Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

NGÀY 31 THÁNG 7. THẦN TƯỢNG SỤP ĐỔ(4)


Đáng sợ là

3. Ông Sam-sôn được Đức Chúa Trời chọn từ trong lòng mẹ để làm một Na-xi-rê (người được biệt riêng ra) với trọng trách giải thoát dân I-sơ-ra-ên khỏi ách thống trị Phi-li-tin. (Quan Xét 13:5b) Khi trưởng thành ông được Chúa ban phước lành. Thần Linh của Chúa bắt đầu khích động lòng Sam-sôn trong trại Đan, giữa Xô-ra và Ê-ta-ôn. (Quan Xét 13:24-25)  

Trong suốt 20 năm lãnh đạo dân I-sơ-ra-ên, là một quan xét có lòng can đảm, với sức mạnh phi thường, ông Sam-sôn trở thành thần tượng của biết bao người I-sơ-ra-ên. Thế nhưng thần tượng này sụp đổ khi nào?

Phải chăng thần tượng Sam-sôn sụp đổ khi ông cưới thiếu nữ Phi-li-tin? Có lẽ nhiều thiếu nữ I-sơ-ra-ên thất vọng khi thấy thần tượng của mình yêu và cưới một người Phi-li-tin ngoại đạo. (Quan Xét 14:1-3)   

Phải chăng thần tượng Sam-sôn sụp đổ khi ông tự tung tự tác hành động mà chẳng suy nghĩ đến an nguy của người khác? Ông đi bắt ba trăm con chồn, buộc đuôi của từng cặp lại với nhau và buộc bó đuốc giữa hai đuôi chồn. Ông đốt đuốc, thả chồn vào đồng ruộng người Phi-li-tin. Lửa thiêu hủy hết lúa đã bó, lúa chưa gặt và cây ô-liu của họ... Hành động của ông Sam-sôn khiến cho ba ngàn người Giu-đa kéo nhau đến hang đá Ê-tam, tra hỏi ông rồi trói ông đem nộp cho người Phi-li-tin. (Quan Xét 15:4-5, 11-13)

Phải chăng thần tượng Sam-sôn sụp đổ khi ông đến Ga-xa, gặp một gái điếm và ngủ đêm với cô ta. Hay khi ông phải lòng một cô gái (Phi-li-tin) ở thung lũng Sô-réc, tên là Đa-li-la? (Quan Xét 16:1, 4)  Làm sao Sam-sôn có thể giải cứu dân I-sơ-ra-ên khỏi tay người Phi-li-tin khi ông rơi vào tay của những mỹ nhân Phi-li-tin? Biết bao anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân nên trở thành trò hề cho thiên hạ. Người Phi-li-tin bắt ông, móc mắt, giải xuống Ga-xa. Tại đấy, họ xiềng ông bằng xích đồng, bắt ông xay cối trong ngục. (Quan Xét 16:21)

Đoạn kết của một thần tượng bị sụp đổ thật đáng buồn. Lúc ấy, đền thờ Đa-gôn đông đặc cả người. Toàn thể các nhà lãnh đạo Phi-li-tin đều hiện diện. Có chừng ba ngàn người ngồi trên gác thượng coi Sam-sôn làm trò. Người lãnh đạo thuộc linh của dân I-sơ-ra-ên cầu nguyện như thế này: "Xin cho con cùng chết với người Phi-li-tin." Rồi dùng toàn lực đẩy hai cây cột. Đền thờ Đa-gôn đổ xuống, đè chết các nhà lãnh đạo Phi-li-tin và cả Sam-sôn.

Kết cục của một thần tượng sụp đổ là như thế đấy!

XuânThu
(XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

NGÀY 30 THÁNG 7. THẦN TƯỢNG SỤP ĐỔ(3)


Đáng sợ là:

2. Sống dưới triều đại của vua Nê-bu-cát-nết-sa chẳng ai nghĩ rằng vương quốc Ba-by-lôn hùng mạnh sẽ sụp đổ. Đức Chúa Trời cho vua thấy chiêm bao nhưng vua không thể kể lại nội dung của giấc chiêm bao. Tiên tri Đa-ni-ên kể lại nội dung của chiêm bao và cho vua biết Đức Chúa Trời đã tỏ cho vua những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Tiên tri nói: Hỡi vua, vua nhìn xem, và này, có một pho tượng lớn. Pho tượng đó to lớn và rực rỡ lạ thường; đứng trước mặt vua, và hình dạng dữ tợn. Đầu pho tượng này bằng vàng ròng; ngực và cánh tay bằng bạc; bụng và vế bằng đồng; ống chân bằng sắt; và bàn chân thì một phần bằng sắt một phần bằng đất sét. Vua nhìn pho tượng cho đến khi có một tảng đá chẳng bởi tay đục ra, đến đập vào bàn chân bằng sắt và đất sét của tượng, và làm cho tan nát. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan nát cả; trở nên như rơm rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; nhưng tảng đá đã đập vào pho tượng thì hóa ra một ngọn núi lớn và đầy khắp đất. (Đa-ni-ên 2:31-35)

Pho tượng vĩ đại từ đầu đến chân gồm những nguyên vật liệu vàng, bạc, đồng, sắt và đất sét tượng trưng cho lịch sử từ thời Ba-by-lôn đến Mê-đi Ba-tư, đến Hy-lạp, đến La-mã và thời hiện đại. Pho tượng to lớn sừng sững, dữ tợn nhưng tất cả sẽ sụp đổ. Các triều đại lần lượt sụp đổ. Dù là vàng, bạc, đồng, sắt thì cũng tan nát và trở nên rơm rác như nhau mà thôi. 

Trong quá khứ, nhiều người nhờ cậy Ba-by-lôn, xem Ba-by-lôn là thần tượng để rồi sụp đổ theo Ba-by-lôn. Người lính canh nói: "Ba-by-lôn đã sụp đổ, sụp đổ rồi! Mọi hình tượng tà thần của nó đã bể nát dưới đất!" (Ê-sai 21:9)

Ngày nay, nhiều người coi đất nước này, quốc gia kia là số một. Họ tôn sùng những quốc gia giàu có và xem đó như là thần tượng. Họ không chịu nhìn thấy đằng sau sự giàu có là đời sống xa hoa, suy đồi. Đó là nơi phát xuất những tội lỗi đáng ghê tởm.

Trong thời kỳ cuối cùng, tôn giáo giả cũng được gọi là Ba-by-lôn lớn. Tôn giáo bịa đặt, đấng cơ đốc mạo nhận lấy giàu có vật chất làm mục tiêu, cuộc sống dâm loạn thuộc linh trở thành thần tượng của nhiều người. Họ chạy theo, cổ súy, ca ngợi mà không chịu nghe lời cảnh báo từ trời: "Ba-by-lôn lớn đã đổ rồi, đã đổ rồi!" (Khải Huyền 18:2)

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)




Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

NGÀY 29 THÁNG 7. THẦN TƯỢNG SỤP ĐỔ(2)


Đáng sợ là:

1. Vững chắc mà vẫn sụp đổ. Kinh Thánh chép: Sau khi cướp được Rương Giao ước của Đức Chúa Trời, người Phi-li-tin đem rương từ Ê-bên-ê-xe về Ách-đốt. Họ đặt Rương Giao ước của Đức Chúa Trời trong miếu thờ thần Đa-gôn, bên cạnh tượng thần này. Sáng sớm hôm sau, khi dân thành Ách-đốt thức dậy, thấy tượng Đa-gôn nằm sấp dưới đất trước Rương Giao ước của Chúa. Họ dựng tượng lại vào chỗ cũ. Nhưng sáng hôm sau, họ lại thấy Đa-gôn nằm mọp dưới đất trước Rương Giao ước. Lần này, đầu và hai tay đứt lìa, văng ra tận ngưỡng cửa, chỉ còn cái thân nằm đó. (Vì thế, cho đến ngày nay, các thầy tế lễ của Đa-gôn và tất cả những người vào miếu này đều tránh không giẫm lên ngưỡng cửa của miếu Đa-gôn tại Ách-đốt.) (I Sa-mu-ên 5:1-5)

Đa-gôn là thần của dân Phi-li-tin. Thần Đa-gôn được xem là cha của thần Ba-anh. Khi cướp được Rương Giao ước của người I-sơ-ra-ên, người Phi-li-tin nghĩ rằng họ có thêm một thần nữa. Họ đặt Rương Giao ước bên cạnh thần Đa-gôn tức là xem hai vị thần này ngang hàng với nhau.

Khi thấy thần Đa-gôn nằm sấp trước Rương Giao ước, người Phi-li-tin chưa hiểu được ý nghĩa của sự việc. Họ vừa thắng quân I-sơ-ra-ên. Như vậy tức là thần Đa-gôn mạnh hơn thần của dân I-sơ-ra-ên. Đến ngày hôm sau, khi thấy thần của mình, thân nằm mọp dưới đất, đầu một nơi, tay một nẻo thì họ hiểu rằng Đa-gôn không phải là thần thật. Đầu tượng trưng cho sự khôn ngoan, hai tay tượng trưng cho sức mạnh. Thần Đa-gôn chẳng nói một lời nào, chẳng thực hiện một hành động nào trước mặt Chân Thần là Đức Chúa Trời.

Sau khi hiểu quyền năng và sức mạnh của Đức Chúa Trời, thay vì bỏ thần tượng Đa-gôn để tôn thờ Đức Chúa Trời, người Phi-li-tin lại ấn định một luật lệ mê tín. Con người thật kỳ lạ, thật cứng lòng, biết Đức Chúa Trời là Chân Thần, biết hình tượng chỉ là gỗ đá vô tri vô giác, thế mà vẫn thờ lạy tượng thần.  

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)




Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

NGÀY 27 THÁNG 7. CÔ GIÚP VIỆC NHÀ VÀ NGÔI NHÀ LỊCH SỬ (7)



Nếu thật sự Chúa Giê-xu có đến nhà bà Ma-ry trước khi Ngài chịu thương khó, nếu Chúa Giê-xu có hiện ra tại nhà của bà sau khi Ngài sống lại, và nếu hội thánh đầu tiên đã dùng nhà của bà để làm nơi nhóm lại thì đây là nơi lưu lại rất nhiều kỷ niệm.

Dù cho rằng ngôi nhà của bà Ma-ry không phải là nơi ghi dấu những kỷ niệm về Chúa Giê-xu thì cũng là nơi các sứ đồ và các môn đệ của Chúa kể lại biết bao điều về Chúa Giê-xu, là nơi mà những người bước vào có thể nghe kể về những chuyện thật, việc thật liên quan đến Chúa Giê-xu.

Ngôi nhà của bà Ma-ry, mẹ của Mác cũng là nơi chứng kiến sự phát triển của hội thánh. Từ một nhóm người nhát gan, sợ hãi trở thành những con người đầy dẫy Đức Thánh Linh, hăng hái truyền giảng và gây dựng lẫn nhau. Khởi đầu chỉ có một nhóm ít người họp tại một ngôi nhà. Chẳng bao lâu sau có đông người nhóm họp tại nhiều ngôi nhà của tín hữu ở Giê-ru-sa-lem.

Ngôi nhà của bà Ma-ry, mẹ của Mác chẳng những là nơi bày tỏ sự hiệp ý, sự thông công của hội thánh, chẳng những là nơi chứng kiến quyền năng và phép lạ của Chúa mà còn là nơi sản sinh ra những nhà truyền giáo. Từ ngôi nhà này, thanh niên Giăng gọi là Mác đã cùng đi truyền giáo với ông Sau-lơ và ông Ba-na-ba. (Công Vụ 13:4-5) Sau đó Mác cùng đi với ông Ba-na-ba. (Công Vụ 15:39)

Ngày nay chúng ta không biết chắc chắn tất cả những sự kiện của Hội thánh đầu tiên có diễn ra tại nhà bà Ma-ry mẹ của Mác hay không. Nhưng điều chắc chắn là gia đình Cơ Đốc với những nhóm nhỏ trong ngôi nhà của họ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển Hội thánh đầu tiên cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ngày nay, cho dù Hội thánh lớn hoặc nhỏ đều cần quan tâm đến từng gia đình Cơ Đốc. Cần khuyến khích các tín hữu dùng ngôi nhà của mình làm nơi thông công với nhau và thông công với Chúa qua việc học Kinh Thánh và cầu nguyện thì Hội thánh sẽ phát triển mạnh mẽ và vững vàng.

Thật quý báu khi nhiều tín hữu Việt Nam đã và đang dâng ngôi nhà của mình làm nơi thờ phượng Chúa. Rồi nơi đó được công nhận là Điểm nhóm. Chẳng bao lâu sau Điểm nhóm phát triển thành Chi hội. Tuy nhiên, chỉ có vài tín hữu dâng ngôi nhà của mình làm nơi nhóm lại hằng tuần thì chưa đủ. Biến nhà riêng thành nhà thờ để sử dụng vào mỗi Chúa nhật chưa đủ để Hội thánh phát triển. Hội thánh cần khuyến khích và sắp xếp để mỗi gia đình tín hữu sử dụng ngôi nhà của họ cho công việc Chúa. Đó là nơi có những bữa ăn thông công với nhau và với thân hữu thay vì nhậu nhẹt. Đó là nơi tín hữu hiệp lại để cầu nguyện, để học Kinh Thánh với tân tín hữu và thân hữu, là nơi dạy thiếu nhi cho các gia đình trong khu vực.  

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

NGÀY 26 THÁNG 7. CÔ GIÚP VIỆC NHÀ VÀ NGÔI NHÀ LỊCH SỬ (6)

 

(4) Khi Hội thánh được khai sinh, ngôi nhà của bà Ma-ry, mẹ của Mác là một trong nhiều địa điểm mà Hội thánh đầu tiên dùng làm nơi nhóm lại và thông công với nhau. Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến Đền Thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh (Công Vụ 2:46) 

Trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên, nhiều ngôi nhà tại Giê-ru-sa-lem đã trở thành nơi các tín hữu thông công với nhau trong tình yêu thương, nơi tôn thờ Chúa, nơi bày tỏ đức tin qua nếp sống, nơi đem sự cứu rỗi đến cho những người xung quanh. Nhiều gia đình Cơ Đốc trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên đã dùng ngôi nhà của mình để phát triển Hội thánh như thế nào thì ngày nay Hội thánh khắp nơi cần xem đó là gương mẫu để phát triển Hội thánh.  

(5) Sau khi bị bắt, sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng bị chất vấn trước toà công luận, bị hăm doạ rồi được thả ra. (Công Vụ 4) Có thể lắm hai ông đã trở về nhà của bà Ma-ry, mẹ của Mác. Nơi đó hai ông đã làm chứng lại rồi cầu nguyện. Khi đã cầu nguyện thì nơi nhóm lại rúng động, ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ. (Công Vụ 4:31)

Thật phước hạnh khi các tín hữu quây quần trong một ngôi nhà để nghe lời làm chứng của những người chịu khổ vì rao giảng Phúc Âm của Chúa Cứu Thế. Thật phước hạnh khi những người đồng một lòng hiệp một ý cầu nguyện đến nỗi Đức Thánh Linh hành động cách mạnh mẽ khiến cho nơi nhóm lại rúng động và khiến cho mọi người dạn dĩ làm chứng nhân.   

(6) Sau khi sứ đồ Gia-cơ là anh của sứ đồ Giăng tử đạo (Công Vụ 12:1), chắc chắn ngôi nhà của sứ đồ Giăng, là người đón bà Ma-ry về sống trong nhà mình (Giăng 19:26) vang lên tiếng khóc than. Các tín hữu Hội thánh đầu tiên họp lại trong nhà của các tín hữu tại Giê-ru-sa-lem để than khóc và cầu nguyện. 

Ngay sau sự kiện sứ đồ Gia-cơ bị giết là sự kiện sứ đồ Phi-e-rơ bị bắt. Các tín hữu họp lại nhiều nơi để cầu nguyện cho sứ đồ Phi-e-rơ. (Công Vụ 12:5) Nhiều tín hữu hiệp lại tại nhà của bà Ma-ry, mẹ của Mác để cầu nguyện thâu đêm. Và đây là nơi sứ đồ Phi-e-rơ đến trước nhất ngay sau khi ông được thiên sứ giải cứu khỏi ngục thất.

Thật phước hạnh khi có nhiều tín hữu đến họp tại một ngôi nhà, thức cả đêm để cầu nguyện cho người rao giảng Phúc Âm. Những người cầu nguyện cho tôi tớ Chúa có một kỷ niệm vui mừng khi trải nghiệm sự trả lời của Chúa qua phép lạ phi thường. 

 

(Còn tiếp)

 

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

NGÀY 25 THÁNG 7. CÔ GIÚP VIỆC NHÀ VÀ NGÔI NHÀ LỊCH SỬ (5)


2. NGÔI NHÀ LỊCH SỬ

Chúng ta cần biết về ngôi nhà của bà Ma-ry, mẹ của Mác. Đây là một ngôi nhà lịch sử của Cơ Đốc giáo vì những lý do sau đây:

(1)Khi Chúa Giê-xu còn ở trần gian, có thể lắm Ngài và các môn đệ dự Lễ Vượt Qua trong căn phòng rộng rãi trên lầu, có lót đệm sẵn sàng (Mác 14:15) tại nhà của bà Ma-ry. Lý lẽ này phát xuất từ một chi tiết liên quan đến một thanh niên trong đêm Chúa Giê-xu bị bắt. Ông Mác ghi: Có một thanh niên kia theo Ngài, mình trần, chỉ khoác mỗi tấm vải gai. Họ muốn bắt anh; nhưng anh bỏ lại tấm vải gai, mình trần mà chạy trốn. (Mác 14:51-52) Phải chăng chàng thanh niên này là chính Mác? Vì trong bốn sách Phúc Âm chỉ có duy nhất Phúc Âm Mác ghi lại sự kiện này. Có thể chỉ một mình tác giả biết vụ này nên kể lại nhưng không nêu tên của mình. Có lẽ khuya hôm đó ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt dẫn quân lính tìm Chúa Giê-xu ở nhà của bà Ma-ry. Vì vậy, Mác khoác vội tấm tấm vải đắp trên người rồi vội vàng chạy đến vườn Ghết-sê-ma-nê báo tin nhưng không kịp.

(2)Cũng có thể nhà của bà Ma-ry, mẹ của Mác, là ngôi nhà đầu tiên Chúa Giê-xu xuất hiện cách lạ lùng sau khi Ngài sống lại. Trong ngày Chúa Giê-xu sống lại, các môn đệ đang tụ họp lại, cửa ngõ đều đóng kỹ vì sợ giới lãnh đạo Do Thái, Chúa Giê-xu đến đứng ở giữa và chào họ: "Chúc anh em được bình an!" (Giăng 20:19) Những con người sợ hãi được tận mặt nhìn thấy Đấng Sống Lại và nghe Ngài phán trực tiếp khiến lòng họ được bình an và vui mừng.

(3)Sau khi Chúa Giê-xu trở về thiên đàng, có thể nhà của bà Ma-ry, mẹ của Mác, là nơi các môn đệ và một số người hiệp ý cầu nguyện với nhau sau khi chứng kiến Chúa Giê-xu về thiên đàng. Bấy giờ, các người đó từ núi gọi là Ô-li-ve trở về thành Giê-ru-sa-lem; núi ấy cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng đường ước đi một ngày Sa-bát. Khi đã về đến, bèn lên một cái phòng cao kia là nơi Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ, Anh-rê, Phi-líp, Thô-ma, Ba-thê-lê-my, Ma-thi-ơ, Gia-cơ con của A-phê, Si-môn Xê-lốt, và Giu-đe con của Gia-cơ thường ở. Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đàn bà, và Ma-ry là mẹ Đức Chúa Giê-xu cùng anh em Ngài. (Công Vụ 1:12-14).

Có ít nhất ba nhóm người họp tại đó: Trước hết là các sứ đồ. Nhóm Mười Hai chỉ còn mười một người mà thôi. Thứ hai là nhóm phụ nữ, đó là bà Ma-ry gọi là Ma-đơ-len, người được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gia-nơ, vợ ông Chu-xa làm quản lý của vua Hê-rốt, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. (Lu-ca 8:2-3 - BPX) Thứ ba là những người thân thuộc về phần xác của Chúa Giê-xu. Tất cả ba nhóm người đó đều hiệp một vâng lời Chúa Chúa Giê-xu và bền lòng cầu nguyện. Họ là những người ghi nhớ và làm theo điều Chúa Giê-xu căn dặn trước khi Ngài trở về thiên đàng: "Đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói. Vì chưng Giăng đã làm báp-tem bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu báp-tem bằng Đức Thánh Linh." (Công Vụ 1:4-5) Tất cả vâng lời Chúa họp nhau trong một ngôi nhà, hiệp ý với nhau bền lòng cầu nguyện. Kkhông có sự chia rẽ, không có cảnh chín người mười ý, không tranh chấp cãi cọ, thật là phước hạnh.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

NGÀY 24 THÁNG 7. CÔ GIÚP VIỆC NHÀ VÀ NGÔI NHÀ LỊCH SỬ (4)


Hội thánh nhóm trong nhà bà Ma-ry, mẹ của Mác để cầu nguyện cho sứ đồ Phi-e-rơ. Họ cầu nguyện cho sự an nguy của ông, xin Chúa cho ông được bình an và giải cứu ông. Họ mong ông được thả ra và trở về… Khi Chúa giải cứu sứ đồ Phi-e-rơ, đưa ông trở về ta thấy có hai thái độ: (1)Người canh cửa nghe gõ cửa, nhận biết đó là sứ đồ Phi-e-rơ và báo tin ông đã trở về. (2)Những người cầu thay cho ông Phi-e-rơ thì không tin lời của người canh cửa. Họ cho rằng cô Rô-đơ bị sảng, và đoán rằng đứng ngoài cửa là thiên sứ của người (Phi-e-rơ). (Công Vụ 12:15) Chi tiết này khiến chúng ta nhớ lại chuyện của tiên tri Ê-li. Ông cầu nguyện và người tôi tớ quan sát Đức Chúa Trời trả lời. (1Các Vua 18:41-46). Cả hai phối hợp với nhau rất tốt.

Các tín hữu đang cầu nguyện tại nhà của bà Ma-ry không ngờ Chúa trả lời cách nhanh chóng và kỳ diệu đến thế. Cô Rô-đơ báo tin cho những người đang cầu nguyện rằng sứ đồ đã trở về. Sau đó cô lại quả quyết ông Phi-e-rơ là người đang đứng ngoài cửa. Đây là hình ảnh người canh cửa nói thật. Đúng là một thiếu nữ chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ. (I Ti-mô-thê 4:12)

Cô Rô-đơ khiến chúng ta cười một chút. Ấy là khi biết sứ đồ Phi-e-rơ trở về cô mừng đến nỗi quên cả mở cửa và lo chạy vào báo tin cho những người đang cầu nguyện trong nhà. Nhiệm vụ của người canh cửa là mở cửa. Nhận biết người gõ cửa là người quen hay người lạ để mời vào hoặc từ chối. Cô Rô-đơ nhận biết tiếng của sứ đồ Phi-e-rơ nhưng rồi quá vui mừng và vội báo tin mừng nên quên mở cửa cho ông. Chúng ta có thể liệt kê mấy động từ liên quan đến cô Rô-đơ theo thứ tự như sau: Nghe – Nhận biết – Vui mừng – Chạy vào báo tin – Mở cửa. Theo thứ tự này thì cô Rô-đơ đã để cho cảm xúc, niềm vui chi phối đến nỗi lẫn lộn giữa việc nên làm trước và việc nên làm sau. Phải chăng đây là điều làm cho nhiều người, đặc biệt là sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến cô khi kể lại vụ này cho ông Lu-ca.

Chắc chắn người canh cửa biết trật tự công việc của mình là: Nghe – Nhận biết – Vui mừng (hoặc ngược lại) – Mở cửa (hoặc từ chối) – Báo tin (hoặc cảnh báo). Đây là hình ảnh của người để cho trí khôn hướng dẫn hành vi của mình. Một người để cảm xúc hướng dẫn hành vi sẽ nảy sinh sự sai trật, bất hợp lý; nhưng khi để trí khôn hướng dẫn hành vi của mình thì sẽ biết nên có thái độ nào, biết nên làm gì, biết làm điều gì trước điều gì sau…  Khải Huyền 3:20 nhắc nhở chúng ta.

Rất may sứ đồ Phi-e-rơ vẫn tiếp tục gõ cửa. Trong trường hợp người trong nhà cần hỏi: "Ai gõ cửa đó?" Kinh Thánh không cho chúng ta biết họ có hỏi hay không, nhưng “khi mở cửa, thấy Phi-e-rơ, hết thảy đều kinh hãi.” (Công Vụ 12:16)

Kết thúc câu chuyện này là sau khi ông Phi-e-rơ thuật lại cho các anh em tín hữu biết Chúa đã dùng cách nào cứu ông khỏi ngục thì ông đi đến một nhà khác. Liệu người canh cửa của ngôi nhà mà ông Phi-e-rơ sắp đến có hành động giống như cô Rô-đơ không? Nếu bạn là người canh cửa, bạn sẽ làm gì?

Dù sao, việc báo tin mừng là việc nên thực hiện gấp. Nhưng mở cửa cho sứ đồ Phi-e-rơ vào ngay lập tức là việc ưu tiên để bảo đảm an toàn cho ông.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

NGÀY 23 THÁNG 7. CÔ GIÚP VIỆC NHÀ VÀ NGÔI NHÀ LỊCH SỬ (3)


Thứ ba, cô Rô-đơ là người giúp việc cho Hội thánh. Khi ngôi nhà bà Ma-ry trở thành một trong những điểm nhóm họp của Hội thánh đầu tiên thì cô Rô-đơ đương nhiên trở thành ‘người giúp việc cho Hội thánh’. Chức vụ chúng ta có thể phong cho cô là ‘người canh cửa’.

Người canh cửa là người biết tất cả người ra kẻ vào nhà. Ai đến sớm, ai đến trễ. Ai ra vào đều phải gặp người canh cửa trước khi lên phòng cao để nhóm.

Người canh cửa là người góp phần bảo toàn buổi nhóm. Khi hội thánh đầu tiên gặp khó khăn, người giữ cửa có nhiệm vụ canh chừng và báo động khi Hội thánh nhóm lại. Người canh cửa phải biết cả chuyện trong nhà lẫn chuyện ngoài phố. Người trong đang làm gì. Bên ngoài có chuyện gì đang xảy ra?

Người canh cửa là tín hữu từ xa vì phải ngồi bên ngoài, bên dưới phòng nhóm. Chỉ có thể nghe lời giảng từ xa, chỉ có thể cầu nguyện trong lòng. Không được ngủ gật và phải luôn luôn tỉnh táo để nghe ngóng, canh chừng xem toán lính của thành phần chống Chúa Giê-xu có đến gần nhà hay không?

Buổi tối hôm đó, Hội thánh cầu nguyện về việc gì? Chắc chắn là về việc sứ đồ Phi-e-rơ đang bị giam trong ngục. Đây là một buổi nhóm kéo dài suốt đêm trong những ngày rất căng thẳng. Liệu các tín hữu có ồn ào trong khi cầu nguyện không? Hoặc là họ yên lặng thầm nguyện? Hoặc là luân phiên từng người cầu nguyện? Hoặc là chia ra những nhóm nhỏ để cầu nguyện?

Trong khi mọi người cầu nguyện ở phòng cao, hoặc ở tầng trệt thì cô giữ cửa làm gì? Liệu cô có cầu nguyện không? Hoặc là cô tranh thủ ngủ một chút?

Khuya hôm đó trong khi Hội thánh đang cầu nguyện cho ông Phi-e-rơ, cô Rô-đơ nghe tiếng gõ cửa ở ngoài nhà. Như vậy, rõ ràng cô Rô-đơ không ngủ gật, cũng không lơ là trong công việc của mình. Có thể nói cô Rô-đơ giỏi hơn mười trinh nữ đi đón chú rể. Vì chú rể đến trễ nên tất cả mười trinh nữ đều ngủ gật rồi thiếp đi. (Ma-thi-ơ 25:5) Cô Rô-đơ chỉ có một mình mà vẫn thức tỉnh. Thật đáng khen!

Khi nghe tiếng gõ cửa, cô Rô-đơ đến gần cửa nghe xem người gõ cửa là ai. Người canh cửa phải biết phân biệt người muốn vào nhà là ai. Nhờ sự phân biệt đó mà có thể quyết định mở cửa mời vào, hoặc chạy vào trong báo tin có người lạ mặt… Có thể cô Rô-đơ nhận ra ám hiệu qua tiếng gõ cửa của sứ đồ Phi-e-rơ, hoặc cô nhìn qua khe cửa, hoặc cô vừa nghe tiếng gõ cửa, vừa nghe tiếng nói nhỏ nhẹ của sứ đồ Phi-e-rơ: “Rô-đơ! Rô-đơ! Mở cửa cho bác!” Kinh Thánh ghi “Rô-đơ đến nghe, nhận biết tiếng ông Phi-e-rơ.” (Công Vụ 12:13-14)
                            
(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

NGÀY 22 THÁNG 7. CÔ GIÚP VIỆC NHÀ VÀ NGÔI NHÀ LỊCH SỬ (2)


Thứ nhì, cô Rô-đơ là một người giúp việc trong nhà. Trong Cựu Ước có ghi lại chuyện cô gái I-sơ-ra-ên bị quân Sy-ri bắt về làm nô tỳ cho vợ tướng quân Na-a-man (2Các Vua 5:2). Hoàn cảnh này không xảy ra cho cô Rô-đơ.

Cô Rô-đơ cũng không bị chủ dùng vào việc bói khoa như trong chuyện chép ở Công Vụ 16:16.

Gia đình nợ nần có thể là nguyên nhân khiến cho cô Rô-đơ phải giúp việc nhà cho một gia đình. Chúa Giê-xu từng kể ẩn dụ về người đầy tớ mắc nợ mà không có tiền để trả, vua truyền bán ông cùng vợ con và tất cả tài sản của ông để trả nợ. (Ma-thi-ơ 18:25)

Gia đình nghèo cũng có thể là nguyên nhân khiến cô Rô-đơ phải đi làm việc để nuôi thân và giúp đỡ gia đình phần nào. Trong xã hội thời xưa giúp việc nhà là công việc nhẹ nhàng so với việc làm ngoài đồng ruộng.

Chúng ta không biết tình huống nào cô Rô-đơ giúp việc nhà cho bà Ma-ry. Tuy nhiên chúng ta biết chắc chắn cô không phải là nô lệ, và cô cũng không bị đối xử như một người nô lệ. Ngược lại, cô được nhắc đến trong Kinh Thánh nhân một biến cố không thể nào quên của Hội thánh đầu tiên.

Là người giúp việc, cô Rô-đơ làm những gì? Chắc chắn là những việc trong nhà bếp, lau chùi dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, mở cửa, mời khách vào nhà, rửa chân cho khách, rót nước mời khách... Chắc chắn cô cũng giúp đỡ bà Ma-ry nấu thức ăn khi bà mời khách.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

NGÀY 21 THÁNG 7. CÔ GIÚP VIỆC NHÀ VÀ NGÔI NHÀ LỊCH SỬ (1)

11 Phi-e-rơ bèn tỉnh lại và nói rằng: Bây giờ ta nhận biết thật Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Ngài giải cứu ta ra khỏi tay Hê-rốt cùng khỏi điều dân Giu-đa đang mong đợi. 12 Người suy nghĩ lại điều đó, rồi đến nhà Ma-ri, mẹ của Giăng, cũng gọi là Mác, là nơi có nhiều người đang nhóm lại cầu nguyện.13 Người gõ cửa nhà ngoài, một con đòi tên là Rô-đơ đến nghe, 14 nhận biết tiếng Phi-e-rơ nên mừng rỡ lắm, đến nỗi chẳng mở cửa, nhưng trở chạy vào báo tin rằng Phi-e-rơ đương đứng trước cửa. 15 Người ta nói rằng: Mầy sảng. Song nàng quyết là quả thật. Họ bèn nói: Ấy là thiên sứ của người. 16 Nhưng Phi-e-rơ cứ gõ cửa hoài. Khi mở cửa, thấy Phi-e-rơ, hết thảy đều kinh hãi. 17 Nhưng người lấy tay ra dấu biểu chúng làm thinh, rồi thuật lại cho biết Chúa đã dùng cách nào cứu mình khỏi ngục; đoạn, người lại dặn rằng: Hãy cho Gia-cơ và anh em biết điều này. Rồi đó, người bước ra sang nơi khác.

(Công Vụ Các Sứ Đồ 12:11-17)

 

1. CÔ GIÚP VIỆC NHÀ 

 

Những ai cư trú trong ngôi nhà của bà Ma-ry? Chủ nhân là bà Ma-ry có cậu con tên Giăng, cũng gọi là Mác và cô giúp việc tên là Rô-đơ. Chúng ta không biết chồng bà Ma-ry là ai, cũng không biết bà có con gái không. Tuy nhiên thật lạ lùng khi tên của cô giúp việc được nêu lên ở đây. Làm sao ông Lu-ca, người được Chúa dùng để viết sách Công Vụ Các Sứ Đồ lại nhớ tên của cô giúp việc nhà? Vì sao Chúa lại muốn chúng ta biết đến tên của một người nữ giúp việc cho một gia đình?

 

Thử tưởng tượng cô Rô-đơ làm những việc gì trong nhà bà Ma-ry? Cô tiếp xúc với những ai? Cô suy nghĩ ra sao về những chuyện xảy ra? 

 

Trước hết Rô-đơ là một thiếu nữ trẻ tuổi. Một thiếu nữ trong xã hội thời xưa có những mơ ước gì? Mơ ước của một người tuỳ thuộc vào bản thân người đó, tuỳ thuộc vào môi trường sống và sinh hoạt, rồi cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh xung quanh nữa.

 

Chúng ta không biết rõ bản thân của cô Rô-đơ nhưng có thể biết môi trường cô đang sinh hoạt và hoàn cảnh xã hội quanh cô. Cô Rô-đơ đang sống và làm việc trong một gia đình gồm những thành viên kính thờ Chúa và hầu việc Chúa. Thậm chí ngôi nhà của họ cũng trở thành nơi nhóm lại của Hội thánh. Liệu những yếu tố trên có ảnh hưởng đến đời sống và mơ ước của cô Rô-đơ không?  

 

Biến cố xảy ra trong Hội thánh, điển hình là sứ đồ Gia-cơ tử vì đạo và sứ đồ Phi-e-rơ bị bắt giam vào ngục tác động đến toàn thể Hội thánh nhưng cũng tác động đến cả cô Rô-đơ nữa. Chắc chắn cô Rô-đơ biết rõ ông Gia-cơ và ông Phi-e-rơ vì họ thường xuyên đến nhà bà Ma-ry, mẹ của Mác. Những sinh hoạt và diễn biến trong Hội thánh chắc chắn ảnh hưởng sâu đậm trên cô Rô-đơ.

 

(Còn tiếp)

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)