Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

TUẦN 19/52. GIỮ LÒNG TRUNG THÀNH (3)


  1. Sống là tương giao. ‘Ta… đã giữ được đức tin’
Trong niềm tin nơi Chúa sứ đồ Phao-lô phải làm sao giữ gìn niềm tin nơi Chúa. Giữa ông với Chúa có một hợp đồng – đó là hợp đồng về lòng tin.
Cũng có thể ví niềm tin như một báu vật mà sứ đồ Phao-lô sở hữu và bảo vệ, bảo toàn.
Trong suốt cuộc đời mình, ông không bao giờ làm mất đức tin của ông nơi Chúa, dù cho bất cứ việc vì xảy đến cho ông. Trong sự phục vụ ông không bao giờ làm mất lòng tin của Chúa đối với ông. “Chúa xét ta trung thành.”
(a)Cơ Đốc giáo không phải là một triết lý. Vì vậy, khi tin Chúa, mỗi Cơ Đốc nhân phải có mối tương giao với Đức Chúa Trời. Chính vì thế mà chúng ta nói rằng Cơ Đốc giáo là một mối tương giao. Khởi điểm của cuộc đời Cơ Đốc nhân là khởi điểm của mối tương giao.
Cơ đốc giáo cũng không phải là công việc. Vì công việc đôi khi không có tình yêu thương. Tương giao với Chúa không phải là công việc. Người Pha-ri-si lên Đền Thờ để cầu nguyện (tương giao) nhưng ông toàn nói về công việc, về thành tích. Vì ông ta không có sự tương giao thật. Hai vợ chồng đi chợ với nhau, vợ mua, chồng trả tiền; vợ nhận hàng, chồng bưng; vợ đi, chồng chở; họ có công việc, nhưng có thể không có tình yêu thương.
Giữa bạn với Chúa có mối tương giao chưa? Sợi dây yêu thương, mối tương giao giữa Chúa và bạn, giữa bạn và Chúa đã được thiết lập chưa? Nhiều người ở trong hội thánh nhưng chưa thiết lập, chưa có khởi điểm cho mối tương giao, tức là chưa phải là con của Chúa.
(b)Có đức tin mới giữ đức tin; có mối tương giao với Chúa mới lo giữ mối tương giao với Chúa. Cho nên phải xác định: Bạn có hay chưa? Nếu đã có đức tin, có mối tương giao với Chúa, bạn phải trung thành trong mối tương giao đó.
-Không gián đoạn. Chúng ta hãy dùng hình ảnh hai đường dây nối liền giữa trời với đất để ví sánh: một đường dây gọi là đường dây ân điển, đường dây này không bao giờ bị đứt; một đường dây gọi là đường dây tương giao, đường dây này có thể bị gián đoạn.
-Tội lỗi phá hỏng sự tương giao. Giữ gìn mối tương giao nghĩa là đừng làm cho đường dây tương giao bị đứt. Điều gì làm cho sự tương giao giữa bạn với Chúa bị đứt? Đó là tội lỗi. Tội lỗi là nguyên nhân ngăn cách giữa bạn với Chúa. Tội lỗi ngăn trở chúng ta tương giao với Chúa. Có tội lỗi nào đang làm hỏng mối tương giao giữa bạn với Chúa không? Đừng để tội lỗi phá hỏng mối tương giao giữa bạn với Chúa
Dây diện thoại đã bị đứt mà bạn cứ nói qua điện thoại. Dây chuông đã bị cắt mà bạn cứ nhấn chuông. Thật là hài hước. Nếu tội lỗi đang ngăn trở mối tương giao với Chúa, bạn hãy ăn năn, nối lại mối tương giao rồi mới giữ gìn mối tương giao đó.
-Gắn bó với Lời Chúa. Giữ gìn mối tương giao là duy trì bền bỉ giữa hai chiều: bạn nói Chúa nghe, Chúa nói bạn nghe; bạn hỏi Chúa đáp lời, Chúa bảo, bạn vâng theo tức là gắn bó với Lời Chúa qua việc nghe – đọc – học – thuộc – suy ngẫm và vâng theo Lời Chúa trong đời sống mỗi ngày.
Trong mối tương giao với Chúa bạn có nhược điểm nào? Bạn lấy công việc thay cho tương giao, thay cho việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Hay là bạn chỉ nghe Chúa phán rồi dừng ở đó, bạn thiếu sự vâng lời. Hay bạn cảm thấy chán nản trong tương giao. Nhiều người nói học lời Chúa mệt quá – vì học mà không có tương giao, nói cầu nguyện buồn ngủ quá – vì chỉ là thủ tục cho an tâm chứ đâu có tình yêu thương. Nhiều người nói thỉnh thoảng tương giao một lần. Thật khó hiểu! Có người yêu mà than rằng, nói chuyện với anh chán quá, gặp anh là em buồn ngủ, hay lâu lâu mới thấy nhớ anh. Thật quá nguy!
-Giữ gìn mối tương giao là nhận biết Chúa luôn ở với mình. Dù đi đâu, làm gì, hoàn cảnh ra sao, người giữ gìn mối tương giao với Chúa tâm niệm rằng:
Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi;
Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi.
(Thi Thiên 16:8)
Ông Giô-sép là người giữ gìn sự tương giao với Chúa. Ông luôn nhận biết Chúa ở với ông.
Còn chúng ta mong Chúa ở với mình sau khi chúng ta làm cho mọi việc đã trở nên tồi tệ. Khi chúng ta dự định điều gì, chúng ta không ý thức Chúa đang hiện diện, và cũng không muốn Ngài hiện diện, cho nên chúng ta cho Chúa ra rìa. Khi hành động, chúng ta cũng không ý thức Chúa đang hiện diện, cho nên chúng ta để Chúa ngoài cuộc. Khi đối phó với hoàn cảnh, chúng ta cũng không ý thức Chúa hiện diện với mình, cho nên chúng ta tự mình ráng giải quyết.
Người giữ lòng trung thành trong mối tương giao là không giấu Chúa một điều gì, luôn luôn ý thức Chúa ở với mình.
(c)Muốn trung thành trong mối tương giao bạn phải trông mong ngày gặp mặt Chúa. Cô dâu trông chờ chàng rể thế nào thì bạn thể hiện lòng kính yêu và lòng trung thành với Chúa qua việc trông mong ngày gặp mặt Chúa.
Ông Phao-lô nói đến những người yêu mến sự hiện đến của Chúa. Vì sao chúng ta trung thành, vì chúng ta trông mong ngày gặp Chúa. Lòng trung thành thể hiện qua đức tin bền vững, lòng kính yêu gắn bó và sự sẵn sàng khi trông cậy. Bạn sẵn sàng chưa? Bạn có trông mong gặp Chúa không? Có người nói, tôi chưa muốn gặp Chúa, vì gặp Chúa tôi không biết phải thưa trình những điều gì?
Vì yêu mến sự hiện đến của Chúa mà ông Phao-lô giữ vững lòng tin. Chính vì thế mà ông trung thành trong đức tin cũng như trong phục vụ. Càng trông mong gặp Chúa thì càng tỏ ra trung thành. Trong ngày cuối cùng, chỉ còn người trung thành và kẻ bất trung mà thôi.
(d)Muốn trung thành trong mối tương giao với Chúa bạn phải thông công với các Cơ Đốc nhân khác. Trung thành với Chúa không phải chỉ biết giữa mình với Chúa, mà còn lo tưởng đến anh em của mình nữa. Ông Phao-lô khi nói về chính ông, ông cũng nghĩ đến những người khác. Trung thành trong đức tin, trong mối tương giao với Chúa không dẫn chúng ta đến tinh thần đố kỵ, coi thường người khác; nhưng lòng trung thành dẫn chúng ta đến với anh em chúng ta. Nhiều người nói mình trung thành với Chúa, nhưng lại làm tan đàn xẻ nghé hội thánh của Đức Chúa Trời, nhiều người nói mình trung thành với Chúa nhưng lại gây chia rẽ trong cộng đoàn. Có người nói mình trung thành trong tương giao với Chúa nhưng lại gây rạn nứt trong anh em với nhau.
Có câu chuyện về những bạn thanh niên tri thức không chịu nhóm chung với ban thanh niên. Lý do: vì các bạn bình dân không hát được những bài hát tiếng Anh nên các bạn thuộc giới tri thức cho rằng nhóm chung không hợp. Trung thành trong tương giao với Chúa sẽ dẫn chúng ta đến chỗ lo lắng cho anh em mình, nhịn nhục với anh em mình và gây dựng anh em mình; chứ không dẫn chúng ta đến lòng kiêu căng, tách biệt với anh em, và tách rời khỏi hội thánh.
Ông Phao-lô nói về đức tin của mình, trung thành trong tương giao với Chúa, và qua tương giao với Chúa, ông cũng khích lệ Ti-mô-thê, và những người khác. Ông Phao-lô nói: “không phải cho ta” mà “cũng cho mọi kẻ…”
*Bạn có trung thành? Có giữ được niềm tin không?
-Có thiết lập sự tương giao với Chúa và thông công với anh em mình chưa?
-Có giữ gìn sự tương giao không?
  • Tội lỗi có đang phá hỏng sự tương giao không?
  • Có gắn bó với Lời Chúa, với Chúa không?
  • Có gắn bó với anh em cùng niềm tin không?
*Trung thành với Chúa là giữ được mối tương giao với Ngài.
* Khi bạn giữ được lòng trung thành
  • trong cuộc chiến thuộc linh,
  • trong cuộc đua thuộc linh,
  • trong việc giữ gìn niềm tin,
           bạn sẽ được tưởng thưởng.
*
*   *
Phần thưởng cho lòng trung thành
Nhà thầu khoán kia có một người thợ rất giỏi trong ngành xây dựng. Ông thầu khoán này nổi tiếng là người xây nhà có chất lượng và chỉ sử dụng những vật liệu tốt nhất. Trong nhiều năm cả hai người cùng làm việc với nhau, cùng nhau xây dựng những ngôi nhà chất lượng cao. Một ngày kia, ông thầu khoán quyết định giao toàn bộ trách nhiệm cho người thợ này xây một ngôi nhà và một số tiền ấn định với yêu cầu như thường lệ, xây theo tiêu chuẩn chất lượng cao.
Lần này không còn bị giám sát cho nên người thợ lập luận như vầy: Nếu mình sử dụng những vật liệu kém chất lượng thì khi xây lên, ngôi nhà này cũng giống như ngôi nhà có chất lượng, vì chẳng ai nhận ra sự khác nhau đó. Làm như vậy ông ta có thể bỏ túi một số tiền lớn.
Khi ngôi nhà được hoàn tất, người thợ hãnh diện mời ông thầu khoán đến để kiểm tra ngôi nhà. Ngôi nhà trông rất đẹp, chỉ người thợ mới biết ngôi nhà không được tốt. Lúc đó người thợ mới biết ngôi nhà là món quà mà ông thầu khoán dành cho ông ta sau nhiều năm phục vụ. Ông ta tự nhủ: Nếu mình biết ngôi nhà được xây cho mình, thì chắc đã lấy những vật liệu tốt để xây. Còn bây giờ thì quá trễ. Mình phải sống trong ngôi nhà mình đã xây kém chất lượng.
Bạn có trung thành không? Trung thành đến mức nào? Trung thành cho đến cuối cùng. Trung thành không riêng cho ai, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, học thức hay bình dân, ai cũng có thể trung thành. Nhưng trung thành ‘khó’ ở chỗ trung thành suốt đời. Suốt đời chiến đấu trung thành; suốt đời chạy đua cho tới đích đến; suốt đời giữ mối tương giao với Chúa. Cuộc đời đó chỉ hình thành nếu bạn trung thành từng ngày. Mỗi ngày bạn hãy sống với lòng trung thành.
XuânThu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét