Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

TUẦN 3/52. THANH THIẾU NHI CƠ ĐỐC. (Mác 10:13-22)




Năm học 2015-2016, cả nước Việt Nam chúng ta có 22,21 triệu thanh thiếu nhi học trong các trường từ mầm non đến đại học. (Đó là chưa kể đến giới trẻ đi làm việc) Trong hơn 22 triệu người trẻ tuổi đó, không rõ có bao nhiêu học sinh, sinh viên biết Chúa Giê-xu là ai? Trách nhiệm của giới trẻ Cơ Đốc thật là lớn. Để có thể thực hiện nhiệm vụ nói về sự cứu rỗi linh hồn cho hơn 22 triệu người trẻ tuổi đó, gia đình các tín hữu, Hội thánh của Chúa tại Việt Nam phải có trách nhiệm trên giới thanh niên, thiếu niên và thiếu nhi trong Hội thánh.

Phúc Âm Mác 10:13-22 viết về thanh thiếu nhi. Từ câu 13-16 ông Mác viết về ấu nhi, nhi đồng và thiếu nhi; từ câu 17-22 ông viết về thiếu niên, thanh niên và người trưởng thành. Nói cách khác, ông đề cập đến giới trẻ tuổi từ mầm non cho đến đại học và tốt nghiệp đại học trong 10 câu Kinh Thánh. Tuy nhiên ông Mác không viết về việc học hành, thi cử của họ. Ông viết về vấn đề quan trọng nhất trong đời người. Đó là sự sống đời đời cho linh hồn.

Trước hết chúng ta suy nghĩ và tìm hiểu thực trạng lẫn nan đề của giới thanh niên và giới trưởng thành trong Hội thánh ngày nay qua câu 17-22. Vì thanh niên và giới trưởng thành Cơ Đốc ngày nay là hậu thân của những năm xưa kia làm thiếu nhi trong Hội Thánh.

Thực trạng và nan đề

Mác 10:17-23 ghi lại chuyện Chúa đang đi đường, có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Ngài và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống vĩnh cửu?”

Chúa Giê-xu trả lời: “Sao anh gọi ta là nhân lành? Ngoài Đức Chúa Trời ra, chẳng ai nhân lành cả. Anh biết các điều răn: ‘Đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cắp, đừng làm chứng dối, đừng gian lận, hãy hiếu kính cha mẹ!’”

Người ấy thưa: “Thưa Thầy, tôi tuân giữ tất cả những điều ấy từ thuở thơ ấu.”

Chúa Giê-xu thương mến nhìn người ấy và bảo: “Anh còn thiếu một điều: Hãy đi, bán tất cả tài sản và chia cho người nghèo, anh sẽ có kho báu trên trời, rồi đến theo ta!”

Nghe thế, người ấy rất buồn, ủ rũ bỏ đi, vì người ấy có nhiều của cải.

Đọc chuyện này, nghe những lời trao đổi với Chúa Giê-xu, thái độ của chàng thanh niên và phản ứng của anh ta đối với thách thức của Chúa chúng ta hình dung được quá khứ làm thiếu nhi của anh ta, hình dung được hiện tại là một thanh niên và tương lai là một thanh tráng của anh ta. Nói cách khác chúng ta mường tượng được dòng đời của anh ta từ thiếu nhi cho đến trưởng thành. Và có thể cho đến cuối đời.

Trước hết thanh niên này rất hăm hở, nhiệt tình khi đến với Chúa. Người ta đi, anh ta chạy; người ta đứng, anh ta lại quỳ; người ta đi theo sau Chúa, anh ta dám đối mặt với Chúa; người ta im lặng, anh ta lên tiếng hỏi Chúa. Anh là một người năng động, rất xứng đáng đại diện cho các Cơ đốc nhân trẻ tuổi.

Câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được sống vĩnh cửu?” cho chúng ta biết thực trạng đời sống tâm linh của anh ta trong hiện tại, thực trạng của một nếp sống tôn giáo hoàn toàn thất bại; đồng thời cũng cho thấy thất bại của tổ chức tôn giáo mà anh ta đang tham gia sinh hoạt.



Rồi khi anh ta trả lời với Chúa: “Thưa Thầy, tôi tuân giữ tất cả những điều ấy từ thuở thơ ấu” chúng ta có thể hình dung quá khứ tuổi thơ, khi còn là thiếu nhi của thanh niên này. Sau khi nghe câu chỉ dẫn khuyên bảo của Chúa, anh ta buồn rầu, ủ rũ bỏ đi. Chúng ta có thể hình dung tương lai của anh ta ra sao.

Thanh niên này sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng rất gương mẫu, nề nếp. Khi anh ta còn nhỏ tuổi, gia đình theo đạo Do Thái nên rất quan tâm đến việc dạy dỗ con cái. Ngoài ra, từ tấm bé anh ta được đưa đến Nhà Hội, được học các điều răn và giới luật trong Do Thái giáo.

Nói như thời nay thì từ khi còn nhỏ tuổi thanh niên này được cha mẹ dạy dỗ rất kỹ. Hằng tuần cha mẹ đưa đến nhà thờ để học Kinh Thánh trong lớp Trường Chúa Nhật, để nhóm và sinh hoạt với Hội thánh thiếu nhi.

Chẳng những từ nhỏ anh ta đã làu thông điều răn, giới luật của Chúa mà còn biết tuân giữ tất cả những điều anh đã học. Anh ta thưa với Chúa: “Tôi tuân giữ tất cả những điều ấy từ thuở thơ ấu."

Việc gia đình và Hội thánh dạy dỗ con em chúng ta từ khi còn nhỏ tuổi, giúp các em biết điều răn luật lệ của Chúa, rồi giúp các em có những sinh hoạt như đi nhà thờ, học Kinh Thánh, tham gia ban hát, sống có liên hệ tốt với mọi người... nói lên sự quan tâm của gia đình và Hội thánh đối với giới trẻ.

Chúng ta đừng vội mừng, đừng vội an tâm khi thấy con em chúng ta chịu đi nhà thờ như vậy. Cũng đừng cho rằng con em chúng ta làm tròn các bổn phận của một tín đồ là quá tốt rồi. Vì sao? Vì khi lớn lên, các em vẫn có thể hỏi như thanh niên kia đã hỏi Chúa: “Tôi phải làm gì để được sống vĩnh cửu?” Chi tiết này cho thấy không phải đi nhà thờ, tham gia ban hát, học Trường Chúa Nhật, nhóm ban ngành, sống đàng hoàng trong xã hội là tâm linh an toàn và không có nan đề gì.

Chúng ta cần lưu ý rằng: Dù gia đình, các bậc cha mẹ quan tâm đến con cái, dạy dỗ chúng, đưa chúng đến nhà thờ. Rồi Hội thánh cũng quan tâm tổ chức nhiều chương trình cho thanh thiếu nhi. Khích lệ các em có một đời sống theo đạo tốt đẹp. Nhưng sau nhiều năm lớn lên trong gia đình theo đạo, sinh hoạt trong nhà thờ, con em chúng ta vẫn có thể thắc mắc và thú nhận rằng không rõ mình có sự sống đời đời hay chưa. Đây là tình trạng của giới trẻ trong Hội Thánh ngày nay. Rất nhiều thanh thiếu niên không dám chắc chắn mình có sự sống đời đời.

Điều đáng sợ tiếp theo là gì? Thanh niên mạnh dạn chạy đến, quỳ xuống trước mặt Chúa, thắc mắc với Chúa, hỏi Ngài về trường hợp của mình mà không chút xấu hổ, ngại ngùng; để rồi sau đó anh ta buồn rầu bỏ đi.

Những ngày sau đó anh ta có tiếp tục sống theo những điều luật mà Chúa Giê-xu mới nhắc lại cho anh ta không? Có tiếp tục đi đến Nhà Hội trong ngày Sa-bát không? Anh ta tiếp tục sống một đời sống tốt đẹp theo Do Thái giáo. Nói như ngày hôm nay, thanh niên đó có tiếp tục đi đến nhà thờ, có tiếp tục hành đạo, có tiếp tục sinh hoạt tôn giáo không? Anh ta không trở thành một người vô đạo đức, anh ta không sống xấu xa trụy lạc. Chỉ có điều mặc dù duy trì nếp sống theo đạo nhưng anh ta biết rõ là mình chưa có sự sống đời đời.

Trong gia đình, anh ta là người con hiếu thảo. Trong Hội Thánh anh ta là một tín đồ nhiệt thành. Trong xã hội anh ta là một công dân tốt, thành đạt trong nghề nghiệp. Nhưng sự sống đời đời là điều còn rất xa vời với con người này.

Vì sao lại ra nông nỗi này? Vì sao gia đình bỏ ra nhiều công sức cho con cái từ khi còn nhỏ, vì sao Hội thánh dạy dỗ từ tấm bé, để rồi sau nhiều năm sinh hoạt trong nhà thờ, trở thành một thuộc viên gương mẫu mà lại hỏi rằng: “Tôi phải làm gì để được sống vĩnh cửu?”

Là người thân trong gia đình khi nghe con mình hỏi câu này, các bậc phụ huynh nghĩ gì? Nghe lời thú nhận này, các nhà lãnh đạo Hội thánh nghĩ gì? Có bậc cha mẹ đã tức giận khi con của họ làm chứng rằng sinh ra trong gia đình đạo dòng, từ nhỏ đến lớn đi nhà thờ, sống đạo đức nhưng thật ra chưa bao giờ tin Chúa. Họ cho rằng nói như vậy là làm xấu hổ, làm nhục gia đình. Gia đình có truyền thống tin Chúa mà lại nói như vậy. Có những bậc lãnh đạo Hội thánh cho rằng nói như vậy chẳng khác gì nói xấu các bậc lãnh đạo từ mục sư cho đến các chấp sự. Vì lâu nay ai nấy đều nghĩ rằng cậu ấy, cô ấy tốt lắm, kính yêu Chúa lắm. Thế mà bây giờ lại nói rằng mình chưa được tái sanh, chưa có sự sống đời đời, chưa phải là con của Chúa. Ngày nay một số phụ huynh và cả giới lãnh đạo thuộc linh đã phản ứng lại và cho rằng không cần nói về sự cứu rỗi, sự tái sanh cho giới trẻ trong nhà thờ, vì theo họ điều đó không cần thiết. Trong khi giới trẻ trong nhà thờ thì thú nhận rằng họ cần được giúp đỡ trong vấn đề tái sanh dù họ chưa đến tuổi của ông Ni-cô-đem.

Các bậc cha mẹ, những người lãnh đạo thuộc linh, Hội thánh cần lưu ý điều này: Chúng ta đưa giới trẻ đến đâu? Đến với nhà thờ hay đến với Chúa Giê-xu? Chúng ta giúp giới trẻ có niềm tin tôn giáo hay giúp họ có đức tin thật? Chúng ta dẫn dắt giới trẻ có thói quen sinh hoạt trong nhà thờ Tin Lành hay dẫn dắt họ vào mối tương giao với Đức Chúa Trời? Chúng ta muốn giới trẻ gắn bó với tổ chức hay gắn bó với Đức Chúa Trời? Chúng ta muốn giới trẻ chỉ vâng lời con người, vâng lời tổ chức hay vâng lời Đức Chúa Trời? Chúng ta muốn giới trẻ có kinh nghiệm và thói quen tôn giáo hay muốn họ có kinh nghiệm niềm tin nơi Chúa. Coi chừng họ đến với nhà thờ nhiều lần, hoặc bỏ cả tuổi thanh xuân, từ thiếu nhi đến thanh niên, sinh hoạt trong nhà thờ; nhưng họ chỉ gặp Chúa Giê-xu một lần rồi bỏ đi và không bao giờ gặp lại Chúa một lần nào nữa. Mặc dù chính họ từng đến với Chúa Giê-xu với tất cả sự cung kính, gọi Chúa bằng những mỹ từ cao quý, hỏi Chúa một vấn đề hết sức quan trọng và Chúa Giê-xu rất yêu thương họ.

Chúng ta không thể chỉ dạy dỗ giới trẻ những luật lệ: phải làm điều này, không được làm điều kia, hoặc phải đi nhà thờ, phải dâng tiền, phải tham gia ban hát, đừng nói dối, đừng trộm cắp... Rồi khi thấy từ thiếu nhi, thiếu niên đến thanh niên làm theo nội quy thì chúng ta cảm thấy an lòng, đủ rồi, tốt rồi. Nếu chúng ta chỉ đưa ra những luật lệ rồi bắt trẻ làm theo những điều luật tôn giáo, chúng ta sẽ gặt thất bại như thanh niên trong chuyện kia.

Cũng cần lưu ý một điều là càng nhỏ tuổi các em càng dễ quyết định tin Chúa Giê-xu. Một thống kê cho thấy:

  • 86% người tin Chúa trong độ tuổi dưới 15.
  • 10% người tin Chúa trong độ tuổi từ 15 đến 30.
  • 4% người tin Chúa trong độ tuổi trên 30.
Thiếu nhi là độ tuổi dễ tiếp nhận Chúa nhất, càng lớn tuổi thì càng khó tiếp nhận Chúa. Thanh niên trong chuyện có lẽ đang ở trong độ tuổi của nhóm người 10% đến 4 %.

Như vậy các bậc phụ huynh cần làm gì? Hội Thánh cần quan tâm đến điều gì? -Hãy giúp con em của mình có cơ hội đến với Chúa càng sớm càng tốt.

Giải pháp cho giới trẻ

Nếu có cơ hội để giúp cho thanh niên các bậc cha mẹ sẽ làm gì? Hội thánh sẽ làm gì? Nếu thanh niên này xuất thân từ gia đình của quý vị, quý vị sẽ làm gì? Nếu thanh niên này là tín hữu của Hội thánh, các nhà lãnh đạo thuộc linh sẽ làm gì?

-Chắc chắn chúng ta sẽ bắt đầu từ tuổi thiếu nhi. Liệu chúng ta có làm như cách cha mẹ của thanh niên này không? Liệu Hội thánh có dạy dỗ anh ta như cách dạy dỗ của Nhà Hội Do Thái giáo không?

Chẳng phải cha mẹ đem con đến nhà thờ là hết trách nhiệm. Tập cho con cái có thói quen tốt trong đời sống như là đi nhà thờ, học Kinh Thánh, cầu nguyện...; tập cho chúng biết cách cư xử đúng đắn khi liên hệ với mọi người, từ trong gia đình cho đến những người trong xã hội... Thế là chúng ta an tâm.
Cha mẹ đem con cái đến nhà thờ, cho con cái đi nhóm thì cảm thấy an tâm. Lãnh đạo Hội thánh thấy các bậc phụ huynh đem con cái đến nhà thờ cũng cảm thấy an tâm. “Ô, cả gia đình này đều đi nhà thờ hằng tuần, tốt quá!” Cha mẹ và các anh chị thanh niên, thiếu niên nhóm thờ phượng Chúa với người lớn, trẻ em thờ phượng và học Kinh Thánh trong Hội thánh Thiếu nhi. Hội thánh có giờ giảng dạy Kinh Thánh, lớp thiếu nhi cũng dạy Kinh Thánh. Hội thánh cũng khuyên lơn, lớp thiếu nhi cũng khuyên lơn...

Chúng ta không ngờ rằng chúng ta chỉ đem con cái đến nhà thờ nhưng không đem con cái chúng ta đến với Chúa Giê-xu. Điều quan trọng là đem con mình đến với Chúa Giê-xu. Chẳng phải chúng ta chỉ đem con cái đến nhà thờ để tham gia những sinh hoạt trong ban thiếu nhi, mà còn đem con chúng ta đến cho Chúa Giê-xu.

Phúc Âm Mác 10:13-16: Người ta đem trẻ em đến với Chúa Giê-xu để Ngài đặt tay trên các em. Chúa Giê-xu nói: “Hãy để trẻ em đến với Ta, đừng cấm các em, vì Nước Trời thuộc về những người giống như các em! Ta nói thật với anh em, ai không tiếp nhận Nước Trời như một em nhỏ thì chẳng vào đó được” Rồi Chúa bồng ẵm và đặt tay chúc phúc cho các em.



Chúng ta đem con cái đến cho Chúa Giê-xu để làm gì? Các bậc phụ huynh xưa kia đã đem con mình đến với Chúa chỉ với mong ước Chúa sẽ đặt tay trên con cái của họ. Chúa Giê-xu đã làm cho các bậc làm cha làm mẹ thỏa lòng khi Ngài bồng ẵm và đặt tay chúc phúc cho con cái của họ. Tuy nhiên trước khi bồng ẵm và đặt tay chúc phúc cho các em thiếu nhi Chúa Giê-xu đã cho các môn đệ và các bậc làm cha làm mẹ biết một chân lý rất quan trọng. Đó là con cái của họ, các em thiếu nhi tuy còn nhỏ nhưng có khả năng tiếp nhận Chúa. Chúa nói đến vấn đề tiếp nhận Nước Trời như một em nhỏ.

Chúng ta đem trẻ em đến với Chúa Giê-xu, chẳng những trẻ em được Chúa bồng ẵm, được Chúa đặt tay chúc phúc, mà quan trọng hơn nữa là các em có cơ hội để tiếp nhận Nước Trời.

Các bậc phụ huynh thường nghĩ rất dễ để trẻ em tiếp nhận phúc của Chúa, và nghĩ rằng thật khó để trẻ em tiếp nhận Nước Trời. Chúng ta thường nghĩ hưởng phúc của Chúa thì dễ còn hưởng sự sống đời đời thì khó quá. Trong khi đó Chúa Giê-xu lại nhìn thấy việc trẻ em tiếp nhận Nước Trời là điều rất dễ dàng (tiếp nhận như trẻ em) cũng như tiếp nhận phúc của Chúa.
Điều này có ý nghĩa gì? Các bậc phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ của mình đối với con của họ. Đừng đưa con em chúng ta đến với Chúa chỉ với ước muốn được Chúa quan tâm chăm sóc trong chốc lát, hoặc chỉ mong nhận được phúc của Chúa trong cuộc đời này. Cần ao ước, mong mỏi con em chúng ta tiếp nhận Nước Trời, tiếp nhận Chúa, tiếp nhận sự sống đời đời khi chúng còn là thiếu nhi.

Phải chăng cách suy nghĩ của chúng ta đã ảnh hưởng đến con của chúng ta. Phải chăng người lớn đến với Chúa cũng chỉ mong Chúa bồng ẵm, ban phúc mà không quan tâm đến việc tiếp nhận Nước Trời? Chúng ta cần thay đổi để con cái chúng ta cũng thay đổi.

Như vậy chúng ta đưa con của chúng ta đến nhà thờ
(1)không phải chỉ để khuyên chúng làm điều này, tránh điều kia theo lời Kinh Thánh; (2)cũng không phải chỉ được Chúa chăm sóc, giữ gìn và ban phúc; (3)nhưng điều quan trọng và trước hết là giúp các em có niềm tin nơi Đức Chúa Trời. Không phải đến nhà thờ để thuộc về một tổ chức, hoặc một ban ngành nhưng thiết lập sự tương giao với Đức Chúa Trời và thuộc về Ngài.

Nếu thanh niên kia từ nhỏ có niềm tin nơi Đức Chúa Trời như I-sác, như Gia-cốp từ nhỏ thì khi lớn lên đâu có băn khoăn thắc mắc tìm sự sống đời đời.

-Nếu con cái đang ở tuổi thiếu niên thì làm thế nào? Nhiều phụ huynh nói: “Con tôi đã qua tuổi thiếu nhi rồi, bây giờ đang trong tuổi thiếu niên và thanh niên, tôi phải làm sao đây? Có phương án nào giúp con tôi?”

Hội thánh cũng lo nghĩ về thanh thiếu niên không kém gì các bậc phụ huynh. Thậm chí từ lo lắng chuyển sang lo sợ thanh thiếu niên. Khi đến nhà thờ, có thể các thiếu nhi nói: “Con được ba mẹ đưa đến nhà thờ, thích quá!” Nhưng thanh thiếu niên lại nói rằng các em bị đẩy đến nhà thờ, chán quá! Thanh thiếu niên không muốn khép mình vào kỷ luật, muốn sống theo ý mình. Các em không muốn ở nhà, cũng không muốn đến nhà thờ, chỉ muốn ở ngoài đường. Các bậc làm cha làm mẹ từ thuyết phục đến bắt ép, dọa dẫm để các thiếu niên đến nhà thờ. Nhiều thiếu niên nói: “Con đâu có muốn đến nhà thờ, vì ba má bắt buộc cho nên con phải đến.” Nhiều em không thèm nói, tỏ vẻ vâng lời đi đến nhà thờ, nhưng chỉ có mặt trong nhà thờ mà thôi, còn tai thì nghe nhạc, hoặc chơi game, hoặc nói chuyện với nhau, các em chẳng quan tâm gì đến lời Chúa. Ngồi trong nhà thờ nhưng tâm hồn thì ở game online. Xác một nơi mà hồn một nẻo, giống như cha mẹ các em: xác ở nhà thờ mà hồn bay ra chợ.

Có thể ví các thiếu niên nổi loạn như cậu thiếu niên bị quỷ ám trong Mác 9:14-29. Thật ra các em không muốn nổi loạn, nhưng vì con quỷ ám trong các em xui khiến các em làm khổ cha mẹ và tự làm khổ mình.



Khi Chúa hỏi cha đứa trẻ: “Việc này xảy đến cho cháu bao lâu rồi?” Người cha của cậu thiếu niên thưa: “Từ hồi nhỏ...” Vẫn biết rằng Chúa có quyền và chắc chắn Ngài đuổi quỷ được, chắc chắn cứu được em. Nhưng nếu người cha đem con mình đến với Chúa sớm hơn thì con của ông không bị khốn khổ đến thế.

Dù đem con mình đến cho các môn đệ của Chúa, đem con mình đến nhà thờ nhưng mục tiêu là làm sao con em chúng ta có thể gặp được quyền năng của Chúa. Các môn đệ của Chúa dù cảm thương cho thiếu niên nhưng tự họ không thể cứu được, nhà thờ có tình yêu thương nhưng cũng không cứu được, nhưng Chúa Giê-xu yêu thương và Ngài cứu được.

Hãy đem các thanh thiếu niên đến cho Chúa Giê-xu. Nhưng đem đến cho Chúa cách nào? Tôi muốn đem nó đến nhà thờ mà nó không chịu đến. Tôi bắt nó học Kinh Thánh mà nó không học... Quỷ ám nó rồi, làm sao chúng ta nói mà nó chịu vâng lời!

Hãy mời Chúa đến nhà của mình. Đây là điều ông Giai-ru đã làm. (Mác 5:21-24; 35-43) Cô con gái 12 tuổi của ông đang hấp hối, và ông đi tìm Chúa để xin Chúa đến, đặt tay để con của ông được lành và được sống. Thê thảm hơn nữa khi ông càng đến gần Chúa, thì con ông càng đi vào chỗ chết. Ông đến với Chúa tưởng đâu hy vọng nhưng lại tuyệt vọng vì người nhà đến báo tin: “Con ông chết rồi.” Chẳng những báo tin mà còn cho rằng chẳng cần nhờ cậy Chúa nữa. Chúa Giê-xu đã khích lệ người cha bằng câu: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi!” Trong chúng ta có những người mà con mình đang bị quỷ ám và đang tìm cách giết nó; có người con bệnh nặng. Người ngoài cho rằng hết thuốc chữa rồi, chẳng làm gì được nữa, thậm chí họ cho rằng Chúa cũng bó tay.

Chúa bảo đừng sợ, hãy tin. Hãy tiếp tục đến với Chúa, hãy tiếp tục mời Chúa đến nhà của mình. Lời của Chúa có quyền năng hơn lời của chúng ta. Chính quyền năng của Chúa đụng vào con em chúng ta mới khiến con của chúng ta bừng tỉnh. Chính lời nói quyền năng của Ngài mới chạm thấu nội tâm chai lỳ của con em chúng ta.

Trong thực tế chúng ta đem con em chúng ta đến với Chúa, hoặc chúng ta mời Chúa đến nhà chúng ta cũng chỉ là một mà thôi, đó là nhờ cậy nơi Chúa, cụ thể là qua sự cầu nguyện. Các môn đệ đã hỏi Chúa: “Vì sao chúng tôi không đuổi được thứ quỷ ấy?” Chúa Giê-xu trả lời: “Thứ quỷ ấy không thể đuổi được nếu không cầu nguyện.”

Hãy đến với Chúa và cầu nguyện thưa với Ngài về tình trạng của con em chúng ta; hãy đến với Chúa để ‘mách’ với Ngài về việc ma quỷ tác hại con cái của chúng ta. Đến với Chúa để xin Chúa thương xót con cái chúng ta. Các bậc làm cha làm mẹ có cầu nguyện cho con em của mình không? Có nói thật tình trạng đáng thương của con cái mình cho Chúa biết không? Có báo cho Chúa con quỷ nào đang hành hạ con em chúng ta  không?

Chẳng những đến với Chúa, cầu xin Ngài nhưng cần tin cậy Chúa. Hãy thưa với Chúa: “Con tin! Con xin loại bỏ lòng vô tín trong con!” Nói cách khác chúng ta cần cầu nguyện về chính mình. Xin Chúa giúp chúng ta, cứu chúng ta trước, cho chúng ta có niềm tin mạnh mẽ nơi Chúa trước rồi sau đó Chúa cứu con cái chúng ta. Có cần xét lại bản thân của mình không? Phải chăng vì cớ thái độ của chúng ta đối với Chúa, vì chưa tin, vì sự vô tín của chúng ta mà con em chúng ta không được thay đổi.





Khi con em chúng ta còn nhỏ tuổi, chúng ta đem các em đến với Chúa với mục tiêu giúp các em tin Chúa chứ không phải chỉ xin Chúa ban phúc cho các em.

Chúng ta cầu nguyện cho con cái của mình, Hội thánh cầu nguyện cho thanh thiếu nhi. Cầu nguyện với đức tin Chúa làm được, cầu nguyện về chính mình, cầu nguyện về vấn đề của con em của chúng ta. Chúa sẽ làm phép lạ trong đời sống của con em chúng ta.

Việc giới trẻ trong Hội thánh có sự sống đời đời ngay từ thời thơ ấu là vô cùng quan trọng. Vì như vậy khi lớn lên các em mới dám sống cuộc đời theo lời Chúa dạy, mới dám dâng cuộc đời cho Chúa. Hội thánh tương lai là Hội thánh của những tín hữu có niềm tin đích thực hay chỉ toàn người theo đạo? Cách hướng dẫn của các bậc cha mẹ và giới lãnh đạo thuộc linh trong Hội thánh ngày nay sẽ trả lời cho vấn đề này.

Làm thế nào để thiếu nhi, thiếu niên trong Hội thánh lớn lên trở thành thanh niên có thể xác quyết mình đã có sự sống đời đời.

Hội thánh, các bậc phụ huynh hãy giúp cho thanh thiếu nhi có niềm tin nơi Chúa từ thời thơ ấu để khi lớn lên họ sẽ vâng lời Ngài và sống phục vụ.

XuânThu
______________________________________
Theo Bộ giáo dục và đào tạo, năm 2015 toàn quốc có khoảng 22,21 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó có: 4,42 triệu trẻ em mầm non; 15,08 triệu học sinh phổ thông; 0,35 triệu học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 2,36 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét