Mỗi ngày một chút! Headline Animator

Mỗi ngày một chút!

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Ngày 31 tháng 5. CHỪA ĐƯỢC SAO CHẲNG CHỪA?


23
35
Con sẽ nói rằng:
“Người ta đập tôi, 
nhưng tôi không đau;
Người ta đánh tôi, 
song tôi không nghe biết,
Khi tôi tỉnh dậy, 
tôi sẽ trở lại tìm uống nó nữa.” 


35
Con nói: “Chắc tôi bị đánh,
Nhưng sao tôi chẳng nhớ, chẳng đau? 
Sao tôi chưa tỉnh? 
Chắc tôi cần đi nhậu nữa!”



(Bản Hiện Đại)
Đây là điều cuối cùng cha khuyến cáo con. Nếu con không tránh xa rượu. Đến một lúc con sẽ chẳng còn biết sợ là gì nữa. Bị đập, bị đánh nhưng không cảm thấy đau, không nghe, không biết. Chẳng ai có cảm tình với người say sưa. Nếu người say sưa không đánh đập người ta vô cớ thì cũng bị người ta đánh đập vì tội say sưa phá làng phá xóm. Rồi người say sưa cũng bị luật pháp trừng trị, bị phạt tiền, bị lao động công ích. Đức Chúa Trời cũng dùng những ngọn roi để sửa dạy đứa con hư hỏng của Ngài. Thế nhưng người say sưa “chẳng đau” và “chẳng nhớ”. Thật đúng như lời của tiên tri Giê-rê-mi: “Chúa đánh phạt mà chúng chẳng biết đau. Chúa tàn hại mà chúng không rút tỉa bài học. Chúng tự làm cho mặt mình cứng hơn đá tảng, chúng ngoan cố không chịu quay về.” (Giê-rê-mi 5:3)
“Khi tôi tỉnh dậy”, như “khi Nô-ê tỉnh rượu” (Sáng Thế Ký 9:24). Ông Nô-ê tỉnh rượu, sau đó Kinh Thánh không đề cập đến việc ông say rượu nữa. Ông chỉ vấp ngã một lần. Còn người không nghe lời cảnh báo, cứ uống rượu cho say rồi nói rằng: “Tôi sẽ trở lại tìm uống nó nữa.” Đây là hình ảnh của người mê bia nghiện rượu. Thoạt đầu chỉ uống ít ly, sau đó dần dần uống y một lít. Một cách từ từ, khó nhận ra, đến một lúc người đó luôn luôn nghĩ về rượu, về bia và tự nhủ: “Ta sẽ trở lại…” Một khi đã nghiện thì không nghĩ gì đến những tác hại của rượu của bia nữa.  
Người tin Chúa Tín hữu mê bia nghiện rượu đừng tự biện minh:
Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được, nhưng mà cũng chẳng chừa.
(Nguyễn Khuyến)
Nhưng hãy nói như sứ đồ Phao-lô: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết này? Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Giê-xu Cứu Thế, là Chúa chúng ta!” (Rô-ma 7:24-25)  
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Ngày 30 tháng 5. QUÁ DẠI


23
34
Thật, con sẽ như người nằm giữa đáy biển,
Khác nào kẻ nằm trên chót cột buồm vậy.


34
Con sẽ như người đi giữa biển cả,
Dập dồi như thể leo lên cột buồm.



(Bản Hiện Đại) 


Câu Châm Ngôn mô tả hậu quả tiếp theo của việc lạm dụng rượu. Câu Châm Ngôn dùng hai hình ảnh mô tả người say rượu: “người nằm giữa đáy biển” và “người nằm trên chót cột buồm”. Khi rượu đã thấm vào người, dù ở trên bờ nhưng có cảm giác như dưới biển.
-Nhiều người cho rằng “nằm giữa đáy biển” nghĩa là nằm đó mà ngủ, tức là uống rượu sẽ có giấc ngủ ngon. Thật ra cụm từ “nằm giữa đáy biển” khiến ta nghĩ đến hình ảnh một người bị ném trong vực sâu dưới đáy biển, bị dòng hải lưu bao bọc lấy, bao nhiêu lượn sóng lớn và ba đào ầm ầm kéo qua trên đầu. (Giô-na 2:4) Xem ra giấc ngủ của người say rượu không phải là giấc ngủ ngon.
Thế nhưng, người say rượu không chịu đi nằm ngủ, trước khi rơi xuống hoặc gục ngã ở đâu đó thì phải “diễu võ dương oai”. Tiếc thay, rượu làm cho não bộ không kiểm soát được các hoạt động của cơ thể. Các chức năng thần kinh bị rối loạn cho nên tay chân loạng choạng, chân nam đá chân chiêu. Hành vi của người say giống như người “nằm giữa đáy biển”. Đó là hình ảnh say tuý luý, đi loạng choạng (Ê-sai 28:7)
-Người say giống như người “nằm trên chót cột buồm”. Khi lên tàu, ông Giô-na xuống dưới khoang tàu mà ngủ (Giô-na 1:5b). Còn người say thì giống như người ở trên chót cột buồm. Đó là chỗ nguy hiểm nhất trên con tàu. Người ta chỉ lên đó để quan sát, chẳng ai leo lên chót cột buồm để ngủ.
Đây là hình ảnh của người điên rồ, muốn chứng tỏ mình ở chỗ cao nhất mà không quan tâm đến nguy hiểm chờ chực. Chính vì đùa giỡn với tính mạng của mình mà trong tích tắc người ta không thấy anh ta trên cột buồm nữa. Tai nạn dành cho người say rượu không hề thiếu. Mới nhậu đó, có người trên đường đi tự gây tai nạn. Nhẹ nhất là bị thương nặng nhất là “lên đường”. Có người về nhà thì bị đột quỵ. Người thì lên huyết áp…
Dường như những tín hữu mê nhậu quên rằng: Điều thiết yếu trong Nước của Đức Chúa Trời không phải là ăn uống, nhưng là sống công chính, bình an và vui vẻ trong Thánh Linh. (Rô-ma 4:17)
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Ngày 29 tháng 5. SAY SƯA LÀ MỞ CỬA CHO TỘI LỖI


23
33
Hai mắt con sẽ nhìn người dâm phụ,
Và lòng con sẽ nói điều gian tà.


33
Mắt con sẽ chăm nhìn dâm phụ,
Và lòng con đầy dẫy điều xấu xa.



(Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn mô tả hậu quả tiếp theo của việc lạm dụng rượu. Hai tội lỗi khủng khiếp do rượu gây ra là: nhìn dâm phụ với lòng tham muốn và nói những lời gian tà. Sứ đồ Phao-lô dạy: Đừng say rượu, vì say sưa là phóng đãng. (Ê-phê-sô 5:18a) Say sưa và buông thả, luông tuồng đi với nhau. Uống rượu say là mở cửa cho tội lỗi hành động.
-Rượu khiến người say không kiểm soát được lòng mình. Câu Châm Ngôn mô tả nội tâm qua “hai mắt con sẽ nhìn dâm phụ”. Rượu làm thay đổi xu hướng của tấm lòng. Khi bình thường tránh xa không dám nhìn dâm phụ, nhưng khi say sưa thì chẳng sợ ai, dám tìm dâm phụ để “chiêm ngưỡng”. Vì uống rượu mà người say nhìn phụ nữ với lòng ham muốn. Người dễ dãi trong việc uống rượu cũng có thể bị dâm phụ lợi dụng, kích thích thèm muốn tình dục. Cả hai đều dẫn đến tội lỗi về phương diện tình dục.
Người say rượu không kiềm chế được lòng mình. Vì cớ rượu mà loại bỏ đạo đức. Vì cớ rượu mà tìm đến với dâm phụ để thoả mãn tham muốn tình dục. Biết bao người chồng vì cớ rượu mà không chung thuỷ với vợ.
-Rượu khiến người say không kiểm soát được lời nói. Rượu khiến người say gây ồn ào với những lời nói không tin kính. Những điều không nên nói, những lời thô tục, bẩn thỉu, nhạo báng tuôn ra từ môi miệng không kiềm chế, không điều khiển được. Bình thường chúng ta phải kiềm chế cái lưỡi. Khi say sưa thì chẳng ai kiềm chế được cái lưỡi. Nói cách khác, rượu sẽ điều khiển và cái lưỡi sẽ tuôn ra những chất độc gây bất bình, cãi cọ, đánh nhau, giết hại nhau… (Gia-cơ 3:1-12)
Rượu nho xui nhạo báng, rượu mạnh gây tiếng ồn.
Ai để rượu hành là người mất khôn.
(Châm Ngôn 20:1)
Thật ý nghĩa khi sứ đồ Phao-lô trước hết kêu gọi tín hữu: Đừng say rượu, vì say sưa là phóng đãng, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh. Sau đó ông mới kêu gọi tín hữu: Hãy dùng những lời hay ý đẹp trong thi thiên, thánh ca mà xướng hoạ với nhau, nức lòng trổi nhạc ca ngợi Chúa. (Ê-phê-sô 5:18-19) Khi rượu đã vào thì lời nói ra chẳng còn đẹp đẽ, làm sao ca ngợi Chúa được?
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Ngày 28 tháng 5. “CẮN” ĐAU “CHÍCH” ĐỘC


23
32
Rốt lại, nó cắn như rắn,
Chích như rắn lục.


32
Cuối cùng mới thấy rượu cắn như rắn,
Có nọc độc như rắn lục.



(Bản Hiện Đại)

Câu Châm Ngôn mô tả hậu quả đầu tiên của việc lạm dụng. Người uống nhiều rượu sẽ bị rượu “cắn” và bị rượu “chích”. “Rượu cắn” đau như rắn cắn. “Rượu chích” độc như nọc rắn lục. Những người uống rượu mới đầu cảm thấy lâng lâng, đê mê nhưng cuối cùng rượu làm thân thể đau đớn. Chẳng những rượu gây hậu quả ngay lập tức mà còn lâu dài cho người uống rượu. Trong các bệnh viện rất nhiều người đang được điều trị về những thứ bệnh do rượu gây ra: thiếu máu, ung thư, tim mạch, xơ gan, mất trí nhớ, suy nhược, động kinh, gout, tăng huyết áp, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, viêm tuỵ…
Chẳng những rượu “cắn” và “chích” vào thân thể mà còn gây tổn hại cho thanh danh của một người. Sau trận đại hồng thuỷ, ông Nô-ê làm nghề nông, trồng nho, ép rượu. Việc phải đến cho người trồng nho, ép rượu là uống rượu. Chính vì uống rượu mà ông Nô-ê bị “rượu cắn” rất đau. Kinh Thánh cho biết: ông uống say, trần truồng nằm trong trại. Nhà Truyền Đạo viết: Một phút điên dại gây ảnh hưởng tai hại cho người danh giá, khôn ngoan. (Truyền Đạo 10:1) Chỉ vì rượu mà ông Nô-ê đánh mất thể diện của mình. Ông không còn là tấm gương sáng nữa. Con của ông là Cham, cha của Ca-na-an, thấy như thế, liền ra ngoài nói với Sem và Gia-phết. Hai người con này lấy áo choàng vắt vai, đi giật lùi vào trại mặc cho cha, nên không nhìn thấy cha trần truồng. (Sáng Thế Ký 9:20-23) Dù thế nào đi nữa, ông Nô-ê cũng đã bị “rượu cắn” rất đau: ông uống đến nỗi say và ông trần truồng.    
Ông Lót từ một người sống trong lều trại bên cạnh ông Áp-ra-ham, trở thành người dựng trại gần Sô-đôm (Sáng Thế Ký 13:12), rồi ông dọn vào ở trong Sô-đôm (Sáng Thế Ký 19:3), cuối cùng ông phải tạm trú trong một hang đá (Sáng Thế Ký 19:30). Trong hang đá, ông Lót đã để cho “rượu cắn” rất đau và rất độc. Dường như ông chẳng nhớ chẳng tin Đức Chúa Trời là Đấng cứu ông khỏi Sô-đôm, ông chẳng nhớ đến ông Áp-ra-ham. Ông để nỗi buồn mất vợ, mất tài sản làm cho ông mất tất cả. Là một người cha, ông để cho hai cô con gái chuốc rượu cho say. Nếu ông biết từ chối thì âm mưu của hai người con gái đâu có thể thực hiện được (Sáng Thế Ký 19:30-38). 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Ngày 27 tháng 5. ĐẸP NHƯNG ĐỘC


23
31
Chớ xem ngó rượu khi nó đỏ hồng,
Lúc nó chiếu sao trong ly,
Và tuôn chảy dễ dàng.


31
Chớ để rượu hồng quyến rũ lòng con,
Khi sao lấp lánh chén quỳnh,
Khi nghe róc rách rượu hồng chảy tuôn.



(Bản Hiện Đại)

Để không trở thành bợm rượu, cha khuyên con phải tránh xa rượu. Để tránh xa rượu biện pháp đầu tiên được Châm Ngôn đề cập là: Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu hoặc với những kẻ láu ăn. (Châm Ngôn 23:20) Câu Châm Ngôn này nêu lên biện pháp thứ hai, đó là: Chớ xem ngó rượu.
Ba từ ngữ mô tả rượu: đỏ hồng, chiếu sao (lấp lánh) và tuôn chảy. Rượu nho trong Đất Hứa có màu đỏ (Phục Truyền 32:14). Màu đỏ là màu mạnh mẽ, gây chú ý, tạo sự hấp dẫn. Xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng! Rượu đỏ được rót ra trong ly, sóng sánh ánh đỏ đậm, chiếu sao lấp lánh, mời mọc, quyến rũ. Dù rượu đắt tiền nhưng lại “tuôn chảy dễ dàng”. Sẵn sàng thoả mãn thèm khát của con người.
Câu Châm Ngôn mô tả rượu giống như một “người đẹp và độc” tự quảng cáo mình bằng trang phục đỏ hồng. Khi xuất hiện lập tức tạo sự chú ý nơi người khác. Chẳng những khiến người ta phải nhìn nàng, nàng còn liếc mắt đưa tình để quyến rũ, mời mọc. Lời khuyên của người cha về “người đẹp và độc” cũng nên áp dụng đối với rượu: 
Lòng con đừng thèm muốn nhan sắc nó,
Chớ để khoé mắt nó chinh phục con.
(Châm Ngôn 6:25)
Dù rượu có “đẹp”, có hấp dẫn thế nào thì đừng nhìn rượu, đừng chú ý, đừng quan tâm. Con mắt nhìn thì lòng sẽ thèm muốn. (Ma-thi-ơ 5:28)
Để không bị rượu hồng quyến rũ, biện pháp tích cực là phải tự kỷ luật. Ông Gióp, một người trọn lành, ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh xa tội ác (Gióp 1:1) tâm sự rằng: “Tôi đã lập giao ước với mắt tôi, nên đâu còn dám chăm nhìn…” (Gióp 31:1)
Sứ đồ Phao-lô nêu tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, ông tâm sự về nguyên tắc ông áp dụng cho bản thân rằng: “Tôi đối xử nghiêm khắc với bản thân, bắt nó phải khuất phục, nếu không, sau khi huấn luyện nhiều người, chính tôi sẽ bị loại bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27)  
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Ngày 26 tháng 5. HẠI AI? AI HẠI?


23
30
Tất những kẻ nán trễ bên rượu,
Đi nếm thứ rượu pha.


30
Đó là người chè chén, la cà
Nhấm nháp các thứ rượu pha.


 (Bản Hiện Đại)

Ai gây ra những hậu quả của việc uống rượu, uống bia? Người quảng cáo ư? Người bán ư? Hoặc người uống? Câu Châm Ngôn xác định do con người “nán trễ bên rượu”, do con người “nếm” (nhấm nháp) rượu pha.
Khốn cho các bợm rượu thức dậy sớm nhậu nhẹt cho đến khuya. Họ lo tổ chức các buổi liên hoan, tiệc tùng, hoà tấu những khúc du dương với đủ thứ nhạc khí, nhưng công việc của Chúa chẳng ai thèm lưu ý. (Ê-sai 5:11-12) Cứ lo liên hoan nhậu nhẹt nên Chúa phán: “Vì thế, dân ta phải bị lưu đày biệt xứ vì họ u mê không hiểu những gì ta đã làm cho họ. Các cấp lãnh đạo họ phải chết đói và thường dân phải chết khát.” (Ê-sai 5:13)  
“Những kẻ nán trễ bên rượu”, “đi nếm thứ rượu pha” là người lạm dụng rượu. Họ không chú ý đến lời cảnh báo: Rượu nho xui nhạo báng, rượu mạnh gây tiếng ồn. Ai để rượu hành là người mất khôn. (Châm Ngôn 20:1)  
“Những kẻ nán trễ bên rượu”, “đi nếm rượu pha” là những người tin Chúa nhưng đời sống không thay đổi, họ buông mình vào đủ thứ xấu xa của người ngoại đạo, truỵ lạc, tham dục, chè chén, say sưa, trác táng, thờ lạy hình tượng. (I Phi-e-rơ 4:3)
“Những kẻ nán trễ bên rượu”, “đi nếm rượu pha” là những người tin Chúa nhưng không vâng theo lời khuyên: Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu hoặc với những kẻ láu ăn. (Châm Ngôn 23:20) Đáng lẽ họ phải có tinh thần sẵn sàng chịu khổ như Chúa Cứu Thế, khiến các bạn cũ (bạn nhậu) vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh em không còn nhập bọn với họ trong các cuộc ăn chơi truỵ lạc, nên cười chê, nhạo báng anh em. (I Phi-e-rơ 4:1, 4)
“Những kẻ nán trễ bên rượu” là những người tự xưng là tín hữu mà còn gian dâm, tham lam, thờ hình tượng, chưởi rủa, nghiện rượu. Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín hữu đừng ăn uống với hạng người ấy. Còn Hội thánh phải nghiêm minh xét xử người phạm tội trong Hội thánh phải khai trừ người gian ác ấy. (I Cô-rinh-tô 5:11-13) 
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Ngày 25 tháng 5. VÌ ĐÂU NÊN NỖI KHỔ ĐAU?


23
29
Ai bị sự hoạn nạn? Ai phải buồn thảm?
Ai có sự tranh cạnh? Ai than siếc?
Ai bị thương tích vô cớ? Ai có con mắt đỏ?

29
Ai phiền muộn, đau khổ?
Ai tranh cạnh, thở than,
Mắt đỏ ngầu, mình thương tích?          


(Bản Hiện Đại)
Chắc bạn từng nghe và từng đọc những mẫu quảng cáo như: “Chất men thành công”, “Sảng khoái đầy sức sống”, “Chặt tình bằng hữu”, “Đánh thức mọi giác quan”, “Dũng mãnh như cọp”, “Dù bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”,… Quảng cáo rất hay, đầy sáng tạo, nhưng sự thật thì thế nào?
Câu Châm Ngôn vạch trần sự dối trá của những lời quảng cáo bằng sáu câu hỏi liên quan đến sáu nỗi khổ trong cuộc sống con người. Đó là hoạn nạn, buồn thảm, tranh cạnh, than thở, bị thương tích vô cớ và có con mắt đỏ. So sánh sáu nỗi khổ của con người với những lời quảng cáo hấp dẫn, người ta tự hỏi có nên tin quảng cáo hay không?   
Quảng cáo rao: “Chất men của thành công” nhưng sao người sử dụng lại bị hoạn nạn, buồn thảm? “Sảng khoái đầy sức sống” nhưng sao họ lại phiền muộn, đau khổ? “Chặt tình bằng hữu” nhưng sao họ lại tranh cạnh? “Đánh thức mọi giác quan” nhưng sao chỉ có thở than? “Dũng mãnh như cọp” nhưng sao mắt đỏ ngầu? “Dù bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn” nhưng sao mình đầy thương tích?  
Câu Châm Ngôn mô tả hậu quả của việc tin lời quảng cáo. Những người sử dụng phải trả giá bằng chính cuộc đời đầy thất vọng của mình. Đời sống chồng chất toàn là hoạn nạn. Niềm vui không còn, thay vào là buồn thảm. Mối liên hệ với người khác bị đổ vỡ vì tranh cạnh. Sống trong hiện tại chỉ biết thở than, hồi tưởng quá khứ với biết bao hối tiếc. Con mắt là cửa sổ của tâm hồn không còn trong sáng, thậm chí thân thể cũng không lành lặn: mình đầy thương tích vô cớ.  
Với sáu câu hỏi “ai?” câu Châm Ngôn còn muốn tìm thủ phạm gây ra những nỗi khốn khổ cho con người. Vì đâu nên nỗi? Phải chăng do quảng cáo sai sự thật? Hoặc do hàng kém chất lượng? Hoặc không đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng? Hoặc coi thường những lời răn dạy khuyên bảo của phụ huynh, của người bề trên, của anh chị em thân thiết??
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)



Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Ngày 24 tháng 5. MỘT LOẠI THỦ PHẠM GÂY TRUỴ LẠC


23
28
Nàng đứng rình như một kẻ trộm,
Làm cho thêm nhiều kẻ gian tà trong bọn loài người.

28
Nó rình rập mồi ngon,
Gây cho số người bất nghĩa gia tăng.


(Bản Hiện Đại)

“Nàng” có thể là một thiếu nữ chưa lập gia đình, hoặc là một phụ nữ đã có chồng. Có trường hợp Kinh Thánh không cho biết tên của “nàng” (Quan Xét 16:1), có trường hợp Kinh Thánh cho biết “nàng” là bà Phô-ti-pha (Sáng Thế Ký 39), là Đa-li-la (Quan Xét 16:4).
“Nàng” có đôi chân không chịu ở yên trong nhà, cứ thả lang thang ngoài hè phố, rình rập đợi chờ ở các góc đường. (Châm Ngôn 7:11-12) “Nàng” có thể là phụ nữ có chồng, hiện diện trong nơi làm việc, liếc mắt đưa tình quyến rũ trao ân đổi ái như bà Phô-ti-pha quyến rũ thanh niên Giô-sép (Sáng Thế Ký 39:7), thậm chí còn mạnh bạo nắm áo kéo lại định giở trò dâm dục (Sáng Thế Ký 39:11-12).    
“Nàng đứng rình” con mồi. “Nàng” chuẩn bị mưu kế, chờ cơ hội để dẫn dụ con mồi rơi vào bẫy tình dục do “nàng” giăng ra. Âm thầm bí mật “bẫy” ông Giu-đa (Sáng Thế Ký 38:15-19) như Ta-ma, táo bạo như bà Phô-ti-pha (Sáng Thế Ký 7-12), nói thuộc linh nhưng xảo quyệt như dâm phụ trong Châm Ngôn 7:14. Ngày nay kỹ nữ và dâm phụ cũng “rình” khắp nơi. Họ đứng trong bóng tối bên đường, trong quán xá, nhà nghỉ… Họ “tấn công” vào nhà riêng qua sách báo, phim ảnh, ca nhạc, internet. Lòng con đừng thèm muốn nhan sắc nó. Chớ để khoé mắt nó chinh phục con. (Châm Ngôn 6:25) Nếu không tránh xa, không từ chối những kỹ nữ và dâm phụ trong các lãnh vực thời trang, âm nhạc, điện ảnh, tạp chí, văn học,… thì dù mạnh như Sam-sôn, anh hùng như Đa-vít cũng không thể cưỡng lại được những cám dỗ về phương diện tình dục.
Thành tích tội lỗi của “nàng” là làm cho thêm nhiều kẻ gian tà trong bọn loài người. “Nàng” làm tăng số lượng những người không chung thuỷ, tăng số lượng người phạm tội về phương diện tình dục. “Nàng” khiến xã hội đầy kẻ truỵ lạc, tà ác. (Lê-vi Ký 19:29)
Hãy để Chúa Cứu Thế bảo bọc anh em như áo giáp. Đừng chiều theo các ham muốn của xác thịt (Rô-ma 13:14). Người nào được Đức Chúa Trời yêu thương giúp đỡ sẽ thoát khỏi tay nàng, còn kẻ tội lỗi sẽ rơi vào bẫy nàng (Truyền Đạo 7:26).  
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Ngày 23 tháng 5. VÔ PHƯƠNG THOÁT RA


23
27
Vì kỹ nữ vốn là một cái hố sâu,
Và dâm phụ là một cái hầm hẹp.

27
Kỹ nữ là hố sâu,
Dâm phụ là giếng thẳm.


(Bản Hiện Đại)

Sau lời khuyên con hãy dâng tâm hồn và giữ gìn đôi mắt, người cha đề cập đến những nguy cơ khác trong đời sống của con. Mối nguy thứ nhất phải tránh là kỹ nữ và dâm phụ. Câu Châm Ngôn ví kỹ nữ là “cái hố sâu”, dâm phụ là “cái hầm hẹp”. Đến với kỹ nữ và dâm phụ chẳng khác chi rơi xuống hố sâu hoặc hầm hẹp.
Thợ săn bẫy thú bằng cách đào hố sâu và hẹp. Sau đó dùng cành cây và cỏ phủ lên miệng hố. Kinh Thánh có ghi lại chuyện ông Bê-na-gia (con ông Giê-hô-gia-đa) ở Cáp-xê-ên. Trong một ngày tuyết rơi, ông đánh chết một con sư tử dưới một cái hố. (I Sử Ký 11:22) Khi sư tử rơi vào bẫy thì bị mắc kẹt trong đó. Dù mạnh đến đâu sư tử vẫn không thể nào nhảy lên khỏi hố sâu. Hầm hẹp không có chỗ cho sư tử lấy đà mà nhảy, chỉ chờ bị bắt hoặc bị giết mà thôi.
Cuộc đời của người phạm tội về phương diện tình dục sẽ bị trói buộc và giết chết khi rơi vào cạm bẫy của kỹ nữ và dâm phụ. Người sa ngã bị mắc kẹt trong mối quan hệ và trong tham muốn của mình, khó lòng thoát ra dù đôi lúc cũng rất muốn thoát ra. Nhà Truyền Đạo quan sát và nhận định như sau: Tôi thấy có một điều cay đắng hơn cả sự chết: một người đàn bà lòng đầy cạm bẫy và tay nàng là dây xích trói buộc. (Truyền Đạo 7:26) 
Có lẽ thanh niên Sam-sôn, người mạnh hơn cả sư tử, hiểu hơn hết việc “gặm một khối căm hờn” trong “cái hố sâu”, trong “cái hầm hẹp” của kỹ nữ. Kinh Thánh ghi rằng ông đến Ga-xa, gặp một gái điếm và ngủ đêm với cô ta. Sau đó, Sam-sôn phải lòng một cô gái ở thung lũng Sô-réc, tên là Đa-li-la (Quan Xét 16:1,4). Mê kỹ nữ (Châm Ngôn 6:26) khiến thanh niên Sam-sô tự đâm đầu vào bẫy. Ông không chịu “tránh” và “trốn” như ông Giô-sép. Người ta lén lút đi tìm kỹ nữ, còn ông Sam-sôn chẳng kiêng dè gì cả. Ông công khai đến với “gái gọi cao cấp” Đa-li-la. Biết đó là cạm bẫy chết người, ông vẫn không tài nào thoát khỏi “cái hố sâu”, “cái hầm hẹp” đó. Người mạnh hơn sư tử bị kỹ nữ và dâm phụ khuất phục trở thành một nô lệ mù phải lao động khổ sai trong tù cho đến khi chết. Thật đáng tiếc!
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Ngày 22 tháng 5. ĐÃ DÂNG CHO AI?


23
26
Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha,
Và mắt con khá ưng đẹp đường lối của cha.

26
Con hãy dâng lòng con cho cha,
Để mắt con chăm chú đường lối cha.


(Bản Hiện Đại)

Hai mươi lăm lần sách Châm Ngôn ghi “Hỡi con”. (Theo Kinh Thánh Bản Truyền Thống và Bản Truyền Thống Hiệu Đính). Đây vừa là lời kêu gọi, vừa là lời khuyên, vừa là mạng lệnh. Cha nói với con chớ không phải nói với người lạ, cũng không nói với đầy tớ hoặc với nô lệ.
Đây là Cha ở thiên đàng dạy chúng ta là con cái của Ngài. Điều kiện trên hết và trước hết trong mối liên hệ cha – con và là nền tảng cho sự giáo huấn của Cha là: “Hãy dâng lòng con cho cha”. Không ép buộc nhưng cần tự nguyện, sẵn lòng, không phải tương lai nhưng ngay lúc này đây, trong hiện tại. “Hãy dâng” chớ không phải là cho mượn rồi lấy lại. “Lòng con” là trung tâm của suy nghĩ và đời sống, bao gồm cả ý muốn, sức mạnh và tình yêu thương. Cha muốn con tập trung lắng nghe cách cẩn thận lời Cha dạy, muốn con làm theo lời khuyên của Cha. Nhiều người con làm ra vẻ chân thành đến buổi nhóm, buổi học Kinh Thánh, nhưng không làm theo. Miệng thốt lời kính yêu nhưng trong lòng chỉ kiếm tư lợi. Họ đến nhà thờ theo kiểu xem kẻ đàn giỏi, hát hay, đang trình diễn bản tình ca, nghe lời Chúa mà họ chẳng chú ý. (Ê-xê-chi-ên 33:31-32)
“Mắt con”, “Lòng con” rất quan trọng vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra. (Châm Ngôn 4:23) Nếu con “dâng lòng” mà “giữ mắt” lại thì “mắt con” có thể làm cho “lòng con” xao động, chao đảo. Chính vì thế con hãy hướng về, hãy quan tâm chú ý đến đường lối của Cha.
Ma quỷ tấn công “mắt” và “lòng” của Chúa Giê-xu khi hắn đưa Chúa lên một nơi cao, và trong một giây lát chỉ cho Ngài thấy tất cả các vương quốc trên trần gian, rồi nói với Ngài: “Ta sẽ ban cho ngươi tất cả uy quyền và vinh quang của các vương quốc này, vì tất cả đã được giao cho ta, ta muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ngươi quỳ xuống thờ ta thì tất cả sẽ thuộc về ngươi.” (Lu-ca 4:5-7)
Ma quỷ dùng vật chất dư dật, ánh hào quang của cuộc sống giàu sang để cám dỗ con người “dâng lòng” cho hắn. “Mắt” của bạn có bảo vệ “lòng” của bạn không? “Lòng” của bạn đã “dâng” cho ai? Dâng cho Đức Chúa Trời là Cha thiên thượng ở thiên đàng, hay dâng cho ma quỷ, là kẻ thù của Đức Chúa Trời đang hoành hành ở trần gian?
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc) 


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Ngày 21 tháng 5. NỖI NIỀM CỦA CHA MẸ


23
25
Ước gì cha và mẹ con được hớn hở,
Và người đã sanh con lấy làm vui mừng.

25
Hỡi con! Nhớ làm cho cha mẹ rạng rỡ vui mừng!


(Bản Hiện Đại)
Bạn tặng món quà gì cho cha mẹ trong Ngày Hiếu Kính Cha Mẹ hoặc ngày lễ Mẫu Thân, lễ Phụ Thân? Một tấm thiệp với lời chúc, một cái cà-vạt, một hộp sô-cô-la ư? Món quà quý giá nhất tặng cho cha mẹ chính là bạn, một người con công chính và khôn ngoan. Đó là mong muốn lớn nhất của cha mẹ bạn.
Ước muốn của cha mẹ đối với con cái cũng chính là ước muốn của Đức Chúa Trời đối với con người. Khi con cái công chính và khôn ngoan làm cho cha mẹ vui mừng thì cũng làm cho Đức Chúa Trời vui lòng. Là con về phần xác trong gia đình của ông Giô-sép và bà Ma-ry, Đức Chúa Giê-xu khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta. (Lu-ca 2:40)
Khi ông Lê-méc 182 tuổi, vợ chồng ông sinh một con trai, đặt tên là Nô-ê, và nói: “Nó sẽ an ủi chúng ta lúc nhọc nhằn khốn khổ.” (Sáng Thế Ký 5:23) Ông bà Lê-méc đã nuôi dạy ông Nô-ê. Khi lớn lên, dù sống trong một xã hội gian ác, ông Nô-ê được Kinh Thánh giới thiệu là người công chính (Sáng Thế Ký 6:9). Chính Đức Chúa Trời phán với ông Nô-ê: “Ta thấy con là người công chính duy nhất trước mặt ta.” (Sáng Thế Ký 7:1) Ông Nô-ê đã đem đến niềm vui cho cha mẹ của mình.
Con khôn ngoan làm cha vui thoả.
Con khờ dại khiến mẹ buồn đau.
(Châm Ngôn 10:1)
Câu Châm Ngôn là lời cảnh tỉnh, kêu gọi những người con như Am-nôm, Áp-sa-lôn, A-đô-ni-gia, Rô-bô-am,… Dù được cha mẹ dạy dỗ nhưng vì không kính sợ Chúa, không vâng lời, sống theo ý riêng cho nên họ làm khổ cha mẹ của mình.
Con khờ dại làm rầu lòng cha,
Gây cay đắng cho mẹ đã sinh ra nó.
(Châm Ngôn 17:25)
Con công chính và khôn ngoan là phần thưởng cao quý Đức Chúa Trời ban cho cha mẹ. Con công chính và khôn ngoan là món quà quý giá hiếu kính mà con cái dành cho cha mẹ.
Oaktreevu (XuânThu Sách Cơ Đốc)