Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

NGÀY 31 THÁNG 5. GỐC & NHÁNH (2)


Trong câu 3 Chúa nói: “Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho.” (Anh em đã được sạch rồi, nhờ lời ta giảng dạy cho anh em.”) Như vậy, chúng ta được sạch không do nỗ lực của chúng ta nhưng nhờ ân điển của Chúa. Nỗ lực của con người chỉ giúp chúng ta thuộc về tổ chức của hội thánh, thuộc về nhà thờ, thuộc về giáo hội, thuộc về tôn giáo Cơ Đốc chứ không làm cho chúng ta thuộc về Chúa Cứu Thế.

Bạn có khởi điểm ‘được sạch’ chưa? Nhờ ‘được sạch’ bạn mới ‘ở trong’ Chúa, mới thuộc về Chúa. Bạn cần rà soát lại xem bạn ‘được sạch’ và ‘ở trong’ Chúa là do nỗ lực bản thân hay nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời?

2Cô-rinh-tô 13:5 Anh em hãy tự xét, xem mình có đức tin không? Anh em có nhận thấy Chúa Cứu Thế sống trong anh em, và quyền năng Ngài tác động ngày càng mạnh mẽ trong anh em không? Hay là anh em tự nhận mình  là con mà thật ra không phải?

Nếu bạn thật sự thuộc Chúa rồi thì bạn cần chú ý đến lời Chúa cảnh cáo trong câu 2: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết.” Làm sao đã ‘ở trong ta’ mà lại ‘không kết quả’? Đây là người tự nhận mình thuộc Chúa nhưng thật ra chỉ hữu danh vô thực, chỉ nói mà không làm; cũng có thể họ có hành vi Cơ Đốc nhưng chỉ toàn là lá chứ không phải là trái; cũng có thể họ từng thuộc về Chúa nhưng lại ‘chẳng cứ ở trong Ngài’.

Các ngươi đã được trong sạch, vì lời ta đã bảo cho. Hãy cứ ở trong ta. Khi Chúa nói: “Hãy cứ ở trong ta” hàm ý về những người đã và đang ở trong Chúa. Vì vậy Chúa khích lệ họ tiếp tục ở trong Ngài. Ở trong Chúa là khởi điểm, còn suốt đời cần duy trì tình trạng sống trong Ngài. Bạn thuộc về Chúa khi bạn nhờ Chúa được trong sạch, nhưng khởi điểm đó cần được duy trì bằng quyết định liên tục sống trong Chúa.

Không kết quả thì Ngài chặt hết. Nếu bạn là nhánh ‘bị trảm’, ‘bị chặt’ thì không còn ích lợi gì nữa. Tuy nhiên nếu bạn là nhánh được ‘tỉa sửa’ thì bạn hãy an tâm. Khi bạn được ‘tỉa sửa’ tức là: (1)bạn đang sống trong Chúa, (2)bạn đang kết quả, và (3)bạn sẽ ‘sinh ra lắm trái’ (sai trái hơn). Có người nói rằng khi Chúa muốn dùng một người nào thì Ngài sẽ ‘đánh’ người đó. Trong trường hợp này, khi bạn được Chúa ‘tỉa sửa’ nghĩa là bạn đang sống, đang kết quả và sẽ kết quả hơn. Còn nếu Ngài ‘chặt’ bạn thì kể như bạn tiêu. Nếu ai chẳng cứ ở trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy. Dù vậy, không có nghĩa là bạn bị hư mất, bị đi địa ngục, nhưng có nghĩa bạn trở nên vô dụng đối với Chúa. Đây là một trong những cách giúp bạn nhận biết tình trạng thật sự của mình trong mối liên hệ giữa nhánh nho với gốc nho.

Phải chăng bạn theo Chúa nhưng chỉ ‘được trong sạch’ còn đời sống không kết quả. Thậm chí đôi khi Chúa ‘tỉa sửa’ bạn lại tưởng rằng Chúa ‘đốn’, Chúa ‘chặt’. Cần nhớ rằng chẳng phải chỉ ‘được trong sạch’, chẳng phải chỉ 'thuộc về' mà phải trưởng thành, phải ‘kết quả’, phải trải nghiệm ‘tỉa sửa’ để ‘sinh ra lắm trái’.



(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

NGÀY 30 THÁNG 5. GỐC & NHÁNH (1)



1. Khởi điểm – ‘Được sạch’ để ‘ở trong’ Chúa. Mối liên hệ với Chúa






Trong phân đoạn này, nhiều lần Chúa Giê-xu dùng động từ nào? Từ ngữ ‘ở trong’ đồng nghĩa với từ ngữ nào? (‘dính vào’)

Thử sắp xếp tiến trình mà Chúa nói đến từ câu 1-6.

(1)Nhờ ‘được trong sạch’ bạn ‘ở trong Chúa’ hoặc ‘dính vào gốc nho’ (Câu 3, 4)

(2)Khi đã ‘ở trong Chúa’ thì tiếp tục ‘cứ ở trong Chúa’ bạn sẽ ‘kết quả’ (Câu 4)

(3)Khi bạn ‘kết quả’ Chúa sẽ ‘tỉa sửa’ bạn (Câu 2)

[Ngược lại nếu bạn ‘ở trong Chúa’ mà ‘không kết quả’ thì sẽ bị ‘chặt hết’ (Câu 2)]

(4)Nhờ Chúa ‘tỉa sửa’ bạn ‘sai trái hơn’, ‘sinh ra  lắm trái’ (Câu 2, 5)

Sự kiện nào là khởi điểm của bạn? Trước hết bạn phải ‘được sạch’ rồi mới ‘ở trong’. Khi nói về mối liên hệ giữa nhánh nho và gốc nho, 'ở trong' còn có nghĩa gì? ‘Ở trong’ còn có nghĩa là ‘dính vào’ (‘dính vào gốc nho’). ‘Ở trong’ Chúa = ‘dính vào gốc nho’.

Khi Chúa Giê-xu nói: "Anh em đã được trong sạch" thì sự kiện ‘trong sạch’ đã xảy ra hay chưa xảy ra? "Anh em đã được trong sạch" là việc đã xảy ra, Chúa chỉ nhắc lại sự kiện này mà thôi. Nếu đời sống của bạn không có khởi điểm ‘được sạch’ thì không ‘ở trong’ Chúa, không ‘thuộc về’ Chúa hoặc không như ‘nhánh nho dính vào gốc nho’.

Phải trở nên chiên mới ở trong bầy chiên (tuy nhiên nhiều người là dê mà vẫn cứ gia nhập bầy).

Phải trở nên con, nghĩa là phải được sanh lại, mới ở trong nhà cha (tuy nhiên nhiều người là người dưng, chưa được sanh lại, chưa phải là con mà vẫn ở trong giáo hội, vẫn tự xem mình là con.)

Phải trở nên chi thể mới ở trong thân và gắn liền với đầu (nhiều người chưa phải là chi thể thì làm sao hiệp một với thân và liền với đầu?)


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

NGÀY 29 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (9)


Tin và theo Chúa cũng có nghĩa là có mối liên hệ cá nhân với Chúa. Đây là một sự kết ước của một cuộc đời với Chúa. Với sự kết ước đó bạn cam kết thuộc về Chúa và Chúa là Chúa của bạn. Chúng tôi đã tin và theo – không phải tin và theo vì những lý do sai trật, chúng tôi đã có mối liên hệ cá nhân với Ngài, bây giờ không dứt bỏ, không chối từ được.

Ngày nay nhiều người không cố gắng đưa các bạn đến với mối liên hệ cá nhân với Chúa, mà chỉ tạo ra những liên hệ giữa bạn với con người, với tổ chức, với thành tích. Nhiều người mắc vào bẫy lừa. Hậu quả là khi không còn con người đó, không còn tổ chức đó thì không theo Chúa nữa.

Tin cũng có nghĩa là tiếp nhận Lời Chúa. Không tin là không tiếp nhận Lời  Chúa. Ông Phi-e-rơ công nhận ‘Chúa có những lời của sự sống đời’ (Câu 68b). Công nhận Chúa có phước vật chất, có nhiều thứ, nhưng trước nhất và trên hết công nhận Chúa có những lời của sự sống đời đời, để tin, để tiếp nhận.

Người nhận biết ‘Chúa có những lời của sự sống đời đời’ là người có mối liên hệ với Lời Chúa, giữ gìn mối liên hệ đó. Nhờ đó họ mới trải nghiệm Lời Chúa và mới thấy giá trị của lời Chúa, giá trị của sự tương giao với Ngài.

Lời Chúa thách thức những ai theo Ngài và cũng đào thải những ai chối từ Ngài.

Tiếp nhận lời Chúa sẽ tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Còn khước từ lời Chúa sẽ khước từ Chúa Cứu Thế.

Tiếp nhận lời Chúa sẽ làm theo lời của Ngài. Còn khước từ lời Chúa sẽ không vâng lời Ngài.

Tin và vâng lời là thước đo của lòng trung thành và sự bất trung.

Khi ông Phi-e-rơ nói: “Chúng tôi đã tin, và nhận biết Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” (Câu 69), tức là những người khác chối từ Chúa vì họ không tin và không nhận biết Chúa là ai.

“Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai?” Lúc nói câu này, có lẽ ông Phi-e-rơ chưa hình dung hết tương lai ông sẽ chịu khổ như thế nào khi ông tiếp tục theo Chúa. Dù Chúa đã nói trước điều đó với những người theo Ngài, nhưng ông Phi-e-rơ và các bạn ông không trở lui nghĩa là họ chấp nhận những điều mà những người trở lui cho là ‘thật khó’.

Còn những người chối từ Chúa, trở lui, không đi với Ngài nữa thì đã có một hoặc nhiều đối tượng khác để theo đuổi. Những người trở lui, không đi với Ngài cho thấy họ là những con người bất trung. Chối từ Chúa vì bất trung đối với Ngài.

Chối từ Chúa là sẽ trở về nơi chốn cũ, với nếp sống cũ, với những giá trị cũ của con người.

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

NGÀY 28 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (8)


Khi Chúa Giê-xu hỏi: “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” Ngài muốn các sứ đồ nhìn nhận một sự thật, đó là rất đông người chối từ Chúa, trở lui, không tiếp tục đi với Ngài nữa: “Nhiều người đã từ bỏ ta rồi.”

“Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” cũng là câu hỏi thách thức các sứ đồ. Giờ đây các ngươi chỉ là thiểu số, các ngươi sẽ theo đa số chăng?
“Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” cũng là câu hỏi đặt các sứ đồ trước việc xác quyết: có tiếp tục theo Chúa không?

Khi ông Phi-e-rơ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai?’ (Câu 68a). Tức là nếu không theo Chúa thì chẳng có ai để theo, chẳng có ai đáng để theo cả. Cũng có nghĩa là chúng tôi không theo con người, chúng tôi không chịu sự tác động từ người khác. Nếu không tin nơi Chúa thì không có đối tượng nào đáng để tin cả. Chúa là Đấng Duy Nhất để tin và theo.

Khi ông Phi-e-rơ nói: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai?” Dù chỉ là thiểu số, chỉ có một người lên tiếng, nhưng, một mặt ông muốn xác nhận với Chúa: Chúng tôi không theo con người. Chúa là Đấng Duy Nhất cho ông đặt niềm tin. Nếu không có Chúa để tin thì không còn biết tin ai nữa. Mặt khác ông cũng muốn nói lên lòng trung thành của một người tin và theo Chúa, ông sẽ không trở lui, không bỏ Chúa mà đi. Ông không có lý do gì để chối từ Chúa mà chạy theo một đối tượng khác hoặc một điều gì khác.

Người trung thành theo Chúa là phải xác nhận rằng Chúa là đối tượng duy nhất để tin. Còn người chối bỏ Chúa, trở lui thì không thấy Chúa là Đấng Duy Nhất, họ thấy có thể tin và theo nhiều đối tượng khác. Tin Chúa không được thì tin thần khác, thứ khác. Theo Chúa không nổi thì theo người khác.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

[Trailer] NHIỆM VỤ KHẢ THI

[Trailer] NHIỆM VỤ KHẢ THI

NGÀY 27 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (7)


5. Chối từ Chúa vì cớ lời Chúa, ý Chúa... thật khó

“Lời này thật khó, ai nghe được?” (Câu 60). Đây là lời nói của nhiều môn đệ.

Chúa biết họ lằm bằm, vấp phạm. Ngài hỏi họ: “Nếu các ngươi thấy” (Câu 62), rồi Chúa nói tiếp “thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi” (Câu 63)

Họ ‘không thấy’ linh, họ chỉ thấy ‘xác thịt’. Không thấy giá trị của linh, chỉ thấy giá trị của xác. Vì vậy tấm lòng của họ chai cứng như đất bờ ruộng. Chúa nói: “Họ xem mà không thấy, lắng nghe mà không hiểu, và không hiểu chi hết” (Ma-thi-ơ 13:13)

Chúa Giê-xu giải thích về hạt giống rơi trên bờ ruộng, là “những kẻ đã nghe đạo; nhưng về sau ma quỉ đến, cướp lấy đạo từ trong lòng họ, e rằng họ tin mà được cứu chăng” (Lu-ca 8:12)
Chúa từng kêu gọi: “Ai có tai, hãy nghe! (Ma-thi-ơ 14:43)

Nhiều người chối từ Chúa vì chữ ‘thật khó’ – khó ở đây không phải là khó hiểu, mà là khó chấp nhận. 

Chối từ Chúa, trở lui, không đi với Ngài nữa, vì những nguyên tắc của Ngài  thật khó, ai mà áp dụng được.

Chối từ Chúa, trở lui, không đi với Ngài nữa, vì ý Chúa thật khó, ai mà theo nổi.

Chối từ Chúa, trở lui, không đi với Ngài nữa, vì cớ con đường của Chúa đi thật khó, ai mà đi nổi.

Chối từ Chúa, trở lui, không đi với Ngài nữa, vì cớ thập tự Ngài mang thật nặng, ai mà vác nổi.

Chối từ Chúa, trở lui, không đi với Ngài nữa, vì cớ sống như Chúa thật khó, ai mà sống cho nổi.

Cho nên chúng ta có thể chối từ Chúa vì chữ khó quá, ai mà nghe được, ai mà theo được, ai mà làm được, ai mà vác được, ai mà sống được...

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

NGÀY 26 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (6)


4. Chối từ Chúa vì cớ không chịu ‘ăn thịt, uống huyết’ Chúa.

Theo Chúa, tìm Chúa, nghe Chúa, nhận bánh của Chúa, vì cớ những động cơ và mục đích sai trật thì sẽ dẫn đến việc không tin Chúa. 

Khi đoàn dân hỏi: “Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Đức Chúa Trời?” Chúa trả lời: “Các ngươi ‘tin’ Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài.” (Câu 28-29). Kế tiếp Chúa nói rõ Ngài là Đấng đó: “Các ngươi đã thấy ta, mà chẳng tin.” (Câu 36)

Theo Chúa, nghe Chúa, thấy phép lạ Chúa làm, nhận bánh của Chúa, tôn thờ Chúa, nhưng không tin Chúa. Họ chỉ 'tin đồ' chứ họ không phải là tín đồ.

Đức tin nơi Chúa nói ở đây vượt ra lên trên việc ca ngợi, vui mừng khi nhìn thấy phép lạ Chúa làm cho người khác.

Tin ở đây vượt lên trên việc theo Chúa, tìm Chúa vì cớ có bánh để ăn, có vật chất để hưởng.

Tin Chúa ở đây không phải tôn Chúa làm vua để nhờ Ngài giải quyết những vấn đề riêng tư, ích kỷ phát xuất từ những lợi ích, mưu đồ của cá nhân.  

Tin ở đây cũng không phải là trao đổi: (Tôi phải làm gì?) Tôi làm gì cho Ngài để chứng tỏ tôi tin, và Ngài sẽ làm gì cho tôi, (sẽ trả lại cho tôi những gì).

Đoàn dân không có lòng tin, vì sao? Vì họ theo đuổi ‘đồ ăn hay hư nát’ chớ không theo đuổi ‘đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời’ (Câu 27). Vì họ đòi ‘làm để được’ chứ không ‘tin để được’ (Câu 28, 29). Vì họ đòi ‘thấy mới tin’ (Câu 30). Nhưng khi Chúa cho họ thấy ‘Ngài là bánh từ trên trời xuống’ (Câu 41) thì họ không chấp nhận Ngài. Khi Ngài nói rằng bánh mà Ngài sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt của Ngài (Câu 51) thì họ lại càng không chấp nhận.

‘Ăn thịt – uống huyết Chúa’ nói lên mối liên hệ với Chúa. Mỗi người phải ăn thịt, phải uống huyết của Chúa, có mối liên hệ với Chúa một cách cá nhân.

Nhiều người tin Chúa, theo Chúa nhưng lòng tin và việc theo Chúa (bao gồm cả việc phục vụ Chúa) không bắt đầu và bắt nguồn từ mối liên hệ giữa mình với Chúa. Họ chỉ liên hệ với tổ chức, với nhà thờ chứ không liên hệ với Chúa. Nếu bạn không có mối liên hệ với Chúa, không trải nghiệm về Chúa, không thuộc về Chúa, không có Chúa trong cuộc đời của mình thì trước sau gì bạn cũng sẽ chối từ Chúa.

Bạn có thật sự là con của Chúa không? 2Cô-rinh-tô 13:5: Chính anh em hãy tự xét xem mình có đức tin chăng? Hãy tự thử mình: Anh em há không nhận biết rằng có Đức Chúa Giê-xu Cứu Thế ở trong anh em sao? (Bản Hiện Đại: Anh em hãy tự xét, xem mình có đức tin không? Anh em có nhận thấy Chúa Cứu Thế sống trong anh em, và quyền năng Ngài tác động ngày càng mạnh mẽ trong anh em không? Hay anh em tự nhận mình là con cái Chúa mà thật ra không phải.)

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

NGÀY 25 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (5)


3. Chối từ Chúa vì cớ tôn thờ Chúa theo ý riêng, theo chuẩn mực của mình.

Trong câu 14-15, chúng ta thấy đoàn dân bàn với nhau hai vấn đề: Chúa thật là Đấng tiên tri, và có ý tôn Chúa làm vua. Họ ‘thấy phép lạ Chúa Giê-xu đã làm’. Thấy và tin những điều mình thấy. Còn hễ không thấy được, hoặc chưa hiểu thì không tin. Thấy Chúa hành động hợp với ý mình thì tôn Chúa làm vua. Còn thấy không hợp nữa thì ném đá.

Khi theo Chúa vì cớ trải nghiệm của người khác, vì cớ thấy mới theo thì sẽ hiểu sai về Chúa và tôn thờ Chúa theo quan niệm của mình.

Cũng tin, cũng tôn thờ, nhưng tin Chúa như tin ông địa, như tin thánh thần, tin theo cách người đời tin. Tôn thờ để có lợi chớ không phải tôn thờ vì Chúa là Đức Chúa Trời.

Tôn thờ Chúa vì sẽ có bánh. Tôn thờ để tìm bánh chứ không tìm Chúa. (Câu 24-26). Chúa nói: “Các ngươi tìm ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no” (Câu 26) tức là các ngươi không mong mỏi những phép lạ ta từng làm cho người khác sẽ được thực hiện cho các ngươi, mà chỉ mong có bánh để ăn mà thôi.

Như vậy họ quan tâm đeo đuổi vật chất, lợi lộc cho mình. Khi đó mục đích của con người hóa ra quan trọng hơn, lớn hơn mục đích của Chúa.

Chúa Giê-xu thử ông Phi-líp và các môn đệ để xem họ có quan tâm đến nhu cầu của đoàn dân không. Ngài muốn dạy họ rằng Ngài rất thực tế, không chỉ nói chuyện trên trời, không chỉ nói Phúc Âm của đời sau. Nhưng Ngài cũng quan tâm đến nhu cầu trước mắt của quần chúng. Nhu cầu vật chất cũng cần thiết bên cạnh nhu cầu tâm linh.

Trong khi đó đoàn dân tôn thờ Chúa chỉ vì nhu cầu vật chất, vì lợi ích họ đang mong mỏi. Có thể họ theo chủ nghĩa duy lợi. Theo Chúa mà có lợi thì theo ngay, tôn thờ Chúa mà đạt được lợi ích mà mình đeo đuổi thì tôn thờ Ngài ngay.

Ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản Chúa vì Ngài không thực hiện ý của ông và ý của dân Do Thái. Họ đến với Chúa, theo Chúa với hy vọng Chúa thực hiện ý đồ của mình chứ không phải để họ thực hiện ý muốn của Chúa.

Tại Bắc Ai-len, dân chúng chia làm hai phe: phe Tin Lành và phe Công Giáo. Cả hai phe đều tôn thờ, nhưng chỉ nhằm đạt mục đích của họ. Theo Chúa vì cớ chủ trương như vậy khiến họ chối từ nhau và chối từ mục đích của Chúa đối với đất nước của họ. Họ tôn Chúa làm vua để lợi dụng Chúa để Chúa thực hiện mưu đồ của phe họ. Có lẽ họ chẳng bao giờ hỏi Chúa: "Chúa muốn chúng con làm gì theo ý của Ngài?"

Bạn có hiểu đúng về Chúa chưa? Bạn có theo Chúa vì lợi ích mà bạn mong mỏi không? Làm sao biết bạn có thuộc loại người này hay không? Câu hỏi dành cho bạn: Bạn có suy nghĩ, có sống theo tiêu chuẩn, theo quan điểm của Thánh Kinh không?

Thí dụ. Một người lâu nay chẳng đi nhà thờ, theo Chúa lơ tơ mơ, rất lè phè. Thế mà nay đi nước ngoài học thần học. Lý do là gì? Được Chúa kêu gọi và dâng mình (theo quan điểm Thánh Kinh) hay vì được đi nước ngoài (theo quan điểm của con người).

Thí dụ. Lâu nay chỉ lo cho mình vì ích kỷ, chẳng quan tâm đến người khác. Nay, bỗng nhiên người đó rất quan tâm đến các bạn, đi thăm, nâng đỡ tinh thần, giúp tiền bạc, mời đến tham dự với nhóm của chúng tôi... Sau đó thiên hạ phát hiện người đó thay đổi như vậy không phải vì tình yêu thương, mà vì đã nhận lương để làm việc cho một người hoặc một tổ chức nào đó. Như vậy, người đó không quan tâm cũng vì ích kỷ, mà bây giờ quan tâm cũng vì mình, vì có lợi cho mình mà thôi.


(Còn tiếp)

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

NGÀY 24 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (4)


2. Chối từ Chúa vì cớ theo Chúa nhằm tìm vật chất, nhằm hưởng phước Chúa ban.

Đoàn dân theo Chúa để nghe Chúa giảng, để chứng kiến việc Chúa làm. Chẳng những họ được ‘nghe’, được ‘thấy’ mà còn được ‘ăn’ nữa. Câu 5-13 là một bữa tiệc Chúa đãi khoảng 5000 người. Tất cả đều no nê. Chúa thấy, Chúa thương; Chúa thử, Chúa tổ chức, Chúa tạ ơn, Chúa thết đãi, Chúa tiết kiệm. – Nếu Chúa đối với chúng ta như vậy, thật là tốt, ta không nên từ chối, nên nhận, nên ăn. Như vậy đoàn dân đi theo Chúa đã trải nghiệm việc Chúa làm cho họ.  – Có dư dật thức ăn.

Tiếc là đoàn dân chỉ muốn trải nghiệm việc ‘ăn’ cứ luôn luôn khi họ theo Chúa. Đó là lý do khiến họ đi tìm Chúa, phải chạy tới chạy lui, phải mệt nhọc, phải chịu khó, phải tốn thì giờ... Họ lo tìm cho ra Chúa để tiếp tục theo Chúa, tiếp tục nghe Chúa giảng và tiếp tục được Chúa đãi ăn.

Nói cách khác những người này theo Chúa để Chúa cung cấp vật chất cho họ. Nếu chúng tôi bỏ công theo Ngài, nếu chúng tôi nghe Ngài giảng thì Ngài phải cho chúng tôi bánh để ăn. Ngài cần người đi theo (-Có tôi), Ngài cần người nghe (-Có tôi), Ngài cũng cần người nhận bánh (-Có tôi). Chúng tôi là những người thuộc loại 3 trong 1: Tôi đi theo cho vui, tôi nghe cho sướng tai và ăn cho no nê.

Chúa có ban cho vật chất, cung ứng cho con người nhu cầu vật chất. Nhưng nếu theo Chúa chỉ vì vật chất, thì như Chúa nói, dân ngoại cũng tìm kiếm những điều đó.

Câu thơ về nhân tình thế thái:

Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi.

(Thật ra Chúa không bao giờ hết cơm hết gạo.)
cũng có thể áp dụng cho những người theo Chúa vì mục đích vật chất, vì những điều thấy được. Khi Chúa còn cho vật chất, thì còn theo Chúa; khi Chúa không cho theo ý mình nữa thì chấm dứt theo Chúa.

Bạn có theo Chúa vì cớ vật chất, vì cớ những điều thấy được  không? Làm sao bạn biết?

Nhiều người nói tôi đến với Chúa không phải vì vật chất, vì tôi kính yêu Chúa nhiều lắm. Nhưng vì sao bạn kính yêu Chúa nhiều như vậy? Phải chăng vì chuyện tình cảm đang trục trặc? Phải chăng bạn cầu nguyện nhiều hơn vì mong Chúa ban cho điều bạn muốn chứ chẳng phải vì muốn tương giao với Chúa?



(Còn tiếp)

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

NGÀY 23 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (3)


II. Vì sao chối từ Chúa?

1. Chối từ Chúa vì cớ theo Chúa do chứng kiến trải nghiệm của người khác.

Trước hết ta thấy một đoàn dân đông theo Ngài, vì từng thấy các phép lạ Ngài làm cho những kẻ bịnh (Câu 2) Đoàn dân theo Chúa vì cớ thấy việc Chúa làm cho người khác. Thật ra điều này chẳng có gì sai cả. Thấy phép lạ Chúa thực hiện cho người khác dẫn chúng ta đến với Chúa. Nhưng đó chỉ là bước đầu đến với Chúa, còn bước tiếp theo là gì? Có thấy việc Chúa làm cho chính đời sống mình không?

Theo Chúa vì cớ nhìn thấy trải nghiệm của người khác. Khi Chúa Giê-xu chữa bịnh cho một người, thí dụ người bị bại, Ngài thường nói hai điều: -tội con đã được tha,-hãy đứng dậy vác giường mà đi. Ngài cho người đó hưởng trải nghiệm tâm linh được tha thứ và trải nghiệm thân thể được chữa lành.

Còn người thấy việc Chúa làm kỳ diệu quá, thấy người khác được thay đổi hấp dẫn quá, rồi quyết định theo Chúa. Nhưng theo Chúa để làm gì? Để tiếp tục thấy Chúa làm những việc kỳ diệu, tiếp tục được thấy những người khác được ‘chữa bịnh’ thôi sao?

Theo Chúa để thấy Chúa làm việc kỳ diệu cho người khác thì chẳng khác gì rủ nhau đi coi người làm xiếc trên dây đẩy một người ngồi trên xe cút-kít băng ngang thác nước. Chúa thực hiện, còn tôi thưởng thức. Chúa làm diễn viên, còn tôi làm khán giả. Thấy Chúa làm cho người khác, còn tôi chỉ là người đứng ngoài để tán thưởng, mà không thấy Chúa làm gì cho tôi.

Khi Chúa hỏi: “Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” Chẳng phải Ngài chỉ muốn nói "Lâu nay các con theo ta vì người khác", Ngài còn muốn nói: "Con người và hoàn cảnh có chi phối các con không?" Người khác theo Chúa, tôi theo; người khác bỏ Chúa, tôi bỏ. Người khác đi đến với nhóm nhỏ ít người, bạn đi với họ; người khác nói chán quá, bạn cũng nói chán quá...

Bạn theo Chúa vì lý do gì? Vì cớ thấy những việc Chúa làm cho người khác, hay vì những điều Chúa làm việc cho bạn. Vì cớ trải nghiệm của người khác về Chúa hay chính bạn đã trải nghiệm Chúa? Ngày nay nhiều người đến với Chúa do tác động của người khác, vì bắt chước người khác, vì muốn như người khác chứ chẳng phải  vì Chúa. Đừng để người khác quyết định cho bạn về vấn đề niềm tin, cũng đừng để cho hoàn cảnh chi phối và quyết định cho vấn đề niềm tin của bạn.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

NGÀY 22 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (2)

I. Người chối từ Chúa có thể là những ai?

Người chối từ Chúa là người:

- từng theo Chúa - các môn đệ và sứ đồ. Họ là những người được Chúa kêu gọi và chọn lựa, từng đi với Chúa để học, sống với Chúa một thời gian.

- từng chứng kiến các phép lạ Chúa làm. (Câu 2)

- từng nghe những lời giảng dạy của Chúa.

- từng ăn bánh của Chúa, hưởng ơn lành của Chúa (Câu 1-12).

- từng nhìn nhận Chúa là tiên tri, muốn tôn Chúa là vua (Câu 14).

- từng dành thời gian, công sức đi tìm Chúa (Câu 24)

- từng hỏi Chúa: “Chúng tôi phải làm chi...?” (Câu 28)

- từng xin Chúa: “Xin ban bánh đó (bánh thật, bánh từ trên trời xuống) cho chúng tôi luôn luôn.” (Câu 33)

- từng thưa với Chúa: “Lạy Thầy, Lạy Chúa...”
Từng có mối liên hệ với Chúa như vậy, thế mà cũng chính những người đó lại có thể bỏ Chúa, lui đi, chối từ Ngài, thậm chí phản bội Ngài.

Mối liên hệ giữa bạn với Chúa thuộc loại nào? Bạn hãy cẩn thận. Dù là một người trong đoàn dân, là một môn đệ, hay là sứ đồ thứ mười ba, bạn vẫn có thể chối từ Chúa. Vì sao? Vì có thể bạn tin Chúa, tìm Chúa, theo Chúa, làm công việc Chúa vì một lý do nào đó chứ không phải vì chính Chúa.


(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

NGÀY 21 THÁNG 5. CHỐI TỪ CHÚA (1)


Phúc Âm Giăng chương 6 ghi lại những dữ kiện liên quan đến con người từ một đám đông đến nhóm nhỏ, ít người.

  • Đám đông người:‘đoàn-dân-đông-đảo’.
  • Một nhóm ít người là‘các-môn-đệ’.
  • Một tập thể mười hai người là‘các-sứ-đồ’.
-Đoạn Kinh Thánh đưa chúng ta về địa điểm rộng lớn ở miền Ga-li-lê:

  • Bờ biển Ga-li-lê
  • Bờ biển dọc theo thành Ca-bê-na-um.
  • Nhà Hội trong thành Ca-bê-na-um.
-Đoạn Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết vài loại bánh.

  • Bánh mua ở chợ. (Ông Phi-líp hỏi: “Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu?” Câu 5)
  • Bánh làm ở nhà. (‘Năm cái bánh mạch nha và hai con cá.’ Câu 9)
  • Bánh do Chúa làm phép lạ. (Bánh Chúa đãi 5 ngàn người ăn. Câu 11)
  • Bánh của phép lạ. (Bánh dân chúng đi tìm)
  • Bánh ma-na trong quá khứ mà những người theo Chúa nói là “bánh từ trên trời xuống”. (Câu 31)
  • Bánh Cha ta ban. (Bánh lẽ thật, là ‘bánh từ trên trời xuống’. Câu 32)
  • Bánh của sự sống. (Lời tuyên bố của Chúa: “Ta là bánh của sự sống.” Câu 35, “Ta là bánh từ trên trời xuống.” Câu 41)
  • “Bánh... tức là thịt Ta” (Câu 51). Sau đó là lời kêu gọi những người theo Ngài hãy “ăn thịt ta, uống huyết ta.” (Câu 56)


-Đoạn Kinh Thánh cũng ghi lại quyết định và hành vi của con người.

  • Theo Chúa rồi bỏ Chúa. (Đoàn dân đông đảo.)
  • Tình nguyện đi với Chúa để học nhưng ‘trở lui, không đi với Ngài nữa’. (Những môn đệ, những người từng được Chúa gọi hoặc tự nguyện theo Chúa.)
  • Được chọn, được giao phó mạng lệnh, được ban quyền năng và sai đi, nhưng một người sẽ phản Chúa. (Một trong mười hai sứ đồ.)
Từ chỗ ‘theo’ đến chỗ ‘trở lui, không đi với Ngài nữa’ rồi đến chỗ ‘phản’.  Mức độ ngày càng nặng nề hơn.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

NGÀY 20 THÁNG 5. TIÊN TRI Ê-LI CẦU NGUYỆN (6) 2

V. Kết quả của người cầu nguyện

Cầu nguyện đưa đến kết quả ra sao? Từ việc tiên tri Ê-li  ‘nghe tiếng mưa lớn’ đến việc mọi người thấy ‘trời bị mây che đen, gió nổi dậy, và có cơn mưa rất lớn’. Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của ông. Tiên tri Ê-li đã làm cho ý muốn của Cha trên trời được thành tựu dưới đất.

Mưa chưa phải là kết quả duy nhất của lời cầu nguyện. Tiên tri Ê-li cầu nguyện xin Chúa bày tỏ quyền của Ngài trong cõi thiên nhiên. Chúa đã bày tỏ quyền năng thể hiện qua cõi thiên nhiên. Còn bản thân ông thì sao? Đức Chúa Trời đã đụng vào cõi thiên nhiên do Ngài dựng nên, thì Ngài cũng đụng vào Ê-li, con người cầu nguyện, từng được Ngài dựng nên. Tay Đức Gia-vê đặt trên Ê-li; ông thắt lưng và chạy trước A-háp cho đến khi vào thành Gít-rê-ên. (I Vua 8:46)

Đức Chúa Trời không chỉ hồi âm về những vấn đề cầu xin. Ngài còn hành động trên người cầu nguyện. Bản thân người cầu nguyện cũng trải nghiệm quyền năng của Chúa. Đức Chúa Trời ban năng lực và sức mạnh cho người cầu nguyện. Tiên tri Ê-li có thể chạy xa hơn. Bây giờ không leo nữa, không quỳ nữa, không đi nữa nhưng chạy.

Chúng ta nghĩ rằng khi cầu nguyện thì sẽ bị kiệt sức, mệt mỏi, sút ký và trở thành người thụ động (nghĩa là chỉ biết cầu nguyện thôi!) Nhiều người hình dung những người cầu nguyện là người ẻo lả, nói năng nhỏ nhẹ, dáng vẻ thiêng liêng, thường thường là người đi nhẹ, nói khẽ. Kết quả như vậy chẳng khác gì bị bùa mê thuốc lú làm cho mất hẳn ý chí. Trái lại, người cầu nguyện là người trở thành sinh động, mạnh mẽ. Người cầu nguyện không kiệt sức, không mệt mỏi. Ngược lại cầu nguyện đem đến sức sống và sự năng động. Ông Nê-hê-mi cầu nguyện và ông được phép trở về Giê-ru-sa-lem. Ông cầu nguyện và ông cùng dân chúng xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bạn muốn Đức Chúa Trời giải quyết như thế nào đối với lời cầu nguyện của bạn? "Đức Chúa Trời ôi! Xin Ngài quan tâm, chiếu cố đến những vấn đề con cầu xin nhưng xin Ngài làm ơn đừng đụng đến con." "Xin Ngài trả lời con chuyện này, việc kia, vấn đề nọ, nhưng xin Ngài đừng đụng đến đời sống của con." "Xin Ngài ban cho con điều 1, 2, 3 nhưng đừng ban cho con quyền năng, sức mạnh của Ngài, vì như vậy con phải 'chạy' cho Ngài. Con không muốn là người của Ngài." Cầu nguyện không phải chỉ bao gồm những vấn đề mà bao gồm cả con người.

Người thắt lưng, chạy trước A-háp cho đến khi tới Gít-rê-ên. A-háp đi xe còn Ê-li đi bộ, vậy mà Ê-li chạy trước A-háp. Khi Chúa ban cho sức mạnh thì con người thiêng liêng sẽ mạnh hơn và đi trước con người xác thịt. Bản ngã, xác thịt nhờ xe, nhờ cộ, nhưng con người thiêng liêng có quyền năng của Đức Gia-vê.

*
*     *

Đời sống của người cầu nguyện

·Đuổi. Thái độ đối với xác thịt, bản ngã.
·Nghe. Lắng nghe, biết ý Chúa.
·Leo. Nỗ lực tìm nơi cầu nguyện.
·Quỳ. Thái độ cung kính đối với Đức Chúa Trời.
·Đi lên, xem. Trông đợi Đức Chúa Trời hồi âm.
·Chạy. Thể hiện quyền năng của Chúa trong đời sống của mình.


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)