Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Ngày 30 tháng 11. TƯƠNG LAI ĐỨA CON BẤT HIẾU

     30 17 Con mắt nhạo báng cha mình,
                  Khinh sự vâng lời đối với mẹ mình,
                  Các con quạ của trũng sẽ móc con mắt ấy,
                  Và các chim ưng con sẽ ăn nó đi.

Câu Châm Ngôn này là lời cảnh báo cho loại người đáng ghét thứ nhất: Người rủa cha, mắng mẹ. (Châm Ngôn 30:11) Một công dân tốt trong xã hội, một tín hữu tốt trong Hội thánh, trước hết phải là người con tốt trong gia đình.

Mắt chế nhạo cha, khinh bỉ mẹ mô tả đứa con không tuân thủ điều răn của Chúa, bất hiếu với cha mẹ. Trong Mười Điều Răn, điều răn đầu tiên về mối liên hệ giữa con người là: Phải hiếu kính cha mẹ, như vậy ngươi mới được sống lâu trên đất Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời ban cho. (Xuất Ai Cập Ký 20:12) Vua Sa-lô-môn khuyên các con của mình bày tỏ lòng hiếu thảo qua việc: Lắng tai nghe lời khuyên dạy của cha. Khi mẹ già yếu con chớ khinh khi. (Châm Ngôn 23:22)

Mắt chế nhạo cha, khinh bỉ mẹ diễn tả nét mặt đáng ghét của đứa con bất hiếu. Đây là người con coi cha mẹ không ra gì. Chẳng những không tôn trọng người sinh ra mình mà còn khinh thường người nuối nấng và dạy dỗ mình. Đây cũng chính là hình ảnh của người đáng ghét thứ ba: Có người đôi mắt kiêu căng, với cái nhìn khinh người. (Châm Ngôn 30:13)

Mắt chế nhạo cha, khinh bỉ mẹ cũng mô tả tâm địa của đứa con bất hiếu. Con mắt là của sổ của tâm hồn. Ta có thể thấy sự kiêu ngạo, độc ác, xấu xa trong lòng đứa con bất hiếu khi nó nhìn cha mẹ, là người lớn tuổi hơn, cách chế nhạo và khinh bỉ

Đức Chúa Trời ghét sự bất kính, Ngài ghét thái độ không tôn trọng cha mẹ. Vế sau của câu Châm Ngôn báo trước đứa con bất hiếu sẽ nhận lấy hậu quả như thế nào. Nếu Điều răn thứ sáu có lời hứa được sống lâu cho người con có hiếu thì người con có mắt chế nhạo cha, khinh bỉ mẹ sẽ bị các con quạ của trũng móc con mắt ấy, và các chim ưng con sẽ ăn nó đi. Đây vừa là lời nguyền rủa: Ai khinh bỉ cha mẹ mình phải bị nguyền rủa. Toàn dân sẽ đáp: “A-men” (Phục Truyền 27:16), vừa mô tả ngọn đèn của kẻ chưởi cha mắng mẹ, phụt tắt đi giữa đêm tối âm u. (Châm Ngôn 20:20)

Hình ảnh ông Sam-sôn bị móc mắc (Quan Xét 16:21), ông Áp-sa-lôn bị treo lủng lẳng trên cây (II Sa-mu-ên 18:9) và những đứa con bất hiếu bị xử tử không ai chôn cất cảnh báo những người con đừng coi thường điều răn của Đức Chúa Trời.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Ngày 29 tháng 11. MÃN NGUYỆN NÓI: ĐỦ RỒI!


30 16 Tức là Âm phủ, người đàn bà son sẻ,
                  Đất không no đủ nước,
                  Và lửa mà chẳng hề nói: Đủ rồi!

-Âm phủ chẳng hề nói: Đủ rồi! Trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 153 ngàn người chết. Như vậy mỗi năm có trên 55 triệu người chết. Thỉnh thoảng người ta phải giải toả nghĩa trang. Cũng có thời người chết nhiều đến nỗi người ta không chôn cất kịp. Thế nhưng Âm phủ, nơi linh hồn con người phải đến, chẳng bao giờ nói: Hết chỗ rồi! Âm ty nuốt người không hề thoả mãn. (Châm Ngôn 27:20) Sứ đồ Giăng được Đức Chúa Trời cho thấy một con ngựa màu xám nhạt. Người cưỡi tên là Tử Vong, có Âm phủ theo sau. (Khải Huyền 6:8) Sự chết và Âm phủ đi với nhau có khả năng chứa tất cả, không từ chối một ai. Sự chết nuốt người không bao giờ no chán. (Ha-ba-cúc 2:5)

-Người đàn bà son sẻ chẳng hề nói: Đủ rồi! Khát khao của phụ nữ hiếm muộn là có con. Bà Sa-ra (Sáng Thế Ký 16:2), bà Ra-chên (Sáng Thế Ký 30:1), bà An-ne (I Sa-mu-ên 1:6, 10-11), người phụ nữ ở Su-nem (II Vua 4:14), bà Ê-li-sa-bét (Lu-ca 1:7) là những người từng mong mỏi được làm mẹ. Cô Ra-chên thấy mình son, nên ganh tức với chị, lại trách móc Gia-cốp: “Anh phải cho tôi có con! Bằng không tôi sẽ chết! (Sáng Thế Ký 30:1)

-Đất không no đủ nước chẳng hề nói: Đủ rồi! Đất luôn luôn cần đến nước. Mưa rơi xuống, dù ào ào lan tràn bao phủ khắp nơi như thời ông Nô-ê, thì ít lâu sau nước cũng rút khỏi mặt đất. Đất luôn luôn hút nước và cần thêm nước. Đất không bao giờ từ chối nước.   

-Lửa chẳng hề nói: Đủ rồi! Một khi lửa bùng cháy trong đống nhiên liệu thì muốn thêm bao nhiêu nhiên liệu cho lửa cũng được. Lửa nuốt tất cả chứ chẳng bao giờ từ chối. Nếu lửa ở trần gian có thể cứ âm ỉ cháy ngày đêm thì địa ngục là nơi hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng (Khải Huyền 19:20; 20:10) đời đời để hình phạt những người phạm tội không biết chán và không chịu ăn năn xin Chúa tha tội.

Con người thường rơi vào tình trạng chẳng bao giờ mãn nguyện, khi thì mắt đầy tham vọng, chẳng hề chán (Châm Ngôn 27:20a), khi thì no nê chê cả mật (Châm Ngôn 27:7a). Nhưng chúng ta cần luôn luôn tâm niệm: Trên trời, con không có ai ngoài Chúa. Dưới thế, chẳng mơ ước ai hơn Ngài. Thân thể, tâm trí, tàn tạ, nhưng Chúa là sức mạnh lòng con, là Đấng bảo đảm mọi nhu cầu. (Thi Thiên 73:25-26)  

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Ngày 28 tháng 11. CON ĐỈA THAM LAM ĐANG ĐEO BÁM AI?




30 15 Con đỉa có hai con gái, nói rằng: Hãy cho! Hãy cho!
             Có ba sự chẳng hề no đủ,
             Và bốn điều chẳng nói rằng: Tôi, đủ!

Châm Ngôn 30:14 mô tả lòng tham của những kẻ ác qua hành động nhai ngấu nghiến người nghèo, ăn nuốt người thiếu thốn. Châm Ngôn 30:15 ví von lòng tham không bao giờ thoả mãn với con đỉa.

Con đỉa có hai con gái. Trong danh sách những sinh vật hút máu người có con đỉa. Thật khó chấp nhận để cho rằng con đỉa trong thiên nhiên mà ông A-gu-rơ đề cập đến cũng có thể là ma cà rồng do con người tưởng tượng ra. 

Con đỉa có vòi hút ở cả hai đầu với đòi hỏi là: Hãy cho! Hãy cho! Yêu cầu của con đỉa ám chỉ lòng tham của con người không có giới hạn, tham muốn xấu xa của con người không bao giờ thoả mãn cho hết. Đòi hỏi hút máu của con đỉa ám chỉ kẻ ác có xu hướng làm hại mạng sống của người khác. Vua Đa-vít mô tả kẻ ác không bao giờ ngưng nghỉ làm đổ máu: Họ quay lại, gầm gừ như chó, hùng hổ kéo quanh thành. Sục sạo tìm mồi đây đó, rình suốt đêm vì bụng chưa no. (Thi Thiên 59:14-15)    

Người phạm tội mà không ăn năn, không từ bỏ tội lỗi tiếp tục đắm chìm trong tội lỗi thì cứ phạm tội không bao giờ biết chán. Con người ô uế cả tâm thân, uống gian ác như nước lã! (Gióp 15:16) Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín hữu đừng sống như người mất cả lương tri, không còn biết phải quấy, buông mình theo lối sống tội lỗi xấu xa, mê mải không thôi. (Ê-phê-sô 4:19) Con người không bao giờ chán những thói quen trần tục như gian dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa và tham lam (Cô-lô-se 3:5) nên triền miên phạm tội. Tiên tri Giê-rê-mi mô tả tội gian dâm của dân Giê-ru-sa-lem như ngựa béo động tình dục buổi sáng, mỗi người săn bắt vợ người lân cận. (Giê-rê-mi 5:8) Nếu dục vọng không bao giờ thoả mãn thì người tham tiền tài vật chất cũng triền miên đòi hỏi “hút máu”. Người tham tiền của chẳng bao giờ thoả mãn. (Truyền Đạo 5:10) Phải thận trọng, đừng để “con đỉa” tham lam đeo bám, làm khổ đời sống chúng ta. 

Có hai… không, có ba; không có bốn… là thành ngữ văn chương tương tự như: sáu điều Chúa Hằng Hữu ghét, bảy điều làm Ngài gớm ghê (Châm Ngôn 6:16) Sau khi dùng hình ảnh con đỉa hút máu, ông A-ru-gơ giới thiệu bốn thứ chẳng bao giờ biết chán, chẳng bao giờ no đủ. Đó là gì?

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Ngày 27 tháng 11. LOẠI NGƯỜI ĐÁNG GHÉT THỨ TƯ


30 14 Có một dòng dõi nanh tợ gươm, hàm răng như dao,
                 Đặng cắn xé những người khó khăn khỏi đất,
                 Và những kẻ nghèo khổ khỏi loài người.

Câu Châm Ngôn này bàn về người thứ tư trong bốn loại người đáng ghét. Đó là kẻ ác. Cụm từ nanh tựa gươm, hàm răng như dao mô tả sức mạnh, sự dữ tợn của kẻ ác. Động từ cắn xé, ăn nuốt vừa ví kẻ ác với loài thú dữ tợn, vừa mô tả lòng tham vô đáy từ lời nói đến hành động hung bạo của kẻ ác. Kẻ ác xem người khó khăn, kẻ nghèo khổ như những con mồi để xông vào cắn xé, ăn nuốt và đẩy đến chỗ bị tiêu diệt.

Ngu dại, không kính sợ Đức Chúa Trời có thể trở thành kẻ ác. Kẻ gian ác sao không hiểu biết? Nên cắn nuốt dân ta như món ăn, và không hề cầu khẩn danh ta. (Thi Thiên 14:4) Chính vì thế mà họ không có tình yêu thương, sống ích kỷ và tàn bạo. Kẻ ác sẵn sàng tấn công vào người công chính vì họ thuộc về ma quỷ. Kinh Thánh cho biết ông Ca-in là kẻ theo Sa-tan và giết em mình. Tại sao Ca-in giết em? Vì Ca-in làm điều xấu, còn A-bên làm điều tốt. (I Giăng 3:12)    

Tham tiền tài vật chất có thể trở thành kẻ ác. Bọn thương gia tham lam! Hãy nghe đây! Các ngươi chà đạp người nghèo khổ, bóc lột tận xương tuỷ người bần cố hiền lành trong đất nước. (A-mốt 8:4)

Tham quyền cố vị có thể trở thành kẻ ác. Trước và trong khi làm vua, ông Đa-vít đối diện với nhiều kẻ tàn ác. Đó là vua Sau-lơ, ông Đô-e, hoàng tử Áp-sa-lôn, đại tướng Giô-áp. Trốn trong hang đá khi bị vua Sau-lơ săn đuổi, ông Đa-vít thưa với Chúa: Linh hồn con lạc vào hang sư tử, giữa những con người giống như thú dữ, nhe nanh vuốt như tên, như giáo, ngọn lưỡi sắc bén tựa gươm dao. (Thi Thiên 57:4) Ông Đô-e, người Ê-đôm, là người đi báo cho vua Sau-lơ biết ông Đa-vít vào nhà thầy tế lễ Ê-li-mê-léc. Vì vậy vua Đa-vít mô tả như sau: Anh luôn luôn lập kế hại người, lưỡi không xương bén như dao cạo. (Thi Thiên 52:2)

Thù hận, không tha thứ có thể trở thành kẻ ác. Đại tướng Giô-áp ôm mối hận thù đối với ông Áp-ne và ông A-ma-sa khiến ông trở nên độc ác rồi hành động cách hèn hạ. (I Sa-mu-ên 3:27; 20:8-10)

Cần luôn nhớ rằng Đức Chúa Trời dạy bảo người thuộc về Ngài hãy làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời. (Mi-chê 6:8)

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)