Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

NGÀY 1 THÁNG 6. XIN GIÚP CON!

Những học sinh trong trường học của Đức Chúa Trời luôn luôn phải làm bài thi. Không có bài thi nào quá dễ, cũng chẳng có bài thi nào quá khó. 

Khi chúng ta bị cám dỗ, sứ đồ Phao-lô cho biết: “Anh em không phải đương đầu với một cám dỗ nào quá sức chịu đựng của con người. Đức Chúa Trời luôn thành tín. Ngài không để anh em bị cám dỗ quá sức đâu, nhưng trong cơn cám dỗ Ngài cũng mở lối thoát để anh em đủ sức chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13) 

Khi chúng ta chịu thử thách, sứ đồ Gia-cơ khuyên: “Hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn…” (Gia-cơ 1:2) Bài thi, thử thách, có giá trị giúp cho nghị lực phát triển, học sinh trở nên vững mạnh và được trang bị đầy đủ để đương đầu với mọi cảnh ngộ. (Gia-cơ 1:4) 

Tuy nhiên trong trường học của Đức Chúa Trời chẳng phải trò nào cũng giỏi như nhau. Có người kém khôn ngoan, chưa hiểu biết đường lối của Chúa, chưa hiểu hết nội dung yêu cầu nên chưa tìm ra lời giải đáp cho bài thi trong cuộc đời mình. Phải làm gì khi nhận biết tình trạng kém cỏi của mình? Phải làm gì để vượt qua những thách thức trong trường học của Đức Chúa Trời?

1. Cam chịu. Có nên cam chịu, chấp nhận sống với tình trạng thiếu khôn ngoan, chấp nhận sống không hiểu biết đường lối Chúa? Đây là thái độ tiêu cực chẳng khác gì thí sinh ngồi trong phòng thi mà không lo làm bài thi hoặc làm ẩu cho xong chuyện. Cách làm bài thi như vậy không thể nào đạt chuẩn mực và chắc chắn sẽ rớt trong kỳ thi ở trường đào tạo của Đức Chúa Trời.

2. Cầu xin. Sứ đồ Gia-cơ khuyên nên có thái độ tích cực: “Hãy cầu xin Ngài chỉ dẫn.” Tuy nhiên, nên cầu xin Ngài chỉ dẫn như thế nào? 

-Nhiều học sinh trong trường của Đức Chúa Trời xin Ngài làm bài giùm cho họ. Họ tin Đức Chúa Trời là Đấng Khôn ngoan, họ chẳng cần làm gì cả, họ xin Chúa làm luôn bài thi cho họ. Cầu xin như vậy là sai lầm, chẳng khác gì yêu cầu giáo viên ra đề thi trở thành học viên làm bài thi. 

-Cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan, xin Chúa chỉ dẫn nghĩa là không cậy sự khôn ngoan theo tánh xác thịt. (2 Cô-rinh-tô 1:12) nhưng tin cậy vào sự chỉ dẫn của Chúa để có thể hiểu biết, tự mình tìm hiểu, tự mình tìm ra đáp án đúng để vượt qua những thách thức trong kỳ thi.

Sứ đồ Gia-cơ nhắc nhở rằng Đức Chúa Trời là Đấng luôn luôn sẵn sàng ban khôn ngoan dồi dào cho người cầu xin Ngài. Cho nên việc đầu tiên khi làm bài thi của Đức Chúa Trời, khi đối diện với thử thách là cầu xin sự khôn ngoan.  

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  

NGÀY 31 THÁNG 5. CHỈ CẦN LẮP RÁP


Hầu hết những câu Châm Ngôn về vấn đề khôn ngoan được viết ở dạng lời khuyên dạy của người cha dành cho con. Từ ngữ “con” (“của con”) và “Ngài” (“Đức Gia-vê”) được nhắc đến nhằm nhấn mạnh đến mối liên quan giữa một cá nhân với Đức Chúa Trời.

1. Thái độ đối với Chúa
-Tin cậy Đức Gia-vê. Mặc dù tin Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất có thể nối lại mối liên hệ giữa bạn với Đức Chúa Trời, nhưng tin cậy Chúa không phải chỉ cần nói mình tin Chúa, cũng không phải chỉ cần xác nhận niềm tin. Nhiều người tin Chúa nhưng không phải ai cũng tin cậy Chúa.

Hết lòng tin cậy mô tả thái độ tin cậy, cách thức tin cậy và mức độ tin cậy. Tin cậy nghĩa là nhận biết Đức Chúa Trời đáng tin và dựa hẳn vào Ngài, hoàn toàn trông cậy Ngài. Có người tin Chúa nhưng chỉ tin cậy một phần nào thôi, tin cậy Chúa trong việc này nhưng không tin cậy Chúa trong việc kia. Hoặc tin cậy theo kiểu sau khi đã nhờ cậy đủ nơi đủ chỗ, khi chẳng còn cách nào khác nên chỉ còn một cách cuối cùng. Đó là tin cậy Chúa. Hoặc tin cậy Chúa nhưng cũng tin cậy con người.

Hết lòng tin cậy là chỉ tin cậy Chúa mà thôi. Tin cậy Chúa từ đầu đến cuối. Trong cảnh ngộ nào cũng tin cậy Chúa.

- Nhận biết Chúa trong những công việc của mình. Nhận biết Chúa không phải là công nhận có Chúa ở thiên đàng, nhưng nhận biết rằng Chúa có mặt trong tất cả mọi chi tiết của đời sống.

Đôi khi chúng ta chỉ nhận biết có Chúa trong những việc thiêng liêng mà không nhận biết có Chúa trong những việc đời thường. Chúng ta nhận biết có Chúa trong những việc thuộc linh, còn việc thuộc thể thì chúng ta tự lo toan. Trong mọi công việc, chúng ta cần nhận biết Chúa đang ở cùng, đang nhìn thấy, đang hợp tác, đang dẫn dắt.

2. Thái độ đối với bản thân
Một khi chúng ta có thái độ đúng đắn đối với Chúa thì sẽ có thái độ đúng đắn đối với bản thân.

- Không nương cậy nơi sự khôn ngoan riêng. Khi đã hết lòng tin cậy Chúa thì sẽ không nương cậy vào sự khôn ngoan của riêng mình. Người hết lòng tin cậy Chúa sẽ không bắt cá hai tay, không vừa nương cậy nơi sự khôn ngoan của Chúa vừa nương cậy nơi sự khôn ngoan của con người.

- Theo sự chỉ dẫn của Chúa. Phần thưởng dành cho người hết lòng tin cậy Chúa và nhận biết có Chúa trong công việc của mình là được Chúa chỉ dẫn. Người hết lòng tin cậy Chúa cần chú ý rằng tin cậy Chúa không có nghĩa là chẳng làm gì cả. Ngược lại người hết lòng tin cậy Chúa sẽ hành động theo sự dẫn dắt của Chúa.

Trong cuộc sống và công việc hằng ngày, bạn có tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa qua Kinh Thánh không? Bạn có sống và làm việc theo sự chỉ dẫn của Chúa không?

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

NGÀY 30 THÁNG 5. ĐẠI TIỆC CỨU RỖI

Đến giờ nhập tiệc, ông sai đầy tớ đi nhắc khách: “Kính mời quý khách đến, mâm đã dọn xong rồi!”                
(Lu-ca 14:17 – Bản Phạm Xuân)

Tại một tiệc chiêu đãi Chúa Giê-xu, một khách đồng bàn với Ngài thưa: “Ai được dự tiệc trong Nước Đức Chúa Trời mới thật có phúc!” (Lu-ca 14:15) Làm thế nào để được dự tiệc trong Nước Đức Chúa Trời?

Chúa Giê-xu ví nước thiên đàng với tiệc cưới do đức vua tổ chức cho con trai của mình. Để tổ chức đại tiệc này, Chủ tiệc là Vua cho chuẩn bị: nào là hạ thịt “bò bê và thú béo”, nào là đặt bàn, nào là “mâm” dọn lên, rồi tôi tớ phục vụ đâu vào đấy, tất cả chuẩn bị xong và “tất cả đều sẵn sàng” (Ma-thi-ơ 22:2-4)

Phần việc của các đầy tớ là đi mời và đi nhắc khách. Chủ tiệc thật chu đáo. Một thời gian trước đó, các đầy tớ vâng lời Vua chuyển lời mời dự tiệc đến cho  nhiều người. Đức Chúa Trời dùng tôi tớ của Ngài các tiên tri công bố “Đại tiệc Cứu rỗi” cho dân I-sơ-ra-ên và toàn thể nhân loại. Tiên tri Ê-sai kêu gọi: “Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến mua mà ăn! Hãy đến mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá.” (Ê-sai 55:1) Đức Chúa Trời dùng ông Giăng Báp-tít làm người đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Khi thấy Chúa Giê-xu đến cùng mình, ông Giăng Báp-tít, đã giới thiệu món ăn trong “Đại tiệc Cứu rỗi” như sau: “Đây là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng tiêu diệt tội lỗi của nhân loại!” (Giăng 1:29)

Sau khi Chúa Giê-xu chịu chết, được chôn và sống lại, “Đại tiệc” chuẩn bị xong, tất cả đã sẵn sàng, các môn đệ của Ngài, hội thánh của Ngài từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên cho đến ngày nay là những đầy tớ của Chủ tiệc có trách nhiệm đi khắp thế gian công bố về “Đại tiệc Cứu rỗi”. Lời mời của Chủ tiệc được công bố và được nhắc lại cho tất cả mọi người. 

“Đầy tớ đi nhắc khách” là công việc của hội thánh, của mỗi Cơ Đốc nhân. Thật đáng buồn khi chúng ta chưa vâng lời Chủ tiệc trong việc mời khách. Ngày nay, nhiều người Việt Nam, nhiều dân tộc sống trên mảnh đất hình chữ S vẫn chưa biết gì về “Đại tiệc Cứu rỗi” của Đức Chúa Trời chỉ vì những người tin Chúa, những người được kêu gọi phục vụ Ngài, chưa chịu loan báo Tin Lành cứu rỗi.

Thay vì “đi” mời, “đi” nhắc, chúng ta cứ ở một chỗ trong nhà thờ để gọi là công bố, truyền giảng. Nếu mỗi tín hữu chịu vào đời để sống Phúc Âm, bày tỏ Tin Lành của Chúa Cứu Thế thì sẽ có nhiều người Việt biết đến Tin Lành. Có vâng lời Chủ “đi mời” khách thì mới có thời điểm “đi nhắc”  khách về bữa tiệc.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

NGÀY 29 THÁNG 5. NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG

Trong lời giã biệt của Chúa Giê-xu, nhiều lần Chúa nói về Đức Thánh Linh:

(1)Về phần ta, ta sẽ cầu xin Cha, và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng khác, tức là Đấng Phù Hộ, để ở với anh em mãi mãi. Ngài là Thánh Linh, Đấng giãi tỏ Chân lý về Đức Chúa Trời. (Giăng 14:16-17)

(2)Nhưng Đấng Phù Hộ, tức là Thánh Linh, Đấng Đức Chúa Cha sẽ nhân danh ta sai đến, sẽ dạy bảo anh em tất cả và nhắc nhở anh em nhớ lại mọi điều ta đã truyền cho anh em. (Giăng 14:26)

(3)Đấng Phù Hộ sẽ đến – Ngài là Thánh Linh, Đấng giãi tỏ Chân lý về Đức Chúa Trời, và là Đấng đến từ Cha. Ta sẽ gởi Ngài từ Cha đến cùng anh em, và Ngài sẽ làm chứng về ta. (Giăng 15:26)

(4)Nếu ta không đi, Đấng Phù Hộ sẽ không đến với anh em… (Giăng 16:7-11)

Thánh Linh, Đấng giãi tỏ Chân lý về Đức Chúa Trời, đến. Chúa Giê-xu báo trước rằng Đức Thánh Linh sẽ đến. Ngài báo trước cho chúng ta biết Ngài chính là Đức Chúa Trời: Ta báo trước việc tương lai cho các ngươi biết! Vì ta là Chân Thần duy nhất, không có Chân Thần nào khác ngoài ta. (Ê-sai 46:9 – Bản Hiên Đại) Đồng thời Ngài là Đấng thừa biết nhu cầu tâm linh của các môn đệ trước khi họ cầu xin (Ma-thi-ơ 6:8).

Thánh Linh, Đấng giãi tỏ Chân lý về Đức Chúa Trời. Dẫn dắt anh em vào toàn bộ Chân lý. Động từ dẫn dắt gợi ý người cha cầm tay con dẫn dắt con đi bên mình. Người con cần để cha nắm tay mình mà dẫn đi. Nhiều người không tin cậy đặt sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, không để cho Ngài hướng dẫn. Họ tự mình đi tìm Chân lý nên lầm đường lạc lối rồi không tìm ra Chân lý. 

Trước khi đi cầu nguyện với các môn đệ ở vườn Ghết-sê- ma-nê, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện: Xin Cha thánh hoá họ bằng Chân lý! Lời Cha là Chân lý. (Giăng 17:17) Đức Thánh Linh đến để giãi tỏ Chân lý, để dẫn dắt anh em vào Lời của Ngài. Cần lưu ý là Thánh Linh giãi tỏ, dẫn dắt chớ không làm mọi điều cho chúng ta. Ngài là Giáo sư lớn chỉ dẫn cho chúng ta, nhưng Ngài không “làm bài” thay cho chúng ta. Phần việc của chúng ta là nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu và tin cậy sự dẫn dắt của Thánh Linh.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)  

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

NGÀY 28 THÁNG 5. XUỐNG HAY LÊN?


Trước khi đề cập đến chuyện có người sẽ bị hạ xuống và có người sẽ được tôn lên, Chúa Giê-xu khẳng định: “Còn người lớn nhất trong anh em phải là tôi tớ của anh em.” (Ma-thi-ơ 23:11) Như vậy nghĩa là người được Chúa dùng làm người lãnh đạo (người lớn nhất) trong anh em phải là người hạ mình xuống (là tôi tớ) của anh em. Tuy nhiên chẳng phải người lãnh đạo nào cũng sống theo lời Chúa dạy.

Chúa đề cập đến hai loại người kèm theo lời cảnh cáo những ai tôn mình lên, đồng thời có lời hứa cho những ai hạ mình xuống.

1. Tôn mình lên
Thông thường người tôn mình lên nghĩ rằng mình hơn thiên hạ. “Tôi xứng đáng hơn…”, “Tôi tốt đẹp hơn…”, “Tôi giỏi hơn…”.  Nghĩ rằng mình hơn người nên luôn tìm cho mình một vị trí cao. Thích được người khác công nhận mình, tôn trọng mình, tán dương mình.

Điều trầm trọng hơn là người được Chúa đặt vào chức vụ lãnh đạo thuộc linh lại tôn mình lên theo tinh thần thế gian, theo bản ngã nhằm thoả mãn tham vọng về chức tước và quyền lực. Đây là những người lãnh đạo thuộc linh biến ân tứ và sự kêu gọi thành quyền lực, chức tước và bổng lộc. Họ quên rằng chức vụ càng cao (lớn nhất) thì vị trí càng thấp (tôi tớ).

Chúa Giê-xu cảnh báo trước: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.” Tinh thần và cách sống Pha-ri-si sẽ bị triệt hạ. Nếu Sao Mai bụng bảo dạ rằng: “Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời… Ta sẽ lên trên cao…” để rồi phải xuống nơi Âm phủ, sa vào nơi vực thẳm, thì người tôn mình lên cũng không thoát khỏi việc bị hạ xuống.  

2. Hạ mình xuống
Hạ mình là tâm tình, thái độ và cách sống của người phục vụ Chúa và phục vụ mọi người. Hạ mình là tôn trọng người khác, coi người khác quan trọng hơn mình, là nhìn thấy và đặt nhu cầu của người khác trước và trên nhu cầu của mình. Hạ mình không phải vì khiếp nhược hoặc khiếp sợ nên phải làm thân trâu ngựa. Hạ mình cũng không phải là khổ nhục kế của người đang thực hiện kế hoạch hôm nay phải “xuống chó” để ngày mai “lên voi”.

Chúa Giê-xu phán: “Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Từ ngữ “còn” khiến chúng ta có cảm tưởng hiếm người chịu hạ mình xuống, hiếm người chấp nhận hạ mình. Ai sẽ tôn vinh người hạ mình? Chính Đức Chúa Trời, Ngài sẽ dùng hoàn cảnh và con người để tôn vinh người biết hạ mình.  

Người tôn mình lên hãy coi chừng quy luật của Chúa. Người hạ mình xuống hãy tin vào quyền của Chúa.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)