Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

NGÀY 22 THÁNG 1. PHẨM CHẤT TÔI TỚ (10)


5. Tới nơi tới chốn

Khi đỡ cho người uống xong rồi,
“Chừng nào uống đã thì thôi.”

Cô Rê-bê-ca làm việc rất tốt. Cô tình nguyện phục vụ, thực hiện hai công tác và không bỏ dở công tác nào. Lúc bắt đầu cô chỉ có một công việc nhưng sau đó hoàn tất hai công việc. Không bỏ ngang công việc mà làm tới nơi tới chốn là một trong những phẩm chất tốt của người tôi tớ.

Cô Rê-bê-ca mời ông Ê-li-ê-se uống nước. Khi ông Ê-li-ê-se uống xong, cô Rê-bê-ca nói “Tôi cũng sẽ xách cho mấy con lạc đà chúa uống nữa, chừng nào uống đã thì thôi.” Ta thấy công việc của cô Rê-bê-ca theo trình tự. Trước hết giải quyết ngay và giải quyết cho xong điều người ta yêu cầu, sau đó mới tiến sang điều mình tình nguyện thực hiện. Trước hết hoàn tất việc ngắn hạn, sau đó tiến sang việc dài hạn. Việc trước mắt, việc dễ làm mà không hoàn tất được thì làm sao hoàn tất được việc lâu dài và khó hơn. Đứng ngay tại chỗ, dỡ bình nước cho Ê-li-ê-se uống có một lần mà làm không xong thì làm sao chạy lên chạy xuống nhiều lần, xách nước đổ vào máng cho đàn lạc đà?

Cô Rê-bê-ca không nói: “Tôi cũng sẽ xách cho mấy con lạc đà ông uống nữa, chừng nào tôi mệt thì thôi.” Khi đàn lạc đà uống nước đã đời và không uống nữa, có lẽ cô Rê-bê-ca ngạc nhiên khi nhìn lại công việc cô đã làm. Thật là vượt hơn cả điều cô mong đợi. Người ta thường dùng nhóm từ ‘trên cả tuyệt vời’. Phục vụ như Rê-bê-ca phải bỏ ra nhiều công sức và tốn nhiều thì giờ.

Một người tình nguyện làm việc rất dễ bị cám dỗ bỏ ngang công việc, vì chỉ là tình nguyện. Có tinh thần phục vụ, có nỗ lực làm việc nhưng không bền lòng cho đến cuối cùng cũng chỉ vì tình nguyện. Cộng đồng Cơ Đốc có rất nhiều người tỏ ra mau mắn tình nguyện nào là dạy Kinh Thánh, làm công tác chứng đạo, chăm sóc... nhưng không có phẩm chất tôi tớ, chỉ theo đuổi công việc trong một thời gian, thấy mệt, thấy khó, thấy tốn thời gian... cho nên nửa chừng gãy cánh.

Để có phẩm chất tốt của một tôi tớ, để phục vụ tới nơi tới chốn, ngoài việc thực hiện công việc theo thứ tự trước sau, một mặt người phục vụ cần nhìn vào tình trạng của đối tượng mình phục vụ, một mặt phải chuẩn bị tinh thần và thể lực của bản thân. Bằng không, nửa chừng người phục vụ sẽ nhìn vào tình trạng của mình rồi bỏ cuộc.

Hãy xét lại những lần bạn phục vụ không đến nơi đến chốn để tìm ra nguyên nhân. Phải chăng vì ôm đồm quá? Phải chăng vì thiếu sắp xếp thứ tự ưu tiên? Phải chăng vì thương thân xót phận mà không chịu nhìn vào nhu cầu của đối tượng? Phải chăng vì thiếu thể lực, thiếu năng lực để hoàn tất công việc?

Chúng ta lo giữ niềm tin cho đến cuối cùng thì cũng phải bền lòng phục vụ đến nơi đến chốn. Trung thành trong niềm tin cũng cần trung thành trong phục vụ.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét