa và của Chúa với tôi chứ chẳng phải của riêng tôi hoặc của một mình tôi. Khi tôi xin Chúa dắt tôi vào con đường đời đời tức là tôi không cô đơn vì Chúa cùng đi với tôi. Khi xin Chúa dẫn dắt tức là tôi đặt tay của mình vào tay Chúa, để Chúa dẫn dắt (khác hẳn hình ảnh tôi kéo tay của Chúa và dẫn Chúa theo tôi). Tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng biết rõ tôi. Khi tôi xin Chúa dắt tôi tức là tôi chấp nhận đi đến nơi nào Chúa đưa tôi đến. Tôi tin Ngài khôn ngoan hơn tôi và Ngài đã chuẩn bị cho tôi điều quí nhất.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét