Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

NGÀY 31 THÁNG 10. BẠN LÀ AI? (6)


3. Thầy tư tế, người Lê-vi

Trong câu chuyện có hai nhân vật rất ‘tâm đầu ý hợp’: thầy tư tế và người Lê-vi. Họ không phải là người mù. Cả hai đều trông thấy nạn nhân, biết tình cảnh của nạn nhân, nhưng cả hai đều tránh qua bên kia đường. Vì sao? Có thể họ có nhiều lý do: Nào là họ bận lo về vấn đề thuộc linh hoặc chỉ biết về vấn đề thuộc linh, họ không có tài lực, không có khả năng. Thật ra điều gì làm cho thầy tư tế và người Lê-vi hành xử như thế?

-Cả hai chỉ biết làm xong bổn phận và trách nhiệm trong Đền Thờ. Còn ra khỏi Đền Thờ thì họ không có bổn phận gì, không chịu trách nhiệm gì nữa. Họ chỉ có giải pháp cho vấn đề tâm linh chớ không có giải pháp cho vấn đề thuộc thể. Chuyện trong Đền Thờ thì giải quyết được, còn chuyện ngoài đời thì họ bó tay.

Sâu xa hơn nữa, đây là những người rất gần với lễ nghi tôn giáo, gần Đền Thờ hơn là gần những vấn đề thực tế trong đời sống. Họ có thể là những người rất gần với Chúa, nhưng càng gần Chúa theo cách của họ thì càng xa con người lẫn những nan đề thực tế của đời sống thường ngày.

Bạn có làm công tác phục vụ theo kiểu của thầy tư tế và người Lê-vi không? Bạn sẵn sàng nói về Chúa, cầu nguyện, chỉ dạy Kinh Thánh, giúp đỡ, dâng hiến, nhưng khi người ta gặp những chuyện liên quan đến vấn đề thực tế trong đời sống thì bạn từ chối giải quyết hoặc tránh đề cập đến và không màng giúp người ta giải quyết.

Đôi khi chúng ta thất bại trong vai trò của người giúp đỡ thuộc linh và cũng thất bại trong vai trò của người giúp đỡ thuộc thể nữa. Chúng ta nuôi dưỡng đời sống thuộc linh của người ta không đạt mà cũng chẳng giúp họ trong những vấn đề vật chất. Trong câu chuyện, nạn nhân chỉ dở sống dở chết về phương diện thuộc thể, còn những nạn nhân mà chúng ta cần giúp đỡ thì khác. Khi qua tay chúng ta thì cả thuộc thể và thuộc linh của họ đều dở sống dở chết. Phải chăng bạn là người phục vụ nửa vời?

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

NGÀY 30 THÁNG 10. BẠN LÀ AI? (5)



Chúng ta không phải là nạn nhân trong quá trình phục vụ người khác là điều rất tốt, nhưng chúng ta cũng cần thận trọng e rằng người được chúng ta giúp đỡ có thể trở thành nạn nhân của chúng ta. Chúng ta trở thành người chặn đường họ, bắt nạt họ; thay vì bảo vệ họ, chúng ta lại làm cho họ bất an. Thay vì đem lương thực, áo quần, thuốc men đến cho họ, chúng ta làm cho họ mất tất cả.

Bạn đừng phục vụ theo kiểu chuyên gây hấn, dùng bạo lực và làm khổ người khác. Thay vì nâng người khác lên bạn lại hạ thấp họ xuống. Thay vì chăm sóc họ đúng cách bạn lại dùng bạo lực và bỏ mặc họ sau khi gây tổn thương cho họ.
 
Rất dễ hành xử một cách thô bạo với những người chúng ta đang giúp đỡ. Thật ra chúng ta không có gì (những gì chúng ta có không phải là của chúng ta) và họ cũng chẳng có gì, chỉ có điều chúng ta lành lặn và mạnh hơn họ.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

NGÀY 29 THÁNG 10. BẠN LÀ AI? (4)


2. Bọn cướp

Thật khó mường tượng trường hợp chúng ta có thể trở thành đồng bọn với những tên ăn cướp trên con đường Giê-ri-cô. Làm sao ngay trên con đường gọi là con đường phục vụ lại có trở thành ăn cướp được?

Người sống theo lối ‘ăn cướp’ thường dùng bạo lực hoặc dùng thủ đoạn tinh vi để đạt đến mục đích. Khi còn đi học bạn có thể thấy một số học sinh chuyên ‘bắt nạt’ những học sinh khác để ‘bói’ tiền. Cũng có thể ăn cướp ở dạng khác. Thí dụ như chơi thân với một bạn học giỏi hoặc có tiền, chẳng phải vì yêu thương hay nể phục, nhưng chỉ để làm sao ‘cướp’ một cách hợp pháp ‘chất xám’ hoặc tiền bạc của bạn đó. Như vậy kết bạn với người khác chẳng qua là để lấy của người ta làm của mình.

Có phải vì chương trình phục vụ mà chúng ta trấn lột người khác không? Không cẩn thận thì tổ chức xã hội có thể trở thành tổ chức ăn cướp hợp pháp. Với người này họ quảng bá những hình ảnh dở sống dở chết của nạn nhân với mục đích là khơi gợi tình yêu thương để nhận tiền giúp, với người khác họ huy động tài năng sức lực, sự cống hiến trong tinh thần phục vụ. Mục đích cuối cùng là họ được vinh thân phì da.

Bạn có nghĩ rằng một tổ chức xã hội nào, một chương trình phục vụ nào đang lợi dụng bạn không? Có thể họ nhờ bạn làm điều này điều kia, nhờ vả bạn đủ thứ chuyện mà bạn không thể nào từ chối. Ngược lại bạn có lợi dụng người ta không? Bạn phục vụ hoặc giúp đỡ một người nào đó vì cớ tình trạng của người đó hay vì cớ lợi lộc cho bản thân? Nếu vì cớ lợi lộc cho bản thân thì trước sau gì những người đó cũng trở thành nạn nhân của bạn.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)




Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

NGÀY 28 THÁNG 10. BẠN LÀ AI? (3)



Ông Sam-sôn trở thành nạn nhân dù ông giữ chức vụ và địa vị của một quan xét. Ông bị khoét hai con mắt và phải xay cối trong ngục. Thay vì dẫn dắt người khác ông phải nhờ một đứa trẻ dẫn đường và làm trò cho người ta cười.

Phải chăng bạn là nạn nhân đang dở sống dở chết vì một chương trình phục vụ nào đó? Bạn không bị khiếm khuyết trong thân xác, nhưng biết đâu khi tham gia chương trình này bạn lại sống dở, chết dở vì không biết phải làm gì. Thay vì giúp đỡ người khác, bạn cần được giúp đỡ. Thay vì tư vấn giúp cho người khác thì bạn lại ở trong tình trạng ‘mù dẫn đường cho người mù’, bạn cũng cần được tư vấn.

Có thể bạn không hiểu vì sao bạn lại rơi vào hoàn cảnh như vậy. Do bạn hay do ‘bọn cướp’. Bạn tự đâm đầu vào hay vì bạn khinh suất, bạn sơ ý hay vô tình. Có khi nỗi đau đến từ chính bạn, cũng có thể do người khác đem đến, đó là thử thách trong cuộc sống mà bạn phải chịu đựng. Cũng có thể khi rơi vào hoàn cảnh đó bạn mới cảm thông cho những nạn nhân mà bạn từng gặp hoặc sẽ gặp trong cuộc sống. Tốt nhất bạn cần suy nghĩ đến điều gì?

(1)Đừng bao giờ chủ quan và nghĩ rằng bạn là người ngoại lệ, bạn có thể trở thành nạn nhân đáng thương vì sự chủ quan của bạn trong bước đường theo Chúa và phục vụ người khác.

(2)Có trường hợp bạn là nạn nhân không phải do lỗi của bạn mà là do người khác. Đây có thể là thử thách mà Chúa muốn bạn phải trải qua trong cuộc đời theo Chúa.

(3)Trong cả hai trường hợp bạn đều cần đến sự giúp đỡ. Dù sống trong nỗi đau thể xác hay tâm linh, bạn đều cần hy vọng và cần sự giúp đỡ. Đây là trường hợp Chúa dùng bạn để dạy người khác.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

NGÀY 27 THÁNG 10. BẠN LÀ AI? (2)


1. ‘Người kia’ (nạn nhân)
Có bao giờ bạn là nạn nhân trên con đường Giê-ri-cô chưa? Chắc bạn không bao giờ nghĩ đến và chấp nhận rằng mình là nạn nhân trên con đường Giê-ri-cô. Lại càng không ngờ rằng mình có thể là nạn nhân. Bạn cần chú ý rằng khi đi đường trong ngày hôm đó, ‘người kia’ (nạn nhân) không bao giờ nghĩ và không bao giờ ngờ rằng anh ta lại có thể trở thành nạn nhân.

Không ai muốn trở thành nạn nhân trong cuộc đời này cả. Tuy nhiên có lúc bạn rơi vào tình cảnh khốn khổ như ‘người kia’ mà bạn không ngờ. Khi sự việc chưa xảy ra, bạn cho rằng không bao giờ bạn lại trở thành nạn nhân đáng thương trong cuộc đời theo Chúa. Tương tự như ‘người kia’ khi bắt đầu đi con đường Giê-ri-cô, con đường phục vụ thì hăng hái, rất phấn khởi, được trang bị đủ thứ, nhưng dọc đường bạn bị trấn lột tơi tả, bị cướp sạch cả tài năng lẫn sức lực để rồi dở sống dở chết?

Nhiều người tưởng mình đang giúp người khác nhưng phân tích kỹ cuộc sống thì thấy không phải vậy. Họ đang dở sống dở chết vì những chương trình và con người mà họ giúp đỡ. Nói như vậy không có ý nói rằng Chúa Giê-xu là nạn nhân khi Ngài phải chịu khổ nạn, thậm chí chịu chết vì chương trình của Ngài. Chúng ta cần bắt chước Chúa sống hy sinh. Nhưng cần cẩn thận đừng trở thành một nạn nhân bất đắc dĩ vì những chương trình và kế hoạch của chúng ta.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

NGÀY 26 THÁNG 10. BẠN LÀ AI? (1)

30 Đức Chúa Giê-xu nói: “Có người kia đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, rơi vào tay bọn cướp; chúng trấn lột và đánh đập người, rồi bỏ đi, để mặc người nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ có một thầy tư tế cũng đi xuống con đường ấy, khi trông thấy nạn nhân thì tránh qua bên kia đường. 32 Tương tự, một người Lê-vi cũng đến chỗ ấy, trông thấy nạn nhân cũng tránh qua bên kia đường. 33 Nhưng có một người Sa-ma-ri đang đi đường, khi trông thấy nạn nhân thì cảm thương. 34 Ông đến gần, băng bó, lấy dầu lấy rượu đổ trên các vết thương, rồi đỡ người ấy lên lừa, đưa về quán trọ. 35 Hôm sau, lấy hai đơ-ni-ê trao cho chủ quán và dặn: ‘Xin bác săn sóc người này, nếu có tốn kém hơn, khi trở về tôi sẽ hoàn cho bác!’” (Lu-ca 10:30-35)

Có bốn con đường mà người Cơ Đốc cần trải qua. Đó là:
  • Con đường Đa-mách, con đường gặp Chúa.
  • Con đường Giê-ri-cô, con đường phục vụ.
  • Con đường Gô-gô-tha, con đường làm môn đệ của Chúa Giê-xu.
  • Con đường Em-ma-út, con đường kinh nghiệm Chúa.

Có thể nhận ra quan niệm và cách sống của những người chúng ta gặp trên con đường đi xuống Giê-ri-cô. Biết đâu chừng chúng ta cũng có quan niệm và cách sống tương tự như một hoặc hai nhân vật nào đó trong câu chuyện này. Bạn cần khám phá xem bạn có hành động tương tự như nhân vật nào trong câu chuyện Chúa kể.
  • Người kia (nạn nhân).
  • Bọn cướp.
  • Thầy tư tế, người Lê-vi.
  • Chủ quán.
  • Người Sa-ma-ri.


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

NGÀY 25 THÁNG 10. ĐÁNH BẮT CÁ

Ngày 16/10, trong khi thả lưới đánh cá ở nhánh sông Đồng Nai (phía quận 9, TP.HCM), anh Trần Minh Dũng (35 tuổi) bắt được một con cá lớn. Nhờ có kinh nghiệm, anh Dũng luồn dây qua mang cá ra đến miệng rồi buộc con cá vào thuyền. Sau đó anh gọi anh mình đến giúp kéo con cá vào bờ.

Nghe tin có người bắt được cá lớn, hàng trăm người dân tập trung để tận mắt chiêm ngưỡng con cá "gô-li-át". Đó là con cá hô dài 1,5 mét, ngang hơn 0,5 mét, nặng 128 kg, cần 6 người khiêng. Anh Dũng bán con cá được 192 triệu đồng. Sau khi bán con cá, anh Dũng nói: "Tôi mừng lắm nhưng ngày mai tôi tiếp tục công việc đánh bắt cá thường xuyên của mình."
 
Sau nhiều năm thả lưới bắt cá, anh Dũng may mắn bắt được con cá lớn. Dù khổ cực nhưng anh vẫn sướng hơn nhân vật trong tác phẩm Ngư ông và Biển cả (The Old Man and The Sea) của nhà văn Ernest Hemingway. Chỉ qua một đêm anh Dũng bắt được con cá hô, còn ông lão Santiago phải chiến đấu ba ngày đêm với con cá kiếm ngoài khơi. Anh Dũng nhanh chóng kéo vào bờ con cá hô lành lặn, còn ông lão Saniago phải hết sức chống chọi với lũ cá mập để bảo vệ con cá kiếm. Nhưng rốt cuộc ông chẳng còn gì ngoài bộ xương khổng lồ.

Dù thế nào đi nữa thì cả hai đều có thành tích đánh bắt được cá lớn. Điều đặc biệt ở nơi họ là sau khi đánh bắt được cá hoặc không, họ lại tiếp tục, không ngưng nghỉ công việc. Anh Dũng nói: "Ngày mai tôi tiếp tục công việc..." Có người đi đánh cá cả đời chỉ được toàn cá nhỏ, may mắn hơn có người được cá lớn. Nhưng chẳng ai nghỉ đến chuyện bỏ ngang việc của mình.

Khi kêu gọi những người đánh cá đi theo Ngài, Chúa Giê-xu nói: "Hãy theo ta, ta sẽ khiến các ngươi trở nên những tay thả lưới cứu người." (Mác 1:17) Khi "thả lưới cứu người" lắm lúc chúng ta phân biệt giữa người lớn với trẻ em, người quan trọng với người không quan trọng. Dĩ nhiên trong thực tế có người lớn, có trẻ em, có người cao sang, có người thấp kém. Nhưng Kinh Thánh xem các linh hồn có giá trị như nhau. Linh hồn trẻ em cũng có giá trị và cũng quan trọng như linh hồn người lớn: "Linh hồn cha cũng như linh hồn con, linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết." (Ê-xê-chi-ên 18:4) Ra-bi Ni-cô-đem, một người lãnh đạo của dân Do Thái (Giăng 3) là "con cá lớn", còn phụ nữ người Sa-ma-ri đi xách nước (Giăng 4) chỉ là"con cá nhỏ". Dầu vậy, Chúa Giê-xu đã dành thì giờ để "đánh bắt" cả hai con người này. Các môn đệ của Chúa Giê-xu từng "chê" "đàn cá nhỏ" khi người ta đem trẻ em đến với Chúa Giê-xu. (Ma-thi-ơ 19:13-15) Thang giá trị của họ hoàn toàn khác xa thang giá trị của Chúa Giê-xu.     

Bạn đã ngưng không đi "đánh lưới cứu người" vì nản lòng hay vì cảm thấy thỏa mãn sau khi "bắt được con cá lớn"? Hãy chuyên tâm đánh lưới cứu người như Chúa Giê-xu.

XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

NGÀY 24 THÁNG 10. NHÓM BẾT-SA-LÊ-ÊN (8)

4. Chúa ban cho sự hiểu biết



Sự hiểu biết ở đây là trí tuệ, là nội dung và khả năng trong nghề nghiệp, là phương pháp làm việc.
Nhờ sự khôn ngoan, thông sáng kết hợp với sự hiểu biết về nghề nghiệp của mình mà Bết-sa-lê-ên:
·         Am hiểu ngành nghề của mình.
·         Triển khai công tác cho nhiều nhóm làm việc.
·         Thi thố tay nghề một cách tuyệt mỹ.
·         Cộng tác với các nhóm cùng nghề.
·         Đào tạo, truyền nghề cho người khác.

Người Cơ Đốc thường đảo ngược thứ tự những yếu tố trong nghề nghiệp của mình. Họ cho rằng



  • Trước nhất là trí tuệ, khả năng, sự am hiểu trong nghề nghiệp.
  • Sau đó mới nghĩ đến sự khôn ngoan và thông sáng của Chúa ban cho.
  • Rồi mới tính đến chuyện Thánh Linh của Chúa.
  • Và cuối cùng mới là tiếng gọi.
  • Đức Chúa Trời gọi bạn đi vào nghề nghiệp.
  • Ngài sẵn lòng ban Thánh Linh của Ngài đầy dẫy trên bạn.
  • Sự khôn ngoan, sự thông sáng là do Chúa ban cho khi bạn sống kính sợ, vâng lời và cầu xin Chúa.
  • Sự hiểu biết của bạn là do Đức Chúa Trời ban cho để bạn trau dồi phát huy.
  • Đức Chúa Trời gọi bạn đi vào nghề nghiệp.
  • Ngài sẵn lòng ban Thánh Linh của Ngài đầy dẫy trên bạn.
  • Sự khôn ngoan, sự thông sáng là do Chúa ban cho khi bạn sống kính sợ, vâng lời và cầu xin Chúa.
  • Sự hiểu biết của bạn là do Đức Chúa Trời ban cho để bạn trau dồi phát huy.
  • Đức Chúa Trời gọi bạn đi vào nghề nghiệp.
  • Ngài sẵn lòng ban Thánh Linh của Ngài đầy dẫy trên bạn.
  • Sự khôn ngoan, sự thông sáng là do Chúa ban cho khi bạn sống kính sợ, vâng lời và cầu xin Chúa.
  • Sự hiểu biết của bạn là do Đức Chúa Trời ban cho để bạn trau dồi phát huy.






- Trong thời đi học chúng ta cho rằng học hỏi để có nghề nghiệp là điều trước nhất. Khi tốt nghiệp, ra trường đi làm thì lo trau dồi nghề nghiệp để nâng cao tay nghề. Nói cách khác chúng ta chú ý đến khả năng, tài năng trong công việc.

- Sau đó mới nghĩ đến sự khôn ngoan, thông sáng. Nghĩ đến chuyện kính sợ Chúa, tương giao với Chúa... Thậm chí đôi khi còn lấy sự khôn ngoan của đời này để thay thế cho sự khôn ngoan, thông sáng từ thiên đàng.

- Rồi khi nói đến chuyện Thần của Chúa, Thánh Linh đầy dẫy trên một kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, thương gia... thì chúng ta cho là chuyện không cần thiết, chuyện xa vời, chuyện không tưởng. Thậm chí có người cho rằng người nào được đầy dẫy Thánh Linh của Chúa thì kể như bỏ nghề mà tu (tu nghiệp thần học để mà làm mục sư chuyên lo giảng dạy)

- Và cuối cùng khi nghĩ đến việc Chúa có gọi mình không thì răng đã rụng hết, có cấy ghép răng cũng như không vì đã gần trời xa đất rồi.

Cũng có thể chúng ta không đảo ngược thứ tự. Nhưng bốn điểm căn bản làm nên tảng cho nghề nghiệp của chúng ta không dính dáng gì đến Đức Chúa Trời.

- Có tiếng gọi chúng ta đi vào nghề nghiệp và sống với nghề nghiệp, nhưng không phải là tiếng gọi của Chúa.

- Năng lực trong chúng ta không phát xuất từ Thần Linh của Đức Chúa Trời.

- Sự khôn ngoan, thông sáng trong chúng ta đến từ trần gian.

- Và khả năng nghề nghiệp là do chúng ta, do con người chớ không phải là do Đức Chúa Trời ban cho.

Cần nhớ:
  • Đức Chúa Trời gọi bạn đi vào nghề nghiệp.
  • Ngài sẵn lòng ban Thánh Linh của Ngài đầy dẫy trên bạn.
  • Sự khôn ngoan, sự thông sáng là do Chúa ban cho khi bạn sống kính sợ, vâng lời và cầu xin Chúa.
  • Sự hiểu biết của bạn là do Đức Chúa Trời ban cho để bạn trau dồi phát huy.


XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 



Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

NGÀY 23 THÁNG 10. NHÓM BẾT-SA-LÊ-ÊN (7)


Sống kính sợ Chúa, sống theo luật lệ của Chúa là thách thức cho người Cơ Đốc ngày hôm nay. Vì chúng ta rất dễ sống theo quan niệm: Đến La Mã thì sống như người La Mã. Chúng ta không chịu: Đến La Mã nhưng sống như một người Cơ Đốc tại La Mã.

Chúng ta cũng rất dễ bị cám dỗ để cho rằng những điều luật trong Kinh Thánh chỉ là lý thuyết, chỉ vận dụng trong nhà thờ, chỉ dính dáng đến vấn đề tâm linh, chỉ có giá trị trong thời xa xưa. Còn trong hiện tại Kinh Thánh không thực tế, không thể áp dụng ở thương trường, trong kinh doanh...

Khi xưa, sự khôn ngoan và thông sáng của tuyển dân của Chúa trước mặt các dân tộc là giữ và làm theo các mạng lệnh và luật lệ của Chúa. Ngày nay sự khôn ngoan và thông sáng của chúng ta trước mặt những người xung quanh có phải cũng là giữ và làm theo các mạng lệnh và luật lệ của Chúa không?

(c)1Các Vua 3:10 ghi lại lời cầu xin của vua Sa-lô-môn: “Xin Chúa ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng” và Chúa đã trả lời cho vua: Ta đã làm theo lời cầu xin của ngươi, ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan thông sáng...” (3:12)

Châm ngôn 4:5.
Khá cầu lấy sự khôn ngoan, khá cầu lấy sự thông sáng.

Châm ngôn 4:7.
Sự khôn ngoan là điều cần nhất,
Vậy khá cầu lấy sự khôn ngoan,
Hãy dùng hết của con đã được 
mà mua sự thông sáng.

Như vậy:

  • khi kính sợ Chúa,
  • khi giữ và làm theo luật lệ của Chúa, và
  • khi cầu xin Chúa.

thì có sự khôn ngoan, thông sáng.

Điều này cho thấy trong đời sống, trong nghề nghiệp chúng ta cần duy trì mối liên hệ với Chúa, cần duy trì nếp sống cầu nguyện, cần tương giao với Chúa là Đấng kêu gọi, Đấng đầy dẫy Thần của Ngài trên chúng ta. Cần thành tâm khẩn nguyện xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan thông sáng

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

NGÀY 22 THÁNG 10. NHÓM BẾT-SA-LÊ-ÊN (6)

3. Chúa ban cho sự khôn ngoan, sự thông sáng.

Chẳng những Đức Chúa Trời kêu gọi, Đức Chúa Trời đầy dẫy Thần của Ngài, mà Đức Chúa Trời còn ban cho sự khôn ngoan, sự thông sáng.

Châm ngôn 3:13.
Người nào tìm được sự khôn ngoan
Và được sự thông sáng, có phước thay.

Châm ngôn 9:10.
Sự kính sợ Đức Giê-hô-va,
ấy là khởi đầu sự khôn ngoan,
Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng.

Châm ngôn 2:6.
Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan,
Từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.

(a)Ông Bết-sa-lê-ên đã có một khởi điểm để qua đó Đức Chúa Trời ban cho ông sự khôn ngoan, sự thông sáng và sự hiểu biết. Khởi điểm đó là sự kính sợ Đức Giê-hô-va.

Ngày nay, nhiều người tin Chúa nhưng rất ít người kính sợ Chúa. Cũng có thể nói, có nhiều người kính sợ Chúa trong nhà thờ nhưng trong gia đình, trong trường học, trong nghề nghiệp thì ít người kính sợ Chúa. Vì sao? Vì kính sợ Chúa trong nhà thờ dễ. Còn kính sợ Chúa ở những nơi khác rất khó.

Tác giả Thi Thiên 16:8 viết:
Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi,
Tôi chẳng hề rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi.


Đây là tâm niệm và thái độ của người kính sợ Chúa.
Thái độ của tôi đối với Chúa: Chúa đứng ở trước mặt tôi (không phải đứng sau tôi), Chúa quan sát tôi, chứng kiến những suy nghĩ của tôi, công việc của tôi...
Còn Chúa đối với tôi thế nào? Chúa ở bên hữu tôi (không phải tiền bạc, không phải ô dù, không phải thế lực ở bên hữu tôi), Chúa không xa tôi, Chúa đi với tôi, nâng đỡ tôi.


(b)Rồi sự khôn ngoan và sự thông sáng còn được thể hiện qua việc vâng giữ các luật lệ của Đức Chúa Trời. Phục Truyền 4:6. Vậy, các ngươi phải giữ làm theo các mạng lệnh và luật lệ này, vì ấy là sự khôn ngoan và sự thông sáng của các ngươi trước mặt các dân tộc.

Tuân thủ lời Chúa, làm theo mạng lệnh và luật lệ của Chúa: đó là sự khôn ngoan và sự thông sáng. Tâm niệm, thái độ kính sợ Chúa phải dẫn đến hành vi tuân thủ mạng lệnh và luật lệ của Chúa.

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

NGÀY 21 THÁNG 10. NHÓM BẾT-SA-LÊ-ÊN (5)

2. Chúa đầy dẫy Thần của Ngài trên Bết-sa-lê-ên.
(Người lãnh đạo được đầy dẫy Thần Linh của Chúa)


- Thần Linh của Chúa không phải chỉ đầy dẫy trên Môi-se, người lãnh đạo thuộc linh, Thần Linh của Chúa cũng đầy dẫy trên Bết-sa-lê-ên. Điều này cho thấy trong mọi lãnh vực của cộng đồng Cơ Đốc, người rao giảng ở trong nhà thờ, người kiếm sống ở thương trường... đều cần được đầy dẫy Thần Linh của Đức Chúa Trời.

- Hơn thế nữa, Bết-sê-lê-ên là người lãnh đạo, là giám đốc. Ông giữ một vai trò rất quan trọng đối với nhóm người cộng sự và làm việc với ông, ông cần đầy dẫy Thần Linh của Chúa.

- Nhờ đâu ông Bết-sa-lê-ên được đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời? Chúa phán truyền như sau: “Ta đã làm cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời...” Có lẽ chúng ta nghĩ rằng ông Bết-sa-lê-ên ở trong trạng thái thụ động – không làm gì cả – và chỉ nhận lấy Thần của Chúa đổ xuống trên mình. Tôi cứ sinh hoạt, cứ sống, rồi Đức Chúa Trời gọi tôi và tự nhiên Ngài đổ Thần của Ngài trên tôi.

Đúng là tôi phải nhận Thần Linh của Đức Chúa Trời trong trạng thái của một người thụ động. Tự tôi không là gì cả, Đức Chúa Trời yêu thương tôi, kêu gọi tôi, chọn lựa tôi và ban Thần Linh của Ngài trên tôi. Nhưng tôi đã sinh hoạt như thế nào? Tôi sinh sống như thế nào? Bí quyết nào mà ông Bết-sa-lê-ên được đầy dẫy Thần của Chúa?

Ông Bết-sa-lê-ên là một trong những người được Chúa giải thoát khỏi Ai-cập. Ông không sống trong thân phận của một người nô lệ nữa. Nhưng không phải tất cả những người được Chúa cứu khỏi Ai-cập đều được đầy dẫy Thần của Chúa.

Trong khi Chúa nói chuyện với ông Môi-se ở trên núi Si-nai (Xuất 31:1-11), ông Bết-sa-lê-ên ở đâu? Ông đang sống với dân I-xơ-ra-ên ở chân núi, họ đang chờ đợi ông Môi-se trở xuống. Trong thời gian chờ đợi ở chân núi, dân I-xơ-ra-ên làm gì? Chương 32:1-6 mô tả những điều sai trật của dân I-xơ-ra-ên. Họ đã đi theo ý riêng, làm một con bò vàng để thờ lạy. Liệu ông Bết-sa-lê-ên có trong nhóm người đúc con bò vàng không? Có tham gia vào việc lập bàn thờ cho con bò vàng không?

Nếu ở trên núi Chúa nói với ông Môi-se: “Ta đã làm cho người (Bết-sa-lê-ên) đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời...” thì chắc chắn ở chân núi ông Bết-sa-lên-ên vẫn sống trung thành với Chúa, không dính dấp vào tội thờ con bò vàng.

Sống theo bản ngã, không kiên trì trung thành thờ Chúa thì không thể đầy dẫy Thần của Chúa. Một đời sống được Chúa cứu vẫn có thể còn đầy dẫy cái tôi, bản ngã. Đức Chúa Trời không thể đầy dẫy Thần của Ngài trong một đời sống chưa hoàn toàn quy phục Ngài

(Còn tiếp)
XuânThu (XuânThu Sách Cơ Đốc)