Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

TUẦN 1/52



Không ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; nếu vậy thì miếng nỉ mới chằng rách áo cũ, mà đàng rách thành xấu thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu vậy, rượu làm vỡ bầu, rượu mất và bầu cũng chẳng còn.
(Bản Truyền Thống)

Không ai lại vá mảnh vải mới vào cái áo cũ; nếu làm vậy, mảnh vải mới sẽ chằng rách áo cũ và chỗ rách càng rách hơn. Cũng chẳng ai lại rót rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, rồi rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới phải rót vào bầu da mới.
(Bản Phạm Xuân)



‘Cũ’ ở đây không ám chỉ truyền thống tốt đẹp. Cũng không ám chỉ ‘đồ cổ’ có giá trị. ‘Cũ’ ám chỉ những gì phải bỏ đi, những điều không có giá trị, những điều hư hỏng. Một phương pháp làm việc cũ. Con người cũ, thói xấu, tội lỗi trong đời sống.

Chúa Giê-xu đến không phải để phá bỏ những truyền thống tốt đẹp. Chúa đến để đem sự đổi mới cho con người. Tin Chúa không phải là thêm vào đời sống một miếng vải mới, cũng không phải là theo một hình thức tôn giáo mới.

* Mới – cũ không thể vá víu với nhau

Không nên lấy vải mới để vá áo cũ. Có hai thứ ở đây: một miếng vải mới và một cái áo cũ bị rách. Điều tốt nhất là gì? 

-Giả định có vải cũ và áo mới. Phải chăng ta nên vá vải cũ vào áo mới? Chẳng ai làm như vậy, vì làm mất giá trị cái áo mới.

-Hoặc là vá vải mới vào áo mới? Như vậy thật lạ lùng. Vì làm sao áo mới lại cần vá?

-Còn vá vải cũ vào áo cũ thì đó là chuyện đương nhiên, vì cũ đi với cũ.

-Còn vá vải mới vào áo cũ là điều Chúa nói không ai làm như vậy. Như vậy điều tốt nhất khi có vải mới là gì? Khi có áo cũ rách là gì?

Thật đơn giản: Có một mảnh vải mới thì ta may cái áo mới, chuyện gì lấy vải mới mà vá áo cũ. Còn cái áo cũ đã rách thì nên bỏ đi, đừng luyến tiếc, vì có vải mới để may áo mới rồi.

* Mới – cũ không thể hỗ tương cho nhau

-Rượu mới ám chỉ nội dung mới, ở bên trong, không nhìn thấy được. Tất nhiên khi rót rượu đổ ra ngoài thì sẽ thấy được.

-Bầu cũ ám chỉ: hình thức cũ, bên ngoài, nhìn thấy được.

Mới và cũ không thể hỗ tương cho nhau được, cái mới bên trong không thể hỗ tương với cái cũ bên ngoài, và ngược lại cái mới bên ngoài không giúp gì cho nội dung cũ kỹ ở bên trong. Giữa nội dung và hình thức có thể hỗ tương cho nhau, nhưng mới và cũ thì không thể, vì mới và cũ tréo ngoe với nhau, trái ngược nhau, phá hỏng nhau.

Có bốn trường hợp chúng ta cần suy xét.

1. Rượu cũ – bầu da cũ: Nội dung cũ, hình thức cũ



Đây là hình ảnh con người không chịu thay đổi. Vì sao không chịu thay đổi? Vì nhiều lý do: Không lo thay đổi. Không cần thay đổi. Không thèm thay đổi. Không quan tâm đến việc thay đổi. Không nghĩ đến việc phải thay đổi...

Sứ đồ Gia-cơ viết về người soi mặt mình trong gương, thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào (1:23, 24) Đây là con người không chịu thay đổi dù biết rằng mình đang có vấn đề. Vẫn chấp nhận và sống theo nếp sống cũ, con người cũ. Thí dụ: Có hai nơi để sống: một nơi tối tăm dơ bẩn, không có điện, chẳng có nước; một nơi sạch sẽ, có điện nước đầy đủ. Bạn sẽ chọn đến ở nơi nào? Về lý thuyết ai cũng chọn nơi sạch đẹp để sống, nhưng trong đời sống, nhiều điều chúng ta chọn có nội dung cũ và hình thức cũ.

Là Cơ Đốc nhân, đáng lẽ chúng ta có nội dung sống mới và hình thức sống mới, qua đó nếp sống Cơ Đốc tiến triển. Thế nhưng đa số Cơ Đốc nhân ngày nay có nội dung sống và hình thức sống chẳng khác gì người chưa tin Chúa. Chẳng có gì thay đổi trong cách sinh hoạt của họ.

Một gia đình tự xưng là gia đình Cơ Đốc nhưng các thành viên trong gia đình vẫn sống theo lối sống cũ, không ai chịu thay đổi thì không phải là gia đình Cơ Đốc.

Nếu hội thánh muốn phát triển nhưng không chịu thay đổi. Rượu vẫn cũ mà bình cũng cũ. Chỉ toàn là chắp vá giữa cũ và mới. Tín hữu đến nhà thờ không trải nghiệm sự thay đổi từ bên trong đến bên ngoài thì làm sao phát triển được?

Điều đầu tiên chúng ta cần là gì? Nhận biết tình trạng hư cũ cả về nội dung lẫn hình thức của chúng ta (bản thân, gia đình, hội thánh) và muốn thay đổi, có ước muốn thay đổi, khao khát thay đổi. Xin Chúa giúp chúng ta thay đổi.

2. Rượu cũ – bầu da mới: nội dung cũ, hình thức mới


Đây là hình ảnh con người giả bộ thay đổi. Thay đổi bề ngoài.  Thay đổi cho thiên hạ thấy. Thay đổi hình thức.


Thay đổi như vậy là dại dột: rượu cũ lại đem đổ vào bầu da mới. Thay đổi thiếu khôn ngoan, thiếu sáng suốt.

Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si mà Chúa Giê-xu nói đến tiêu biểu cho những người chỉ thay đổi bề ngoài. Ma-thi-ơ 23:27-28. “Khốn cho các ông, những thầy thông giáo và người Pha-ri-si đạo đức giả! Vì các ông giống như mồ mả tô trắng, bề ngoài có vẻ đẹp đẽ nhưng bên trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ bẩn. Các ông cũng vậy, bề ngoài tỏ vẻ công chính đối với người đời nhưng bề trong các ông đầy đạo đức giả và vô luật pháp!”

Dù bề ngoài đẹp đẽ thế nào đi nữa thì Chúa cho rằng cái đẹp đó là cái đẹp của sự chết chóc, cái đẹp của mồ mả tô trắng. Có vẻ sạch, có vẻ đẹp vì màu trắng, có vẻ công chính, nhưng kỳ thật bên trong chỉ là dơ bẩn, đạo đức giả và vô luật pháp.

Những người có đời sống theo nghi thức tôn giáo rất dễ rơi vào trường hợp này. Một người siêng năng đi nhà thờ, tham gia học Kinh Thánh, nhóm cầu nguyện, dâng hiến tiền bạc, làm công việc nhà thờ... có thể nghĩ rằng mình là người thiêng liêng, sống tốt đẹp, gần Chúa, thánh thiện hơn người.

Chính việc lấy những nghi thức tôn giáo làm thước đo khiến con người lầm tưởng và ảo tưởng về chính mình, quên con người thật của mình, không nhận ra thực trạng của mình. Theo như Chúa nhận định thì dù người đời cho là công chính nhưng bên trong thì đầy sự giả dối.

Phải lấy bên trong làm khởi điểm cho sự thay đổi. Cần nội dung mới, phẩm chất mới. Còn nếu chỉ thay đổi hình thức, thay đổi con người bề ngoài mà không quan tâm đến con người bề trong thì sự thay đổi đó chỉ là giả tạo mà thôi.

Thí dụ một người đi nhà thờ, cầu nguyện tin Chúa, nhận lễ báp-tem để lập gia đình với một người thuộc về nhà thờ. Đôi khi cả hai người đó đều chỉ thay đổi bề ngoài, còn bên trong vẫn là người cũ.

Nói như vậy không phải để chúng ta mất hy vọng, nhưng để chúng ta nhận ra thật sự mình là ai để bắt đầu thay đổi đúng nghĩa từ trong đến ngoài.

3. Rượu mới – bầu da cũ: nội dung mới, hình thức cũ



Đây là hình ảnh con người có cơ hội thay đổi nhưng không biểu hiện sự thay đổi. Có thể nhận định là thay đổi nửa vời.

Chuyện Chúa Chữa Lành Người Phung trong Mác 1:40-45 chỉ về một người thay đổi nửa vời: Có một người phung đến với Chúa, quỳ xuống và cầu xin Ngài: “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể làm cho tôi sạch.”

Chúa Giê-xu động lòng thương xót, đưa tay sờ anh và nói: “Ta muốn, anh hãy sạch đi!” Lập tức phung biến mất, và anh được sạch.

Sau đó, Chúa liền cho anh đi; Ngài nghiêm giọng bảo: “Anh hãy thận trọng, đừng kể gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện với thầy tư tế và dâng của lễ để làm chứng cho mọi người là anh đã được tinh sạch, theo như luật ông Mô-se truyền dạy!” Tuy nhiên, anh ấy đi và đồn câu chuyện này ra, nên Chúa không thể công khai vào thành phố, nhưng phải ở bên ngoài, tại những chỗ hoang vắng; dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Ngài.

Đây là con người thoạt nhìn có vẻ tích cực.

(1)Anh ta can đảm, dám đến với Chúa trong khi mình đang bị phung. Anh ta có thể bị xua đuổi, bị ném đá.

(2)Thái độ của anh ta đối với Chúa cũng đáng để chúng ta noi theo. Anh quỳ xuống và cầu xin Chúa.

(3)Cách nói năng của anh ta cũng hợp ý người nghe. Không đòi hỏi gì, nếu Chúa muốn Chúa có thể làm cho anh ta lành bệnh phung. Anh là con người thuận phục ý Chúa. Nhưng thật ra anh có phải là con người như chúng ta nghĩ không?
Chúa Giê-xu đối với anh như thế nào?

(1)Chúa yêu thương anh, Ngài động lòng thương xót,

(2)Chúa đã đụng đến thân thể bệnh hoạn của anh.

(3)Chúa nói với anh: “Ta muốn, anh hãy sạch đi!”

Tình yêu thương của Chúa, bàn tay của Chúa, lời nói của Ngài đã làm cho phung lập tức biến mất và anh được sạch hoàn toàn. Con người này đang đứng trước cơ hội trở thành một con người mới hoàn toàn từ trong đến ngoài. Tuy nhiên anh ta đánh mất cơ hội được thay đổi hoàn toàn. Dù là một con người được thay đổi, phung đã biến mất, cơ thể trở nên tinh sạch, nhưng anh vẫn là người không vâng lời Chúa. Anh vẫn là người làm theo ý mình. Anh có nghe lời Chúa dặn nhưng bỏ ngoài tai tất cả lời Chúa dặn để hoạt động theo ý mình. Anh ta là người hết phung, là một người tinh sạch nhưng không biết vâng lời. Dù con người này được thay đổi bên ngoài nhưng hành vi cũ kỹ, theo thói quen xưa nay, thái độ nghe dạy bảo mà không làm theo, tinh thần không vâng lời vẫn còn trong nội tâm anh ta.

Nếu nghe hỏi: Anh có gặp Chúa không? Chúa có đụng đến anh không? Ngài có yêu thương anh không? Anh có được lành bịnh không? Anh ta sẽ trả lời một cách mạnh mẽ: Có chớ!

Tuy nhiên nếu hỏi thêm anh ta: Sau khi gặp Chúa, được Ngài thay đổi, anh có làm theo lời Ngài chỉ dạy không? Chắc chắn anh ta sẽ trả lời một cách yếu ớt: Không, tôi làm theo ý tôi chứ  không theo ý Chúa!

Nhiều đời sống ngày nay giống như anh này. Chỉ thay đổi nửa vời. Đánh mất cơ hội thay đổi hoàn toàn.

4. Rượu mới – bầu da mới: nội dung mới, hình thức mới


Đây là sự đổi mới toàn diện, thật sự thay đổi, thay đổi từ trong đến ngoài.

Câu chuyện Người Bị Quỷ Ám trong Lu-ca 8:26-39

-Người bị quỷ ám trước khi gặp Chúa

Câu 27: Vừa bước lên bờ, Chúa gặp một người đàn ông, dân trong thành phố, bị quỷ ám; từ lâu chú không mặc quần áo, cũng chẳng sống ở nhà nhưng ở trong mồ mả.

Câu 29: Quỷ đã ám vào chú từ lâu, người ta phải xiềng và cùm chú để giữ chú, nhưng chú vẫn bẻ gãy xiềng rồi bị quỷ dẫn đến những chỗ hoang vắng.

-Người bị quỷ ám sau khi gặp Chúa

Câu 35: Dân chúng đổ xô đến xem sự việc đã xảy ra. Khi đến cùng Chúa Giê-xu, họ kinh hãi khi thấy người mà quỷ đã xuất đang ngồi nơi chân Chúa Giê-xu, áo quần tươm tất, tâm trí tỉnh táo.

Câu 37: Người mà quỷ đã xuất xin phép đi theo Chúa, nhưng Ngài bảo chú về nhà, Chúa truyền: “Anh hãy về nhà thuật lại mọi điều Đức Chúa Trời đã làm cho anh!” Chú trở về, thuật lại cho toàn thành phố những điều Chúa Giê-xu đã làm cho mình.

Nếu dùng hình ảnh cái hồ lô, tức là cái bầu da thì trước khi người bị quỷ ám gặp Chúa, trong cái hồ lô có quỷ, không phải một mà nhiều quỷ. Những con quỷ ở trong cái hồ lô đã làm cho cái hồ lô trầy trụa, hư hỏng, móp méo, dơ bẩn như là đời sống của anh bị quỷ ám.

Nhưng khi Chúa Giê-xu đuổi tất cả các loại quỷ ra khỏi cái hồ lô đó, Ngài làm cho cái hồ lô đó trở nên sạch sẽ, lành lặn và tốt đẹp thì bên trong hồ lô là sự sống mới của Chúa và sự sống đó bộc lộ ra bên ngoài một cách rõ ràng: cách sống, cách ăn mặc, cách nói năng khi tiếp xúc với người và anh biết vâng lời Chúa.

Chúng ta đang ở trong trường hợp nào?

-          Không thay đổi.
-          Giả bộ thay đổi.
-          Thay đổi nửa vời.
-          Thay đổi toàn diện.

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Cứu Thế, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới. (2Cô-rinh-tô 5:17)

Xuân Thu





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét