Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

NGÀY 31 THÁNG 7. CÂY NÔ-EN

Cầu xin Đức Chúa Trời Hy Vọng cho anh em tràn ngập vui mừng và bình an khi anh em tin cậy Ngài, nhờ đó lòng anh em chứa chan hy vọng do quyền năng của Chúa Thánh Linh. (Rô-ma 15:13 - BHĐ)

Trước hết, sứ đồ Phao-lô cầu xin Đức Chúa Trời. Trong Rô-ma 15:5 sứ đồ Phao-lô viết: Cầu xin Đức Chúa Trời Kiên Nhẫn và An Ủi ban cho anh em tinh thần hợp nhất theo gương Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong Rô-ma 15:13 sứ đồ Phao-lô viết: Cầu xin Đức Chúa Trời Hy Vọng cho anh em tràn ngập vui mừng và bình an khi anh em tin cậy Ngài. Đức Chúa Trời chẳng những là Đấng Kiên Nhẫn, Đấng An Ủi, Ngài còn là Đức Chúa Trời Hy Vọng. Thật ý nghĩa khi sứ đồ Phao-lô đề cập đến Đức Chúa Trời Hy Vọng cho các tín hữu tại Rô-ma. Trong quá khứ, họ từng tôn thờ Nữ thần Hy Vọng. Đền thờ Nữ thần này từng bị cháy do sét đánh, sau đó được xây dựng lại nhưng cũng bị thiêu rụi. Trước khi đề cập đến niềm hy vọng của các tín hữu, sứ đồ Phao-lô đã trích dẫn: Hậu tự nhà Gie-sê sẽ xuất hiện để cai trị các dân tộc, và họ sẽ đặt hy vọng nơi Ngài.” (Rô-ma 15:12)

Đức Chúa Trời ban cho người tin Ngài sự vui mừng và bình an đúng như lời hứa Chúa sẽ giữ an ninh tuyệt đối người nào để tâm trí mình nương cậy Chúa, vì người tin tưởng nơi Chúa. (Ê-sai 26:3)

Tiếp theo, sứ đồ Phao-lô đề cập đến quyền năng của Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời Hy Vọng là nguồn gốc của niềm hy vọng và là đối tượng của niềm hy vọng của chúng ta. Đức Thánh Linh là Đấng ban sức mạnh cho chúng ta. Người tin Chúa có niềm vui, sự bình an và hy vọng. Nhưng niềm vui không phải là cảm xúc nhất thời chóng qua; bình an không phải tạm bợ do trần gian hoặc dựa vào hoàn cảnh; hy vọng không phải do nỗ lực của cá nhân mà là nhờ quyền năng Đức Thánh Linh. Như vậy, đời sống của chúng ta cần lệ thuộc vào Đức Thánh Linh.

Khi ở trần gian đời sống và chức vụ của Chúa Giê-xu gắn liền với Đức Thánh Linh. Khi Ngài chịu báp-tem, Thánh Linh lấy hình dạng chim bồ câu giáng trên Ngài. (Lu-ca 3:22) Rồi được đầy dẫy Thánh Linh, từ sông Giô-đanh Chúa Giê-xu trở về và được Thánh Linh đưa vào sa mạc, chịu ma quỷ cám dỗ. (Lu-ca 4:1) Sau khi đắc thắng ma quỷ, Chúa Giê-xu trở về miền Ga-li-lê với quyền năng của Thánh Linh. (Lu-ca 5:14) Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở các tín hữu: Anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh vì Thánh Linh Đức Chúa Trời đang ngự trong lòng anh em. (Rô-ma 8:9) Sứ đồ Phao-lô cũng cầu nguyện để chúng ta biết được quyền năng vô cùng lớn lao của Ngài đang tác động trong chúng ta, là người tin nhận Ngài. (Ê-phê-sô 1:19)

Sự vui mừng, bình an của bạn đến từ đâu? Có phải do Đức Chúa Trời ban cho khi bạn tin cậy Ngài không? Nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh nếp sống vui mừng, bình an có được duy trì và phát triển trong bạn không? (Ga-la-ti 5:22)  

Sau khi tin Chúa, niềm hy vọng của bạn là gì? Có phải niềm hy vọng của chúng ta là sẽ thấy Chúa và sẽ giống như Ngài không?   Mặc dù chưa biết hết tương lai nhưng chúng ta biết chắc khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ giống như Ngài vì chúng ta sẽ thấy chính Ngài. (I Giăng 3:2) Có phải niềm hy vọng của chúng ta là sẽ chia sẻ vinh quang với Ngài không? Chúa Cứu Thế nâng chúng ta lên địa vị hiện tại, cho hưởng đặc ân làm con Đức Chúa Trời, chúng ta hân hoan vì hy vọng được chia sẻ vinh quang với Ngài. (Rô-ma 5:2)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

NGÀY 30 THÁNG 7. PHỤ NỮ CƠ ĐỐC (2)

Họ phải dạy đạo lý và huấn luyện phụ nữ trẻ tuổi biết yêu chồng thương con, khôn khéo, trinh chánh, hiền hoà, biết tề gia nội trợ, tùng phục chồng, hầu cho Đạo Đức Chúa Trời không bị xúc phạm. (Tít 2:4-5 – BHĐ)

2. Nội dung dạy và huấn luyện
Sứ đồ Phao-lô cho rằng phụ nữ phải trang sức bằng việc lành, yên lặng học hỏi với tinh thần vâng phục. (I Ti-mô-thê 2:10-11)

-Yêu chồng thương con. Vai trò của người nữ rất quan trọng, không thể xem thường ảnh hưởng của người nữ trong gia đình, trong hội thánh và trong xã hội. Phụ nữ trẻ phải được hướng dẫn trước nhất về tình yêu đôi lứa, về hôn nhân và gia đình. Tình yêu thương đối với chồng con không phải chỉ là cảm xúc mà đòi hỏi sự hy sinh và phải gắn bó.

Khi đề cập đến phụ nữ Cơ Đốc lớn tuổi dạy phụ nữ trẻ tuổi biết cách thương yêu chồng con tức là giới phụ nữ Cơ Đốc lớn tuổi phải làm gương cho các phụ nữ trẻ. Sau nhiều năm sống trong hôn nhân Cơ Đốc, những phụ nữ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ lại cho thế hệ tiếp theo.

-Khôn khéo. Cũng có nghĩa là tự chủ, mềm mại hoà nhã (I Ti-mô-thê 3:2) Rất dễ đánh mất sự quân bình trong đời sống thuộc linh, trong sinh hoạt gia đình. Người Cơ Đốc cần ý thức điều gì nên làm, điều gì không nên làm trong nếp sống gia đình. Tránh những trường hợp quá mấu, sa đà, mất tự chủ.    

-Trinh chánh. Trong khi xã hội không đề cao giá trị đạo đức, xem thường trinh tiết, sứ đồ muốn trình diện hội thánh như một trinh nữ cho Chúa Cứu Thế. (II Cô-rinh-tô 11:2) Đối với phụ nữ Cơ Đốc cũng vậy, họ cần có đời sống thánh sạch trong hôn nhân. Thời xưa cũng như ngày nay, xã hội đầy dẫy những quan niệm và lối sống phóng túng trong mối liên hệ về tình yêu và tình dục. Người Cơ Đốc nói chung, phụ nữ Cơ Đốc nói riêng cần có đời sống thánh sạch trong tư tưởng, lời nói, cách ăn mặc và hành động. 

-Hiền hoà. Phụ nữ Cơ Đốc trẻ chẳng những suốt đời đem hạnh phúc cho chồng (Châm Ngôn 31:12), họ còn có mối liên hệ tốt đẹp với người xung quanh để được đánh giá là tử tế, tốt lành. Phụ nữ Cơ Đốc phải là những phụ nữ nổi tiếng nhân đức,… phục vụ thánh đồ, cứu giúp người hoạn nạn và siêng năng làm việc lành. (I Ti-mô-thê 5:10 – BHĐ)

-Biết tề gia nội trợ. Sứ đồ Phao-lô không có ý nói rằng phụ nữ chỉ làm việc nhà, nhưng trách nhiệm của phụ nữ là trông nom việc nhà. Thay vì quen thói ở không, đi hết nhà này sang nhà khác, lại còn ngồi lê đôi mách, xen vào việc người khác, nói những lời không đáng nói (I Ti-mô-thê 5:13 – BHĐ), phụ nữ Cơ Đốc cần được dạy dỗ và huấn luyện để biết và lo tề gia nội trợ (I Ti-mô-thê 5:14 – BHĐ). Đây là việc phục vụ Chúa trong gia đình.

-Tùng phục chồng. Do lòng kính sợ Chúa Cứu Thế, anh em hãy tùng phục nhau. Vợ phải tùng phục chồng như tùng phục Chúa. (Ê-phê-sô 5:21-22 – BHĐ) Đây không phải là lời khuyên một chiều vì kế tiếp có lời khuyên cho người chồng (Ê-phê-sô 5:21-33) Phụ nữ Cơ Đốc tùng phục chồng trong tinh thần tôn trọng và yêu thương chớ không phải trong thân phận nô lệ sợ hãi đầy oán hận. 

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  


Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

NGÀY 29 THÁNG 7. PHỤ NỮ CƠ ĐỐC (1)


Họ phải dạy đạo lý và huấn luyện phụ nữ trẻ tuổi biết yêu chồng thương con, khôn khéo, trinh chánh, hiền hoà, biết tề gia nội trợ, tùng phục chồng, hầu cho Đạo Đức Chúa Trời không bị xúc phạm. (Tít 2:4-5 – BHĐ)

“Họ” là những phụ nữ Cơ Đốc lớn tuổi thuộc thế hệ trước, là những tín hữu đã trải qua nhiều năm tháng sinh hoạt trong hội thánh, được học lời Chúa và có kinh nghiệm thuộc linh. “Họ” cũng là những người vợ trong gia đình Cơ Đốc giống như cụ Lô-ít là mẹ của bà Ơ-nít. (II Ti-mô-thê 1:5) 

“Họ” là những phụ nữ Cơ Đốc lớn tuổi có những đặc điểm và phẩm chất tốt đẹp: Điềm đạm, đứng đắn, khôn khéo, vững vàng trong đức tin, làm mọi việc với lòng yêu thương nhẫn nại. Có nếp sống khả kính, không ngồi lê đôi mách hoặc nghiện rượu. (Tít 2:2-3) Đây là những phụ nữ có uy tín, đáng được tôn trọng, có thẩm quyền, có đủ trình độ thuộc linh, có tình yêu thương, có nếp sống đạo đức tốt. Nói cách khác, “họ” là những người có đời sống Cơ Đốc mẫu mực đáng cho các phụ nữ khác noi theo.

Giới lãnh đạo hội thánh cần tôn trọng họ và giao phó trách nhiệm cho họ để giúp ích cho cộng đồng Cơ Đốc.

1. Họ phải dạy đạo lý và huấn luyện phụ nữ trẻ tuổi

Sứ đồ Phao-lô không cho phép phụ nữ Cơ Đốc giảng dạy giữa hội thánh. Phụ nữ không được dạy dỗ hoặc cầm quyền trên chồng mình nhưng phải yên lặng. (I Ti-mô-thê 2:12 – BHĐ) Tuy nhiên phụ nữ Cơ Đốc lớn tuổi vẫn có cơ hội phục vụ hội thánh thông qua việc dạy đạo lý và huấn luyện phụ nữ trẻ tuổi trong gia đình lẫn trong hội thánh.

Khi trong cộng đồng Cơ Đốc có các giáo sư mạo nhận chỉ vì tiền tài mà dạy dỗ những điều sai lạc, khiến nhiều gia đình lìa bỏ chân lý Đức Chúa Trời (Tít 1:11) thì vai trò của các phụ nữ Cơ Đốc lớn tuổi giống như một giáo sư chân thật, giúp các phụ nữ trẻ đã có gia đình hiểu rõ Kinh Thánh và xây dựng gia đình của mình theo tiêu chuẩn Cơ Đốc. Cụ Lô-ít dạy dỗ con mình là bà Ơ-nít, mẹ của Ti-mô-thê. Thậm chí về sau còn dạy dỗ cháu là Ti-mô-thê. Nếu ông Phao-lô nhắc nhở ông Ti-mô-thê: Từ tuổi ấu thơ, con biết Kinh Thánh có năng lực đào tạo con nên người khôn ngoan để tiếp nhận ân cứu rỗi do đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. (II Ti-mô-thê 3:15) thì mẹ của ông cũng đã được bà ngoại dùng Kinh Thánh để dạy dỗ và hướng dẫn khi còn là một thiếu nữ.  

Khi trong cộng đồng Cơ Đốc có những người ưa lạc thú hơn là yêu mến Chúa, giữ hình thức đạo đức, nhưng trong lòng chối bỏ quyền năng đạo đức…, họ lẻn vào nhà người khác để chinh phục các phụ nữ khờ dại, cưu mang tội lỗi, buông thả theo tình dục (II Ti-mô-thê 3:4-6) thì các phụ nữ lớn tuổi có vai trò hướng dẫn và giúp các phụ nữ trẻ biết tự bảo vệ đời sống hôn nhân và gia đình của họ.  

Nếp sống của người tin Chúa rất quan trọng. Trong thư viết cho Tít, sứ đồ Phao-lô không muốn Đạo của Đức Chúa Trời bị xúc phạm. Nếu giới lãnh đạo hội thánh phải có đời sống đừng để ai chê trách (Tít 1:7), kẻ thù nghịch không chỉ trích được (Tít 2:8), thì đời sống của giới phụ nữ Cơ Đốc, đặc biệt là phụ nữ trẻ cũng phải khiến cho  người thù nghịch không thể nào chê trách được. (I Ti-mô-thê 5:14b – BHĐ) Đạo Đức Chúa Trời không bị xúc phạm thì Tin Lành mới có ảnh hưởng tốt trong cộng đồng xã hội.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  


Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

NGÀY 28 THÁNG 7. HÃY NGỢI KHEN CHÚA

Cầu xin sự bình an của Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng anh em; phải sống hoà thuận với nhau vì anh em đều thuộc về Thân thể duy nhất của Chúa; hãy tạ ân Ngài. (Cô-lô-se 3:15 – BHĐ)

-Bình an với Chúa Cứu Thế. Sứ đồ Phao-lô cầu xin sự bình an của Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng anh em. Đây là sự bình an của Đức Chúa Trời mà con người không thể nào hiểu thấu sẽ bảo vệ trí óc và tâm khảm anh em, khi anh em tin cậy Chúa Cứu Thế. (Phi-líp 4:7)

Đây là sự bình an trong tâm hồn do Chúa ban cho, sự bình an này hoàn toàn khác sự bình an của trần gian. Chúa Giê-xu phán: ta để lại cho các con sự bình an trong tâm hồn. Ta ban cho các con sự bình an ta, chẳng phải thứ bình an mong manh của trần gian. Lòng các con đừng bối rối, sợ hãi. (Giăng 14:27)

Sự bình an của Chúa Cứu Thế ngự trị trong tâm linh. Ngài ban cho chúng ta sự bình an để chúng ta biết ý muốn của Chúa là thế nào. Khi dự định tiến hành một công việc nào, sau khi quyết định chúng ta có thể căn cứ vào lòng bình an hoặc bất an để biết chúng ta đang làm đúng theo sự chỉ dẫn của Chúa hay không.

Khi suy nghĩ điều gì, hoặc làm bất cứ việc gì, mà lòng nghi ngại, chúng ta cần tự hỏi: Việc này có đem lại bình an cho tâm linh không? Nếu không bình an thì đừng suy nghĩ đến, đừng thực hiện việc đó, vì Chúa không vui lòng.

Sự bình an của Chúa Cứu Thế trong tâm linh là thước đo, là trọng tài, là sự bảo vệ cho đời sống của những người tin cậy Ngài.

-Bình an với nhau.  Nếu trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời, mỗi cá nhân được hưởng sự bình an với Ngài thì trong mối liên hệ với anh em cùng niềm tin cũng phải có sự bình an. Sống hoà thuận với nhau là sự bình an trong cộng đồng Cơ Đốc. Nếu sự bình an của Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng anh em thì sự bình an đó cũng ngự trị giữa hội thánh của Đức Chúa Trời.

Hoà thuận, hiệp một và hoà hợp là kết quả của đời sống Cơ Đốc có mối liên hệ bình an với Đức Chúa Trời. Đây là trắc nghiệm để mỗi cá nhân lẫn cộng đồng Cơ Đốc nhận biết thật sự đã hưởng được sự bình an của Chúa hay chưa. Một cá nhân nhận mình đang hưởng sự bình an của Chúa mà không chịu hoà thuận với anh em mình là điều vô lý. 

Sứ đồ Phao-lô viết: Vì anh em đều thuộc về Thân duy nhất của Chúa, cho nên nếu anh em chỉ tìm kiếm sự bình an cho mình mà cách ly khỏi Thân của Chúa thì đó không phải là ý muốn của Chúa khi ban sự bình an của Ngài cho anh em. Nói cách khác sự bình an của Chúa ngự trị trong lòng anh em là đặc ân Chúa ban cho, còn sự bình an giữa anh em với nhau trong hội thánh là trách nhiệm của người nhận đặc ân của Chúa.

-Biết tạ ân Chúa. Người có sự bình an của Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng được bộc lộ qua nét đẹp là hoà thuận với anh em cùng niềm tin và qua thái độ biết ơn Chúa. Đây là tinh thần lạc quan, là thái độ vui mừng của người luôn sống trong sự bình an của Chúa. Anh em nói hay làm gì cũng phải nhân danh Chúa Giê-xu và nhờ Ngài mà cảm tạ Chúa Cha. (Cô-lô-se 3:17)  

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

NGÀY 27 THÁNG 8. CỔNG CA NGỢI

Đất nước ngươi sẽ không còn nghe chuyện áp bức, hung tàn; lãnh thổ ngươi không còn đổ nát, tiêu điều nữa. Bảo toàn ngươi sẽ có tường luỹ Cứu độ và cổng Ngợi khen. (Ê-sai 60:18 – BHĐ)

Kinh Thánh mô tả lịch sử loài người bắt đầu ở khu vườn Ê-đen (Sáng Thế Ký) và kết thúc ở một thành phố. Họ sẽ gọi Giê-ru-sa-lem là “thành phố Chúa Hằng Hữu” là “Thủ đô Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên”. (Ê-sai 60:14b)       

Tiên tri Ê-sai đã báo trước về “ngày ấy” của đất nước I-sơ-ra-ên và thành Giê-ru-sa-lem, thủ đô của Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên trong nội dung câu hát: Ngày ấy, bài ca này sẽ vang lừng trong xứ Giu-đa: Chúng ta có một Thành kiên cố! Sự cứu rỗi của Chúa là thành đồng lũy sắt bảo vệ chúng ta!  (Ê-sai 26:1)

Trong thời kỳ cuối cùng, Giê-ru-sa-lem và Đền thờ của Chúa sẽ là đệ nhất kỳ quan trên thế giới. Tất cả các dân tộc sẽ kéo về đó để thờ lạy Chúa Hằng Hữu. Đó là thời kỳ Chúa sẽ ngự tại Giê-ru-sa-lem để cai trị toàn thế giới. Ngài sẽ phân xử các vụ tranh chấp quốc tế. Tất cả các dân tộc sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi hái. Các cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt; các chương trình huấn luyện quân sự sẽ bị bãi bỏ… (Ê-sai 2:2-4) cho nên đất nước ngươi sẽ không còn nghe chuyện áp bức, hung tàn; lãnh thổ ngươi không còn đổ nát, tiêu điều nữa.

Trong thế giới Đức Chúa Trời cai trị không có cảnh bạo lực, chẳng có cảnh chiến tranh. Cảnh tượng đốt phá ruộng vườn, trang trại, nhà cửa; cảnh từ thôn quê đến thành thị bị hủy phá không còn nữa. Những cuộc diễu hành của đội quân chinh phạt chấm dứt.

Sự cứu rỗi là tường thành ngụ ý người sống trong “Thành phố của Chúa Hằng Hữu” không cần xây dựng tường thành để bảo vệ. Tường thành bảo vệ dân trong thành không do con người xây dựng. Chính Đức Chúa Trời là tường thành bảo vệ họ. Chúa Hằng Hữu sẽ là một bức tường lửa bao bọc Giê-ru-sa-lem, Ngài là vinh quang của thành. (Xa-cha-ri 2:5) Ngài bảo vệ người tin Ngài bằng sự cứu rỗi.

Sự cứu rỗi là tường thành ngụ ý người trong thành không cần một loại tường thành nào khác để bảo vệ ngoại trừ sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi của Chúa là thành đồng lũy sắt bảo vệ chúng ta.  

Nếu trong quá khứ tường thành Giê-ru-sa-lem đổ nát, cổng thành cháy rụi (Nê-hê-mi 1:3b), khi Đức Chúa Trời cai trị sẽ là bình an và vui mừng. Nơi hung dữ, nơi đổ nát, hoang vu sẽ trở thành nơi cứu rỗi, nơi ngợi khen.

Sự ca ngợi là cổng thành là kết quả tất nhiên của những ai sống trong thành lũy cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Cổng Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi dùng để thờ phượng, cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa Trời (II Sử Ký 31:2) Ước ao của người sống trong ơn cứu rỗi là tại cửa con gái Si-ôn, con tỏ ra mọi sự ngợi khen Chúa, và mừng rỡ về sự cứu rỗi của Ngài. (Thi Thiên 9:14) Lời mời gọi cho mọi người là Hãy qua cổng Đền với lời cảm tạ, vào sân Đền với tiếng ngợi ca, cảm ta tôn vinh danh Đấng Cao cả. (Thi Thiên 100:4)

Bài ca về đất nước I-sơ-ra-ên, về Giê-ru-sa-lem được lập lại, cũng là bài ca về mỗi đời sống con dân của Đức Chúa Trời.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)