Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

NGÀY 31 THÁNG 1


Đọc Kinh Thánh

Giê-rê-mi 1:4-10; Thi Thiên 71:1-6
1Cô-rinh-tô 13:1-13; Lu-ca 4:21-30

Học Kinh Thánh

Vì từ kẻ nhỏ hèn đến người cao cấp trong dân Giu-đa, đều lo trục lợi cách gian lận; từ các tiên tri đến các thầy tế lễ, đều gian dối lừa gạt. Họ chữa vết thương dân Ta cách cẩu thả rồi hứa: Bình an! Bình an! Mà chẳng có bình an chi hết. (Giê-rê-mi 6:13-14 – BHĐ)

Tôi cố gắng làm đẹp lòng mọi người trong mọi việc, không tìm lợi riêng nhưng mưu lợi ích chung cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. (1Cô-rinh-tô 10:33 – BHĐ)

Thánh Ca 371 – Một Tia Sáng

1. Cầu xin đời tôi ngày đêm loà sáng.
Vì Ngài, chiếu khắp mọi nơi.
Mọi sự mọi nơi làm vui lòng Chúa,
Làm việc, chốn ở, nơi chơi.

ĐK:
Một tia sáng, ánh sáng trời!
Chúa muốn tôi làm tia sáng khắp nơi.
Một tia sáng, ánh sáng trời!
Quyết vì Danh Chúa soi trọn đời.

Lời cầu nguyện

Xin Chúa giúp con sống hoà thuận và cư xử vui vẻ với mọi người đúng theo thánh ý của Chúa Cứu Thế để làm một chứng nhân đắc lực cho Ngài qua nếp sống hằng ngày trong gia đình, trong xã hội và trong Hội thánh.




Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

NGÀY 30 THÁNG 1



Đọc Kinh Thánh

Thi Thiên 18:25-29; Sáng Thế Ký 30:25-31:21
Ma-thi-ơ 11:11-24

Học Kinh Thánh

Đức Gia-vê vạn quân phán như vầy: Sẽ xảy ra trong những ngày đó, có mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước ra, nắm chặt vạt áo của một người Giu-đa, mà nói rằng: Chúng ta sẽ đi cùng các ngươi, vì chúng ta có nghe rằng Đức Gia-vê ở cùng các ngươi.
(Xa-cha-ri 8:23)

Trong đoàn dân lên thủ đô Giê-ru-sa-lem dự lễ, có mấy người Hy Lạp. Họ đến tìm Phi-líp, người làng Bết-sai-đa, xứ Ga-li-lê, và yêu cầu: “Thưa ông, chúng tôi xin phép yết kiến Chúa Giê-xu”.
(Giăng 12:20-21 – BHĐ)

Thánh Ca 8 – Ngợi Ca Ba Ngôi Đức Chúa Trời

3. Mọi dân trên đất chẳng phân biệt ai,
Sống trên toàn thế gian này,
Xưng Đức Chúa Trời, Vua hiển vinh thay.
Tung hô Danh Chúa quyền oai!
Xưng Đức Chúa Trời, Vua hiển vinh thay.
Thành kính tôn Chúa muôn loài!

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa, con đang hưởng tình yêu thương của Ngài. Nhưng nhiều người chẳng hỏi con về tình yêu thương của Chúa và về nguồn vui mừng của con! Khi có người hỏi về tình yêu thương của Chúa thì xin Chúa giúp con biết lắng nghe và biết cách chỉ dẫn cho những người đang tìm kiếm Ngài.




Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

NGÀY 29 THÁNG 1



Đọc Kinh Thánh

Thi Thiên 18:16-24; Sáng Thế Ký 29:15-30:24
Ma-thi-ơ 11:1-10

Học Kinh Thánh

Ngươi phải theo sự công bình cách trọn vẹn, để ngươi được sống và nhận lấy xứ mà Gia-vê Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi.
(Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:20)

Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại. (1Ti-mô-thê 6:11)

Thánh Ca 381 – Quyết Phục Vụ Đến Khi Từ Trần

4. Quyết sống phục vụ Chúa cách trung thành,
Phục vụ Chúa, Đấng ban bình an
Quyết sống hài hoà, sống cách vui mừng
Phục vụ Chúa đến khi từ trần.

Lời cầu nguyện

Xin Chúa giúp con nghiêm túc thực hiện điều răn của Ngài. Dù nhiều lúc người đời cho là rồ dại, con vẫn xin trung tín sống với phước hạnh của Ngài.




Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

TUẦN 4/52. NGƯỜI HƯỚNG DẪN GIỚI TRẺ CƠ ĐỐC. BẠN LÀ AI? (1Cô-rinh-tô 15:8-11)



Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy. Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng nay tôi là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi. Ấy vậy, dầu tôi, dầu các người khác, đó là điều chúng tôi giảng dạy, và là điều anh em đã tin.        (1Cô-rinh-tô 15:8-11 - BTT)

Sau hết, Ngài cũng hiện ra cho tôi, như cho một hài nhi sinh non. Tôi là người hèn mọn hơn hết trong các sứ đồ, không xứng đáng gọi là sứ đồ, vì tôi đã khủng bố Hội thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng nhờ ân phúc Đức Chúa Trời, tôi được đổi mới như ngày nay, và ân Ngài ban cho tôi không đến nỗi vô ích. Tôi đã chịu vất vả hơn tất cả các sứ đồ, thật ra không phải tôi nhưng nhờ ân Chúa cho tôi. Nhưng dù tôi hay các sứ đồ khác chịu gian khổ, mục đích chúng tôi là truyền bá Phúc Âm cho anh em tin nhận.                     (1Cô-rinh-tô 15:8-11 - BHĐ)

Trong các lời làm chứng, các bài giảng và các thư tín của mình, sứ đồ Phao-lô thường bắt đầu bằng câu giới thiệu ông là ai. Có thể vì nhiều lý do:

(1) Vì là một người từng bắt bớ Hội Thánh cho nên thiên hạ thường tự hỏi và hỏi nhau: "Ông này là ai? Có phải là…" Vì vậy, sứ đồ Phao-lô xác nhận ông đúng là người đó trước khi gặp Chúa. Nhưng sau khi gặp Chúa ông trở nên một người khác hoàn toàn.

(2) Khi có cơ hội, sứ đồ Phao-lô luôn luôn muốn nói ông là ai để mọi người biết Chúa yêu thương ông, chọn ông và tin dùng ông như thế nào.

(3) Sứ đồ Phao-lô muốn người nghe ông khuyên bảo, giảng dạy công nhận thẩm quyền của ông trong tinh thần rất khiêm nhường và tôn vinh Chúa.

Là người hướng dẫn giới trẻ, bạn là ai? Bạn có thể tự giới thiệu về chính mình không? Chắc chắn có nhiều cách để nói bạn là ai. Tuy nhiên khi bạn giới thiệu về mình, bạn thấy có điểm nào trong đời sống của bạn tương đồng với những điểm của sứ đồ Phao-lô không? Chúng ta sẽ cùng nhau học về những điểm đặc thù trong cuộc đời của sứ đồ Phao-lô rồi căn cứ vào đó để nhận ra chúng ta là ai.

Bạn có phải là:

1. Người được cứu, được chọn để làm theo ý muốn Chúa

Thoạt tiên ông Phao-lô là ai? Ông là người xa cách Chúa, chống Chúa và bắt bớ Ngài. Nhưng sau đó ông Phao-lô là ai? Chúa đã hiển hiện để bày tỏ chính mình Ngài cho ông. Ngài cứu ông và chọn ông làm một sứ đồ cho Ngài. Chúa bày tỏ cho A-na-nia rằng: “Ta đã chọn người này (Phao-lô) làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên…”

Có lẽ  bạn không có khởi điểm như ông Phao-lô. Nhưng bạn có phải là người được Chúa cứu, được Chúa chọn để phục vụ Ngài theo ý muốn Ngài không?

Dù là người năng nổ với nếp sống tôn giáo, nhưng khi chưa được Chúa cứu, ông Phao-lô hoàn toàn mơ hồ và sai lạc về Chúa Giê-xu lẫn bản thân ông. Khi chưa biết Chúa chọn và sử dụng ông, ông hoạt động theo ý riêng, theo sự thôi thúc của bản ngã. Nhưng khi ông nghe tiếng phán của Ngài và biết Chúa là ai, biết Ngài đã chọn ông và muốn sử dụng cuộc đời ông thì ông Phao-lô biến đổi hoàn toàn.

Lắm khi bạn biết ông Phao-lô là ai rõ hơn là bạn biết bạn là ai. Bạn cũng như tất cả những người hầu việc Chúa cần có trải nghiệm như ông Phao-lô. Bạn cần nhận được ơn cứu rỗi của Chúa, bạn cần nghe được tiếng phán của Ngài, Chúa cứu bạn và Ngài nói: "Ta muốn dùng cuộc đời của con trong công tác hướng dẫn giới trẻ."

Phải chăng bạn nghĩ: "Tôi là ai? Chúa cứu tôi, tôi cám ơn Ngài; Ngài muốn dùng tôi sao? Tôi chẳng có tài năng gì cả. Thật lạ lùng, sao chọn tôi mà không chọn người khác?" Chẳng lẽ bạn được Chúa cứu và chọn để phục vụ Ngài mà suốt đời bạn cứ quanh quẩn với những thắc mắc đại loại như trên? Nhiều người được Chúa cứu, được Chúa chọn nhưng không biết Chúa cứu, Chúa chọn mình để làm gì. Họ không biết Chúa chọn họ để làm theo ý muốn Ngài. Thậm chí có người còn lợi dụng Chúa để thực hiện ý muốn của mình.

Có những người biết Chúa chọn mình để làm theo ý muốn của Ngài. Nhưng họ phân vân: nên sống theo ý riêng hoặc theo ý muốn của Chúa. Bạn có sẵn lòng vâng theo tiếng gọi của Chúa không? Điều gì chứng tỏ bạn vâng theo tiếng gọi của Chúa? Bạn hãy nhìn vào cách sống của bạn.

Khi bạn sống theo tiếng gọi của Chúa thì bạn sẽ có một cuộc đời biết ơn Chúa. Khi bạn vâng theo tiếng gọi của Chúa bạn sẽ nhận ra giá trị của đời sống. Bạn sẽ sống và hoạt động theo ý muốn của Chúa. Sứ đồ Phao-lô viết:“Tôi nay là người thể nào” ông khẳng định là nhờ ơn của Chúa, nhưng đồng thời ông cũng khẳng định:“Tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi.” Chúa cứu rỗi và chọn ông. Còn bản thân ông vâng lời và dốc toàn lực để làm theo ý muốn của Ngài. Khi vâng theo tiếng gọi của Chúa, ông Phao-lô có một đời sống bày tỏ lòng biết ơn Chúa, và đời sống của ông có giá trị, có ý nghĩa biết bao: “Tôi nay là người thể nào.”

Bạn là ai? Bạn có đời sống biết ơn Chúa không? Bạn có một cuộc sống đáng giá đối với Chúa không?



2. Người hưởng đặc ân

Khi nói về mình ông Phao-lô nói ông là người nhận ơn Chúa. Ông dùng 3 lần từ ngữ ơn: nhờ ơn Đức Chúa Trời, ơn Ngài đã ban cho tôi ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.

Khi ông Phao-lô nói ông là người nhờ ơn của Chúa, ông muốn nói rằng ông là người có diễm phúc, vì ông được hưởng đặc ân của Chúa. Đặc ân nào?

-Chúa tin cậy ông và dùng ông trong chức vụ sứ đồ, dù ông Phao-lô tự nhận mình là người rất hèn mọn trong số các sứ đồ.

-Chúa cho ông có cơ hội để phục vụ Ngài. Từ khi được Chúa gọi, ông Phao-lô làm rất nhiều việc cho Chúa: truyền giáo, lập Hội thánh, huấn luyện người khác, viết thư cho các Hội thánh.

-Chúa cũng cho ông có cơ hội để trải nghiệm về Ngài. Trong thời gian hầu việc Chúa, ông Phao-lô luôn trải nghiệm sự thành tín của Chúa, những phép lạ và sự bày tỏ của Chúa cho ông.

(1) Bạn có hưởng đặc ân như ông Phao-lô không? Nhiều người không nhận thấy mình đang hưởng đặc ân. Nhiều người nhận công tác hoặc một chức vụ trong Hội Thánh thường nói: “Tôi bị làm…”, “Tôi buộc phải nhận lấy công việc này.” Thiếu gì những người hướng dẫn thiếu niên nói: “Năm nay tôi bị dính rồi!” Thấy mình ‘bị dính’ chớ không thấy mình ‘có diễm phúc’.  Đó là tâm lý tự nhiên thôi, vì ai cũng sợ tuổi thiếu niên nên cảm thấy như là phải trả nợ vậy, vì công tác này khó quá, cực quá, nan giải quá.

Có lẽ bạn nghĩ sao lại so sánh chúng ta với ông Phao-lô? Có một điểm chúng ta có thể so sánh với ông Phao-lô. Thật ra ông Phao-lô đã tự so sánh với chúng ta rồi. Đó là so sánh về tội lỗi. So với chúng ta ông Phao-lô nói, “trong những kẻ có tội đó ta là đầu” (1Ti-mô-thê 1:16b). Một người thất bại, một người không xứng đáng lại được Chúa tin cậy, Chúa tín nhiệm, Chúa dùng. Chúa tin rằng có thể dùng cuộc đời đó để đem ích lợi cho người khác. Như vậy, người đó có diễm phúc, phải không? Vì vậy, bạn đừng bao giờ nghĩ rằng, chắc là do hết người làm hướng dẫn, không biết giao cho ai, thấy bạn có vẻ cũng được nên Hội thánh giao cho bạn.

Bạn hãy nghĩ theo chiều hướng giữa bạn với Chúa. Nếu ông Phao-lô vốn là người thất bại, không xứng đáng, thế mà Chúa vẫn tín nhiệm ông; thì dù có thể bạn cũng thất bại, bất toàn, không xứng đáng, nhưng Chúa tin dùng bạn để đem lợi ích vĩnh cửu đến cho người khác. Bạn được Chúa tín nhiệm. Bạn có thấy đó là đặc ân không? Khi bạn thấy mình có đặc ân, bạn sẽ làm sao để xứng đáng với đặc ân đó.

(2) Bạn có được Chúa ban cho cơ hội như ông Phao-lô không? Chẳng những Chúa tín nhiệm bạn mà Chúa còn ban cho bạn có cơ hội: Cơ hội phục vụ Chúa giữa vòng giới trẻ. Cơ hội đem lại ảnh hưởng lâu dài, hướng dẫn những con người trong giai đoạn chuẩn bị vào đời. Đây là giai đoạn có nhiều khủng hoảng nhất trong đời người.

Khi nói đến cơ hội chúng ta nghĩ đến nhiệm vụ, đến trọng trách, đến thời gian để hoàn tất công tác, làm tròn nhiệm vụ. Khi có cơ hội trong nhiệm vụ hướng dẫn giới trẻ, lẽ ra chúng ta tận dụng cơ hội Chúa cho chúng ta để đưa giới trẻ vào tầm ảnh hưởng của Chúa Giê-xu. Khi Chúa tin cậy và giao cho chúng ta nhiệm vụ hướng dẫn giới trẻ thì lẽ ra sau một thời gian các em phải trở thành những con chiên trong bầy của Chúa, còn những nguyên tắc sống của Chúa phải trở thành nguyên tắc của các em. Nhưng năm tháng trôi qua, dịp tiện trôi qua, giới trẻ đi tới đi lui trong nhà thờ, đến các buổi nhóm, từ 13-14 tuổi sau 5 năm đến 18-19 tuổi. Sau bao nhiêu năm, giới trẻ rời bỏ nhà thờ, không thấy Hội thánh là nhà của mình, Chúa Giê-xu trở thành  nhân vật xa lạ đối với giới trẻ. Thật đáng tiếc!

Ông Phao-lô đã tận dụng cơ hội Chúa cho. Ông hết lòng mà làm. Ông không trễ nải. Ông không chần chờ. Cần nhớ rằng bạn được Chúa ban cho cơ hội. Bạn tận dụng cơ hội Chúa cho như thế nào?

(3) Bạn có biết bạn có cơ hội để trải nghiệm quyền năng của Chúa trên đời sống của bạn không? Khi bạn được ơn Chúa chọn và giao trọng trách, bạn có cơ hội, cơ hội trải nghiệm quyền năng của Chúa trên cuộc đời mình. Các ông Phi-e-rơ, Anh-rê, Giăng và Gia-cơ và nhiều người được ơn Chúa kêu gọi làm môn đệ của Ngài. Họ cũng được Chúa dạy dỗ và lập họ làm sứ đồ, họ cũng có đặc ân khi được Chúa ban cho quyền năng và sai họ ra đi. Nhưng thử nghĩ, nếu họ đã không ra đi, chuyện gì sẽ xảy ra. Họ sẽ chẳng bao giờ trải nghiệm quyền năng của Chúa trong cuộc đời của mình.

Những người hướng dẫn giới trẻ cũng có cơ hội trải nghiệm quyền năng của Chúa. Nhưng nếu bạn xem thường và bỏ qua cơ hội này, bạn chẳng bao giờ hưởng được gì. Nếu bạn không dấn thân, không xứng đáng với công tác mà Chúa tín nhiệm bạn, nếu bạn không dấn thân phục vụ trong lãnh vực Chúa giao, bạn sẽ chẳng trải nghiệm về Ngài.

3. Là người phục vụ Chúa trong vai trò hướng dẫn

Ngoài những điểm giống ông Phao-lô, bạn cũng có điểm khác ông Phao-lô. Ông Phao-lô được Chúa cứu và chọn thì Chúa cũng cứu bạn và chọn bạn. Nhưng ông Phao-lô được Chúa kêu gọi trong lãnh vực truyền giáo, còn bạn được Chúa kêu gọi giữa vòng giới trẻ.

Bạn là ai? Bạn là người phục vụ Chúa trong vai trò người hướng dẫn. Dưới cái nhìn của tổ chức Hội thánh, trong tư cách một tín hữu, người hướng dẫn là người thừa hành công tác Hội thánh giao cho. Trong liên hệ với giới trẻ, người hướng dẫn điều hành chương trình hoạt động của giới trẻ. Trong tư cách người trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn, người hướng dẫn là cố vấn, có nhiều ý tưởng và ý kiến  để góp ý cho giới trẻ. Trong vai trò giáo dục Cơ Đốc, người hướng dẫn là thầy giáo, cô giáo dạy Kinh Thánh cho giới trẻ.



Trong vai trò khải đạo người hướng dẫn là người chỉ đường. Trong những vai trò của người có chức vụ, người điều hành, người cố vấn, thầy cô giáo, người chỉ dẫn, người hướng dẫn, bạn có thể rơi vào hai thái cực:

(1)Người hướng dẫn làm hết mọi việc trong sinh hoạt của giới trẻ.

Câu chuyện 1. Khi đến chia sẻ cho một ban thiếu niên, người chia sẻ thấy chị hướng dẫn lo dọn dẹp phòng nhóm, cắm hoa, lau bảng,... Đến giờ nhóm chị hướng dẫn là người đàn, là người cầu nguyện, nói chung hầu như tiết mục nào cũng có bóng dáng của chị. Người chia sẻ khuyên chị nên làm thiếu niên chứ đừng làm người hướng dẫn.

Câu chuyện 2. Mẹ bảo con: "Con đi với bố ra sân, bố sẽ tập cho con chơi bóng rổ." Người cha cầm quả bóng rổ và bắt đầu giải thích cho con về cách chơi, như thế này, như thế nọ. Và ông ta tiếp tục giải thích . . . Sau đó người con bỏ đi vào nhà. Mẹ ngạc nhiên hỏi: “Ủa, không phải bố đang dạy con chơi bóng rổ sao?” Người con nói: “Bố vừa chơi bóng một mình, vừa chỉ dẫn cho con.”

Vì sao có tình trạng này? Vì người hướng dẫn không tin giới trẻ sẽ làm được việc. Vì vậy, cuối cùng người hướng dẫn trở thành người soạn chương trình cho người hướng dẫn thực hiện. Giờ sinh hoạt của giới trẻ trở thành giờ sinh hoạt của người hướng dẫn. Giới trẻ không trưởng thành, trở nên thụ động, mặc cảm vì bị chê, không được giao trách nhiệm… Bản thân người hướng dẫn dù nhiệt tình, năng động, nhưng mệt mỏi, dễ cáu gắt, thường chê bai giới trẻ.

(2)Người hướng dẫn để cho giới trẻ làm hết mọi chuyện.

Trong công tác hướng dẫn giới trẻ, có những người hướng dẫn không hướng mà cũng chẳng dẫn. Họ chỉ có chức vụ và không làm gì cả. Họ là những người đặc trách mà giới trẻ bảo rằng họ được "đặt lên" để "trách mắng" giới trẻ. Hoặc là những người chuyên trách giới trẻ, nghĩa là "chuyên môn đi trách móc" giới trẻ. Những người hướng dẫn chỉ hiện diện trong buổi sinh hoạt, chỉ chứng kiến mà thôi. Nhiều người có chức vụ, có quyền hành nhưng rất vô trách nhiệm. Họ không bỏ chức vụ, họ chỉ bỏ mặc giới trẻ. Đóng góp lớn nhất của họ chỉ là duyệt qua chương trình, và hiện diện trong buổi nhóm giới trẻ, nhưng thường đến rất trễ. Họ là cầu nối một chiều giữa Hội thánh và giới trẻ. Hội thánh truyền lệnh phải làm việc này, không được làm điều kia… nhưng không bao giờ cho phép giới trẻ nói với Hội Thánh.

Cách hướng dẫn này cũng không làm cho giới trẻ trưởng thành. Chỉ tạo cơ hội cho các hoạt động tự phát nhưng không trưởng thành, chín chắn, nảy sinh lắm chuyện chán nản, cay đắng, bất mãn và chỉ trích. Các loại vi-rút này rất dễ phát triển giữa vòng giới trẻ. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến việc theo Chúa của giới trẻ.

(3)Người hướng dẫn và giới trẻ cùng làm việc. Đừng nghĩ như vậy là lý tưởng quá. Đây là phương án rất thực tế. Muốn vậy người hướng dẫn phải nhận biết mình không phải chỉ là:

- Một người thừa hành công tác Hội thánh
- Một người điều hành chương trình cho giới trẻ
- Một người cố vấn, khi giới trẻ cần thì cho ý kiến
- Một thầy giáo, cô giáo dạy Kinh Thánh
- Một người chỉ đường khi giới trẻ thắc mắc  

Nhưng

(a) Là người hướng dẫn giới trẻ, bạn phải quan tâm đến mỗi một thanh thiếu niên, giúp từng bạn trẻ nhận biết Chúa và trưởng thành trong đức tin.

Quan tâm đến từng thanh thiếu niên chẳng có ý nói bạn phải biết lý lịch của từng em, cũng không có ý nói bạn biết các em về mặt bề nổi. Bạn phải hiểu và thông cảm những suy nghĩ, ước mơ, những điều đúng, những điều sai trật trong từng em. Muốn vậy bạn phải thiết lập mối liên hệ. Mối liên hệ cá nhân của người hướng dẫn với từng người trẻ quan trọng vô cùng.

Giới trẻ nghĩ bạn quan tâm đến các em trong vấn đề gì? Phải chăng mối quan tâm của bạn có dừng lại ở chỗ làm sao em có mặt trong buổi nhóm tại nhà thờ là đủ rồi, hoặc mong sao các em sẽ đền bù công khó của bạn bằng cách không quậy phá làm cho bạn bị tai tiếng? Quan tâm như thế cũng giống như tình yêu mà có mặc cả trao đổi.

Mục tiêu của bạn đối với từng thanh thiếu niên là các em trở nên con của Chúa. Ở đây không có ý nói bạn lo làm chứng về Chúa Giê-xu cho từng thanh thiếu niên là đủ rồi. Thật ra các em đã biết Chúa, nhưng các em chưa phải là con của Chúa. Cần giúp các em tiếp nhận Ngài, tin Ngài. Rồi bạn cần dành nhiều thời gian với từng em để bày tỏ Chúa Giê-xu sống trong bạn như thế nào, chứ không phải nói về Chúa Giê-xu là ai cho các em.

Người hướng dẫn có rất nhiều cơ hội để quan tâm chăm sóc các em. Khi các em đau ốm, bạn đến thăm; khi các em bất mãn cha mẹ, bạn lắng nghe; khi các em bỏ nhà ra đi, bạn đi tìm…



(b) Là người hướng dẫn giới trẻ, bạn phải giúp định hướng cuộc đời các em, giúp hình thành quan niệm sống đúng theo Lời Kinh Thánh. Giúp các em vượt qua những trục trặc của lứa tuổi thanh thiếu niên.

Thanh thiếu niên có một cuộc đời dài ở phía trước, nhưng các em chưa tìm được hướng đi cho cuộc đời của mình. Người hướng dẫn giới trẻ giúp các em chọn lựa và xác định một hướng đi. Bạn đừng cho rằng chỉ giúp cho các em về phương diện thuộc linh. Tin Chúa là đủ rồi. Bạn cần giúp các em rất nhiều trong vấn đề học tập, giúp các em phát hiện năng khiếu, tự nhận ra những ưu điểm và nhược điểm, đề ra những mục tiêu, khơi gợi những ước mơ cho các em, thậm chí chia sẻ những khải tượng của bạn cho các em. Chính những việc làm trên giúp các em biết Chúa muốn các em làm gì cho Ngài khi các em lớn lên.

Bạn thử nghĩ xem, một em thiếu niên bỏ học, bạn chẳng để ý đến, liệu bạn có giúp cho em này định hướng cho cuộc đời các em không? Khuyến khích, giúp đỡ một cách tận tình để thiếu niên đi học, ít nhất là tốt nghiệp phổ thông sẽ giúp bạn dễ định hướng cho các em. Vì một nông dân có trình độ vẫn có cơ hội nhiều hơn là một nông dân thất học.

(c) Là người hướng dẫn, bạn phải dẫn đường: đường đời bạn đã đi qua, đã biết, nay bạn đi cùng và đi trước các em.




Câu chuyện 1. Một ông kia, dừng xe ở một trạm xăng. Sau khi mua xăng, ông hỏi người bán xăng: “Ông có thấy đám thiếu niên nào đi qua đây không?” Người bán xăng nói: “Có, tụi nó vào đây đổ xăng và đã đi được 30 phút. Nhưng ông là gì của tụi nó?” Ông ta nói: “Tôi là người dẫn đường của tụi nó!”

Giới trẻ rất dễ lạc lối và mù quáng. Là người hướng dẫn, bạn phải đi trước và đi cùng.

Câu chuyện 2. Khi đến chia sẻ cho một ban thiếu niên, người chia sẻ nhận thấy gần đến giờ sinh hoạt, các em thiếu niên đồng loạt kéo đến. Hỏi thăm thì biết rằng sau giờ thờ phượng buổi sáng, các em kéo nhau đi hát karaoke. Và người dẫn các em đi karaoke là anh hướng dẫn!

4. Kết luận

Nếu bạn là một người được Chúa cứu, được Chúa chọn để làm theo ý muốn Ngài mà bạn không làm. Bạn là người như thế nào?

Nếu bạn là người được hưởng đặc ân, bạn được Chúa tín nhiệm, bạn được ban cho cơ hội để phục vụ Chúa, bạn có cơ hội để trải nghiệm quyền năng của Chúa, nhưng bạn lại không sống đúng với đặc ân, thì bạn là ai?

Nếu bạn nhận mình là người hướng dẫn thiếu niên, nhưng bạn chỉ thấy công việc, chỉ thấy chức vụ, bạn không thấy từng con người trong các em, bạn hướng dẫn các em nhưng các em không biết Chúa của bạn là ai, thậm chí cả bạn lẫn các em đều rơi xuống hố. Như vậy, bạn là ai?


XuânThu 

NGÀY 28 THÁNG 1



Đọc Kinh Thánh

Thi Thiên 18:7-15; Sáng Thế Ký 28:10-29:14
Ma-thi-ơ 10:26-42

Học Kinh Thánh

Đức Gia-vê phán cùng Môi-se rằng: …Hãy nói lại mọi lời ta sẽ truyền dạy ngươi… 
(Xuất Ai Cập Ký 7:1-2)

Bây giờ, xin Chúa xem xét lời hăm doạ của họ và cho các đầy tớ Ngài dạn dĩ rao giảng lời Ngài. (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:29 – BTTHĐ)

Thánh Ca 321 – Hằng Ngày Tìm Hiểu Ý Chúa

4. Nguyện ước chính Đức Thánh Linh ngự đến,
Ngự trong tâm linh khiến con nhiệt thành,
Dạn dĩ, sáng suốt, nói cho người khác
Nhận ơn yêu thương, cứu ân Ngài ban.

Lời cầu nguyện

Xin ban cho con sự khôn ngoan và lòng dũng cảm để con dám bênh vực sự thật, dám đối diện với biết bao nhu cầu và nỗi khổ đau ở xung quanh con. Xin ban cho con sự khôn ngoan và lòng dũng cảm của Ngài!



Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

NGÀY 27 THÁNG 1



Đọc Kinh Thánh

Thi Thiên 18:1-6; Sáng Thế Ký 27:30-28:9
Ma-thi-ơ 10:17-25

Học Kinh Thánh

Chúa cũng ban cho họ Thần Linh tốt lành của Chúa để dạy dỗ họ.
(Nê-hê-mi 9:20 – BTTHĐ)

Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời.
(1Cô-rinh-tô 2:12)

Thánh Ca 143 – Xin Thánh Hoá Con

Con xin Đức Thánh Linh 
thánh hoá con đêm ngày.
Ban cho con ngày ngày 
có nhiều linh tánh.
Con xin Đức Thánh Linh 
giúp sức con trung thành,
Xin đi chung cùng Ngài 
suốt trong linh trình.

Lời cầu nguyện

Ha-lê-lu-gia! Kính lạy Đức Thánh Linh, con tôn vinh Ngài. Chúa là Đấng thúc giục con tiếp nhận chân lý và thánh hoá con. Xin Chúa đồng hành với con và an ủi con trong con đường mới này để con trung tín cho đến cuối cùng.



Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

NGÀY 26 THÁNG 1



Đọc Kinh Thánh

Thi Thiên 17:8-15; Sáng Thế Ký 27:1-29
Ma-thi-ơ 10:1-16

Học Kinh Thánh

Các dân ở cuối cùng mặt đất,
Đều kinh sợ thấy dấu lạ Chúa làm.
Chúa khiến cả rạng đông và hoàng hôn,
Đều hoan lạc reo hò ca ngợi.
(Thi Thiên 65:8 – BHĐ)

Viên cai ngục… và cả gia đình rất vui mừng vì đã tin Đức Chúa Trời.
(Công Vụ Các Sứ Đồ 16:34 – BTTHĐ)

Thánh Ca 210 – Ngày Vui Hơn Hết

1. Ngày vui hơn hết, ngày tôi tin Chúa,
Tôn Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa mình!
Từ đây tôi mãi, mừng vui sung sướng,
Đi đến khắp nơi làm chứng Tin Lành.

Lời cầu nguyện

Lạy Đức Chúa Trời, toàn bộ thế giới nằm trong lòng bàn tay của Ngài. Chúa có thể biến đổi lòng người tuỳ theo thánh ý của Ngài. Cầu xin Chúa gia ân giáng phước trên đồng bào của con, khiến họ tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình.



Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

NGÀY 25 THÁNG 1


Đọc Kinh Thánh

Thi Thiên 17:1-7; Sáng Thế Ký 26
Ma-thi-ơ 9:27-38

Học Kinh Thánh

Ngài sẽ ban phước 
cho những người kính sợ Đức Gia-vê,
Hoặc nhỏ hay lớn cũng vậy.
(Thi Thiên 115:13 – BTTHĐ)

Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.
(Lu-ca 14:17b – BTTHĐ)

Thánh Ca 387 – Muôn Tội Lăn Xa

Muôn tội lăn xa, tâm đầy nước sống.
Vui mừng trong Đức Thánh Linh.
Mạch nước thiêng liêng đổ xuống vô biên.
Hãy đến hưởng phước vĩnh sinh.

Lời cầu nguyện

Kính lạy Đức Chúa Trời là Vua Vĩnh cửu! Bởi ân sủng của Ngài, Ngài luôn luôn muốn con, là cơ nghiệp của Ngài, vui hưởng sự giàu có của Ngài. Rồi đây, Ngài sẽ ban cho con Nước Thiên đàng miên viễn của Ngài. Xin phù hộ con và cho con hôm nay hưởng một ngày bình an và phước hạnh.