Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Ngày 31 tháng 8. QUÝ TRỌNG ĐIỀU ĐANG CÓ

27 7 Kẻ no nê giày đạp tàng mật dưới chân mình;
              Song điều gì đắng cũng lấy làm ngọt cho kẻ đói khát.

          7 Khi no chê cả mật,
              Lúc đói đắng hoá ngọt.
              (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn bàn về hai nhóm người kẻ no nê, kẻ đói khát, hoặc cũng bàn về một người trong cảnh no nê rồi trong cảnh đói khát. Thái độ của kẻ no nê là giày đạp tàng mật dưới chân mình, còn kẻ đói khát đắng cũng thành ngọt.

Cái gì ngọt (tàng mật) vẫn là ngọt, còn thứ gì đắng vẫn là đắng. Có người tiếp nhận và thụ hưởng tuỳ theo hoàn cảnh của mình. Khi no nê thì xem thường đến mức độ giày đạp dưới chân, để rồi khi đói thì thèm thuồng đến độ dù thức ăn quá đắng cay mà vẫn thấy ngọt ngào. Đây là hình ảnh người không biết trân trọng những điều mình có. Sống trong xã hội vật chất phong phú và dư thừa, nhiều người vẫn không hài lòng; họ chê bai những điều đang có để chạy theo những điều mới hơn từ món ăn vật chất cho đến món ăn tinh thần; họ chán chê những máy móc, áo quần, xe cộ… Họ “giày đạp” tình yêu nam nữ để đi tìm tình yêu đồng tính. Họ chán chê gia đình một vợ một chồng để chạy theo lối sống “chán cơm thèm phở”, họ “giày đạp” hôn nhân bằng gia đình đồng tính,…  

Con người quên rằng khi no nê hoặc khi đói khát họ bị cám dỗ bởi dục vọng, bởi người xung quanh, bởi thế gian và bởi ma quỷ. Chỉ mới năm thứ hai trong cuôc hành trình đến Đất Hứa, mới được Đức Chúa Trời ban cho ma-na, vậy mà dân I-sơ-ra-ên đã ớn ma-na, đã “giày đạp” ma-na dưới chân mình khi họ đòi ăn thịt. Kinh Thánh cho biết những người ngoại quốc đi chung với người I-sơ-ra-ên lại đòi hỏi, thèm thuồng nên người I-sơ-ra-ên lại kêu khóc: “Làm sao được miếng thịt mà ăn!” Đức Chúa Trời bày tỏ cho ông Mô-se: “Ta sẽ cho họ thịt. Họ sẽ ăn, không chỉ một hai ngày, năm mười ngày hay vài mươi ngày. Nhưng ăn suốt tháng trời, đến độ chán chê thịt, nôn cả ra lỗ mũi, vì họ từ khước Chúa đang ở giữa họ, mà khóc than tiếc nuối Ai-cập.” (Dân Số Ký 11:5-6; 18-20) Cậu con hoang đàng “giày đạp” cuộc sống trong gia đình với cha của mình. Cậu đi tìm niềm vui, sự ngọt ngào trong thể giới ăn chơi phù phiếm. Để rồi khi phải ra đồng chăn heo, cậu thèm vỏ đậu của heo ăn để bớt đói nhưng chẳng ai cho. Những gì cậu chê bai, giày đạp: trong nhà cha, dư cơm thừa cá lại trở thành ngọt ngào. (Lu-ca 15:14-17) 

Sứ đồ Phao-lô tâm sự: “…Tôi đã học biết cách sống thoả lòng trong mọi cảnh ngộ. Tôi đã trải qua những cơn túng ngặt cũng như những ngày dư dật. Tôi đã nắm được bí quyết này: ở đâu và lúc nào, dù no hay đói, dù dư hay thiếu, tôi vẫn luôn vui thoả.” (Phi-líp 4:11-12) 

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Ngày 30 tháng 8. NÓI SỰ THẬT MẤT LÒNG NHƯNG GÂY DỰNG


     27 6 Bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín;
              Còn sự hôn hít của kẻ ghen ghét lấy làm giả nguỵ.

          6 Bạn bè gây thương tích do lòng yêu thương chân thật,
              Còn hơn kẻ thù hôn hít cách giả tạo.
              (Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn mô tả hành động của hai loại người: bạn hữu làm cho thương tíchkẻ thù (kẻ ghen ghét) hôn hít. Sâu xa của hai hành động đó là lòng thành tín và sự giả tạo. Trong mối liên hệ với người khác, đặc biệt là bạn bè, nhiều người thích “sự giả tạo” hơn là “sự thật mất lòng”. Cách đối xử giả tạo khiến cho nhiều người thoạt đầu là bạn mà sau trở thành kẻ thù. Chỉ giỏi “hôn hít”, tâng bốc, khen tặng, chẳng bao giờ dám “làm đau lòng” bạn của mình. Sứ đồ Phao-lô khuyên: Miệng lưỡi anh em đừng nói những lời xấu xa tai hại, nhưng hãy nói lời tốt đẹp gây dựng, đem lại ích lợi cho người nghe. (Ê-phê-sô 4:15) Những lời nói tốt đẹp không xây dựng, không đem lại ích lợi cho người nghe là “hôn hít giả tạo”. Sứ đồ Phao-lô cảnh báo tín hữu tại Ga-la-ti: Tôi biết có những người hết sức chiều chuộng anh em với dụng ý không tốt đẹp. (Ga-la-ti 4:17)

Chúa Giê-xu dạy: “Anh em hãy thận trọng! Nếu một người anh em phạm tội, hãy khuyên bảo người ấy, nếu người ấy ăn năn thì hãy tha thứ!” (Lu-ca 17:3) Khuyên bảo, quở trách “làm cho thương tích” người nghe. Nhưng đó là tình yêu thương chân thật, phát xuất từ lòng thành tín. Tình bạn của con người với nhau cần giống tình bạn của Đức Chúa Trời đối với con người: Người nào ta yêu mến, ta mới khiển trách, sửa trị. (Khải Thị 3:19)

Sa-tan, kẻ ác, kẻ ghen ghét trước khi ra tay luôn luôn bắt đầu bằng những lời đường mật, hưởng thụ vui sướng và khoái lạc. Giống như dâm phụ mời gọi gã lang thang: “Về nhà, chúng ta âu yếm, hưởng thú ái ân đến sáng mai.” (Châm Ngôn 7:18) Hoàng tử Áp-sa-lôm dùng lời nói và cái hôn để dụ dỗ nhiều người I-sơ-ra-ên. Hễ có người nào cung kính vái chào Áp-sa-lôm, ông liền dang tay ôm lấy người ấy mà hôn. (II Sa-mu-ên 15:5) Ông Giô-áp dùng tay phải nắm lấy râu ông A-ma-sa để hôn, còn tay trái cầm kiếm đâm vào bụng ông ta. (II Sa-mu-ên 20:9-10) Cái hôn của ông Giô-áp là cái hôn của kẻ ghen ghét và độc ác. Ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt nói: “Hễ tôi hôn ai, chính là người ấy, hãy bắt ngay!” Tại vườn Ghết-sê-ma-nê, ông Giu-đa đến gần Chúa Giê-xu và nói: “Chào Ra-bi!” rồi hôn Ngài. (Ma-thi-ơ 26:48-49)

Đối với anh em trong cộng đồng, bạn là bạn hữu hay là kẻ thù?

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 




Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Ngày 29 tháng 8. XỬ SỰ TỐT HƠN

27 5 Một lời quở trách tỏ tường
              Hơn là thương yêu giấu kín.

          5 Một lời quở trách tỏ tường
              Hơn là yêu thương kín đáo.
              (Bản Hiện Đại)

Lời quở trách tỏ tường còn được xem là lời quở trách của sự sống, hoặc phê bình gây dựng. Lời quở trách công khai rất hữu ích vì mang tính gây dựng, giúp cho người chịu lắng nghe trở nên khôn ngoan. Kẻ nào nghe lời quở trách của sự sống, sẽ được ở giữa những người khôn ngoan (Châm Ngôn 15:31)

Chúa Giê-xu dạy: “Nếu một anh em phạm lỗi với anh, hãy đến khuyên bảo người ấy, chỉ giữa anh và người ấy thôi…” (Ma-thi-ơ 18:15) Cũng có trường hợp việc quở trách tỏ tường trước mặt nhiều người vẫn mang tính gây dựng. Sứ đồ Phao-lô đã phản đối hành động thiếu ngay thẳng của sứ đồ Phi-e-rơ khi đối xử với các tín hữu người nước ngoài. Ông trách sứ đồ Phi-e-rơ trước mặt mọi người. (Ga-la-ti 2:11-14)

Câu Châm Ngôn so sánh giá trị của lời quở trách tỏ tường với thương yêu giấu kín. Khiển trách công khai, dù chỉ một lời vẫn hữu ích cho người nghe hơn tình yêu thương âm thầm. Vì âm thầm nên dù có thương yêu đến bao nhiêu cũng không hữu ích cho người yêu thương và đối tượng được thương yêu.

Thương yêu giấu kín giống như ngọn lửa được đốt lên và giấu kín, chẳng đem ánh sáng đến cho ai, cũng chẳng làm cho ai được ấm áp. Tình yêu thương phải được bày tỏ, dù việc bày tỏ đó nhằm vạch ra thất bại của một người, thậm chí gây đau đớn cho người đó. Sứ đồ Giăng khuyên: “Các con ơi, đừng yêu thương đầu môi chót lưỡi, nhưng phải thật lòng yêu thương người khác và chứng tỏ tình yêu thương đó bằng hành động.” (I Giăng 3:18)

Thật hữu ích khi bạn nhận được những lời khiển trách, góp ý gây dựng của người khác hoặc ngược lại. Điều đó chứng tỏ bạn đang sống trong luật yêu thương. Đừng để tâm oán ghét anh em mình nhưng thẳng thắn trách họ khi họ lầm lỗi; đừng để cho mình phải mang tội vì họ có lỗi. (Lê Vi Ký 19:17)

Vua Đa-vít thưa với Chúa: “Xin cho người công chính đánh con – đánh thế là thương. Xin để họ quở con – quở thế là xoa dầu cho đầu con. Đầu con hẳn không từ chối.” (Thi Thiên 141:5) Còn đối với sự quở trách của Đức Chúa Trời, ông Gióp chia sẻ: “Phước cho người được Đức Chúa Trời trách khuyên. Đừng khinh thường Ngài trừng phạt. Gây thương tích nhưng Ngài băng bó. Tuy đánh đau, nhưng lại chữa lành.” (Gióp 5:17-18) 

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Ngày 28 tháng 8. KHÓ TRỊ GHEN TỴ

27 4 Sự căm gan vốn hung dữ, và cơn giận như nước tràn ra;
             Nhưng ai đứng nổi trước sự ghen ghét?

         4 Người căm hờn là tàn ác và hung tợn.
             Nhưng người ghen tương còn nguy hiểm hơn.
             (Bản Hiện Đại) 

Câu Châm Ngôn so sánh mức độ nguy hiểm của sự căm hờn với sự ghen tỵ. Người tức giận và thù hận có thể có những hành động thái quá và tàn nhẫn. Thí dụ như hành động của ông Si-mê-ôn và ông Lê-vi (Sáng Thế Ký 34), hành động của vua Hê-rốt khi ra lệnh giết tất cả những bé trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bết-lê-hem và các vùng phụ cận. (Ma-thi-ơ 2:16). Hành động của họ nhanh chóng như “nước tràn qua” không ai lường được. Tuy nhiên, sau khi “nước tràn qua” thì hành động tàn ác và hung tợn không tái diễn nữa.

Nếu hành động tàn ác và hung tợn của người căm giận có điểm kết thúc thì cảm xúc và hành động của người ghen tỵ cứ kéo dài và không biết khi nào mới kết thúc. Ông Gia-cốp yêu Ra-chên hơn Lê-a (Sáng Thế Ký 29:30). Thế nhưng vì không có con cho nên Ra-chên ganh tức với Lê-a. Ra-chên đã trách móc Gia-cốp, Gia-cốp cũng nổi giận với Ra-chên. (Sáng Thế Ký 20:1-2) Tức giận và trách móc rồi cũng qua đi, nhưng lòng ganh tỵ của Ra-chên không dừng lại. Nó gây ra cuộc chiến giữa hai chị em trong nhiều năm trời và tiếp tục giữa con cái của họ. Các anh của Giô-sép nổi giận, mỉa mai quát mắng Giô-sép vì ghen tỵ. Hành động của các anh bắt nguồn từ sự ghen ghét chớ không phải bắt nguồn từ sự giận dữ. Vì ghen ghét em mình nên các anh đã (1)âm mưu giết em mình, (2)quăng em xuống giếng cho chết, và (3)bán em làm nô lệ cho khuất mắt. (Sáng Thế Ký 37:12-27) Nổi giận là nguy hiểm nhưng ghen tỵ còn nguy hiểm hơn. Nổi giận rồi sẽ nguôi giận nhưng ghen tỵ thì cứ tiếp tục ghen tỵ.

Trước khi lập chiến công giết ông Gô-li-át, Đa-vít vừa là người gảy đàn vừa là người mang khí giới cho vua Sau-lơ. Mỗi khi ác thần khuấy phá Sau-lơ, Đa-vít gảy đàn thì ác thần bỏ đi. Nhờ vậy Sau-lơ được khuây khoả. (I Sa-mu-ên 16:23) Khi làm tướng chỉ huy dưới trướng của vua Sau-lơ, ông Đa-vít được mọi người yêu mến và khen ngợi. Chỉ một mình vua Sau-lơ ghen tỵ với ông mà thôi. Khi ác thần quấy phá vua, ông gảy đàn thì ác thần bỏ đi, nhưng lòng ghen tỵ trong vua không bỏ đi. Đó là lý do khiến vua Sau-lơ cầm cây giáo phóng, định ghim Đa-vít vào tường. (I Sa-mu-ên 18:10-11) 

Trong cuộc sống, có thể đôi khi bạn nổi giận, nhưng đừng bao giờ ghen tỵ.

Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)