Năm mười
bảy tuổi thiếu niên Giô-sép thấy một điềm chiêm bao. Cậu kể lại rằng: “Bó lúa của em vươn dậy, đứng thẳng lên...”
(Sáng Thế Ký 37:7a) Mười ba năm sau điềm chiêm
bao này trở thành sự thật. Từ thân phận nô lệ, tù nhân, thanh niên Giô-sép trở
thành thủ tướng Ai Cập. Nếu ông Giô-sép tin rằng hai điềm chiêm bao đều nhằm
bày tỏ một ý chính và tin rằng Đức Chúa Trời đã báo cho chàng biết trước tương
lai làm lãnh đạo của mình thì ông cũng tin rằng chính Đức Chúa Trời sẽ làm
thành ý của hai điềm chiêm bao mà ông nhận được mười ba năm về trước. Khi nào
thì ý của điềm chiêm bao thứ nhất được thành: “...còn những bó lúa của các anh đều tụ họp xung quanh và cúi rạp xuống
trước bó lúa của em.” (Sáng Thế Ký 37:7b) Nhà lãnh đạo ba mươi tuổi nghĩ gì về ngày gặp lại
các anh?
Trong
thời gian tiếp tục kiên trì chờ đợi Đức Chúa Trời thực hiện ý định của Ngài đã
được bày tỏ qua hai điềm chiêm bao, ông Giô-sép tiếp tục vận dụng khả năng và sự
khôn ngoan mà Chúa đã ban cho để cai trị toàn cõi Ai Cập. Bảy năm được mùa tại
Ai Cập trôi qua, bảy năm đói kém bắt đầu. Tất
cả các xứ đều bị đói, nhưng trong toàn cõi Ai Cập thì có bánh ăn. Rồi cả xứ Ai
Cập cũng bị đói... Các nước
khác cũng kéo đến Ai Cập gặp Giô-sép để mua lúa mì, vì nạn đói hoành hành khắp
nơi trên thế giới. (Sáng Thế Ký 41:53-57 – BTTHĐ)
Pha-ra-ôn
nói với toàn dân Ai Cập: “Hãy đến với Giô-sép và làm theo điều người chỉ bảo.” (Sáng Thế Ký
41:55b – BTTHĐ) Khi Pha-ra-ôn truyền: “Hãy đến với Giô-sép” tức là vua nói rằng: “Hãy
đến với Xa-phơ-nát Pha-nê-ách”, hãy đến với vị cứu tinh, hãy đến với người cầm giữ
sự sống. Lời công bố của Pha-ra-ôn chẳng những khiến dân Ai Cập sấp mình trước
mặt ông Giô-sép mà còn khiến dân của các nước lẫn các anh của ông phải đến với
ông và sấp mình xuống. Ông Giô-sép sẽ làm gì khi các anh đến sấp mình trước mặt
mình?
Trong đại
gia đình của cụ Gia-cốp, mỗi người có nỗi khốn khổ riêng. Sau đây chúng ta sẽ
bàn đến nỗi khốn khổ của cụ Gia-cốp, của mười người anh và của ông Giô-sép.
(1)Nỗi
khốn khổ của cụ Gia-cốp là nỗi khốn khổ của người cha mất người con trai mà ông hết sức yêu
thương. Nỗi đau mất con của cụ Gia-cốp là nỗi đau không ai an ủi được. Kinh
Thánh chép: Ông xé quần áo, lấy vải thô
quấn ngang lưng và để tang cho con trong nhiều ngày. Tất cả các con trai, con
gái đều đến an ủi. Ông nói: “Ta
cứ để tang mà xuống âm phủ với con ta!” (Sáng Thế Ký 37:34-35b)
Khi
nghe các con kể về vụ việc đã xảy ra trong chuyến đi Ai Cập lần thứ nhất, cụ
Gia-cốp than trách rằng: “Chúng
mày đã cướp đi các con ta! Giô-sép mất tích, Si-mê-ôn không còn, bây giờ lại
còn muốn dẫn Bên-gia-min đi nữa! Mọi chuyện đều đổ lên đầu ta hết!” (Sáng Thế
Ký 42:36 – BTTHĐ)
Khi
không cho Bên-gia-min đi Ai Cập với các anh, cụ Gia-cốp bộc lộ nỗi niềm của người
cha: “Con út ta sẽ chẳng xuống
đó với các con đâu, vì anh nó đã chết rồi, chỉ còn lại một mình nó thôi. Nếu dọc
đường nó gặp phải tai hoạ thì các con làm cho kẻ đầu bạc này đau lòng xót dạ mà
xuống âm phủ.” (Sáng Thế Ký 42:38 – BTTHĐ)
Đến khi đồng ý để cho Bên-gia-min đi Ai Cập, cụ Gia-cốp cầu chúc rằng: "Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng làm cho các con được
ơn trước mặt người ấy, để Si-mê-ôn và Bên-gia-min được về với các con.
Còn cha, nếu phải mất các con thì cha đành cam chịu!” (Sáng Thế Ký 43:14 –
BTTHĐ) Thật tội nghiệp cho người cha già.
Nỗi
lòng và nỗi khốn khổ của cụ Gia-cốp được ông Giu-đa bộc bạch với người mà ông
không nhận ra là người em mà các ông anh từng tính giết đi; rồi sau đó họ bán
em với giá hai mươi miếng bạc: “Sự sống của cha tôi ràng buộc vào sự sống của
em tôi. Vậy, nếu bây giờ tôi trở về với đầy tớ ngài là cha tôi, mà không có thằng
bé đi cùng, thì cha tôi sẽ chết khi không thấy thằng bé. Nếu vậy, các đầy tớ
ngài sẽ làm cho cha già tóc bạc của chúng tôi, cũng là đầy tớ ngài, đau lòng
xót dạ mà xuống âm phủ.” (Sáng Thế Ký 44:30-31 – BTTHĐ) Ai có thể đem niềm vui đến cho cụ Gia-cốp nếu không phải là ông
Giô-sép?
(2)Nỗi
khốn khổ của mười người anh là nỗi khốn khổ của những người phạm tội. Sau khi
biết các anh của Giô-sép bán em, chỉ một mình anh Ru-bên xé áo mình, chạy đến
chỗ các em và nói: “Đứa nhỏ đâu
mất rồi? Còn tôi, tôi biết đi đâu bây giờ!” (Sáng Thế Ký 37:30 – BTTHĐ) Còn các ông anh khác lo mưu tính trốn tội bằng cách gởi áo choàng
của Giô-sép đầy máu về cho cha, rồi sau đó về nhà an ủi cha. Gây tội lỗi
và giấu tội lỗi, dù lừa được cha mình nhưng tội vẫn là tội. Khi vua Đa-vít chưa
giải quyết tội lỗi của mình, vua nói rằng: “Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi.” (Thi Thiên 51:3) Chúng ta có thể hình dung mười người anh của Giô-sép luôn luôn nhìn thấy
tội lỗi của mình khi cho bầy chiên uống nước ở mấy cái giếng.
Chẳng
những tội bán em luôn luôn “ở trước mặt họ” mà họ còn khốn khổ khi nhớ lại những
việc họ đã làm đối với em. Kinh Thánh chép: Kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn. (Thi Thiên 32:10) Lòng họ đau đớn như thế nào khi nhìn thấy cha mình để tang cho Giô-sép
trong nhiều ngày. Họ bị dằn vặt trong suốt mười ba năm khi nhớ lại những việc họ
đã làm đối với em. Thế mà nay đứng trước mặt em họ không nhận ra em.
“Thật
chúng ta có lỗi với em chúng ta. Chúng ta đã thấy nỗi khổ đau trong tâm hồn nó
khi nó năn nỉ chúng ta mà chúng ta không đoái hoài đến. Vì vậy mà nay chúng ta
phải chịu nỗi khổ đau này.” (Sáng Thế Ký 42:21 – BTTHĐ) Anh Ru-bên, người từng
tính cứu Giô-sép và can ngăn các em nay nói rằng các anh phải đền nợ máu vì đã
hãm hại Giô-sép. “Chẳng phải anh đã nói với các chú là đừng mắc tội làm hại thằng bé
sao? Nhưng các chú không nghe. Bây giờ thì phải đền nợ máu nó thôi.” (Sáng Thế
Ký 42:21-22 – BTTHĐ)
Gặp lại
nhau, họ được ông Giô-sép tha thứ. Nhưng cho đến khi cha mất, các anh vẫn không
quên được “những việc ác” mà họ đã làm đối với Giô-sép. Các anh đã nhắc lại và
xin ông Giô-sép tha thứ cho họ (Sáng Thế Ký 50:15, 17b). Ai có thể giúp cho các
anh sự bình an trong tâm hồn nếu không phải là ông Giô-sép?
(3)Nỗi
khốn khổ của ông Giô-sép là nỗi khốn khổ của người công chính.
Ông
Giô-sép là người em khốn khổ. Thiếu nhi Giô-sép cô đơn buồn bã biết bao khi bị
các anh ghét bỏ, mắng nhiếc hằng ngày! Thiếu niên Giô-sép sợ hãi, kinh hoảng biết
bao khi nhận thấy các anh muốn giết mình bằng cách quăng mình xuống hố nước!
Thiếu niên Giô-sép lo âu, đau đớn biết bao khi bị tống ra khỏi gia đình, khi
các anh nỡ bán cho lái buôn đem ra ngoại quốc! Thiếu niên Giô-sép khốn khổ buồn
rầu biết bao khi phải làm nô lệ ở nơi đất khách quê người, sống trong tình cảnh
cùng cực vô vọng! Trong những năm khốn khổ vì nhớ cha, nhớ em, tâm hồn thiếu
niên Giô-sép bị xâu xé biết bao khi nghĩ đến điều độc ác các anh đã gây ra cho
mình!
Thiếu
niên Giô-sép là người nô lệ khốn khổ. Lao động khổ cực nhọc nhằn là chuyện tất
nhiên. Nhưng khốn khổ về mặt tinh thần khi bị vu oan, hãm hại là chuyện nghiêm
trọng. Sống ngay thẳng, trong sạch, thánh khiết để rồi phải khốn khổ trong tù tội
thì thật là ngỡ ngàng tức tối. Kẻ có tội thì nhởn nhơ, người vô tội thì bị giam
cầm.
Thanh
niên Giô-sép là người bạn tù khốn khổ. Sau khi giải ý nghĩa của điềm chiêm bao
cho quan hầu rượu, thanh niên Giô-sép nhờ quan nói lời minh oan cho mình nhưng quan hầu rượu chẳng nhớ gì đến Giô-sép (Sáng Thế Ký
40:23 – BTTHĐ). Khổ
thân cho người bị quên lãng!
Trên tất
cả những nỗi khốn khổ đó, thanh niên Giô-sép là người khốn khổ vì được Đức Chúa
Trời thử luyện từ thuở còn là thiếu nhi lẫn thiếu niên để sống hữu ích cho muôn
người và làm trọn chương trình của Ngài.
Khi
thành danh, ông Giô-sép muốn quên những năm khốn khổ đó nên đặt tên cho hai con
trai là Ma-na-se và Ép-ra-im. Ông bày tỏ ý đó như sau: “Đức
Chúa Trời đã làm cho ta quên đi mọi gian khổ và cả nhà cha ta.” “Đức Chúa Trời
làm cho ta được hưng thịnh trong xứ mà ta chịu nhiều khốn khổ.” (Sáng Thế Ký
41:51, 52 – BTTHĐ) Ông Giô-sép nhận biết sự tể trị của Đức Chúa Trời trong những năm khốn
khổ, nhận biết Chúa xuống Ai Cập với mình, nhận biết Chúa ở với mình, nhận biết
Chúa phù hộ mình, nhận biết Chúa ban cho mình khả năng và sự khôn ngoan, nhận
biết rằng Đức Chúa Trời cho mình hai điềm chiêm bao năm xưa và chính Ngài làm
cho điềm chiêm bao từng bước trở thành hiện thực.
Khi được
Pha-ra-ôn lập lên cầm quyền trên toàn quốc, chắc chắn ông Giô-sép gặp lại quan
hầu rượu của vua và quan chỉ huy vệ binh Phô-ti-pha. Giả sử quan chỉ huy vệ
binh xin lỗi, còn quan hầu rượu phân trần. Chắc ông Giô-sép đã trả lời với họ
như trả lời với các anh mình: “Ông kết án tôi cách oan ức rồi còn giam giữ tôi
trong nhà tù, còn ông quên tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho những điều đó
trở thành điều lành để thực hiện việc đang xảy ra hôm nay, tức là bảo tồn sự sống
cho vô số người.” (Phỏng theo Sáng Thế Ký 50:20 – BTTHĐ)
“Vị cứu tinh”, “Người cầm giữ sự sống” (Xa-phơ-nát Pha-nê-ách) phải là người khoan dung,
không hận thù, không trả thù và không có chuyện “thế thiên hành đạo” trong cuộc
đời của ông Giô-sép.
Sau khi
cho các anh biết mình là ai: “Tôi
là Giô-sép, người em mà các anh đã bán sang Ai Cập đây”, ông trấn an các anh: “Nhưng bây giờ các anh đừng đau buồn cũng đừng
tự trách mình vì đã bán tôi sang đây.” Ba lần ông nhấn mạnh “Đức
Chúa Trời sai tôi đến đây”:
(1) “Vì để bảo tồn sự sống mà Đức Chúa Trời đã sai
tôi đến đây trước các anh.”
(2) “Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước để duy trì
cho các anh một dòng dõi trên đất, và cứu mạng sống các anh bằng một cuộc giải
cứu vĩ đại.”
(3) “Vậy không phải các anh mà chính Đức Chúa Trời
đã sai tôi đến đây. Ngài lập tôi làm cha Pha-ra-ôn, làm chúa của triều đình, và
cai trị toàn cõi Ai Cập...” (Sáng Thế Ký 45:5-8 – BTTHĐ)
Sau khi
trấn an các anh, ông Giô-sép hành xử như một luật sư: thay thế cho việc “bán
tôi sang đây” bằng câu “Đức Chúa Trời sai tôi đến đây”. Ông không biện minh cho
hành động tội lỗi của các anh. Nhưng ông nói rõ vai trò của Chúa. Ngài đã đổi
điều dữ thành điều lành.
Ông
Giô-sép đã làm cho cha mình “hồi tỉnh” khi tiếp nhận các anh và tha thứ cho các
anh. Chính các anh, những người từng nói dối cha, giờ đây báo tin cho cha: “Giô-sép hãy còn sống và đang cai trị toàn
cõi Ai Cập!” nhưng lòng Gia-cốp vẫn dửng dưng vì ông
không tin lời họ nói. Nhưng khi họ kể lại cho ông tất cả những lời Giô-sép đã
nói với họ, và khi thấy xe cộ mà Giô-sép gửi về để rước mình thì tâm thần Gia-cốp,
cha họ, mới hồi tỉnh. (Sáng Thế Ký 45:26-27 – BTTHĐ) Suốt bao nhiêu năm khóc than thương nhớ người con bị thú dữ ăn thịt,
đau đớn khi nghĩ đến con, nay cụ bừng tỉnh, vui mừng khi biết con còn sống.
Tương tự
như trải nghiệm của sứ đồ Phao-lô: “Chúng tôi bị đối xử như kẻ lừa đảo, nhưng lại là người chân thật, bị
xem như những kẻ xa lạ, nhưng lại được mọi người biết đến; bị xem như gần chết,
nhưng thật ra chúng tôi vẫn sống; xem như hình phạt, nhưng không bị giết chết;
xem như buồn bã, nhưng luôn vui mừng; xem như nghèo thiếu, nhưng lại làm cho
nhiều người giàu có; xem như không có gì, nhưng lại có tất cả.” (2Cô-rinh-tô
6:8-10 – BTTHĐ) Nhờ
biết có Chúa tể trị mọi việc trong cuộc đời của mình nên ông Giô-sép sống khoan
dung tha thứ.
Địa vị
của ông, khả năng của ông, sự khôn ngoan của ông không thể làm cho cụ Gia-cốp lẫn
các anh hết khốn khổ. Sống khoan dung tha thứ mới làm cho những khốn khổ của
cha, của các anh và của chính mình tiêu tan.
XuânThu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét