Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

TUẦN 16/52. ĐỨC TIN CHÂN THẬT HAY SINH HOẠT TÔN GIÁO?

1
21 Ta ghét, ta khinh dể những kỳ lễ của các ngươi; ta không đẹp lòng về những hội trọng thể của các ngươi đâu. 22 Dầu các ngươi dâng những của lễ thiêu và của lễ chay cho ta, ta sẽ không nhận lấy; ta chẳng đoái xem những con thú mập về của lễ thù ân các ngươi. 23 Hãy làm cho tiếng của bài hát các ngươi xa khỏi ta! Ta không khứng nghe tiếng đàn cầm của các ngươi. 24 Thà hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn. (A-mốt 5:21-24)
Xét về nhân vật, phân đoạn Kinh Thánh này gồm có ‘ta’ và ‘các ngươi’. ‘Ta’ là Đức Chúa Trời, ‘các ngươi’ là tuyển dân của Chúa.
Chúng ta hãy tự đặt mình vào cộng đồng ‘các ngươi’ và tự hỏi: Chúng ta là Cơ Đốc nhân thật sự có đức tin nơi Chúa hoặc chúng ta chỉ theo một tôn giáo?
A. Thế nào là sống với sinh hoạt tôn giáo?
Nếu bạn đang thuộc về cộng đồng ‘các ngươi’ (tuyển dân của Chúa) thì đối tượng bạn đang tôn thờ ai? Và bạn đang có những sinh hoạt nào?
  1. Đối tượng bạn đang tôn thờ là Đức Chúa Trời
Mỗi tôn giáo có một đối tượng để tôn thờ: Hồi giáo có Ma-hô-mét, Phật giáo có Phật Thích Ca, Khổng giáo có Khổng Tử, Do Thái Giáo có Đức Chúa Trời.
Chúa mà bạn tôn thờ khác thần của các tôn giáo khác ở những điểm nào? Dân của Chúa rất tự hào về Đức Chúa Trời mà họ thờ phượng. Ngài không phải là gỗ đá cũng chẳng phải là con người hoặc do con người tạo ra. Ngài là Đức Chúa Trời hằng sống, duy nhất, đầy quyền năng và chân thật. Không có thần nào sánh được với Ngài. Nói cách khác, đối tượng mà dân của Chúa thờ phượng là Đấng độc nhất đáng phải thờ phượng. Họ không lầm lẫn, không sai trật khi chọn Đức Chúa Trời là đối tượng để thờ phượng.
Tuy nhiên cần phải lưu ý điều này: Tôn thờ đúng đối tượng là tốt, nhưng chưa đủ. Chẳng phải tôn thờ đúng đối tượng thì sinh hoạt niềm tin và đời sống của chúng ta không có gì sai trật.
  1. Xét về sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng tuyển dân có:
(a)Nhiều buổi nhóm, “những kỳ lễ”, “những hội trọng thể”. Từ ngữ ‘những’ cho thấy dân của Chúa có rất nhiều kỳ lễ, rất nhiều buổi nhóm. Trong những kỳ lễ, những buổi nhóm đó tất nhiên có rất đông người, kèm theo là những nghi thức rất long trọng và trang nghiêm. Là một người dân của Chúa, khi tham dự những kỳ lễ long trọng như vậy, bạn cảm thấy như thế nào? (Vui hoặc buồn? Được khích lệ hoặc chán nản?...) Thời nay, chúng ta thường cảm thấy rất thoả lòng, rất vui mừng khi tham dự những buổi nhóm đông người. Chúng ta thường nghe những câu nhận định như sau: “Cảm ơn Chúa!” “Buổi lễ làm vinh hiển danh Chúa!” “Thật đầy ơn Chúa!”...
(b)Nhiều của dâng. Kèm trong những kỳ lễ là “những của lễ thiêu và của lễ chay”, “những con thú mập về của lễ thù ân”. Dân của Chúa dâng hiến rất nhiều của lễ. Có ba loại của lễ được đề cập ở đây:
-Của lễ thiêu: Đây là của lễ luôn luôn đứng đầu trong các bảng liệt kê. Mục đích chính của của lễ thiêu là chuộc tội.
-Của lễ chay: Để bày tỏ lòng kính trọng Chúa.
-Của lễ thù ân: Để cảm tạ và thông công với Chúa cũng như với người xung quanh.
Những của lễ chứng tỏ tuyển dân của Chúa không thiếu sót khi dâng hiến. Những con thú mập mạp được dâng lên cho thấy tuyển dân của Chúa sống trong thời kỳ thịnh vượng về vật chất. Họ giàu có về phương diện vật chất. Khi trở nên giàu có, sung túc, rất dễ cho họ dâng hiến, dâng nhiều, dâng thứ tốt vì nghĩ rằng Chúa đang ban phước cho họ và họ đang làm hài lòng Chúa.
Thời nay, khi đến nhà thờ ai ai cũng xưng tội với Chúa. Vì đời sống vật chất khá lên nên dâng nhiều tiền cho Chúa, dâng tiền chẵn chứ không dâng tiền lẻ. Có người dâng hoa, dâng công sức phục vụ trong nhà thờ, dâng nhiều thì giờ để đến nhà thờ dự nhiều buổi nhóm... Có phải khi thấy nhiều người làm như vậy chúng ta cho rằng họ là những người Cơ Đốc gương mẫu?
(c)Nhiều lời ca tiếng hát. Trong những kỳ lễ cũng có “tiếng của bài hát”, “tiếng đàn cầm” cho thấy vừa có tổ chức, có ban bệ đàng hoàng, vừa bày tỏ lòng vui mừng ca tụng Chúa qua bài ca tiếng hát của các ban hát lễ với những âm thanh trầm bổng của ban nhạc. Chắc chắn họ phải chuẩn bị, tập luyện công phu, tốn nhiều công sức để có thể ca hát và hòa nhạc trong các kỳ lễ.
Thời nay, trong hội thánh chúng ta cũng có ban hát, ban đàn. Chúng ta cứ tưởng tượng trong những kỳ đại lễ, cả một ban hát đông đảo hát bài Ha-lê-lu-gia của Handel, kèm theo là một ban đàn gồm dương cầm, vĩ cầm, guitar bass, trống,... Khi hội chúng nghe và hòa lòng với ban hát, chúng ta có thể tự nhủ: “Ban hát hát hay quá! Cảm ơn Chúa!” Có thể người khác nhận định rằng: “Bài hát làm tôi cảm động quá!” hoặc “Ban hát đã làm cho hội chúng rúng động!”...
Nếu muốn tham gia các sinh hoạt nhóm họp, ca hát, dâng hiến như trên bạn cần làm gì? Có cần nỗ lực không? Có đóng góp không? Có hy sinh không? Có cần tổ chức không? Sau khi tham gia các sinh hoạt trên, bạn nghĩ gì? Bạn có thoả lòng không?
Dân của Chúa (1)siêng năng đi lễ, (2)không thiếu sót trong việc dâng của lễ, (3)nơi nhóm lại vang lên tiếng đàn tiếng hát ca ngợi Chúa.
  • Nhiều buổi nhóm
  • Nhiều của lễ (dâng hiến, cảm tạ, cầu xin)
  • Nhiều lời ca tiếng hát,
thế mà Chúa phán dạy rằng: “Ta ghét, ta khinh dể...; ta không đẹp lòng ,... ta sẽ không nhận lấy; ta chẳng đoái xem..., ta không khứng nghe...”
Vì sao Chúa phán như vậy? Có gì sai trật trong những sinh hoạt đó? Vì sao họ thờ đúng đối tượng, có những sinh hoạt niềm tin như vậy mà Chúa vẫn không hài lòng?
Lời giải đáp nằm trong câu 24, bắt đầu bằng từ ngữ ‘thà’. Thà hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn. Câu này có nghĩa gì? ‘Thà hãy làm’. Làm ở đâu? Làm khi nào? -Đã làm ở nhà thờ ngày Chúa Nhật, thì hãy làm như vậy từ thứ hai đến thứ bảy ở trong cuộc sống thường ngày. Đã làm ở nhà thờ, bây giờ hãy làm trong gia đình, trong trường học, trong xã hội.
-Niềm tin trong dân của Chúa dừng lại ở những sinh hoạt tại nhà thờ. Nào là dâng hiến, cầu nguyện, ca hát..., còn nếp sống của họ có rất nhiều sai trật. Nói cách khác, sinh hoạt hằng ngày của họ rất khác với sinh hoạt tại nhà thờ.
-Sự thờ phượng của họ tại nhà thờ phát xuất từ đầu môi chót lưỡi, diễn ra qua nghi thức, chỉ là hình thức bên ngoài. Còn đời sống hằng ngày của họ trong thực tế thì hoàn toàn khác hẳn.
  1. Tuyển dân của Chúa sống ra sao trong thực tế hằng ngày?
-A-mốt 2:6-8. Đức Gia-vê phán như vầy: Bởi cớ tội ác của I-sơ-ra-ên đến gấp ba gấp bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì chúng nó đã bán người công bình lấy bạc, bán kẻ nghèo lấy một đôi dép. Chúng nó cũng tham cả đến bụi đất trên đầu người nghèo khó, và làm cong con đường của kẻ nhu mì. Con và cha cùng đến chung một đứa gái, như vậy làm ô uế danh thánh ta. Chúng nó nằm gần mỗi bàn thờ, trên những áo xống đã nhận làm của tin, và uống rượu của kẻ phải phạt trong miếu thần chúng nó.
-Dân của Chúa đến nhà thờ nhóm họp, dâng hiến, thờ phượng Chúa, nhưng trong cuộc sống hằng ngày họ sống trong tội lỗi và gian ác. Chúa nhận định rằng họ phạm tội ác ‘gấp đến ba bốn lần’. Cuộc sống của họ là cuộc sống phạm tội. Họ áp bức, bóc lột, gian dối để mưu lợi riêng cho mình.
-Họ phạm tội ác khi tham lam, coi trọng tiền bạc, của cải vật chất. Họ tham muốn đến độ muốn chiếm đoạt cả đôi dép của người nghèo. Vì vậy, họ sẵn sàng làm mọi cách để đoạt cho được dù phải bán người công bình và kẻ nghèo. Họ thể hiện nếp sống bất công, thủ đoạn. Sống theo lòng tham muốn và tìm mọi cách để thoả lòng tham.
Một người tin Chúa, hăng hái đến nhóm họp tại nhà thờ có thể vẫn ăn gian nói dối, tham lam, bất nghĩa và thủ đoạn. Một người ca ngợi Chúa ở nhà thờ, nói về tình yêu thương của Chúa có thể vẫn dửng dưng, lạnh lùng, thiếu tình thương đối với người nghèo khó. Một người tin Chúa, đi học Trường Chúa Nhật, tham gia ban hát ở nhà thờ nhưng có thể vẫn sống ích kỷ, chỉ biết đến mình, chỉ lo cho mình mà không quan tâm gì đến tình cảnh của nhiều người xung quanh.
-Ông A-mốt còn đào sâu vào vấn đề hơn nữa khi đề cập đến tội lỗi bất khiết, dâm dục của trong tuyển dân của Chúa. Họ đến nhà thờ thờ phượng Chúa, nhưng trở về nhà thì phạm tội bất khiết. Thiếu gì thanh thiếu niên là những tín hữu ngoan ngoãn ở nhà thờ, trông họ hiền lành như con chiên, nhưng trở về nhà riêng họ là hiện thân của những con dê, con sói. Họ có những quan hệ bất khiết về tình cảm, phạm tội về mặt tình dục. Đắm đuối trong những phim ảnh, sách báo, hình ảnh đồi truỵ, thích đi vào những chỗ đèn mờ trong thế giới trần tục.
-A-mốt 3:12-15 Ông A-mốt mô tả cuộc sống hưởng thụ của những kẻ ‘ngồi tại Sa-ma-ri nơi góc giường và trên thảm của Đa-mách.’ Ông vạch ra tội thờ hình tượng: “Ta cũng sẽ thăm phạt các bàn thờ của Bê-tên”. Ông lên án cuộc sống xa hoa của họ: “Ta sẽ đánh nhà mùa đông và nhà mùa hạ; những nhà bằng ngà voi sẽ bị phá, và những nhà lớn sẽ bị huỷ diệt.”
-A-mốt 4:4-5 mỉa mai về lối sống nước đôi: Đến đền thờ gọi là thờ phượng, dâng của lễ nhưng thật ra là phạm tội. “Hãy đi đến Bê-tên mà phạm tội; hãy đi đến Ghinh-ganh mà phạm tội thêm! Mỗi buổi sáng hãy đem của lễ mình đến, và cứ ba ngày thì dâng các phần mười của các ngươi.” Thờ phượng, dâng của lễ, dâng phần mười, nhưng phạm tội thờ hình tượng và phạm tội thêm những tội khác.
-A-mốt 6:3-7 Mô tả rất giống với tình trạng của người Cơ Đốc ngày nay. Các ngươi làm cho ngày hoạn nạn xa ra, và làm ngôi bạo ngược gần lại! Các ngươi nằm ngủ trên giường ngà và duỗi dài trên ghế dài mình; ăn những chiên con chọn ra trong bầy và những bò con mập trong chuồng. Thật, các ngươi hát bài hát bậy bạ hoạ theo đàn cầm, bày vẻ ra những đồ nhạc khí cho mình như vua Đa-vít. Các ngươi uống rượu trong những chén lớn, dùng dầu rất quí xức cho thơm mình, mà không lo đến tai nạn của Giô-sép! Vậy nên chúng nó sẽ bị bắt làm phu tù đầu nhất trong những kẻ bị bắt, và bấy giờ sẽ dứt tiếng reo vui của những kẻ buông tuồng ấy!
2
Đây là hình ảnh của lối sống hưởng thụ, phóng túng: ăn uống, nhậu nhẹt, nghe nhạc, nghe hát. Ở nhà thờ là tín hữu ngoan, nhưng rất sành điệu ở ngoài đời. Họ chủ trương: ‘Phải thực tế’ vì đức tin chỉ tồn tại trong nhà thờ; phải thực tế vì đời là thế! Phải gian vì thế gian gian như thế!... Niềm tin tôn giáo chỉ là sinh hoạt trong nhà thờ, còn ngoài đời thì khác. Đạo đời tách biệt. Đạo đi một nơi, đời đi một ngả.
Vì họ sống như vậy, cho nên Chúa nói: "Ta ghét, ta khinh dể, ta không đẹp lòng, ta không nhận lấy, ta chẳng đoái xem, ta không khứng nghe." Vì họ không có đức tin thật nơi Chúa.
Điều đáng lo nghĩ là tuy sống như vậy nhưng họ vẫn đến nhà thờ nhóm họp đều đặn và đông đúc. Thật là nguy! Chỉ có Chúa biết, chỉ khi đương sự thành thật thổ lộ người khác mới biết sự thật trong đời sống của họ.
B. Đức tin chân thật. “Hỡi nhà I-sơ-ra-ên, hãy nghe” (Câu 1)
  1. Hãy nghe lời Chúa Gia-vê phán. Vì sao?
-Vì lâu nay dân của Chúa không lắng nghe tiếng Chúa phán truyền. Lâu nay họ lo thực hiện việc này việc kia theo thói quen, làm theo truyền thống, làm theo con người mà không quan tâm đến việc lắng nghe lời Chúa. Họ không tìm hiểu xem Chúa muốn họ làm gì; họ không biết Chúa ý muốn của Chúa; không biết Ngài muốn phán dạy họ điều gì. Bây giờ họ cần lắng nghe lời Chúa, cần quan tâm đến đối tượng mà họ thờ phượng thay vì quan tâm đến những vấn đề khác.
-‘Hãy nghe’ cũng có nghĩa là chú ý đến lời Chúa. Phải chăng chúng ta rất chú trọng đến việc đi nhóm họp tại nhà thờ, rất bận rộn với nhiều sinh hoạt trong hội thánh, rất sẵn lòng cống hiến nhiều điều cho hội thánh nhưng lại rất lãng tai, rất điếc đối với lời Chúa? Hãy nghe Chúa dạy trước khi làm bất cứ công việc nào. ‘Hãy nghe’ nghĩa là hãy chú ý đến điều Chúa nói.
-‘Hãy nghe’ nghĩa là hãy xem xét lại, tra xét bản thân một cách cẩn thận. Chúng ta đang có cơ hội để nghe Chúa phán và tự xem xét lại bản thân mình.
  1. “Hãy tìm kiếm ta, thì các ngươi sẽ sống” (c. 4, 6)
-Câu này truyền dạy dân của Chúa về mục đích chính trong cuộc sống của họ tại trần gian: Tìm kiếm Chúa để nhận được sự sống đời đời và duy trì đời sống tâm linh. Lâu nay tuyển dân của Chúa đến đền thờ, tham gia nhiều kỳ lễ, dâng hiến, ca hát, cảm tạ, tham gia nhiều sinh hoạt tại đền thờ nhưng họ không thật sự tìm kiếm Ngài. Họ chỉ tìm kiếm nghi lễ, tìm kiếm những cuộc hội họp đông đảo, những sự phô trương bề ngoài. Họ có những nghi thức nghi lễ nhưng không hề thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Thậm chí họ còn tìm kiếm và thờ những thần tượng khác.
6
Bạn tìm kiếm điều gì khi đến nhà thờ, khi cầu nguyện, khi dâng hiến, khi ca hát tôn vinh Chúa, khi phục vụ tại nhà thờ? Biết đâu chừng bạn chỉ tìm hình thức bên ngoài, tìm tiếng khen, tìm uy tín cho mình,...? Trong khi đó không hề có Chúa trong các sinh hoạt tôn giáo của bạn. Nói cách khác Chúa bị loại trừ, hoặc Ngài trở thành đối tượng để bạn lợi dụng mà thôi.
Xưa kia cũng vậy, trong xã hội, tuyển dân của Chúa được coi là nhiệt thành nên được tôn trọng, hoặc được người xung quanh khen là sùng đạo. Thời nay chúng ta được khen là sốt sắng, là yêu mến hội thánh và ‘yêu mến Chúa’ vì thường xuyên đến nhà thờ, làm nhiều công việc trong nhà thờ, dâng hiến rời rộng, tham gia ban hát, ban đàn... Thế nhưng qua tất cả những sinh hoạt đó chúng ta không hề liên hệ với Chúa, vì chúng ta không hề tìm kiếm Chúa.
-Không tìm kiếm nghi thức, không tìm kiếm chính mình, hãy tìm kiếm chính Chúa. Chúa phán (3 lần): “Hãy tìm kiếm Đức Gia-vê, thì các ngươi sẽ sống...” (Câu 6) Câu này cho thấy những sinh hoạt mà tuyển dân của Chúa thực hiện (nhóm họp, nghi lễ, dâng hiến, ca hát, cảm tạ...) không đem đến cho họ sự ‘sống’ mà chỉ làm cho họ ‘chết’. Những sinh hoạt tôn giáo (dù là sinh hoạt của Cơ Đốc giáo) không làm cho dân của Chúa ‘sống’, ngược lại làm cho họ ‘chết’. Vì sao? Vì những lễ nghi trong buổi thờ phượng mà dân của Chúa thực hiện chỉ là hình thức bề ngoài, chỉ ở đầu môi chót lưỡi. Nói cách khác họ chỉ giả bộ thờ phượng.
Dân của Chúa chỉ lo tìm một nơi chốn (Bê-tên, Ghinh-ganh, Bê-e-Sê-ba) để thờ phượng mà không chịu tìm kiếm Đấng mà họ phải thờ phượng. Chúa phán: “Chớ tìm kiếm Bê-tên, chớ vào Ghinh-ganh, đừng đi đến Bê-e-Sê-ba” (Câu 5) Dân của Chúa đi đến Bê-tên, đến Ghinh-ganh là hai nơi thờ phượng chính. Nhưng Bê-tên lại là nơi khai sinh tội lỗi thờ hình tượng. Bê-e-Sê-ba là nơi hành hương cũng đã trở thành chỗ thờ thần tượng. Lẽ ra khi đến những nơi đó để thờ phượng dân của Chúa phải lo tìm kiếm Chúa. Nhưng trong thực tế họ đã biến những nơi đó thành hang ổ của hình tượng.
Chúa khuyên dân của Ngài “Hãy tìm kiếm Đấng đã dựng nên những sao Rua và sao Cày; đổi bóng tối tăm ra ban mai, đổi ban ngày ra đêm thẳm, gọi nước biển mà đổ nó ra trên mặt đất: Danh Ngài là Gia-vê” (Câu 8) Tìm kiếm Đấng sáng tạo để Ngài tái tạo trong chúng ta một lòng trong sạch và làm cho mới lại trong chúng ta một tâm hồn ngay thẳng; tìm kiếm Đấng có quyền năng biến đổi để Ngài biến đổi con người xấu xa của chúng ta thành con người như ý Ngài muốn; tìm kiếm Đấng kêu gọi để Ngài gọi chúng ta vào công việc của Ngài; tìm kiếm Danh Gia-vê để Danh của Ngài được tôn vinh.
Chúng ta thường tìm kiếm một nơi để thờ phượng. Chúng ta chê nơi này dở và tìm nơi khác tốt hơn. Chúng ta cho rằng vì nơi thờ phượng dở làm cho đời sống thuộc linh chúng ta trở nên dở, cho nên phải đi tìm đến một nơi tốt hơn. Nhưng khi tìm đến một nơi tốt hơn, đời thuộc linh chúng ta xem ra cũng chẳng khá hơn chút nào. Rồi chúng ta thường lấy nghi lễ, sự dâng hiến và công việc để thay thế cho tấm lòng.
3
  1. “Hãy tìm điều lành và đừng tìm điều dữ, hầu cho các ngươi được sống, thì Gia-vê Đức Chúa Trời vạn quân sẽ ở cùng ngươi, như các ngươi nói vậy.” (Câu 14) Câu này nêu ra điều kiện để dân của Chúa được sống và có Chúa ở cùng.
Dân của Chúa được Chúa cứu nhưng vẫn có xu hướng làm điều dữ, không thiết tha theo đuổi điều lành. Vì sao? Vì sinh hoạt tôn giáo không thể thay đổi con người bên trong; cái vỏ bề ngoài không thay đổi thực chất bên trong. Họ nói điều lành nhưng suy nghĩ và hành động toàn điều dữ. Chủ trương của họ về cuộc sống thường ngày hoàn toàn trái ngược với việc họ tin Chúa và thờ phượng Chúa.
Sai trật trong mối liên hệ với Chúa dẫn đến sai trật về mục tiêu trong đời sống. Việc không chịu tìm kiếm Chúa dẫn dân của Chúa đến hai hậu quả: (1)Họ chỉ có niềm tin tôn giáo, sống theo những sinh hoạt và nghi lễ. (2)Điều họ quan tâm và theo đuổi không khác gì người thế gian. Niềm tin tôn giáo chỉ bày tỏ ở nơi thờ phượng và không tác động gì đến suy nghĩ, xu hướng trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Ở nhà thờ, ở nơi thờ phượng thì nói điều lành, nhưng trong nếp sống thường ngày thì tìm điều dữ. Đến Chúa nhật và những kỳ đại lễ thì nói thánh thiện, ngày thường thì hướng về tội lỗi. Ở nhà thờ thì nói công bình, yêu thương, nhưng trong cuộc mưu sinh thì hiếp đáp người công bình. Đến nhà thờ thì tỏ ra ngay thẳng, nhưng ở tòa án thì bẻ cong lẽ ngay thẳng đối với người nghèo để giành phần thắng.
Thời nay, thiếu gì người đến nhà thờ nhưng suy tính toàn những mưu gian chước dối. Đối với họ, sự công bình chỉ có trên lý thuyết, còn thực tế đời sống thì toàn là bất công. Việc tôn thờ Chúa, dâng hiến tiền bạc không thay đổi cách sống của họ, đến nỗi Chúa phải truyền lệnh:“Hãy ghét điều dữ mà ưa điều lành; hãy lập sự công bình nơi cửa thành.”
4
Thiếu gì người Cơ Đốc lập luận theo kiểu gian ác của thế gian. Trong việc học hành, người ta quay cóp dại gì mình không quay cóp. Trong thương trường người ta ăn gian, trốn thuế dại gì mình ngay thẳng thật thà. Trong kinh doanh người ta hối lộ, dại gì mình từ chối. Trong buôn bán người ta tráo hàng, nói dối... dại gì mình nói thật. Trong sản xuất người ta lừa gạt, dại gì mình ngay thẳng. Trong tình cảm người ta lăng nhăng, dại gì mình chung thuỷ.
Khi dân của Chúa lắng nghe Chúa, tìm kiếm Chúa, họ lập lại mối liên hệ với Chúa, họ sẽ ghét điều dữ và ưa điều lành, họ sẽ không tìm điều dữ nhưng tìm điều lành.
  1. “Hãy làm cho chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn” (Câu 24)
-‘Hãy làm’ nghĩa là gì? Chẳng phải những người sinh hoạt theo tôn giáo đã làm nhiều điều sao? ‘Làm’ ở đây không nhằm khuyến giục đi nhà thờ, học Kinh Thánh, cầu nguyện... mà nhằm chỉ về cách ‘sống’.
Hằng ngày hãy sống thể hiện sự chánh trực và ‘công bình’. Hãy thể hiện chân lý và sự công chính trong cuộc sống hằng ngày.
Đức tin thật không phải chỉ chi phối cuộc sống trong ngày Chúa Nhật, mà chi phối cuộc sống trong tất cả các ngày khác trong tuần. Đức tin thật không phải chỉ chi phối vài sinh hoạt tôn giáo, vài nghi thức tôn giáo, mà chi phối toàn bộ cuộc sống, mọi sinh hoạt của một người. Đức tin thật không phải chỉ thúc giục làm những công việc ở nhà thờ mà là thúc giục sống chánh trực giữa đời thường.
‘Chánh trực’ hoặc chân lý, ‘công bình’ hoặc công chính là hai phẩm chất của nội tâm. Người khác có thể nhìn thấy qua nếp sống của người có đức tin thật. Đây là điểm khác biệt giữa người chỉ sinh hoạt tôn giáo với người có đức tin chân thật. ‘Chánh trực’, ‘công bình’ là những điều tiên quyết để được Chúa chấp nhận.
Trong mối liên hệ với Chúa, trong sinh hoạt cá nhân, trong mối liên hệ với tha nhân, ‘chánh trực’, ‘công bình’ là phải trả cho Chúa điều mình phải trả, trả cho con người điều mình phải trả, (trên nền tảng của Chúa và theo tiêu chuẩn của lời Ngài). Tôi phải trả lại cho Chúa điều tôi phải trả (theo lời Chúa, chứ không theo ý của tôi) và trả lại cho tha nhân điều tôi phải trả (theo ý Chúa chứ không theo ý tôi).
-Yêu cầu của Chúa đối với chúng ta trong vấn đề chánh trực và công bình là chúng ta hãy nghe lời Chúa, hãy tìm kiếm Chúa, hãy tin Ngài và thuận phục Ngài. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm. Nhưng Chúa muốn chúng ta lắng nghe Ngài, tìm kiếm và tin Ngài rồi thuận phục Ngài.
-Chánh trực và công bình đối với con người là chúng ta cần ngay thẳng và yêu thương. Người Pha-ri-si bị Chúa Giê-xu lên án vì họ chỉ có bộ dạng ngay thẳng và kỉnh kiền bề ngoài nhưng trong thực tế họ sống bất chính, gian lận, cướp bóc đối với những người xung quanh.
Ông A-mốt mô tả lại cuộc sống không ngay thẳng và chẳng yêu thương của dân của Chúa thời đó như sau:
2:6-8 Tội ác của I-sơ-ra-ên đến gấp ba gấp bốn lần... Chúng nó bán người công bình lấy bạc, bán kẻ nghèo lấy một đôi dép. Chúng nó tham đến cả bụi đất trên đầu người nghèo khó, và làm cong đường của kẻ nhu mì...
3:10. Chúng nó không biết làm sự ngay thẳng; chúng nó chất chứa của hung dữ và cướp giựt ở trong các đền đài mình.
4:1. Hỡi những bò cái của Ba-san, hãy nghe, bay ở trên núi của Sa-ma-ri; hiếp đáp kẻ nghèo nàn, hành hạ kẻ thiếu thốn...
5:11-12. Vì các ngươi hiếp đáp kẻ nghèo và đòi họ nộp thuế lúa mì... Vì ta biết tội ác các ngươi nhiều là bao nhiêu, tội lỗi các ngươi lớn là bao nhiêu, các ngươi là kẻ hiếp đáp người công bình, nhận lấy của hối lộ, ở nơi cửa thành làm cong lẽ thẳng của người nghèo.
- Nếu sinh hoạt tôn giáo ‘đã đổi sự chánh trực ra cay đắng, và đổi trái công bình ra ngải cứu” (6:12) thì đức tin chân thật ‘làm cho chánh trực chảy xuống’, làm cho ‘công bình như sông lớn cuồn cuộn’. Hình ảnh ‘chảy xuống... như sông lớn cuồn cuộn’ khác hẳn hình ảnh nước cạn kiệt, khô hạn ở những con sông, con suối hết nước. Đây là hình ảnh sống động diễn đạt đời sống sinh động, phong phú, đầy năng lực của người có đức tin thật.
Đức tin thật liên tục thể hiện trong cuộc sống chứ không phải chỉ thể hiện vào những giờ phút đặc biệt (khi thờ phượng, khi hát, khi cầu nguyện...) Đức tin thật được thể hiện qua sinh hoạt hằng ngày ở mọi lúc, mọi nơi: khi ở nhà thờ, lúc ở nhà, khi học Kinh thánh cũng như khi học tập trong lớp, trong sinh hoạt thuộc linh cũng như trong sinh hoạt của cuộc sống thường nhật.
Một con sông luôn luôn có nước làm cho cây cỏ, con người và các sinh vật được tồn tại và phát triển như thế nào thì con người có niềm tin thật cũng đem lại sinh khí, sự tươi mới và kết quả cho những ai tiếp xúc với mình.
Bạn cần thay đổi điều gì?
  • Bạn có cần thay đổi đối tượng tôn thờ không?
  • Bạn có cần thay đổi sinh hoạt niềm tin không?
  • Hằng ngày bạn có sống cách chánh trực và công chính trong sinh hoạt bản thân, trong mối liên hệ với Chúa, trong mối liên hệ với tha nhân không?
*** 
-Nếu sinh hoạt tôn giáo làm cho Chúa ghét, Chúa khinh dể thì đức tin chân thật làm Chúa hài lòng.
-Nếu sinh hoạt tôn giáo chỉ dẫn con người đến với công việc và lễ nghi thì đức tin chân thật đưa con người vào mối liên hệ với Chúa, lắng nghe tiếng của Chúa và hết lòng tìm kiếm Chúa.
-Nếu sinh hoạt tôn giáo làm cho con người có xu hướng tìm đến điều dữ và không thắng điều dữ thì đức tin chân thật giúp con người thắng điều dữ và hướng về điều lành.
-Nếu niềm tin tôn giáo làm cho mối liên hệ giữa người với người trở nên xấu đi thì đức tin chân thật làm cho con người đến gần nhau trong tình yêu thương và mối liên hệ ngày càng tốt hơn.
-Nếu sinh hoạt tôn giáo làm cho người ta ‘chết’, ‘khô khan’ và không có năng lực thì đức tin chân thật làm cho con người sống động, linh hoạt và đầy năng lực.
-Nếu sinh hoạt tôn giáo làm cho con người đánh mất Chúa, đánh mất đối tượng mà mình phải thờ phượng thì đức tin chân thật giúp con người có Chúa, có Chúa ở cùng trong cuộc cuộc sống tại trần gian.
XuânThu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét