Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

TUẦN 02/52. THÀNH HAY BẠI



 5 Đa-vít đi đánh giặc nhiều: bất luận nơi nào Sau-lơ sai người đi, thì đều được việc, nên Sau-lơ đặt người làm đầu chiến sĩ ; người đẹp ý bá tánh và những tôi tớ của vua Sau-lơ.

 6 Khi Đa-vít đã giết được người Phi-li-tin, trở về cùng đạo binh, thì những người nữ của các thành I-sơ-ra-ên đi ra đón Sau-lơ, hát múa, đánh trống cơm, gõ nhịp, và reo tiếng vui mừng. 7 Những người múa đối đáp nhau rằng:

Sau-lơ giết hàng ngàn,
Còn Đa-vít giết hàng vạn!

 8 Sau lơ lấy làm giận lắm, vì các lời này không đẹp lòng người. Người nói: “Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta hàng ngàn; chỉ còn thiếu cho nó ngôi nước mà thôi!” 9 Kể từ ngày ấy, Sau-lơ thường ngó Đa-vít cách giận.

10 Ngày mai, ác thần bởi Đức Chúa Trời khiến nhập vào Sau-lơ; người có cơn sốt hoảng trong đền mình, thì Đa-vít gảy đàn như những ngày khác. Sau-lơ cầm một cây giáo nơi tay, 11 bèn phóng Đa-vít, mà rằng: “Ta sẽ đóng đinh nó nơi vách.” Nhưng Đa-vít tránh xa hai lần khỏi mũi giáo. 12 Sau-lơ sợ Đa-vít, vì Đức Gia-vê ở cùng Đa-vít, và đã lìa khỏi mình. 13 Sau-lơ khiến Đa-vít cách xa mình, lập người làm trưởng ngàn người: Đa-vít ra trận trở về thì đứng đầu đạo binh. 14 Trong các công việc, người đều được may mắn, và Đức Gia-vê ở cùng người. 15 Sau-lơ thấy người được may mắn dường ấy, thì lấy làm sợ người 16 Nhưng cả I-sơ-ra-ên và Giu-đa đều yêu mến Đa-vít, bởi vì người ra trận trở về đứng đầu chúng.
(1Sa-mu-ên 18:5-16)




1. Quan niệm thông thường 

Trong chuyện này chúng ta thấy có hai thái độ: (1)Thái độ của dân chúng đối với Đa-vít, và (2)Phản ứng của vua Sau-lơ đối với Đa-vít. Hai thái độ này có điểm khác nhau và có điểm giống nhau.

Điểm khác nhau giữa hai thái độ này là: trong khi dân chúng vui mừng hoan hô Đa-vít (câu 6,7), yêu mến và ủng hộ Đa-vít (câu 16) thì vua Sau-lơ lại ‘thường ngó Đa-vít cách giận’ (câu 9), tìm cách giết Đa-vít - ‘đóng đinh nó nơi vách’ (câu 11), rồi ‘sợ Đa-vít’ (câu 12), và ‘khiến Đa-vít cách xa mình’ (câu 13).  Tức tối, ganh ghét và tìm cách làm hại Đa-vít là thái độ của vua Sau-lơ đối với Đa-vít. Thái độ của vua Sau-lơ làm cho vua ngày càng xa cách Đa-vít, còn thái độ của dân chúng làm cho Đa-vít ngày càng gần với họ. Thái độ của vua Sau-lơ biến Đa-vít thành kẻ thù không đội trời chung, còn thái độ của dân chúng biến Đa-vít thành người anh hùng của họ. Tuy hai thái độ khác nhau nhưng cả hai đều bắt nguồn từ nguyên nhân giống nhau. Đó là thành tích.

Thái độ của dân chúng đối với Đa-vít bắt nguồn từ những thành tích mà Đa-vít đạt được. Câu 5 cho biết bất luận nơi nào Đa-vít đều ‘được việc’. Cũng trong câu 5 Đa-vít là ‘người đẹp ý bá tánh và những tôi tớ của vua Sau-lơ’. Câu 6 cho biết Đa-vít ‘giết được người Phi-li-tin’. Trong câu 7 cho biết ‘Đa-vít giết hàng vạn’. Đa-vít là một người ‘được việc’, ông hoàn thành công tác được giao cho một cách xuất sắc. Trong liên hệ với con người ông cũng được lòng mọi người. Đối với tuyển dân của Chúa, ông là vị cứu tinh của dân tộc vì đã chiến thắng kẻ thù, bảo vệ họ. Một người có chiến công, đem lại an ninh hạnh phúc cho tuyển dân của Chúa tất nhiên được nhiều người yêu mến, được khen ngợi và trở thành người có giá trị.

Nếu thái độ của dân chúng đối với Đa-vít bắt nguồn từ thành tích của Đa-vít thì thái độ của vua Sau-lơ đối với Đa-vít cũng bắt nguồn từ thành tích của Đa-vít. Trong câu 5, vua Sau-lơ ‘đặt người (Đa-vít) làm đầu chiến sĩ’. Vì sao? Vì Đa-vít là người lập được chiến công, là người có thành tích. Trong câu 13 Sau-lơ ‘lập người (Đa-vít) làm trưởng ngàn người’ và khi ‘Đa-vít ra trận trở về thì đứng đầu đạo binh’. Vì sao? Vì Đa-vít là người có thành tích.

Vua Sau-lơ có thành tích không? Trong câu chuyện này không một người dân nào so sánh họ với Đa-vít, vì sao? Vì họ chẳng có thành tích gì để so sánh với Đa-vít cả. Nhưng dân chúng lại so sánh thành tích của vua Sau-lơ với thành tích của Đa-vít qua câu hát đối đáp:

 Sau-lơ giết hàng ngàn,
Còn Đa-vít giết hàng vạn!

Thành tích của vua Sau-lơ là vua đã ‘giết hàng ngàn’. Người có thành tích giết hàng ngàn có giá trị không? Tất nhiên là có. Dân chúng có khen vua Sau-lơ không? Tất nhiên là có. Tuy nhiên cách khen của dân chúng làm cho vua Sau-lơ giận và không hài lòng. (Câu 8)

Thái độ của Sau-lơ cho thấy vua vừa coi trọng thành tích và cũng coi trọng việc người khác nghĩ gì về mình. Mình có được người ta coi trọng không? Người ta coi trọng mình đến mức độ nào? Nghe câu: Sau-lơ giết hàng ngàn thì chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng khi nghe tiếp: Còn Đa-vít giết hàng vạn thì vua Sau-lơ thấy mình kém giá trị, dân chúng khen mình ít hơn Đa-vít. Vua cảm thấy dân chúng không kính trọng mình bằng Đa-vít, thấy mình mất giá trị, thấy mình thua kém Đa-vít.

Như vậy có hai điều làm cho vua Sau-lơ mất ăn mất ngủ đó là: (1)thành tích của Đa-vít, và (2)lời khen của người khác. Hai điều trên làm tổn thương vua Sau-lơ, làm vua thấy mình mất giá trị, từ một người an vị trong sự thành công nay trở thành kẻ kém cỏi.

Bạn có cho rằng thành công là phải có thành tích không? Đi học phải học có điểm cao mới là thành công trong học tập. Đi làm phải làm ở nơi có nhiều tiền mới là thành công trong nghề nghiệp. Có vợ đẹp, con xinh mới là thành công trong việc lập gia đình. Có người yêu để cặp kè mới là thành công trong tình cảm…

Bạn có cho rằng thành công là phải hơn người không? Thiên hạ có yêu mến, có khen, có coi trọng tôi không? Về bằng cấp, người ta có một, tôi có hai. Về ngoại ngữ, người ta biết một, tôi biết hai. Về xe cộ, người ta có xe đời mới tôi có đời mới hơn. Về sự khen ngợi, người ta được khen 1 còn tôi được khen 10. Ai cũng yêu mến tôi, ai cũng khen tôi….

Bạn có quan tâm đến việc người khác nhìn và đánh giá bạn như thế nào không? Thí dụ khi bạn chia sẻ câu chuyện đức tin mà có người khe khẽ lắc đầu, hoặc cười mỉm chi thì bạn cảm thấy hơi nhột, và nghĩ rằng bạn bị sai trật… Bạn mặc cái áo mà thiên hạ chỉ trỏ xầm xì rồi cười khúc khích với nhau thì bạn nghĩ rằng cái áo đang mặc làm cho bạn mất giá trị. Bạn làm một công việc mà người khác nhìn bằng nửa con mắt, chắc bạn sẽ chuyển nghề…

Bạn cần biết rằng quan niệm của bạn sẽ chi phối cuộc đời của bạn về nhiều phương diện:

-Cách sống. Cách chọn lựa.
-Các mối liên hệ, cách cư xử.
-Biến chuyện trong nội tâm.
-Mối liên hệ, tương giao với Chúa.

2. Quan điểm Kinh Thánh

Chúng ta cần xem xét quan điểm của Kinh Thánh đối với vấn đề thành bại. Những chi tiết chúng ta tìm hiểu và nhận thấy nơi vua Sau-lơ và Đa-vít trong phần trên chỉ là bề nổi của vấn đề. Thật ra có một nhân vật liên quan đến việc thành – bại của vua Sau-lơ và Đa-vít. Đó là Đức Gia-vê.

Nhóm từ ‘Đức Gia-vê ở cùng’ được nhắc đến hai lần trong câu 12 và câu 14. Ngược lại là gì? “Sau-lơ sợ Đa-vít, vì Đức Giê-hô-va ở cùng Đa-vít, và đã lìa khỏi mình.” Vua Sau-lơ biết rất rõ Đức Gia-vê ở cùng Đa-vít và đã lìa khỏi vua. Tuy nhiên dù vua Sau-lơ biết Chúa đã lìa khỏi mình vua vẫn không thay đổi. Đây là điều cảnh tỉnh tất cả chúng ta. Có thể chúng ta biết rõ Chúa là ai, có thể chúng ta biết Kinh Thánh dạy ra sao về sự thành công, nhưng chúng ta vẫn sống theo ý riêng của mình, vẫn chủ trương theo quan niệm của loài người trong vấn đề thành bại.

Theo quan niệm của Kinh Thánh, thành công là có Đức Gia-vê ở cùng và thất bại là bị Đức Gia-vê lìa bỏ. Ông Đa-vít thành công nhờ có Đức Gia-vê ở cùng, còn vua Sau-lơ thất bại vì Đức Gia-vê đã lìa bỏ vua.

Thành công căn cứ trên mối liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời. Khi một người không có hoặc đánh mất mối liên hệ với Đức Chúa Trời thì đó là thất bại. Điều quan trọng trong đời sống của một người là mối liên hệ của người đó với Chúa chứ không phải do người xung quanh đánh giá người đó ra sao. Đa-vít được hoàng tử Giô-na-than yêu mến (câu 1), được đẹp ý bá tánh và những tôi tớ của Sau-lơ (câu 5), được dân chúng ca ngợi (câu 7); những điều đó chỉ là kết quả của một đời sống có Chúa ở cùng.

Trước khi Sau-lơ được tôn lên làm vua, ông là người có Đức Chúa Trời ở cùng. Ông được Thần của Chúa cảm động nói tiên tri (I Sa-mu-ên 10:10), được Đức Chúa Trời cảm động giải cứu dân Gia-be (I Sa-mu-ên 11:6). Nhưng sau khi lên ngôi, mối liên hệ giữa vua Sau-lơ với Chúa ngày càng xấu đi vì vua không chịu vâng lời. Đây là điều cảnh báo tất cả những ai nói mình đang có mối tương giao với Chúa. Có mối tương giao là một chuyện, còn phải duy trì và giữ gìn mối tương giao đó. Vua Sau-lơ đã xem thường và không giữ gìn mối liên hệ của ông với Đức Chúa Trời. Biểu hiện của việc xem thường và không giữ gìn mối tương giao là sự bất tuân của vua đối với lời Chúa. Lần thứ nhất, vua làm một việc rất thuộc linh (dâng của lễ) trong tinh thần không vâng lời. Vua giải thích việc vua không vâng lời bằng câu nói rất thiêng liêng: “Tôi chưa cầu khẩn Đức Gia-vê, vì vậy tôi miễn cưỡng dâng của lễ.” Lần thứ hai, khi không vâng lời, vua vẫn nói với ông Sa-mu-ên: “Nguyện Đức Gia-vê ban phước cho ông! Tôi đã làm theo lịnh của Đức Gia-vê.” (I Sa-mu-ên 15:13) Khi bị chất vấn: “Sao ngươi không vâng theo lời phán của Đức Gia-vê?” (I Sa-mu-ên 15:19) vua Sau-lơ vẫn khăng khăng cho rằng mình có vâng lời: “Tôi thật có nghe theo lời phán của Đức Gia-vê. Tôi đã đi làm xong việc mà Đức Gia-vê sai tôi đi làm…” (I Sa-mu-ên 15:20) Còn vấn đề không hoàn toàn vâng lời vua đưa ra lý do rất thiêng liêng, đó là vì Chúa, cho Chúa. Tiên tri Sa-mu-ên nói thẳng với vua: “Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Gia-vê, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.” (I Sa-mu-ên 15:23b)

Đức Chúa Trời ở cùng khi một người tôn Chúa là Chúa của đời sống người ấy. Cụm từ Đức Chúa Trời ở cùng chỉ về mối liên hệ với Chúa, nhấn mạnh vai trò làm Chúa làm Chủ của Ngài trong đời sống một người. Chúa không phải là Đấng để tô điểm cho cuộc đời. Cũng không phải là Đấng để chúng ta tiêu khiển hoặc giải trí. Lại càng không phải là Đấng để chúng ta nhờ cậy khi có việc cần. Chúa là Đấng ở cùng và chi phối toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Thật dễ chấp nhận việc Đức Gia-vê ở cùng để ban phước và đồng ý phê duyệt những đơn từ xin xỏ của chúng ta; nhưng thật khó chấp nhận việc Đức Gia-vê ở cùng hướng dẫn và chi phối toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Thật là mâu thuẫn khi một mặt chúng ta không muốn Chúa lìa bỏ chúng ta, mặt khác lại muốn Chúa ở với chúng ta theo cách của chúng ta. Vì sao? Vì tham vọng của ý riêng. Vì tinh thần của bản ngã. Vì quan niệm của người đời. Vì áp lực của xã hội. Vì muốn thấy thành quả trước mắt.

Vì sao nhiều học sinh bỏ nhóm lại để đi học thêm. Vì muốn đạt được thành quả trong học tập. Vì áp lực của gia đình, của xã hội… Liệu họ có đạt được thành quả không? Tất nhiên là có. Tuy nhiên khi đạt được những điều thấy được họ lại đánh mất điều không thấy được mà họ không ngờ. Ngày nay thiếu gì người tin Chúa từng có mối liên hệ với Chúa nhưng tự đánh mất mối liên hệ đó. Họ có những lập luận rất thiêng liêng khi tạm ngưng phục vụ Chúa, tạm ngưng gắn bó với cộng đồng Cơ Đốc để gọi là dành thời gian lo cho tương lai trước, để bảo đảm tương lai trước rồi sau đó sẽ lo hầu việc Chúa. Thiếu gì người nói mình cứ làm giàu bằng bất cứ giá nào. Giàu có thì nói về Chúa người ta mới chịu nghe. Thiên hạ với tầm nhìn thông thường có thể cho là thành công. Nhưng như vua Sau-lơ, người trong cuộc biết Đức Gia-vê đã lìa khỏi mình.

Đức Chúa Trời ở cùng khi một người biết kính sợ Chúa và vâng theo lời của Ngài. Người có đời sống kính sợ và vâng theo lời Chúa thì tin vào quyền tể trị của Chúa. Khi vâng lời Chúa trong hoàn cảnh bất lợi, dù phải thiệt hại, phải thất bại theo quan niệm của con người thì người trong cuộc vẫn tin nơi sự tể trị của Chúa. Cuộc đời ông Giô-sép là một bằng chứng. Theo con người, một chàng trai từng là con cưng trong gia đình, được cha cậu yêu thương, được Chúa cho chiêm bao thấy cuộc đời tươi sáng của mình mà lại bị bán đi làm nô lệ là một thất bại. Thế nhưng Giô-sép vẫn là một người nô lệ thành công khi chàng được Đức Gia-vê phù hộ đến nỗi chủ thấy Đức Gia-vê phù hộ chàng. (Sáng Thế Ký 39:2, 3) Thậm chí khi vì cớ kính sợ Chúa, vâng theo lời Ngài mà bị tù oan thì Kinh Thánh vẫn chép Đức Gia-vê phù hộ Giô-sép. (Sáng Thế Ký 39:21, 23)

Có ai học hành siêng năng, nhưng khi đi thi lại không thể làm bài tốt hơn những thí sinh gian lận không? Bạn có cơ hội gian lận nhưng vì kính sợ Chúa bạn đã không làm như vậy. Bạn tin Chúa có chương trình cho đời sống bạn, bạn tin vào sự tể trị của Chúa và kết quả là bạn… rớt, năm sau bạn phải thi lại. Thành hay bại?  Bạn nghĩ sao?

Khi bạn sống mà vâng theo những nguyên tắc của Chúa, sống trong đường lối kính sợ Chúa có thể bạn phải trả giá. Con người cho rằng bạn thất bại, nhưng bạn hãy yên tâm, vì Đức Chúa Trời vẫn ở cùng bạn.

Đức Chúa Trời ở cùng để ban năng lực cho người kính sợ Ngài, sống đúng với những nguyên tắc của Ngài. Ông Giô-sép nhờ có Chúa ở cùng mà có thể chịu đựng được sự ghen ghét của các anh, sự vu oan giáng hoạ của vợ chồng Phô-ti-pha và những bất công cứ đeo đuổi ông. Ông Đa-vít nhờ có Chúa ở cùng mà có thể chịu đựng những tấn công của vua Sau-lơ mà không hề đánh trả, có thể chạy trốn mà không nản lòng. Đa-ni-ên và các bạn của ông nhờ có Chúa ở cùng mà có thể thắng hơn áp lực khủng khiếp của hàm sư tử và lò lửa hừng.

Đức Chúa Trời ở cùng để nhào nặn người kính sợ Ngài trở nên người theo ý muốn của Ngài. Dù Đa-vít được xức dầu để làm vua, dù Giô-sép được thấy trước địa vị của mình qua giấc chiêm bao, dù Đa-ni-ên và các bạn của ông được tuyển vào cung vua… nhưng tất cả đều là những người do Đức Chúa Trời tạo dựng. Mỗi người không sống theo ý mình, không tự mình đi tìm danh tiếng cho riêng bản thân. Họ cần sống trong mối tương giao với Chúa, đặt mình trong tay Chúa, phó thác cuộc đời cho Chúa để Ngài làm thành ý định của Ngài trong cuộc đời của họ. Khi bạn còn ở trong tay Chúa, khi Chúa còn ở với bạn, bạn có thể an tâm, không nghĩ đến việc thành bại theo quan niệm con người.

Người coi trọng mối liên hệ với Chúa không căn cứ vào hoàn cảnh, không căn cứ vào dư luận để kết luận thành hoặc bại, nhưng căn cứ vào việc Chúa có còn ở cùng mình không. Trong hoàn cảnh lưu đày, khi mọi người nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã từ bỏ tuyển dân của Ngài thì Đức Chúa Trời vẫn ở với ông Đa-ni-ên và ba bạn của ông. Đây là những con người luôn luôn có Chúa ở cùng. Họ có mối liên hệ với Chúa, luôn giữ mối liên hệ tốt với Ngài. Chính vì thế mà họ luôn luôn sống theo tiêu chuẩn lấy sự kính sợ Chúa làm đầu, sống theo những nguyên tắc của lời Chúa. Dù phải trả giá như thế nào đi nữa thì họ vẫn tin nơi sự tể trị của Chúa.

Nếu nói thành bại theo quan niệm của loài người thì Giê-xu người Na-xa-rét là người thất bại nhất. Người có quyền năng, đầy khôn ngoan, giúp biết bao nhiêu người nhưng lại chết thảm, bị môn đệ từ bỏ. Khi Chúa chấp nhận không theo ý Con nhưng theo ý Cha, tuy trước mắt là 'thất bại' nhưng về sau lại là thành công.

* Câu chuyện





Ông Adoniram Judson chào đời năm 1788, là con trai của một bộ trưởng. Năm lên 10 tuổi ông đã là một nhà toán học tài ba. Ông cũng học tiếng La-tinh, tiếng Hy-lạp và nghiên cứu nhiều sách thần học. Năm 19 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa tại một đại học nổi tiếng. Trong suốt những năm tháng ở đại học, vì ảnh hưởng của một người bạn theo học thuyết vô thần mà ông Judson trở thành một người hoài nghi. Tuy nhiên sau cái chết thảm khốc của người bạn này, ông trở lại tin Chúa và cưu mang gánh nặng truyền giáo.

Thời đó, ở Châu Mỹ chưa có hội truyền giáo nên ông Judson là người tiên phong cổ động các hội thánh tham gia dâng giúp công tác truyền giáo. Còn ông nhận nhiệm vụ đi truyền giáo. Ông và vợ (bà Ann) xuống tàu đi Ấn Độ năm 1812. Sau một thời gian bệnh tật, nản lòng, ông Judson dành thì giờ học tiếng và dịch Kinh Thánh. Trong 6 năm ở Ấn Độ họ chỉ đem được 1 người đến với Chúa.

Rồi ông Judson bị tù 21 tháng. Một thời gian ngắn sau khi được thả thì vợ và con gái của ông qua đời vì bệnh sốt rét. Tám năm sau ông tục huyền với một quả phụ truyền giáo tên là Sarah Boardman. Rồi bà này cũng bệnh tật và qua đời ngoài biển năm 1850. Có thể nói suốt đời, ông Judson chịu đựng nhiều thử thách, đớn đau. Theo cái nhìn của con người ông Judson là người thất bại. Nhưng ông đã thành công trong việc đem Phúc Âm đến cho người Miến Điện và dịch toàn bộ Kinh Thánh ra tiếng Miến Điện.

Vào Lễ kỷ niệm 150 năm bản dịch Kinh thánh sang tiếng của Miến Điện, ông Paul Borthwick phát biểu trước một nhóm người kỷ niệm công việc của ông Judson. Ngay trước lúc ông phát biểu, ông để ý thấy một hàng chữ nhỏ được in ở trang đầu tiên: “Được dịch bởi Quý ngài: A. Judson.” Vì thế, ông Borthwick quay sang người phiên dịch của mình, một thanh niên Miến Điện tên Matthew Hia Win và hỏi: “Matthew, cậu biết gì về người này?” Đôi mắt Matthew bắt đầu rớm lệ và nói: “Chúng tôi biết ông ấy – chúng tôi biết ông ấy yêu những người Miến Điện như thế nào và ông ấy đã chịu khổ vì cớ Tin Lành cho chúng tôi xuất phát từ tình yêu của ông như thế nào. Ông đã chết trong sự khốn khó nhưng đã để lại cho chúng tôi cuốn Kinh thánh. Khi ông chết, chỉ có vài người tin Chúa nhưng ngày nay có trên 600.000 người tin Chúa, và từng người trong chúng tôi lần trở lại đều là di sản thuộc linh của một người: Quý ngài Adoniram Judson.”


XuânThu  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét